Người vận chuyển: Không muốn ai bị đói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những 'người vận chuyển' gác nỗi lo về dịch bệnh, cơm áo gạo tiền... tình nguyện trở thành người phát cơm để san sẻ với hàng xóm của mình một bữa no...

Nhóm tình nguyện viên phát cơm trong khu vực phong tỏa tại hẻm 76 Tôn Thất Thuyết. ẢNH: ĐÀO NGUYÊN
Nhóm tình nguyện viên phát cơm trong khu vực phong tỏa tại hẻm 76 Tôn Thất Thuyết. ẢNH: ĐÀO NGUYÊN
Ở TP.HCM những ngày giãn cách xã hội, có hàng trăm khu vực tạm thời phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19. Với những “người vận chuyển”, bản thân họ cũng chồng chất nỗi lo về dịch bệnh, cơm áo gạo tiền..., nhưng vẫn tình nguyện trở thành người phát cơm để san sẻ với hàng xóm của mình một bữa no.
Giờ cơm tới rồi…
Cứ vào đầu giờ trưa, bên trong hàng rào phong tỏa hẻm 76 Tôn Thất Thuyết (P.16, Q.4) lại có 12 tình nguyện viên mặc đồ bảo hộ đang sắp xếp những phần cơm để đưa vào bên trong phát cho người dân. Anh Nguyễn Tấn Phát (30 tuổi, trưởng nhóm tình nguyện viên phát cơm trong khu phong tỏa) cho biết cả nhóm của anh đều sống trong hẻm 76 Tôn Thất Thuyết. Đa phần người dân trong hẻm là lao động chân tay nên khi bị phong tỏa bất ngờ, chỉ còn biết trông chờ vào giúp đỡ nhu yếu phẩm, bữa ăn từ chính quyền và các nhà hảo tâm.
Khu vực phong tỏa (hẻm 76 Tôn Thất Thuyết và 830 Đoàn Văn Bơ, P.16, Q.4) là hẻm sâu và có nhiều hẻm nhỏ nên 2 ngày đầu phong tỏa dù phường đã hỗ trợ thực phẩm cho người dân, nhưng người dân có nhà trong các hẻm nhỏ không thể ra nhận kịp cơm. “Tôi thấy nhiều người dân không được phát cơm nên hỏi chính quyền địa phương mới biết là thiếu nhân lực để phân phát đồ vào bên trong. Bị phong tỏa bất ngờ thì dù người giàu hay nghèo đều cần đồ ăn cả. Tôi không muốn ai bị đói nên đã xin phép chính quyền được lập nhóm để phát cơm cho bà con”, anh Phát nói. Sau khi được phường chấp thuận, anh Phát cùng 3 người trong khu phong tỏa lập nhóm tình nguyện viên và bắt đầu phát cơm từ ngày 24.6 - 3 ngày sau khi con hẻm phong tỏa.
Trong quá trình phát cơm, các bạn trẻ trong khu phong tỏa thấy, liền xin gia nhập nhóm. Hiện nhóm có 12 thành viên và được phường hỗ trợ đầy đủ trang phục bảo hộ, kính chống giọt bắn, khẩu trang và nước khử khuẩn... Hằng ngày, khi nhà hảo tâm mang cơm đến tại điểm phong tỏa, phường sẽ gọi điện thoại vào bên trong thông báo “giờ cơm tới rồi”. Sau đó, mọi người sẽ chạy xe ra để lấy cơm. Người dân trong hẻm chỉ cần ở yên trong nhà và để thau, rổ phía trước cửa kèm theo tờ giấy ghi rõ cần bao nhiêu phần cơm, nhóm sẽ để cơm vào đó. Khung giờ phát cơm hằng ngày, buổi sáng từ 10 giờ và chiều từ 16 - 17 giờ.

Tình nguyện viên soạn cơm xách vào bên trong các hẻm nhỏ để phát. ẢNH: NAM NGUYỄN
Tình nguyện viên soạn cơm xách vào bên trong các hẻm nhỏ để phát. ẢNH: NAM NGUYỄN
Anh Phát kể: “Ngày đầu phát cơm, do không có sơ đồ của khu phong tỏa nên cứ thấy có hẻm là lủi vào để phát, phải mất 4 tiếng mới xong. Sau đó, tôi suy nghĩ mới thấy làm vậy mất thời gian nên nhờ một bạn tình nguyện viên trong nhóm chở đi một vòng quanh các hẻm để vẽ sơ đồ, ghi chú kỹ từng điểm, rồi bắt đầu phân chia nhóm đi theo từng khu vực để phát, giờ chỉ cần 1 tiếng là xong”.
“Nhà tôi có con nhỏ nên ban đầu khi quyết định thành lập nhóm, tôi cũng có chút đắn đo vì nếu trường hợp xấu nhất bị nhiễm bệnh, sẽ ảnh hưởng đến con. Nhưng khi nghĩ lại thấy người dân trong khu phong tỏa không có cơm ăn thì rất thiệt thòi nên mình phải hy sinh. Làm và tuân thủ kỹ 5K”, anh Phát bày tỏ.
Anh Nguyễn Phương Nam (27 tuổi, tình nguyện viên của nhóm) cho biết vào đợt dịch Covid-19 thứ 4, quán cà phê của anh đang kinh doanh buộc phải đóng cửa nên anh cũng chồng chất nỗi lo khi phải trang trải các chi phí sinh hoạt. Nhưng khi thấy người dân chật vật đủ bề vì bị phong tỏa, anh đã tham gia nhóm chuyển phát cơm.
“Ban đầu khi phát cơm, người dân còn ra bên ngoài để nhận cho nhanh và không giữ khoảng cách an toàn. Thấy vậy, nhóm không phát và yêu cầu người dân nên ở trong nhà, rồi nhóm mình sẽ phát qua rổ để phía trước nhà, rất an toàn. Nhóm mình làm việc không chia ca, cứ đến giờ cơm thì anh em mỗi người một tay chia nhau ra phát cho nhanh để người dân có cơm ăn kịp bữa”, anh Nam chia sẻ.

