Nhớ vụ vây giữ nhà báo 32 năm trước: Giải cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghe phác kế hoạch của Tân (đã nói kỳ trước), trong tôi trào dâng một niềm xúc động về những người nông dân không hề quen biết đã chẳng quản hiểm nguy luôn theo sát các nhà báo chúng tôi. Chợt nghĩ mình vì công việc chung vì chính nghĩa lý ra chính quyền địa phương phải có trách nhiệm. Không phải không tin vào phương án vượt thoát của những người mưu trí dũng cảm như Tân mà thực thi phương án đó thấy hơi bị mạo hiểm và khả năng Tân và anh em bị liên lụy sau này là rất cao! …
10h40 phút ngày 17/8/1990.
Âm thanh trên hệ thống loa truyền thanh xã bất ngờ dội lên. Theo đó một hồi dài là tiếng xủng xoẻng ghê rợn của thứ sắt thép va chạm nhau. Chợt nhớ Bàn Mạch là cái làng nổi tiếng nghề rèn.
Xong cái phần âm thanh quái đản ấy là mồn một giọng nam tố cáo nhóm phóng viên 4 tên hiện đang ở trong nhà ông Lạc, là bọn bồi bút nằm trong kế hoạch hậu chiến chuyển lửa về quê hương của bọn phản động!
Hệ thống truyền thanh oang oang với những thông tin nhảm nhí ấy hành hạ không khí vốn yên tĩnh thanh bình của làng quê Bàn Mạch nói riêng và cả xã Lý Nhân suốt mấy ngày đêm như thế.
11 giờ ngày 18/8/1990
Tiếng loa lại bất ngờ dội lên. Nhưng nghe không rõ… Hình như cả âm thanh cãi vã gì đó… Rồi rõ dần cái tin mời bà con ra hội trường Ủy ban để họp gấp!
Bất ngờ một anh trong tổ bảo vệ chúng tôi vọt vào nhà ông Lạc.
Các anh ơi có tổ cán bộ sắp về làng giải thoát cho các anh rồi!
Sau khi kiểm chứng cái tin bất ngờ này là chính xác, ai cũng phấn khởi vui mừng. Nhưng mấy gương mặt âu lo ghé sát chúng tôi thầm thì rằng các anh ra khỏi nhà chưa chắc đã an toàn!
Anh em chúng tôi khi ấy không mấy để ý đến lời nhắc nhở, sau mới biết sự lo lắng của bà con, những người từng lăn xả để bảo vệ mình mấy ngày đêm không thừa.
Trở lại cái câu trong nhật ký của phóng viên (PV) Phạm Nguyên Bảng là bà con lo lắng quả không thừa.
Nhập trong nhóm thanh niên làng có trách nhiệm đưa tổ PV ra xe đón sẵn, tôi nhác thấy cổng và hàng rào nhà ông Lạc ken đầy những gai tre bít bùng. Không biết đó là anh em trong tổ bảo vệ làm rào chắn để bảo vệ hay nhóm quá khích khác làm để cô lập nhóm PV?
Kia rồi, cái dáng thân quen của Nguyên Bảng, Mạnh Việt, Đào Hóa và Đỗ Hà. Nhưng ngó ai cũng hom hem hốc hác thế này?
Chưa kịp tay mắt mặt mừng, chúng tôi thoắt cái đã rơi vào một thế bất ngờ. Đám đông quá khích đã vây chặt chia lẻ đám chúng tôi. Thoáng nhanh hình ảnh Mạnh Việt bị lên gối. Nguyên Bảng mặc dù bị xô đẩy và những cú thụi túi bụi nhưng vẫn khư khư ôm chặt cái túi. Chao ôi cái túi dết công tác bằng vải của Phạm Nguyên Bảng gần như bất ly thân ( sau này Nguyên Bảng cho hay là khi đó đang đựng máy ảnh, máy ghi âm và những cuộn băng ghi âm bằng chứng quý giá của vụ việc Bàn Mạch).
Tình thế vô cùng bất lợi nếu không có 5 ông công an huyện phối hợp với mấy tổ thanh niên xung kích chuyên bảo vệ nhóm phóng viên ra tay kịp thời. Nhưng vừa tiếp cận chiếc xe đón thì làn sóng âm thanh la ó rằng phải vào Hội trường để trả lời về bài báo đã. Hội ý nhanh, anh em công an huyện thống nhất với phương án đột xuất cứ vào hội trường, còn việc bảo vệ an toàn và tính mạng cho PV thì họ nói không ngại! Nhóm PV lại bị dẫn ngược trở lại.
