Chuyện về một người ở lại sau Hiệp định Genève

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong những cán bộ, đảng viên được Đảng giao nhiệm vụ ở lại miền Nam sau Hiệp định Genève năm 1954 có nhiều người từ đồng bằng miền Trung được phân công lên Gia Lai. Một trong số đó mang bí danh là Cận-Lãnh, là đảng viên, từng là trung đội trưởng trinh sát thuộc Trung đoàn 120 quân chủ lực Khu 5. Ông tên thật là Mai Xuân Cảnh.
Ông Mai Xuân Cảnh (ảnh tư liệu).
Ông Mai Xuân Cảnh (ảnh tư liệu).
1. Sau Hiệp định Genève năm 1954, Đảng ta nhận định chắc chắn kẻ thù không thực hiện những điều khoản mà Hiệp định đã ghi là sau 2 năm sẽ tổng tuyển cử, thống nhất 2 miền Nam-Bắc. Vì vậy, khi rút lực lượng của mình ra ngoài vĩ tuyến 17, bàn giao phần phía Nam vĩ tuyến cho chính quyền đối phương, Đảng ta đã phân công một số cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam hoạt động bí mật, giữ liên lạc với mạng lưới cơ sở của Đảng, xây dựng cơ sở, vận động quần chúng giác ngộ cách mạng, gây dựng phong trào, chuẩn bị cho kháng chiến lâu dài nhằm thống nhất Tổ quốc, nhất là ở vùng chiến lược tối quan trọng Tây Nguyên.
Trong những cán bộ, đảng viên được Đảng giao nhiệm vụ ở lại miền Nam có nhiều người từ đồng bằng miền Trung được phân công lên Gia Lai. Một trong số đó mang bí danh là Cận-Lãnh, là đảng viên, từng là trung đội trưởng trinh sát thuộc Trung đoàn 120 quân chủ lực Khu 5. Về sau này, khi hoạt động trong vùng đồng bào Bahnar ở An Khê, Đak Pơ, ông còn có thêm một bí danh khác được đồng bào Bahnar đặt cho là Đak. Ông tên thật là Mai Xuân Cảnh. Ông mất cha khi vừa chập chững biết đi. Năm ông 13 tuổi, mẹ cũng theo cha, bỏ lại bầy con côi cút. Cậu thiếu niên Mai Xuân Cảnh đành xếp bút nghiên về ở với gia đình người anh thứ 5, ngày ngày theo anh làm lụng bao việc đồng áng, ấy là năm 1938. Cách mạng Tháng Tám thành công, như bao thanh niên cùng trang lứa bấy giờ, chàng trai tuổi đôi mươi Mai Xuân Cảnh lên đường tòng quân giết giặc theo tiếng gọi của quê hương.
Những năm 1947-1954, ông Cảnh hoạt động ở nhiều vùng trên chiến trường Gia Lai, Đak Lak. Giai đoạn đó, ông là sĩ quan biên chế trong đơn vị quân đội, hoạt động công khai, có đồng chí, đồng đội. Còn sau Hiệp định Genève, khi nhận nhiệm vụ trở lại chiến trường Tây Nguyên, ông hoạt động “đơn tuyến” trong vùng đồng bào Bahnar là chủ yếu. Vùng An Khê, Đak Pơ tuy cách không xa quê hương ông (Cát Trinh, Phù Cát, Bình Định) là bao, song chuyện đi lại, giao lưu ngày ấy không dễ dàng. Với vai trò là “người của làng”, ông đã “hóa thân” thành chàng trai Bahnar, học nói tiếng Bahnar, hòa nhập với cộng đồng nhiều làng Bahnar vùng Nam Kbang và Bắc Kông Chro, Đak Pơ ngày nay. Vốn có chút chữ nghĩa, ông Cảnh không mấy chốc đã am hiểu phong tục tập quán, nói lưu loát ngôn ngữ của bà con Bahnar. Vì vậy, ông được bà con Bahnar và Kinh quanh vùng vô cùng yêu quý, cưu mang, che chở, nuôi giấu. Thông qua họ, ông đã gây dựng được nhiều cơ sở cách mạng trong vùng được tổ chức phân công bám địa bàn hoạt động.
