Khoảng trống dưới những mái nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mỗi nhà báo luôn xác định tâm thế nhập cuộc khi tham gia phản ánh một sự kiện hay thông tin một vấn đề nào đó. Nhưng trước nỗi đau của những gia đình có người thân mất vì Covid-19, chưa lúc nào trong tôi lại đồng cảm hơn thế khi rơi vào nỗi bàng hoàng. Thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ mồ côi. Chúng ngơ ngác chưa hiểu nổi vì sao mái nhà đang yên ấm bỗng chốc vắng đi hơi ấm mẹ, tình thương cha.
Nỗi đau còn lại
Sau vài cuộc điện thoại liên lạc, bà Hoàng Thị Thắm-bà ngoại của 3 đứa trẻ mất mẹ do Covid-19 ở xã Ia O (huyện Chư Prông) hẹn gặp tôi ở đập tràn Bình Dương, cách trụ sở UBND xã chừng 4 km để dẫn đường. Là bởi, căn nhà của bà nằm trên một khoảnh rẫy heo hút ở làng La, đường vào rất khó tìm. 
Khi tôi đến nơi, bà Thắm nhìn chiếc xe máy gầm thấp với vẻ ái ngại: “Phải gửi xe thôi, xe này không đi được đâu”. Ngồi sau xe bà một quãng đường ngắn, tôi mới hiểu ra lý do. Chỉ 5 km mà chúng tôi phải chật vật suốt 30 phút mới tới nhà. Con đường mòn len lỏi giữa mấy đám rẫy bị cày nát bởi dấu xe công nông và các cơn mưa, qua được đoạn đường sống trâu gập ghềnh thì lại gặp một bãi lầy quá nửa bánh xe. Có lúc vượt một đoạn lởm chởm đá, có khi đổ một con dốc trơn trượt, khúc khuỷu đến nỗi có thể mường tượng tình thế gặp phải nếu xe mất thắng. Nhiều lần tôi ngạc nhiên khi thấy mình chưa phải “đo đường”. 
Cuối cùng, ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Tây Bắc cũng hiện ra giữa chênh vênh hoang vắng. Ông Hoàng Văn Nam-chồng bà Thắm cùng 2 đứa trẻ đón tôi ngay đầu cầu thang. Năm 2006, từ xã Minh Xuân, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, đôi vợ chồng người dân tộc Tày này chuyển vào đây sinh sống. “Ở quê khó khăn lắm, nhà 4 khẩu mà có hơn sào ruộng, làm không đủ ăn, ao chuôm không có, không cả đất chăn nuôi”-bà Thắm vừa ôm cháu vào lòng vừa kể. Với bản tính siêng năng, chịu khó, 2 vợ chồng dành dụm mua được vài héc ta đất trồng cà phê, hồ tiêu, điều... Nhưng hồi ấy mua đất sang tay, giờ phát hiện là đất lâm nghiệp nên không làm được bìa đỏ. Cuộc sống thành ra không có gì chắc chắn. 
 Bà Hoàng Thị Thắm thay con gái thăm sóc các cháu mồ côi. Ảnh: Phương Duyên
Bà Hoàng Thị Thắm thay con gái thăm sóc các cháu mồ côi. Ảnh: Phương Duyên
Kể về cô con gái Hoàng Thị Phượng vừa qua đời ở tuổi 22 do Covid-19, câu trước câu sau bà Thắm đã nghẹn lời. 2 đứa cháu ngoại, đứa 4 tuổi, đứa 3 tuổi ngồi cạnh vô tư, tíu tít vì có quà bánh. Chúng quá hồn nhiên để hiểu thế nào là nỗi đau. Chỉ có bà Thắm thi thoảng mắt lại nhòa nước khi nghe cháu gọi nhầm bà là mẹ. Nghe hỏi mẹ đâu, cô em Đinh Hoàng Bảo An ngơ ngác nhìn lên bàn thờ, cô chị Đinh Hoàng Linh Nhi rành rọt: “Mẹ con mất vì Covid-19 rồi!”. Câu trả lời khiến ai cũng lặng đi.