Hội trường chật ních cùng âm tiếng ồn tiếng la ó hỗn độn. Mãi trật tự mới được vãn hồi. Theo kế hoạch bàn bạc từ trên huyện lúc trưa, ông Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Cưu và Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong Nguyễn Văn Minh sẽ chủ trì cuộc gặp mặt đối thoại này. May, sự có mặt của ông cựu Phó Chủ tịch và đoàn cán bộ huyện và tốp công an, lúc 15h 40 phút, nhóm PV của chúng tôi đã ra được xe và lên đường về huyện Vĩnh Lạc an toàn.

Mạnh Việt (thứ 5, phải qua), Nguyên Bảng (bìa trái), Đỗ Hà (thứ 3 trái sang, hàng đứng) cùng cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong
Mạnh Việt (thứ 5, phải qua), Nguyên Bảng (bìa trái), Đỗ Hà (thứ 3 trái sang, hàng đứng) cùng cán bộ, phóng viên báo Tiền Phong
Cuộc vây hãm diễn ra bắt đầu từ chiều ngày 16/8/1990 là như thế.
Một bài báo khiêm tốn hơn nửa trang trên tờ Tiền Phong với đầu đề Về vụ vây giữ đe dọa nhà báo ở Vĩnh Lạc, Vĩnh Phú đã nổi sóng trên công luận. Cái thời chưa có internet, chưa có mạng xã hội thì chỉ có điện thoại và những lá thư tới tấp gửi về Tòa soạn để tỏ thái độ để sẻ chia. Có vẻ hơi bị lạc lõng và vội vã, thời điểm đó đã có một văn bản của Huyện ủy Vĩnh Lạc (số 04/ KLHU ngày 20-9-1990).
Văn bản ghi rõ “ Chính ông Lạc và gia đình ông Lạc đã vây giữ các nhà báo và các nhà báo đã tự vây giữ mình. Ô tô bị phá là trách nhiệm của lái xe Đỗ Văn Hà. Tổ PV và PV Mạnh Việt phải chịu trách nhiệm trước sự thật và những gì xảy ra tại Bàn Mạch”.
May mắn, cuối năm 90 ấy, một sự kiện đã diễn ra tại Việt Trì. Ấy là cuộc gặp gỡ đối thoại ngày 2/11/1990 giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc, chủ trì là Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Hữu Hải, báo Tiền Phong, Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Văn hóa Thông tin. Trọn một ngày, cuộc gặp gỡ đối thoại đã đi đến 5 kết luận.
- Tổ PV của hai báo Tiền Phong & báo Hội Nông dân Việt Nam về Bàn Mạch công tác là một địa bàn phức tạp mà tỉnh Vĩnh Phúc cũng như huyện Vĩnh Lạc giải quyết nhiều năm nay chưa dứt điểm.

Báo Tiền Phong đưa tin về sự kiện ( tháng 9 và tháng 11/1990)
Báo Tiền Phong đưa tin về sự kiện ( tháng 9 và tháng 11/1990)
- Tổ PV bị bao vây, bị đe dọa. Đây là việc làm tự phát của một số người.
- Xe ô tô bị phá là có thật.
- Sau khi giải thoát cho nhóm nhà báo, đồng chí Chất công an xã bị đánh trọng thương.
- Kẻ xấu gây ra hành động phạm pháp cần được địa phương tiếp tục làm rõ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật.
32 năm đã qua đi. Đồng chí Chất công an viên Bàn Mạch tự điều trị đã lành vết thương. Vĩnh Phú đã tách ra thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Dân làng rèn Bàn Mạch thuộc Vĩnh Phúc dễ thở hơn trước với các tiêu chí một một xã nông thôn mới. Làng xóm yên bình. Hai phe đấu tranh chống tiêu cực và tiêu cực thời ấy nay nhiều vị đã trở thành người thiên cổ!
Cũng chẳng thấy đối tượng nào bị xử lý nghiêm minh theo pháp luật mặc dù báo Tiền Phong cùng Hội nhà báo đã nhiều lần đánh công văn kính gửi cấp này cấp khác?
Và có vẻ chả có ai muốn nhắc đến những ngày buồn 32 năm trước?
Theo Xuân Ba (TPO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.