Về thôi, đồng đội ơi!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- "Thế là tao đi đánh Mỹ không về thật mày ạ. Nếu còn sống đến khi đất nước hòa bình nhớ đưa tao về với nhé”. Tâm trí của thương binh già Phan Ngọc Huân không chút nguôi yên khi nhớ đến lời trăn trối của đồng đội trước lúc hy sinh. Bởi vậy, ông lặng lẽ ngồi vẽ sơ đồ mộ chí rồi gửi cơ quan chức năng tìm kiếm, quy tập. Bản thân ông cũng không ít lần lặn lội chốn rừng thiêng nước độc tìm hài cốt đồng đội để đưa về an nghỉ trong lòng đất mẹ".
Nhiều lần chết hụt trên chiến trường
Tôi tìm về thôn Huy Hoàng (xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) để được nghe ông Phan Ngọc Huân kể về những năm tháng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và nhiều lần lặn lội rừng sâu tìm hài cốt đồng đội. Dù đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Huân rất minh mẫn. Ký ức thời trai trẻ và hành trình tìm hài cốt đồng đội lần lượt được khơi mở trong câu chuyện ông chia sẻ với tôi. 
Ông Huân sinh năm 1948, quê ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tháng 1-1966, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông nhập ngũ tại Đại đội 8, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320A, đóng ở Hà Nội. Đến tháng 10-1966, ông cùng đơn vị hành quân vào chiến trường B2. Ông cùng đồng đội đặt chân đến tỉnh Bình Phước sau hơn 6 tháng đi bộ rồi lần lượt di chuyển khắp vùng Đông Nam Bộ chiến đấu với kẻ thù. 
Tháng 3-1968, khi đơn vị ông đi thực địa ở Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) thì bất ngờ gặp quân Mỹ đổ bộ. Một trận đánh ác liệt diễn ra tại đây. “Khi đó, dưới mặt đất, lính Mỹ bắn đạn như vãi trấu, còn trên bầu trời máy bay quần thảo đua nhau xả súng, quăng lựu đạn, gọi đầu hàng. Chúng tôi dùng súng AK bắn về phía quân địch. Đến 12 giờ trưa, nhìn quanh không thấy đồng đội, tôi vừa chạy về hầm trú ẩn vừa bắn lên chiếc máy bay bám theo nã đạn. Tôi vừa vào đến hầm trú ẩn thì địch bắn súng liên hồi và ném lựu đạn. Tôi suýt nằm lại ở nơi này vì lần đầu thì một viên đạn bắn trúng máy thông tin đeo sau lưng, còn chân trái thì trúng 3 viên đạn. Tiếp đó, 2 quả lựu đạn ném vào nhưng nhờ hầm có 2 cửa nên tôi chỉ bị ngất do sức ép. Địch tưởng tôi đã chết nên rút quân. Một lúc sau, tôi tỉnh dậy và tìm về đơn vị”-ông Huân hồi nhớ.
Ông Phan Ngọc Huân (bìa phải) kể cho P.V nghe hành trình tìm hài cốt đồng đội. Ảnh: Hoành Sơn
Ông Phan Ngọc Huân (bìa phải) kể cho phóng viên nghe hành trình tìm hài cốt đồng đội. Ảnh: Hoành Sơn
Sau khi được chữa trị, ông tiếp tục tham gia chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Đến đầu năm 1972, trong lần cùng đồng đội chiếm lĩnh trận địa ở Quận 10 (Sài Gòn) thì bất ngờ gặp quân địch phục kích khiến ông bị thương một lần nữa.
Ông Huân kể: “Do trúng đạn cối và lựu đạn nên anh Huỳnh-Tiểu đội trưởng và đồng đội hy sinh, còn tôi thì bị thương. Dù người đầy vết thương nhưng tôi cố chạy vào hẻm nhỏ rồi rút lựu đạn ném khiến 6 lính địch chết tại chỗ. Sau đó, tôi cố trèo lên nóc một nhà dân nằm dù mệt lả, đói khát và đau đớn. May mắn là gia đình đó thường vo gạo rồi đổ nước vào một cái ca nên đêm đến, tôi bò xuống uống cầm hơi. Đến 4 giờ sáng ngày thứ 3, tôi tìm đường về đơn vị rồi được đưa đi chữa trị”.