Tình nguyện viên lái xe máy đi phát cơm cho người dân. ẢNH: NAM NGUYỄN
Tình nguyện viên lái xe máy đi phát cơm cho người dân. ẢNH: NAM NGUYỄN
“Giúp mọi người là em vui rồi”
Trong nhóm phát cơm tại khu phong tỏa, Nguyễn Ngọc Đan Tranh (18 tuổi) và Trịnh Minh Thư (19 tuổi) là 2 tình nguyện viên nhỏ tuổi nhất. Đan Tranh kể năm nay đang học lớp 12, khi đang tập trung ôn bài tại nhà nằm trong hẻm 76 Tôn Thất Thuyết để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, thì ngày 21.6 hẻm này lại bị phong tỏa do có ca nhiễm Covid-19. Tranh bị mắc kẹt lại đây và đành phải làm giấy xác nhận để xin thi vào đợt 2.
“Em là thành viên nhỏ tuổi nhất nhóm, nhiều lần đi phát cơm người dân cũng hỏi sao còn nhỏ mà đi làm việc này, không sợ nguy hiểm sao... Em mới trấn an mọi người là ở trong này đi làm cũng mặc đồ bảo hộ kín mít, khử khuẩn đầy đủ. Ban ngày em đi phát cơm cho mọi người, còn ban đêm thì em tranh thủ ôn thi. Mình nhỏ tuổi thì làm việc nhỏ, em giúp mọi người là em vui rồi, chứ em cũng không mong ai biết đến mình đâu…”, Tranh bộc bạch.

Những phần cơm được UBND P.16 (Q.4) vận động nhà hảo tâm chuẩn bị. ẢNH: ĐÀO NGUYÊN
Những phần cơm được UBND P.16 (Q.4) vận động nhà hảo tâm chuẩn bị. ẢNH: ĐÀO NGUYÊN
Trước đợt dịch Covid-19 thứ 4, Minh Thư làm pha chế tại quán cà phê của anh Nam - thành viên trong nhóm tình nguyện và cũng là anh trai của Thư. Ngày con hẻm bị phong tỏa, thấy cảnh người dân không có đủ cơm để ăn, Thư đã phải thuyết phục mẹ để làm tình nguyện viên rồi xin anh Nam tham gia nhóm tình nguyện phát cơm cho mọi người. “Mỗi lần đi phát cơm, em thấy bà con chạy ra lấy là em nói bà con đi vào trong nhà cho an toàn, rồi em để cơm trước cửa nhà. Bởi vì mỗi ngày đi phát cơm tới mấy ngàn người dân, em chỉ sợ có gì lỡ lây bệnh cho mọi người thì tội lắm”, Thư chia sẻ.
Anh Trần Hoàng Hải (28 tuổi, tình nguyện viên trong nhóm) cho biết anh hiện là Bí thư Chi đoàn KP.4, P.16, Q.4. Từ lúc hẻm 76 Tôn Thất Thuyết phong tỏa, anh Hải đã xin tham gia vào nhóm tình nguyện hỗ trợ người dân. “Mỗi lần đi phát cơm, có lúc nhóm phải la lên “bà con ai ăn cơm không?”, nếu có trả lời thì tôi sẽ đến nhà phát cho nhanh. Có những hẻm nhỏ, tôi không lái xe vào được nên phải xách đồ rồi đi bộ vào phát. Mặc đồ bảo hộ nóng lắm, giờ mình mới hiểu được sự vất vả của các y bác sĩ tuyến đầu chống dịch”, anh Hải chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Huân, Phó chủ tịch P.16 (Q.4), cho biết khu vực hẻm 76 Tôn Thất Thuyết, hẻm 830 Đoàn Văn Bơ và các hẻm nhánh liên quan phong tỏa từ ngày 21.6 do có ca nhiễm Covid-19. Khu vực phong tỏa này có hơn 1.000 hộ dân với hơn 2.900 nhân khẩu. Phường đã vận động các nhà hảo tâm chuẩn bị vào buổi trưa và chiều mỗi buổi khoảng 1.200 phần cơm phát tặng cho người dân, nhằm hạn chế người dân ra ngoài, tránh tiếp xúc trực tiếp để hạn chế khả năng lây nhiễm chéo.
Chị Hoàng An (33 tuổi, người dân đang cách ly tại hẻm 76 Tôn Thất Thuyết) cho biết chị đã chi 50 triệu đồng để mua số lượng lớn cam, thịt, đồ khô và rau củ quả… để phân phát cho những hộ khó khăn trong khu phong tỏa. “Của ít lòng nhiều, chứ người dân trong khu này khổ lắm. Ngay cả các bạn tình nguyện viên đi phát cơm, nhiều bạn cũng đang ở trọ, bộn bề khó khăn”.
Theo Song Mai-Đào Nguyên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.