Miệt mài bước chân thiện nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ở tuổi 63 nhưng bà Nguyễn Thị Lan (số 490 đường Lê Đại Hành, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn miệt mài với các hoạt động thiện nguyện. Theo bà Lan, làm thiện nguyện không chỉ giúp người mà còn để bản thân có thêm niềm vui trong cuộc sống.
Sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh
Chiều cuối tuần, tôi có dịp cùng bà Lan đến thăm và hỗ trợ thực phẩm cho những người khiếm thị trên địa bàn TP. Pleiku. Điểm đến đầu tiên là cơ sở xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền của Hội Người mù (số 67 đường Hoàng Văn Thụ). Do trời mưa nên cơ sở khá vắng khách, 3 người khiếm thị đang trao đổi về cách bấm huyệt. Bà Lan cầm suất nhu yếu phẩm khẽ đặt vào tay từng người. Dù bà Lan không nói câu nào nhưng bằng cách nào đó họ vẫn nhận ra và nói to: “Bà Lan đến ạ”.
Trò chuyện cùng tôi, chị Rơ Lan H’Úc cho hay: “Bà Lan thường đến cho chúng em thức ăn và nhu yếu phẩm. Đợt dịch Covid-19 vừa rồi, cơ sở vắng khách, chúng em không có tiền mua thức ăn, nhiều khi phải ăn mì tôm qua bữa. Bà Lan biết được đã đến tặng gạo, rau củ quả, dầu ăn... Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của bà Lan mà chúng em vượt qua khó khăn. Chúng em xem bà như người thân trong nhà”. 
Bà Nguyễn Thị Lan tặng quà cho học viên ở Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh.  Ảnh: Thủy Bình
Bà Nguyễn Thị Lan tặng quà cho học viên ở Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Ảnh: Thủy Bình
Bà Lan bắt đầu tặng nhu yếu phẩm, cơm chay hay suất bánh canh từ năm 2020 đến nay. Bên cạnh đó, kể từ năm 2016, hàng tháng, bà Lan tự bỏ tiền mua nhu yếu phẩm (mỗi suất trị giá 300.000 đồng) để tặng 10 người khiếm thị đang ở trọ trên địa bàn TP. Pleiku. Họ chủ yếu mưu sinh bằng nghề bán vé số, bán chổi, bán tăm dạo. Đặc biệt, trong đợt dịch Covid-19, bà Lan đã hỗ trợ họ bán gần 1.000 cây chổi.
Rời cơ sở xoa bóp, bấm huyệt cổ truyền của Hội Người mù, bà Lan dẫn chúng tôi đến thăm, tặng quà cho anh Lăng Văn Bền (SN 1983, đang trọ ở 47/2 đường Nay Der, TP. Pleiku). Quê ở tỉnh Lạng Sơn, anh Bền vào Gia Lai mưu sinh bằng nghề bán chổi đã được 10 năm. Lúc chúng tôi đến, anh Bền đang ăn tối, mâm cơm chỉ có vài con cá nục, một tô canh rau. Được tặng quà, anh xúc động: “Hàng tháng, tôi chỉ kiếm được 1-2 triệu đồng, tiền trọ với tiền ăn là hết sạch. Tôi biết ơn bà Lan nhiều lắm, nhờ có bà hỗ trợ mà chúng tôi đỡ khó khăn và vượt qua dịch bệnh”.
Bà Lan tâm sự: “Trong những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, tôi dành tình cảm đặc biệt cho người khiếm thị. Họ từ nơi xa đến mưu sinh và hầu hết đều không có người thân. Thấy các cháu mò mẫm đi bán hàng kiếm sống, tôi không cầm lòng được nên giúp đỡ, động viên mọi người cố gắng vươn lên. Dẫu khiếm khuyết cơ thể nhưng các cháu luôn tràn đầy sự lạc quan, vui vẻ. Các cháu đã truyền năng lượng sống tích cực để tôi thêm gắn bó với công việc thiện nguyện của mình”.
Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm
Gần 3 năm qua, bà Lan còn là thành viên tích cực của bếp ăn Yên Vui (số 50 Thống Nhất, TP. Pleiku). Bếp ăn hoạt động từ giữa tháng 11-2020, nấu ăn miễn phí vào các buổi trưa thứ  hai, tư, sáu hàng tuần.
Khi bếp ăn từ thiện này ra đời, bà Lan là thành viên lớn tuổi nhất tham gia phục vụ. Công việc bắt đầu từ lúc 7 giờ sáng, mỗi phần cơm có từ 3 món trở lên. Để có được những món ăn ngon lành, bà Lan và các thành viên của bếp ăn chọn lựa các loại rau củ quả đảm bảo tươi ngon, thức ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài 150 suất bán tại quán cho những người bán vé số, bán hàng rong… bếp còn đóng hơn 200 hộp cơm để tặng Mái ấm Thiên Ân. Khối lượng công việc nhiều, để cho kịp buổi trưa, bà Lan cùng các thành viên phải cắt đặt sắp xếp phù hợp, tất bật cả buổi mới xong. Khi hoàn thành mọi việc, các thành viên mới ngồi lại ăn trưa, rồi tranh thủ dọn dẹp. Làm việc tự nguyện, không có đồng tiền công nào nhưng bà Lan và các thành viên đều vui vẻ, nhiệt tình, dồn tình cảm vào mỗi suất ăn. Chị Võ Thị Ngọc Hân-thành viên quán Yên Vui-cho biết: “Bếp ăn này đã cấp phát hàng chục ngàn suất cơm đến tay những hoàn cảnh khó khăn. Quán duy trì gần 3 năm, cô Lan đều đến rất sớm và ra về khi đã xong việc. Sự nhiệt tình của cô Lan khiến những người trẻ như chúng tôi thực sự nể phục”.
Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp,  bà Nguyễn Thị Lan đã hỗ trợ anh Lăng Văn Bền- một người khiếm thị bán hơn 200 cây chổi. Ảnh: Thủy Bình
Bà Nguyễn Thị Lan (bìa phải) là thành viên tích cực của bếp ăn Yên Vui (số 50 đường Thống Nhất, TP. Pleiku). Ảnh: Thủy Bình
Không chỉ nấu cơm, bà Lan còn kết nối các tổ chức thiện nguyện để tặng tủ sách, đồ dùng sinh hoạt và thức ăn cho các học viên Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh. Mới đây, bà Lan cùng Câu lạc bộ Vòng tay yêu thương trao tặng 400 cuốn sách hướng nghiệp, đắc nhân tâm, giáo dục đạo đức, hạt giống tâm hồn giúp học viên giải trí, bổ sung kiến thức và thêm niềm tin vào cuộc sống. Ngoài ra, mỗi tháng 3 lần, bà Lan còn phối hợp với một số nhóm thiện nguyện nấu bánh canh tặng các học viên. 
Anh Hoàng Đôn Tình-cán bộ quản lý học viên tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh-cho hay: “Các bạn học viên rất quý bà Lan. Những cuốn sách, những câu chuyện mà bà Lan chia sẻ mang lại rất nhiều giá trị, động viên học viên kiên trì, cố gắng hơn trong điều trị”.
Tạo niềm vui cho mình
Trong 12 năm qua, bà Lan đã tham gia rất nhiều hoạt động ý nghĩa: là thành viên tích cực của Dự án cơm từ thiện Pleiku, tự bỏ tiền túi tặng học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi của Trường THPT chuyên Hùng Vương. Những ngày dịch Covid-19 bùng phát mạnh, bà Lan lại miệt mài làm “người vận chuyển” nhu yếu phẩm hỗ trợ lực lượng tuyến đầu và người dân nơi tâm dịch. Nghe tin ở đâu có người cần giúp đỡ, bà Lan lại tìm đến thăm hỏi, động viên và kết nối sự trợ giúp của mọi người.