Ông Huân tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến khi giải phóng miền Nam-thống nhất đất nước. Sau đó, ông tiếp tục tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979. Đến năm 1982, ông phục viên với thương tật thương binh 31%, bệnh binh 61%. Tháng 10-1984, ông cùng gia đình chuyển vào xã Ia Rsươm xây dựng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
36 năm gắn bó với quê hương thứ 2, cuộc sống gia đình ông Huân từng bước khởi sắc. Những người con của ông được học hành đàng hoàng và đều đã có mái ấm của riêng mình. Trong đó, người con thứ 3 đang công tác tại một trường học ở huyện Krông Pa; người con út đang công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. 

Ông Phan Ngọc Huân: “Đã mười mấy năm, tôi không nhớ đã vẽ bao nhiêu cái sơ đồ. Vẽ xong thì tôi tìm cách liên lạc với tỉnh đó để gửi sơ đồ. Tôi đã gửi cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh… để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tôi tính, từ những sơ đồ đã vẽ gửi và dẫn đường đi tìm, các tỉnh đã quy tập được khoảng 500 hài cốt liệt sĩ”.    

Ngồi nghe ông kể chuyện, thi thoảng tôi ngước nhìn lên. Trước mắt tôi là bức tường ngôi nhà xây cấp 4 đã nhuốm màu thời gian-nơi treo nhiều bằng khen, giấy khen do các cấp, ngành Trung ương, địa phương trao tặng ông Huân và gia đình vì những đóng góp cho xã hội thời chiến tranh cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội.

Canh cánh chuyện đi tìm hài cốt đồng đội
Kể chuyện đi tìm hài cốt đồng đội, ông Huân không giấu được sự xúc động. Người thương binh già trầm giọng: “Lời trăn trối của đồng đội trước lúc mất rằng: “Thế là tao đi đánh Mỹ không về thật mày ạ. Nếu còn sống đến khi đất nước hòa bình nhớ đưa tao về với nhé” làm tôi day dứt không yên. Mỗi khi nhớ đến, lòng tôi như nghẹn lại, nước mắt ứa trào. Tôi bắt đầu chắp nối những sự kiện, trận đánh, vị trí các đơn vị quân y, nơi chôn cất đồng đội rồi vẽ thành nhiều sơ đồ gửi cơ quan chức năng để họ tìm kiếm hài cốt đồng đội về cho gia đình. Tôi cũng trực tiếp đi tìm kiếm nhiều lần”.
Đến bây giờ, ông Huân không nhớ nổi tổng số sơ đồ mình đã vẽ rồi gửi cho cơ quan chức năng các tỉnh để tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt đồng đội. Ông dặn lòng phải vẽ lại các sơ đồ vì lo mình quên do tuổi ngày một cao mà đồng đội còn nằm trong đất lạnh nơi nào đó, gia đình họ thì đau đáu ngóng trông.
“Đã mười mấy năm, tôi không nhớ đã vẽ bao nhiêu cái sơ đồ. Vẽ xong thì tôi tìm cách liên lạc với tỉnh đó để gửi sơ đồ. Tôi đã gửi cho các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Đak Nông, Đak Lak, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh… để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Tôi tính, từ những sơ đồ đã vẽ gửi và dẫn đường đi tìm, các tỉnh đã quy tập được khoảng 500 hài cốt liệt sĩ rồi. Ví như chỗ tôi trúng lựu đạn suýt chết, tỉnh Tây Ninh đã cất bốc được một số hài cốt liệt sĩ. Nghe họ báo lại thế chứ tôi không đi trực tiếp nên không rõ bao nhiêu hài cốt đồng đội được quy tập. Cứ tìm được là mừng lắm rồi, đồng đội đã về, không còn nằm lạnh lẽo trong lòng đất”-ông Huân bùi ngùi tâm sự.
