Nhức nhối lừa bán lao động qua Campuchia: Đổ nợ vì chuộc con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sợ nạn nhân bị đánh chết, đưa đi bán nội tạng, gia đình buộc phải vay nóng lấy tiền chuộc con và rồi gánh món nợ từ trên trời rơi xuống.
Vay nóng lấy tiền cứu con
Tiếp xúc với PV Thanh Niên sau hành trình chuộc con từ bên kia biên giới Campuchia về Việt Nam, bà V.T.M.D (67 tuổi, tạm trú TP.Thủ Đức, TP.HCM) rưng rưng nước mắt nói: “Chiều 22.6, nhận được thông tin phải chuyển 2.600 USD mới chuộc con trai tên T. (tạm trú Q.Bình Thạnh, TP.HCM - PV) về được mà tôi bủn rủn tay chân. Hai vợ chồng già ở nhà thuê với đứa con gái làm việc văn phòng thì lấy đâu ra số tiền lớn như vậy. Nhưng nếu không kiếm tiền chuộc về thì người ta bán nó đi chỗ khác thì số nợ còn lớn hơn, thậm chí đem bán nội tạng, chết mất xác...”.
Hoảng loạn, lo âu nên gia đình đôn đáo chạy đi vay mượn được 60 triệu đồng để chuộc con về. “Tôi năm nay đã 67 tuổi, giáo viên về hưu, còn ổng đã 74 tuổi rồi không làm gì được nữa. Để không phải là gánh nặng cho con cái nên tôi nhận nuôi dạy trẻ có thêm chi phí sinh hoạt gia đình. Trước dịch thì trẻ gửi đông nhưng sau dịch chỉ còn lại 3 - 4 cháu. Trừ hết chi phí tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống thì còn lại một ít để chi phí trong gia đình”, bà D. kể.
Kể từ khi chuộc anh T. từ Campuchia về với số tiền chuộc 59,8 triệu đồng (tức 2.600 USD), gia đình bà D. bỗng dưng phải mang khoản nợ “khủng”. Nhẩm tính một lúc, bà D. nói: “Tôi lớn tuổi rồi ai mà dám cho vay. Số tiền 60 triệu này em gái T. chạy vạy vay của người ta với lãi suất 20%/tháng. Tức cứ 10 triệu tiền vay thì đóng lãi 2 triệu/tháng. Tổng cộng, 60 triệu đồng thì đóng lãi 12 triệu đồng/tháng”.
 
Tòa nhà cao tầng ở Campuchia, nơi các lao động Việt Nam bị lừa sang làm việc bất hợp pháp. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
Tòa nhà cao tầng ở Campuchia, nơi các lao động Việt Nam bị lừa sang làm việc bất hợp pháp. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
Theo bà D., “đưa thằng T. về Việt Nam được là mừng rồi. Còn khoản nợ quá lớn này mẹ con bàn nhau hùn trả dần chứ biết làm sao. Giờ thì mấy anh em nó mỗi người một ít, hùn vô để trả 12 triệu/tháng tiền lời, khi có tiền nhiều hơn sẽ trả thêm khoản nợ gốc cho người ta cho xong luôn”.
Cầm cố nhà chuộc người thân
May mắn hơn là trường hợp gia đình bà L.T.H (ngụ Cần Thơ) có tài sản cầm cố nên lãi suất thấp hơn. Bà H. cho hay tháng 3.2022, đứa cháu (con của em trai ruột) của bà bị lừa bán qua Campuchia. Sau đó, nạn nhân gọi điện về cầu cứu gia đình, nói số tiền chuộc là 110 triệu đồng. “Gia đình nhà em tôi chỉ đi làm thuê làm mướn nên không có số tiền lớn như vậy. Thương cháu, giữa tháng 5.2022, tôi phải đi cầm cố căn nhà đang ở với giá 100 triệu đồng, lãi suất 5%/tháng; cả bà con dòng họ mỗi người góp thêm một ít để đưa cho em tôi đến Mộc Bài (Tây Ninh) chuộc con”, bà H. chia sẻ. Đáng chú ý, khi đến Mộc Bài, vì thông qua “cò”, nên số tiền chuộc lúc này đội lên 135 triệu đồng (bao gồm 25 triệu đồng tiền công của “cò” - PV).
Cũng như nhiều người khác, anh T.T.D. (19 tuổi, ngụ TP.Sầm Sơn, Thanh Hóa) nghe theo lời dụ dỗ sang Campuchia làm việc và bị mua đi bán lại 2 lần, bị cưỡng bức lao động, không được trả lương, và cuối cùng phải cầu cứu gia đình gửi tiền chuộc để được về nhà. Chị T.T.C (mẹ nạn nhân T.T.D) cho biết gia đình đã phải vay mượn 150 triệu đồng để chuộc con, trong khi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, không biết khi nào mới có tiền trả nợ.
 
