Hồi ức chiến tranh kỳ 1: Vượt Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong đoàn quân trùng trùng điệp điệp “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” giữa những năm kháng chiến chống Mỹ, có những cán bộ từ miền Bắc đã hăng hái nhận nhiệm vụ lên đường chi viện chiến trường Khu 5 và Gia Lai xây dựng cơ sở cách mạng, lãnh đạo phong trào đấu tranh tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhân dịp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai phát động cuộc thi viết về căn cứ kháng chiến Krong, Báo Gia Lai đăng bút ký “Hồi ức chiến tranh” của một người trong cuộc ghi lại ký ức không quên về những năm tháng chiến tranh đầy gian khó, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng ấy. 
Từ sau Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, Mỹ gấp rút củng cố và phát triển quân đội Việt Nam Cộng hòa, mở rộng chiến tranh sang Campuchia, Lào. Chúng tăng cường và đẩy mạnh quy mô, mật độ hành quân càn quét, thực hiện “bình định nông thôn” nhằm khống chế và đẩy lùi lực lượng cách mạng. Lợi dụng lúc ta có khó khăn, địch tập trung lực lượng phản kích quyết liệt trên nhiều hướng làm cho lực lượng vũ trang, chính trị của ta bị tiêu hao, vùng giải phóng bị thu hẹp.
Ngày 10-6-1969, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố thành lập, công bố chương trình hành động nhằm động viên toàn quân, toàn dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Khu ủy Khu 5 đã chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là: “Diệt kẹp, giành dân”. Mọi hoạt động tác chiến của bộ đội chủ lực cũng như bộ đội địa phương đều phải nhằm đạt được mục tiêu này. 
Thời gian này, tôi đang công tác tại Ty Nông nghiệp tỉnh Nam Hà thì nhận được lệnh chuẩn bị vào chiến trường. Các đoàn đi B thường được tập trung bồi dưỡng sức khỏe và luyện tập mang vác nặng tại Trường 105 (tỉnh Hòa Bình) suốt 3 tháng trước khi lên đường. Do tình hình khẩn trương, đoàn của chúng tôi gồm 10 người từ các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và một số địa phương tập trung về chỉ được bồi dưỡng 1 tuần tại Sơn Tây là lên đường ngay. Trên mảnh giấy chứng minh nhỏ bằng 3 ngón tay, ghi địa chỉ nơi tới là B46-Bác Ân (mật danh của Khu ủy Khu 5).
Từ Hà Nội vào tỉnh Quảng Bình, rẽ lên phía Tây là Binh trạm Ho. Từ đây, bắt đầu một quãng đường đi bộ ròng rã 3 tháng vượt dãy Trường Sơn. Biết rằng trước mắt là một chặng đường hết sức khó khăn, nguy hiểm, nhưng ai cũng tâm niệm câu thơ của nhà thơ Tố Hữu khi tiễn Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường miền Nam: “Dẫu một cây chông trừ giặc Mỹ/Hơn ngàn trang giấy luận văn chương…”.
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ (ảnh tư liệu).
Bộ đội hành quân trên đường Trường Sơn thời chống Mỹ. Ảnh tư liệu
Hành trang chúng tôi mang theo đủ gọn để có sức đi đoạn đường dài. Đường Trường Sơn đã mở nhiều nhánh: đường ô tô tuy nhanh nhưng thường bị ném bom; đường mòn đi bộ khó khăn nhưng rất an toàn, dùng để chuyển quân và một số đoạn kết hợp vận chuyển hàng bằng xe đạp thồ. Bộ đội hành quân theo đơn vị, còn chúng tôi là dân chính đi lẻ do giao liên dẫn đường, mỗi ngày đi 1 trạm. Mỗi lần đến kho lương thực nhận gạo 7 ngày. Khi đến trạm giao liên thì căng tăng, mắc võng, tìm củi nấu cơm, chuẩn bị cho ngày hành quân tiếp theo. Những ngày đầu còn khỏe nên đi khá nhanh. Trên đường giao liên thỉnh thoảng gặp một đoàn thương binh ra Bắc an dưỡng, anh em lại tranh thủ viết thư báo tin về gia đình. Giữa Trường Sơn, tình cảm con người tự nhiên gắn bó. Tuy chưa quen biết nhưng những người đưa thư hết sức trân trọng, hứa sẽ tìm đến tận nhà để chuyển thư.
Lúc này, Trường Sơn đã bắt đầu chuyển qua mùa mưa với những cơn mưa dữ dội. Đường đi có những dốc cao dựng đứng, chúng tôi phải bám rễ cây leo lên. Có đoạn phải đi trên cầu treo mắc bằng cây rừng dài vài trăm mét cheo leo trên sườn núi. Những lúc vượt sông, mấy anh em phải cho quần áo vào bao ni lông buộc thành phao bơi rồi bám dây lội qua. Có lần, đang qua sông thì đoàn chúng tôi gặp nước lũ đổ về, một nửa đã qua, một nửa còn lại đành ngủ bên bờ sông đốt lửa sưởi ấm chờ sáng hôm sau nước rút mới qua được. Thỉnh thoảng, chúng tôi lại gặp một đơn vị bộ đội vác các nòng pháo dài trên đường. Thật đáng khâm phục cho tầm nhìn, ý chí và quyết tâm của những nhà lãnh đạo quân sự. Lúc đó, tôi tự nhủ, sự gian khổ của mình chưa thấm gì với gian khổ của các đồng chí bộ đội phải khiêng pháo vượt Trường Sơn.
Đi đến Nam Lào thì một số người bắt đầu nhiễm sốt rét. Tôi và một đồng chí sốt nặng nên phải vào trạm xá giữa đường điều trị, các anh em khác tiếp tục lên đường. Đêm đầu tiên ngủ trong bệnh xá, gần sáng nghe tiếng bộ đội gọi nhau vào rừng chặt le để quàn xác chôn một đồng chí mới mất trong đêm vì sốt rét. Sáng hôm sau, tôi bàn với người bạn bỏ trạm xá đi tiếp vì ở lại không biết phải nằm bao lâu mà rồi sẽ lạc đơn vị. Ngày hành quân tiếp theo thật là gian khổ. Vì bị sốt không theo kịp, hai chúng tôi bị rớt lại phía sau. Anh bạn nói với tôi để anh đi trước nấu cơm, nếu không cả hai sẽ không về trạm kịp trong ngày. Một mình tôi đi sau cứ nhìn theo cành cây của giao liên làm dấu để lần bước. Đến tối, khi lội qua một con suối tôi bị trượt chân, đèn pin và cây gậy trôi mất. Tôi lóp ngóp bò dậy, tiếp tục đi theo cảm giác chủ quan vì không còn nhìn thấy đường nữa. Đi mãi rồi cũng thấy một ánh lửa phía xa. Tôi bất chấp gai góc, tìm cách băng qua mọi bụi cây để hướng thẳng tới nơi có ánh sáng. May mà đó đúng là trạm giao liên. Về đến nơi, mọi người đã ngủ ngon. Người bạn đã nấu cơm, đốt lửa ngồi sưởi chờ tôi. Hôm sau, tôi đành nằm lại trạm vì bị sốt li bì.
Tuy mệt nhưng tôi và người bạn vẫn tiếp tục đi. Chúng tôi tự nhủ: Quyết tâm không để gục ngã vì bệnh tật! Cuối cùng cũng vượt qua sông Sêka Máng để vào đất tỉnh Quảng Nam. Từ Trạm Lâm, tôi được giao liên dẫn về Khu ủy Khu 5 trong niềm vui gặp lại anh em trong đoàn.
BÙI KẾ NGHIỆP

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.