90 năm: Chuyện đất, chuyện người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Qua 90 năm tỉnh Gia Lai hình thành và phát triển, trong mỗi câu chuyện đời người trên đất này luôn in đậm dấu ấn thời gian. Và trong cuộc gặp gỡ với chúng tôi, niềm tự hào cứ mãi đong đầy trong ánh mắt, nụ cười của những công dân năm nay vừa tròn 90 tuổi. 
“Tuổi xanh chẳng tiếc sá chi bạc đầu”
Đã vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Trần Mân (372 Phạm Văn Đồng, phường Đống Đa, TP. Pleiku) vẫn đi lại, sinh hoạt một cách khỏe khoắn và không quên chăm sóc cây cảnh thường xuyên. Ông cũng rất nhanh nhạy khi sử dụng điện thoại, Zalo liên lạc mỗi ngày.
Ông Mân vui vẻ cho hay, quê ông ở Hòa Thắng, Tuy Hòa, Phú Yên. Năm 1954, ông vào bộ đội, tham gia đơn vị trinh sát của Quân khu 5. Tháng 9-1954, sau Hiệp định Genève, ông tập kết ra Bắc. Do đã học hết cấp II nên ông được tổ chức phân công dạy văn hóa cho những đồng chí chưa biết chữ hoặc mới biết chữ. 2 năm sau, ông được đưa đi bồi dưỡng văn hóa ở Nghệ An để trở về dạy chương trình cấp II. Năm 1961-1962, ông theo học Đại học Sư phạm Hà Nội để rồi tiếp tục vào Vĩnh Linh (Quảng Trị) dạy văn hóa cấp III. 
Tháng 9-1963, ông Mân nằm trong số cán bộ đi B, vào làm công tác tuyên huấn ở cơ quan Tỉnh đội Gia Lai, đóng tại Căn cứ địa Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang). Ông hồi tưởng về những ngày khó khổ: Cán bộ ở căn cứ phải làm đủ việc, tới mùa làm rẫy thì phát rẫy trồng lúa, mì. Hết mắm, muối và nhu yếu phẩm thì xuống đồng bằng mua. Căn cứ nằm giữa rừng sâu núi thẳm nhưng là nơi địch thường lùng sục, đánh phá nên hiểm nguy luôn rình rập. Có đồng chí đi gùi muối thì dọc đường không may bị địch phục kích, hy sinh. Mỗi hạt muối là một hạt mặn đắng. Lần khác, ông và 2 đồng chí đi gác ở một đoạn sông Ba và tranh thủ thả lưới đánh cá để cải thiện bữa ăn. Nào ngờ, đội trinh thám của địch ở Ka Nak bất ngờ xuất hiện và nổ súng bắn chết 1 đồng chí. Ông và người còn lại dìu nhau chạy mới thoát được. 
Ở tuổi 90, ông Trần Mân (phường Đống Đa, TP. Pleiku) vẫn khỏe khoắn, thường xuyên chăm sóc cây cảnh. Ảnh: N.L.P
Ở tuổi 90, ông Trần Mân (phường Đống Đa, TP. Pleiku) vẫn khỏe khoắn, thường xuyên chăm sóc cây cảnh. Ảnh: N.L.P
Năm 1969, cô gái trẻ Phạm Thị Hạnh từ vùng quê Nam Định vào phụ trách công tác cơ yếu của cơ quan Tỉnh đội, ông Mân thầm để ý sau nhiều lần gặp gỡ. Biết bà dự tính chỉ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm là xin về lại miền Bắc, ông viết bức thư bày tỏ tình cảm và động viên: “Nếu cô và tôi lấy nhau, sau này đất nước thống nhất, có điều kiện thì mình cùng về miền Bắc thăm chơi”. Bà Hạnh suy nghĩ vài ngày rồi gật đầu đồng ý. Vài tháng sau, đám cưới của họ được tổ chức ngay trong căn cứ, đúng vào lúc Hiệp định Paris vừa ký kết. Đơn vị ngả thịt con heo hơn 1 tạ; những thân nứa được chặt hạ, đập dập làm thành dãy bàn ghế dài, sau đó cắt lá chuối trải lên. “Vui lắm! Mỗi người đến dự đám cưới đều phải mang theo 1 cái chén, 1 đôi đũa. Cả Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình (Đẳng) cũng đến chung vui. Đó quả là kỷ niệm không bao giờ quên!”-ông Mân như chiếu lại thước phim ngắn trong ký ức. 
Thêm một “thước phim” sống động khác cũng được ông nhớ mãi, đó là vào năm 1974. Khi đó, ông cùng hàng trăm người thuộc nhiều lực lượng và người dân vùng kháng chiến vào rừng tìm gỗ trắc, chặt hạ và kéo gỗ ra nơi tập kết để chở ra Hà Nội xây Lăng Bác. Công việc được tiến hành hoàn toàn bằng sức người nhưng ai cũng hồ hởi. Không khí những ngày ấy vui như có hội. 
62 năm tuổi Đảng, từng được trao tặng 11 huân-huy chương trong kháng chiến song thứ mà ông quý nhất, cất giữ cẩn thận nhất chính là chiếc Huy hiệu Bác Hồ mà ông được tặng thưởng những năm 1960 vì thành tích xuất sắc trong huấn luyện. Chiếc huy hiệu được làm bằng kim loại, hình tròn, có viền vàng. Nổi bật ở giữa nền đỏ là chân dung nhìn nghiêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 
Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, suốt 22 năm sau khi nghỉ hưu (từ năm 1992), nguyên Bí thư Đảng ủy phường Thống Nhất vẫn rất tích cực tham gia công tác địa phương với các vai trò: Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Trưởng ban Liên lạc những người kháng chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường… Với sự kiện trọng đại 90 năm Ngày thành lập tỉnh, ông cho hay: “Tôi thường xuyên theo dõi tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trên Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và báo Gia Lai. Tôi rất vui mừng khi thấy Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên luôn đi sâu đi sát, hướng về cơ sở và rất có trách nhiệm. Tôi mong muốn tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng văn minh đô thị, đầu tư cho đời sống bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách giữa vùng đô thị và nông thôn”. 