Cùng với việc vẽ sơ đồ để các tỉnh, thành tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ thì ông Huân còn trực tiếp cùng các cơ quan chức năng đi tìm kiếm. Đơn cử như năm 2012, ông đã cùng Đội K51 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đak Lak) đến một ngọn núi ở huyện Tuy Đức (tỉnh Đak Nông) tìm được 25 hài cốt liệt sĩ. Cũng tại một khu vực núi gần đó, sau khi nghe ông Huân chỉ vị trí, Đội K51 đã tìm thêm 2 hài cốt liệt sĩ. 
Đại tá Vũ Văn Sơn (bìa phải)-nguyên Đội trưởng Đội K52 cho biết đã cất bốc thêm nhiều hài cốt liệt sĩ ở Viện K20 thông qua chỉ dẫn của ông Huân. Ảnh: Hoành Sơn
Đại tá Vũ Văn Sơn (bìa phải)-nguyên Đội trưởng Đội K52 cho biết đã cất bốc thêm nhiều hài cốt liệt sĩ ở Campuchia thông qua chỉ dẫn của ông Huân. Ảnh: Hoành Sơn
Mùa khô 2009-2010 và mùa khô 2010-2011, ông Huân cùng Đội K52 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai) đi khảo sát, tìm kiếm tại khu vực rừng thuộc xã Ochalong (huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia) và phát hiện được 99 hài cốt liệt sĩ rồi đưa về nước làm lễ truy điệu, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ.
“Nơi đó hồi trước mọi người gọi là Viện K20. Khi bộ đội ta bị thương thì chuyển về đây điều trị. Nhiều đồng chí hy sinh cũng được chôn cất tại đây. Lần đầu, tôi dẫn đường cho anh em Đội K52 đi tìm. Trong khi đi, tôi nói với mọi người nếu đến gần khu vực đó mà thấy có một con suối nằm bên tay phải là đúng rồi. Phải đi bộ cả ngày trong rừng mới tìm đến nơi này nhưng chưa xác định được cụ thể vị trí chôn cất liệt sĩ. Tối đó, chúng tôi phải ngủ lại rừng và nấu cháo ăn vì thiếu lương thực. Đến lần sau thì tìm được đúng vị trí với nhiều vật dụng như tăng, võng… Sau đó, Đội K52 ở lại tiếp tục tìm kiếm, còn tôi về Việt Nam. Khi tôi đang nằm viện điều trị bệnh thì các anh ấy gọi về thông báo là đã tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ và đang mở rộng tọa độ tìm kiếm. Nhận tin báo tìm được hài cốt đồng đội, tôi mừng đến nỗi như khỏi hẳn bệnh”-ông Huân chia sẻ. 
Đại tá Vũ Văn Sơn-nguyên Đội trưởng Đội K52-xác nhận điều này: “Bác Huân vẽ sơ đồ chỗ Viện K20 có 3 ban. Mùa khô 2009-2010, Đội K52 tìm được mấy chục hài cốt liệt sĩ ở ban 3. Mùa khô 2010-2011, khi đó tôi là Đội trưởng có liên lạc với bác Huân rồi tiếp tục tổ chức tìm kiếm ở ban 3 và ban 2 thì quy tập được thêm nhiều hài cốt liệt sĩ nữa”.
Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Toản-Đội trưởng Đội K52 thì những năm qua, ngoài tìm kiếm ở các vị trí khác, đơn vị vẫn tổ chức tìm kiếm tại ban 1 theo sự chỉ dẫn của ông Huân nhưng chưa tìm thêm được hài cốt các liệt sĩ ở đây.
*
Choàng thêm chiếc áo cho đỡ lạnh, người thương binh già nhìn về hướng xa xăm rồi khẽ nói: “Tôi còn muốn đi đến nhiều nơi nhưng sức yếu rồi. Giờ tôi chỉ chắp nối ký ức rồi vẽ lại sơ đồ cho cơ quan chức năng tiếp tục tìm kiếm để đồng đội được về an nghỉ nơi quê hương”.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.