Cách đây 2 năm, chị Phượng cùng chồng là anh Đinh Văn Tự vào Bình Dương làm công nhân; 2 đứa con nhỏ gửi lại cho ông bà nội, ngoại chăm sóc. Mỗi tháng họ gửi về 4-5 triệu đồng để nuôi con. Đầu năm 2021, sau khi ăn Tết xong, vợ chồng trở lại công ty. Khi đứa con thứ 3 mới hoài thai gần 7 tháng tuổi thì chị Phượng phát hiện mắc Covid-19. Được đưa đi cách ly, điều trị vài ngày, chị trở nặng nên các bác sĩ quyết định mổ bắt con. Ngày nào bà Thắm cũng mong cầu điều may mắn nhất sẽ đến nhưng trời chẳng chiều lòng người. Ngày 29-8, người mẹ trẻ qua đời, bỏ lại đứa con đỏ hỏn chỉ nặng 1,3 kg, cần sự chăm sóc đặc biệt.
Nghe tin dữ, cả gia đình suy sụp. Suốt 2 tháng trời, ông Nam không làm nổi việc gì, hết ra lại vào, bỏ mặc vườn tược cỏ dại mọc đầy. Trong lúc chúng tôi trò chuyện, ông chỉ lặng lẽ ngồi ở cửa sổ nhà sàn rít thuốc Lào lọc sọc, mắt đắm vào thinh không. 
Cũng thiệt thòi không kém là 3 em nhỏ ở tổ 9 (thị trấn Kbang) có cha mất vì Covid-19. Đó là các cháu Phạm Tiên Dung 14 tuổi, Phạm Thanh Xuân 12 tuổi và Phạm Thiên Long 5 tuổi. Nhiều năm nay, ngôi nhà mấy mẹ con thuê trọ vốn đã vắng bóng người cha, giờ càng thêm quạnh quẽ vì chỗ trống tinh thần để lại quá lớn. 
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Nguyễn Thị Ánh, mẹ các cháu, trầm giọng kể: Cuộc sống khó khăn, con nhỏ, chi phí sinh hoạt, học hành ngày càng cao nên anh Hải rời quê tha phương vào làm công nhân tại tỉnh Bình Dương. Chị ở nhà vừa chăm con, vừa làm công nhân ở một xưởng gỗ. Vất vả là vậy nhưng đến giờ vợ chồng chị vẫn chưa dành dụm được gì, chỉ thuê ngôi nhà cũ kỹ, xộc xệch trú tạm. Ngày 27-8, khi anh tử vong vì Covid-19 ở tuổi 43 nơi xứ lạ, chị Ánh chới với. Chẳng còn ai cùng gánh vác, mình chị lo cho 3 đứa con thơ dại với mức lương chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng. 
Vượt qua nỗi đau mất cha quá sớm, lũ trẻ bỗng hiểu chuyện và ngoan hẳn. Chỉ có cháu Long là còn quá nhỏ, vẫn luôn nghĩ cha đi làm xa chưa về. “Khi nào thì đến Tết hả mẹ?”. “Con hỏi chi vậy?”. “Dạ vì đến Tết là ba về!”-một cơn đau bóp nghẹt trái tim chị Ánh trước những câu nói thơ ngây của con. 
Ấm áp những sẻ chia
Theo thông tin từ Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), toàn tỉnh có 11 trẻ em mồ côi bố hoặc mẹ do Covid-19. Hầu hết các trường hợp này đều có hoàn cảnh khó khăn như: thuộc hộ nghèo, cha mẹ đi làm ăn xa, cha mẹ ly hôn… Trước nỗi mất mát tưởng chừng không gì bù đắp nổi ấy, các ngành, các cấp và cộng đồng đã kịp thời chung tay sẻ chia với tình yêu thương ấm áp. 