Nhắc đến 4 người con đều là cán bộ, giáo viên với những đóng góp thiết thực cho quê hương đất nước trong thời bình, ông cất giọng đọc tặng chúng tôi 4 câu thơ trong bài “Tiếng hát sang xuân” của nhà thơ Tố Hữu: “Tuốt gươm chẳng chịu sống quỳ/Tuổi xanh chẳng tiếc sá chi bạc đầu/Lớp cha trước lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.
“Cây mì ông Phan”
Tìm đến ngôi nhà ở hẻm 32 Võ Trung Thành (phường Ia Kring, TP. Pleiku), chúng tôi may mắn được gặp thêm một người có số tuổi tròn 90. Đó là ông Mai Xuân Phan, người vừa vinh dự nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng và được con cháu tổ chức mừng thọ mới đây. 
Tuy có hơi lãng tai nhưng những câu chuyện trong ký ức ông Phan hãy còn tươi mới lắm. Tiếp chuyện chúng tôi, ông cho biết mình sinh ra, lớn lên ở vùng quê Nga Hưng (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Từ năm 1951 đến 1958, ông tham gia du kích địa phương. Trong suốt 21 năm (1958-1979), ông là kế toán Hợp tác xã Mua bán huyện Nga Sơn rồi lần lượt trở thành Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Hợp tác xã. Tháng 3-1979, ông được lãnh đạo ngành Thương nghiệp tỉnh Thanh Hóa điều động tăng cường cho các tỉnh Tây Nguyên. Lúc này, huyện Krông Pa vừa được thành lập trên cơ sở chia tách từ phần diện tích phía Đông huyện Ayun Pa. Ông Phan nhận nhiệm vụ Phó Trưởng ban Thương nghiệp huyện Krông Pa, tiếp đó là Trạm trưởng Trạm thu mua hàng xuất-nhập khẩu huyện. Từ tháng 10-1985, ông là Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu huyện Krông Pa. 
Chi hội Người cao tuổi và Ban Công tác Mặt trận tổ 9 (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chúc thọ ông Mai Xuân Phan tròn 90 tuổi. Ảnh: N.L.P
Chi hội Người cao tuổi và Ban Công tác Mặt trận tổ 9 (phường Ia Kring, TP. Pleiku) chúc thọ ông Mai Xuân Phan tròn 90 tuổi. Ảnh: N.L.P
Đọng lại trong tâm trí ông về cuộc sống của cán bộ và người dân vùng “chảo lửa” Krông Pa thời ấy là 2 chữ “đói khổ”. Bản thân ông cũng thường xuyên phải ăn cơm độn bắp, cá khô. Ông nhớ lại: “Đường sá, đi lại khó khăn lắm, mỗi lần công tác xuống xã phải đi bộ. Xã xa nhất là Krông Năng, một chuyến công tác phải mất cả tuần”. Không chỉ vậy, bọn phản động FULRO lúc này đang hoành hành, gieo rắc nỗi lo sợ cho nhiều vùng trong tỉnh. Có lần, ông cùng đoàn công tác của huyện xuống xã Ia Rsươm và trú nhờ nhà dân thì bị FULRO tập kích, bắn chết một cán bộ Huyện đội. Những người còn lại chỉ nhờ vào sự may mắn mà thoát chết. 
Rồi đột nhiên ông Phan trở nên “nổi tiếng”, cả huyện ai cũng biết. Chuyện là, các mặt hàng xuất khẩu phổ biến của huyện khi đó gồm mè trắng, mè đen, mì lát, hạt điều, trầm hương… Thấy đời sống người dân quá khó khăn, giống mì địa phương lại cho năng suất thấp, ông liền đi lùng giống mì cao sản đem về nhân ra cho bà con trồng rộng rãi. Giống mì mới cho năng suất thu hoạch cao gấp nhiều lần so với trước kia, khiến nông dân ai nấy đều phấn khởi. Họ gọi đó là “cây mì ông Phan”. Chỉ một việc tưởng chừng đơn giản nhưng khi đặt vào đó cái tâm thì khiến ai cũng thương quý.
Chuyện về khoảng thời gian 16 năm gắn bó với vùng đất phía Đông Nam tỉnh của ông cũng khá thú vị với những chi tiết như: Ông là người đề xuất, phối hợp mua chiếc máy phát điện đầu tiên về phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân; thi thoảng ông còn viết tin phản ánh các hoạt động trên địa bàn huyện gửi cho Báo Gia Lai với bút danh Xuân Mai… Vì thế, năm nào kỷ niệm ngày thành lập huyện, ông cũng được mời rất trang trọng. Lần gần nhất về thăm chốn cũ cách đây vài năm, ông nhận xét: “Krông Pa đang phát triển mạnh, đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt huyện khá khang trang, ở các xã thì điện-đường-trường-trạm đầy đủ”.
Sau khi nhẩm tính, ông Phan rành rọt kể về số đảng viên của đại gia đình hiện nay với tổng cộng 14 người tính cả con cháu, dâu rể. Tất cả đều đã phương trưởng, thành đạt, có những người nắm giữ vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của huyện, tỉnh. “Tôi tự hào về sự cống hiến nhỏ bé của gia đình vào quá trình 90 năm hình thành và phát triển của tỉnh nhà”-ông đúc kết.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.