Chị Lý Thị Hồng Trị-Trưởng ban Thường trực Mạng lưới Tình nguyện quốc gia khu vực Tây Nguyên: Được đồng hành cùng bà Nguyễn Thị Lan trong các hoạt động, tôi rất thán phục vì năng lượng tích cực dành cho công tác thiện nguyện của bà. Dường như  tuổi tác không là trở ngại trong những chặng đường thiện nguyện của bà Lan. Sự điềm đạm và tâm huyết của bà được các bạn trẻ hết sức ngưỡng mộ và trở thành một tấm gương sáng để họ hướng đến trong công tác thiện nguyện.

Người đàn bà nhỏ bé nhưng luôn nhanh nhẹn, tích cực trên các chặng đường làm việc thiện, chia sẻ lý do đến với công việc mình yêu thích: “Tôi có một quán cà phê nhỏ ở gần chợ Yên Thế. Tuy không dư dả nhưng may mắn khi có một gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành và có công việc ổn định, chồng luôn cảm thông, đồng hành. Gặp người khó khăn hơn mình, tôi lại thấy thương và muốn san sẻ cùng họ. Khi mọi người vui, tôi thấy mình làm được việc có ích, từ đó cố gắng nhiều hơn”.
Bà Nguyễn Thị Lan (bìa phải) là thành viên tích cực của bếp ăn Yên Vui (số 50 đường Thống Nhất, TP. Pleiku). Ảnh: Thủy Bình

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà Nguyễn Thị Lan đã hỗ trợ anh Lăng Văn Bền-một người khiếm thị bán hơn 200 cây chổi. Ảnh: Thủy Bình

Bắt đầu làm thiện nguyện từ năm 2010, thời gian đầu, bà Lan tự bỏ tiền mua quà đến tặng các cụ già và trẻ em ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh. Dần dần, bà Lan trở thành địa chỉ tin cậy để các Mạnh Thường Quân tìm đến chung tay góp sức cho các hoạt động thiện nguyện. Sự rõ ràng và minh bạch trong các hoạt động thiện nguyện khiến bà Lan nhận được sự tin tưởng của các Mạnh Thường Quân. 12 năm gắn bó với hoạt động thiện nguyện, bà Lan không nhớ đã giúp đỡ bao nhiêu gia đình và số phận kém may mắn. Bà tâm sự: “Trong hành trình thiện nguyện, tôi nhận được nhiều niềm vui xen lẫn không ít nỗi buồn. Vui vì có thể sẻ chia, giúp đỡ mọi người. Buồn vì nhiều người cần được giúp đỡ nhưng sức mình không kham nổi, còn vì có người chưa hiểu cho việc mình làm là “chuyện bao đồng”. Tuy nhiên, đem niềm vui đến cho người cũng chính là tạo niềm vui cho mình. Suy nghĩ đó là động lực để tôi ngày càng gắn bó với hoạt động từ thiện”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).