Thầy Phan Đình Toàn (bìa trái)-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm trao số tiền hỗ trợ 2 triệu đồng do Liên Đội nhà trường quyên góp, vận động cho gia đình 2 em Dung, Xuân. Ảnh: Phương Duyên
Thầy Phan Đình Toàn (bìa trái)-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm trao số tiền 2 triệu đồng do Liên Đội nhà trường quyên góp, vận động cho gia đình 2 em Dung, Xuân. Ảnh: Phương Duyên
Nhìn con gái lớn Phạm Tiên Dung (lớp 9) hào hứng học online trên chiếc máy tính bảng vừa được Tỉnh Đoàn trao tặng từ chương trình “Cùng em học trực tuyến”, lòng chị Ánh cũng vui lây. Trước đó, nghe thông báo chuyển sang học online do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chị lo quá vì nhà chẳng có phương tiện gì. May mà Ban Giám hiệu Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm-nơi 2 con chị theo học đã kịp thời nhờ Huyện Đoàn vận động hỗ trợ. Được giúp đỡ, Dung đã có phương tiện học tập, riêng Xuân vẫn phải học tạm trên chiếc điện thoại cũ ba để lại. Thầy Phan Đình Toàn-Hiệu trưởng nhà trường-thông tin: Nắm bắt hoàn cảnh đặc biệt của các em, nhà trường đã triển khai nhiều phương thức hỗ trợ. Chiều 18-11, Ban Giám hiệu nhà trường đã đến nhà thăm hỏi, trao số tiền 2 triệu đồng do Liên Đội vận động, quyên góp, đồng thời lắp đặt thêm 1 chiếc máy tính cũ giúp em Xuân học tập hiệu quả hơn. “Thời gian tới, nhà trường tiếp tục sát cánh động viên các em trong học tập”-thầy Toàn chia sẻ. Trước đó, các ban, ngành, hội, đoàn thể của thị trấn, huyện và nhiều nhà hảo tâm quyên góp giúp gia đình tổng cộng hơn 20 triệu đồng. Cùng với đó, giải pháp hỗ trợ lâu dài cũng được tính đến. Ông Lê Duy Kiên-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Kbang-cho biết, đơn vị đang vận động các tổ chức hảo tâm nhận đỡ đầu cho các cháu ăn học đến năm 18 tuổi. 
Đây cũng chính là định hướng của UBND xã Ia O để “đi đường dài” cùng 3 em nhỏ mồ côi mẹ ở làng La. Chủ tịch UBND xã Ngô Văn Trường bày tỏ sự cảm thông sâu sắc: “Đây là trường hợp đặc biệt khó khăn. Do vậy, ngay khi nắm thông tin, xã đã trích kinh phí và vận động cán bộ, công chức đóng góp, gửi thăm gia đình gần 3 triệu đồng, huyện hỗ trợ thêm 5 triệu đồng. Đoàn xã đang liên hệ với các cá nhân hảo tâm và tổ chức bảo trợ để có hướng trợ giúp lâu dài. Chúng tôi có trách nhiệm quan tâm, dõi theo hành trình đi tới của các cháu”. Niềm hạnh phúc cũng sáng lên trên gương mặt đượm buồn của bà Thắm khi kể về một nhà hảo tâm chưa từng gặp mặt. Thông qua người quen, biết được hoàn cảnh gia đình, người phụ nữ đứng tuổi sống ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đều đặn gửi 1 triệu đồng/tháng để bà Thắm mua sữa cho cháu. Mỗi cuối tuần, bà lại gọi điện hỏi thăm lũ trẻ có ngoan không, có vui không? Gánh nặng trong lòng bà Thắm dịu lại và vơi đi từng ngày.
2 bé Bảo An, Linh Nhi tạm biệt khách từ cửa sổ nhà sàn. Ảnh: Phương Duyên
2 bé Bảo An, Linh Nhi tạm biệt khách từ cửa sổ nhà sàn. Ảnh: Phương Duyên
Nhằm kịp thời động viên hỗ trợ giúp giảm bớt một phần khó khăn đối với các trường hợp bị  ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, ngày 9-9, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã ban hành công văn hướng dẫn thực hiện hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, trẻ em mồ côi cha/mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ do dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 27-4-2021 đến 31-12-2021 sẽ được hỗ trợ 2-5 triệu đồng/em tùy theo nguồn kinh phí vận động. Đồng thời, các em sẽ được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định. Hiện Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã hoàn thành các thủ tục để trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh được nhận hỗ trợ với tinh thần dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho các em, không để em nào bị bỏ lại phía sau.
Tôi nhớ mãi những đôi bàn tay bé xíu như đóa dã quỳ tươi tắn đầu đông giơ lên vẫy chào tạm biệt từ cửa sổ ngôi nhà sàn Tây Bắc của 2 bé Bảo An, Linh Nhi. Bàn tay ấy rất cần những bàn tay khác nắm lấy, dìu đỡ. Cầu mong các em sẽ luôn ấm êm trong sự chăm sóc của những người ruột thịt. Và của cả những tấm lòng biết mấy yêu thương trong cuộc đời này.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.