Ngày 15-9-1954, Tỉnh ủy Gia Lai quyết định thành lập Ban cán sự Đảng K8 (An Khê) và chỉ định ông Lê Phi Hùng (sau này được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân) làm Bí thư, ông Mai Xuân Cảnh và Huỳnh Kỳ An làm Ủy viên. Sau khi có sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, tình hình vùng An Khê có bước chuyển biến tích cực. Tuy vậy, do không thể chịu đựng được khó khăn, gian khổ, sự ác liệt của chiến tranh, tháng 6-1955, Huỳnh Kỳ An đã phản bội tổ chức, đầu hàng địch, khai báo nhiều bí mật của ta, trong đó có việc chỉ điểm cho địch phục kích bắt Bí thư Ban cán sự Đảng Lê Phi Hùng. Và chính tay Huỳnh Kỳ An trước khi chạy theo địch đã chém người đồng đội, đồng chí từng gắn bó, chia sẻ ngọt bùi là ông Mai Xuân Cảnh bị thương. Phong trào cách mạng trong vùng bị địch khống chế gần như tê liệt. Nhiều cơ sở của ta bị địch bắt, số còn lại mất liên lạc hoặc không dám hoạt động nữa. Vốn là cán bộ, đảng viên từng trải qua bao gian nan thử thách, nhất là trong thời gian là trung đội trưởng trinh sát, luôn đương đầu với gian khổ, ác liệt trước giặc Pháp, ông Mai Xuân Cảnh còn lại một mình đảm nhận nhiệm vụ nặng nề, chống chọi lại với tình hình ngàn cân treo sợi tóc cho đến khi Ban cán sự Đảng được Tỉnh ủy bổ sung cán bộ và củng cố lại tổ chức đi vào hoạt động.
2. Cuối năm 1968, chú bộ đội tý hon là người viết bài này được bổ sung về làm liên lạc cho thủ trưởng Võ Đoàn Hào-Huyện đội trưởng K8. Công việc của tôi đơn giản là hàng ngày đem các thư từ trao đổi công việc giữa Huyện đội với Huyện ủy, với các đơn vị đứng chân trên địa bàn và các lãnh đạo của K8. Từ công việc ấy, tôi biết ông Mai Xuân Cảnh là Bí thư K8 kiêm Chính trị viên Huyện đội. Ít khi ông có mặt ở đơn vị, nơi ông đến là các đội vũ trang, các chiến sĩ Huyện đội ngoài vùng địch tạm chiếm. Ông Nguyễn Văn Thực bấy giờ là Thiếu úy, Chính trị viên phó, có lần “dọa” tôi về sự nghiêm khắc với bộ đội của Chính trị viên Anhong (anh) Đak. Những tháng đầu, tôi cũng rất sợ khi phải tận tay chuyển thư từ công tác đến Chính trị viên. Kỳ thực không phải thế. Một hôm, tôi vừa cúi đầu chào Chính trị viên sau khi đã trao bức thư cho ông để về đơn vị thì ông gọi tôi lại hỏi han về gia đình, học vấn, công việc. Những tâm sự của chú bộ đội tý hon với thủ trưởng của mình kéo dài cả giờ đồng hồ. Sau cuộc trò chuyện hôm đó chừng gần 1 năm thì tôi nhận được lệnh phân công nhiệm vụ mới: làm văn thư, đánh máy chữ và ấn loát cho Huyện ủy K8.