Mẹ con bà D. (ngụ TP.HCM) đi chuộc con ở Campuchia. Ảnh: Dương Phan
Mẹ con bà D. (ngụ TP.HCM) đi chuộc con ở Campuchia. Ảnh: Dương Phan
“Tôi thì không có việc làm ổn định, nửa năm nay lại đang nuôi con nhỏ, còn chồng thì đi làm thợ xây. Cháu nó (D. - PV) không may bị lừa bán sang Campuchia rồi phải chuộc về, mất tổng cộng 143 triệu đồng. Nhà có tiền đâu, phải mang sổ đỏ đi cắm người ta để vay 100 triệu đồng và vay của anh trai chồng 50 triệu đồng. Tổng gia đình tôi mất 143 triệu đồng để chuộc được con về nhà. D. là con cả, sau D. còn có em gái đang học lớp 1, và em nhỏ mới 5 tháng tuổi. Giờ thu nhập gia đình trông chờ vào tiền công thợ xây của chồng, không biết khi nào mới có tiền mà trả nợ nữa”, chị C. đau đớn kể.
Ngày 27.6, PV Thanh Niên đã ngược lên xã miền núi Long Hiệp, H.Minh Long (Quảng Ngãi) để gặp ông Đ.Q (52 tuổi), người đã phải chạy nhiều nơi vay mượn hơn 300 triệu đồng của anh chị, người thân và bạn bè để đi giải cứu con mình. Con ông Đ.Q là anh Đ.V dù đã có việc làm ổn định nhưng vẫn lén gia đình sang Campuchia theo lời mời “việc nhẹ lương cao” rồi bị sập bẫy lừa…
Ông Đ.Q kể ngày 20.3, anh Đ.V cùng một bạn trong xã Long Hiệp tên là P.V.T đi máy bay vào TP.HCM, có liên lạc về nhà. Đến tối 22.3, Đ.V gọi về cho cậu ruột ở TP.Quảng Ngãi cầu cứu: “Hãy cứu bọn con. Bọn con bị lừa bán sang Campuchia”. Để cứu được con, ông Đ.Q đã phải tốn hơn 300 triệu đồng mà phần lớn đều phải mượn của anh chị, người thân và bạn bè. “Tôi nói với con mình, bây giờ con đi làm mất 10 năm, lương cũng không đủ số tiền ba bỏ ra cứu con về và không biết đến ngày nào mới trả xong gánh nợ này”, ông Đ.Q ngậm ngùi nói.
Vay mượn chưa đủ tiền chuộc con
Ngày 27.6, trao đổi với PV Thanh Niên, chị T.T.H (ngụ ở một tỉnh miền Tây, là chị gái của nạn nhân N.) cho biết cuối năm 2021, N. bị bán qua Campuchia làm, nhưng chịu không nổi cảnh sống ở đây nên mới đây gọi điện thoại cầu cứu gia đình chuộc về. Ban đầu, số tiền chuộc là 100 triệu đồng, giờ thì họ đòi 160 triệu, gia đình chị H. chỉ mới vay mượn được khoảng 60 triệu.
“Gia đình tôi rất khó khăn, cha mẹ tôi ly hôn, mẹ tôi đi làm công nhân, vợ chồng tôi 1 tháng thu nhập chỉ 5 - 6 triệu lại phải nuôi con nhỏ. Đứa em út cũng đi làm thuê cùng mẹ tôi ở Đồng Nai nên số tiền 160 triệu đồng quá lớn với gia đình tôi. Giờ tôi chỉ biết nhờ vào cơ quan chức năng hỗ trợ để em tôi được về nước”, chị H. chia sẻ.
 
Hai kẻ môi giới buôn người bị cảnh sát đặc nhiệm Campuchia bắt. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
Hai kẻ môi giới buôn người bị cảnh sát đặc nhiệm Campuchia bắt. Ảnh: Nạn nhân cung cấp
Theo chị H., “số tiền 60 triệu là mẹ và em tôi vay ngân hàng, nhờ công ty mẹ và em tôi bảo lãnh. Gia đình tôi, thật quá khó khăn không thể chạy ra số tiền như họ yêu cầu, bà con, dòng họ ai cũng khó khăn hết”. “Với lại, tôi cũng lo lắng, vì em tôi nói có nhiều trường hợp gửi tiền chuộc nhưng họ không trả người. Gia đình tôi, khó khăn vay mượn tiền, mà người không được thả về thì vừa mất người mà gia đình gánh thêm nợ. Nhưng thực lòng giờ, tôi như ngồi trên đống lửa, không biết em mình bên đó như thế nào. Ngày nào nhắn tin mà em tôi trả lời tin nhắn thì đỡ lo, em chậm trả lời thì lòng như lửa đốt”, chị H. lo lắng.
Cũng trong ngày 27.6, chúng tôi đến xã Ia Bang, H.Chư Prông (Gia Lai), gặp một người mẹ đã phải chạy vạy vay mượn để có tiền chuộc con từ Campuchia về. Đó là bà L.T.B.T (mẹ của anh P.P.T, 23 tuổi) vừa trở về ngày 15.5.
Bà L.T.B.T cho biết: “Cháu là con đầu, chưa tốt nghiệp THPT. Cách đây mấy tháng cháu đi làm ở TP.HCM sau đó nghe rủ rê của bạn bè, từ ngày 15.2 qua Campuchia làm việc với lời quảng cáo lương 1.000 USD/tháng. Làm từ đó đến giờ chẳng có đồng nào cả. Khi nghe gia đình nói bố đau nặng, gọi cháu về thì bên kia họ nói phải đền hợp đồng, phải chuyển 6.400 USD qua mới để cháu về. Gia đình tôi phải chạy vạy lo cho đủ số tiền vì nghe kể có người không làm được việc, trốn về bị đánh đập, chích điện nên cũng sợ”.
Ngoài anh P.P.T, cơ quan chức năng Gia Lai còn đang tìm hiểu, điều tra 7 trường hợp người bản địa ở xã Ia O, H.Ia Grai đã qua Campuchia làm việc từ nhiều tháng nay nhưng chưa được trở về. Một số đang bị phía bên kia đòi tiền chuộc khá lớn mới cho về, nên nhiều gia đình rất lo lắng cho con em của họ vì hầu hết những gia đình này đều khó khăn, không biết xoay đâu ra tiền để chuộc con.
(còn tiếp)
Theo Thanh Niên
 

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.