Sau này, tôi biết vì sao cứ lâu lâu lại có vài chiến sĩ chuyển từ Huyện đội-nơi chỉ có một việc là cầm súng và địa bàn công tác của họ là phía trước, vùng địch hậu, sang bên Huyện ủy-nơi mà việc làm mới của họ hoặc là cầm bút hoặc lao động tăng gia sản xuất, học làm anh nuôi, chị nuôi, y tá, giao liên, đội viên các đội công tác vận động quần chúng... Thì đơn giản thôi, công tác cách mạng là nhiệm vụ gì cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, Chính trị viên phó Nguyễn Văn Thực bảo với anh em chúng tôi như vậy. Nhưng chúng tôi dần suy nghĩ và hiểu thêm, ngoài giải thích của thủ trưởng Thực, sâu xa còn là một ẩn ý tế nhị khác mà chúng tôi hiểu nhưng không ai nói ra. Khi về bên dân chính, tôi có điều kiện gần gũi hơn với Bí thư K8-Chính trị viên Huyện đội Mai Xuân Cảnh. Ông kể, thời chống giặc Pháp xâm lược, Tây Nguyên là vùng mất tự do, Pháp chiếm đóng, kìm kẹp, o ép, áp bức bóc lột bà con các dân tộc. Người dân nhiều vùng đã từ tự phát đến tự giác đứng lên chống Pháp. Ông là một trong những cán bộ, chiến sĩ trong đoàn quân lên Tây Nguyên đánh Pháp, hỗ trợ cho bà con nhiều vùng nổi dậy chống giặc, bảo vệ quê hương...
Ông Mai Xuân Cảnh coi Gia Lai là quê hương yêu thương thứ hai, bà con các dân tộc ở đây là người thân, cùng cảnh ngộ như mình. Người dân quê ông bị hết giặc Pháp rồi đến Mỹ-ngụy cai trị, bóc lột, càn quét đánh phá, mất tự do trên chính mảnh đất quê hương của mình. Cho nên, khi được giao nhiệm vụ cùng các cán bộ, đảng viên khác lên Gia Lai sau Hiệp định Genève, cùng ăn, cùng ở, cùng làm và gây dựng phong trào, xây dựng cơ sở, giác ngộ cách mạng cho người dân tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, ông lập tức chấp hành. Suốt chặng dài từ khi lên Gia Lai, dù gian khổ, ác liệt, hy sinh đến mấy, là một cán bộ phong trào, cho đến lúc giữ các chức vụ lãnh đạo trong Đảng bộ như Tỉnh ủy viên (2 khóa), Phó ban Kiểm tra, Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy hay sau này là Trưởng ty Lao động, ông cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ông Mai Xuân Cảnh, người mà bà con Bahnar đặt cho cái tên dễ yêu, dễ gần là Đak-biết chút ít chữ và tiếng của người Bahnar, tôi đoán rằng (chứ khi hỏi ông về “lịch sử của cái tên” ấy, ông chỉ cười mà không giải thích) có lẽ có cái tên Đak chắc là tính tình ông vốn hiền lành, dễ gần, dễ mến, dễ hòa đồng, luôn tha thứ; cái tâm, cái đức trong sáng, thủy chung, ngọt lành như dòng Hway, Đak Pơ... Trong bất kỳ tình huống khó khăn, ác liệt nào, ông cũng luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt đưa ra quyết định giải quyết tình huống thấu tình đạt lý.
Nhớ có lần tôi thưa với ông về chuyện tên Huỳnh Kỳ An trước khi chạy đầu hàng giặc đã dùng dao chém ông, trong khi ông có súng trong tay nhưng lại không bắn nó, ông chỉ cười và bảo, chưa biết chắc nó có chạy theo địch hay chỉ là bức xúc gì ấy mà hành động bột phát, giết nhầm người sau có hối hận cũng không còn ý nghĩa. Ngày miền Nam giải phóng, ông tìm gặp lại Huỳnh Kỳ An. Sau khi chạy theo địch, Huỳnh Kỳ An được chúng giao cho vài công việc nho nhỏ ở một địa phương vùng Chư Prông ngày nay. Huỳnh Kỳ An ân hận về việc làm của mình, xin tha tội, miễn cải tạo và điều ấy đã được ông Cảnh báo với tổ chức, nguyện vọng của An được đáp ứng. Huỳnh Kỳ An đã ra sức tự mình cải tạo mình thành người có ích cho quê hương bằng hành động chăm chỉ lao động, tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương, hòa nhập với cộng đồng nơi cư trú. Về với đời thường, ông Cảnh đã để lại cho hậu thế tấm gương trong veo để chúng tôi noi theo, làm theo.     
BÍCH HÀ

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.