Tâm sức của những 'chiến binh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với sự hỗ trợ của nhóm công tác Viện Pasteur TP.HCM, đến nay Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 - Đà Nẵng (Bộ Công an) đều đã đưa vào vận hành hệ thống xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2.
 
Nhóm cán bộ Viện Pasteur TP.HCM hoàn thành phòng xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an, tại Đà Nẵng)
Nhóm cán bộ Viện Pasteur TP.HCM hoàn thành phòng xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện 199 (Bộ Công an, tại Đà Nẵng)

Trước đó, theo phân công của Bộ Y tế, nhóm công tác của Viện Pasteur TP.HCM đã có mặt hỗ trợ Đà Nẵng ngay từ những ngày đầu để tham gia kiểm soát dịch Covid-19 và thiết lập

phòng xét nghiệm. Hiện Viện Pasteur TP.HCM cũng sẵn sàng tăng thêm phòng xét nghiệm Covid-19 tại các cơ sở y tế khác theo sự phân công của Bộ Y tế.
Sẽ trở về khi tâm dịch yên bình
Từng nhiều lần xa nhà hỗ trợ xét nghiệm Covid-19 cho các tỉnh, nhưng đến với tâm dịch Đà Nẵng lần này là lần TS-BS Hoàng Quốc Cường, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, và “đồng đội” xa nhà lâu nhất. Sự động viên lớn nhất trong anh là mỗi ngày nhận được thư và tranh vẽ động viên tinh thần của con. Anh luôn nhủ với lòng: “Sẽ trở về khi tâm dịch Đà Nẵng yên bình, để con được đến trường”.
 
Đưa thiết bị từ TP.HCM ra Đà Nẵng lập phòng xét nghiệm Covid-19  ẢNH: THÙY LINH
Đưa thiết bị từ TP.HCM ra Đà Nẵng lập phòng xét nghiệm Covid-19 ẢNH: THÙY LINH
8 giờ sáng 30.7, khi nhận nhiệm vụ ra hỗ trợ Đà Nẵng xét nghiệm Covid-19, TS-BS Hoàng Quốc Cường không hề do dự. Anh ngồi vào bàn lên kế hoạch cho chuyến đi vì tất cả tư trang đã sẵn sàng từ trước.
10 giờ sáng, cuộc họp nhóm công tác diễn ra, do PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, chủ trì cùng các chuyên gia. Viện trưởng phân công nhiệm vụ là thiết lập thêm các phòng xét nghiệm Covid-19 cho Đà Nẵng nhằm phát hiện nhanh, chính xác những ca bệnh để kịp thời cách ly, điều trị, khoanh vùng, dập dịch. Nhóm công tác đi lần này là những “chiến binh” thiện nghệ nhất của Viện Pasteur TP.HCM với quyết tâm “sẽ chiến thắng trở về”.
Ăn cơm trưa xong và sau vài giờ chuẩn bị trang thiết bị y tế, vật tư sinh phẩm cùng dụng cụ bảo hộ, 14 giờ nhóm ra sân bay Tân Sơn Nhất để bay đi Huế, sau đó di chuyển vào Đà Nẵng trong đêm để triển khai nhiệm vụ ngay lúc 21 giờ ngày 30.7.
“Anh em ai cũng quyết tâm cao độ. Khi lên đường nhận nhiệm vụ thì chưa kịp chia tay gia đình và vợ con. Các con hằng ngày vẫn viết thư và vẽ tranh gửi cho ba với lời nhắn nhủ: Ba phải chống dịch thành công để tụi con được đến trường”, TS-BS Hoàng Quốc Cường tâm sự.
Thạc sĩ Hoàng Anh cùng nhóm công tác, cũng không kịp về nhà lấy đồ dùng cá nhân mà nhờ vợ mang đến Viện Pasteur TP.HCM. Thạc sĩ Hoàng Anh kể: “Hôm bà xã chia tay chồng đi chống dịch mà mắt nhòe đi, nhưng rất đỗi tự hào”. Còn kỹ sư Duy, thành viên nhóm công tác, chia sẻ thêm: “Trong cơn đại dịch, tôi cứ đi khi đồng nghiệp và người bệnh cần, giúp được gì cho đồng đội và người dân Đà Nẵng thì giúp. Nhiệm vụ của tôi là kiểm tra các thiết bị phòng xét nghiệm đảm bảo an toàn và chính xác khi thực hiện xét nghiệm”.
Khi tâm dịch Covid-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam bùng phát và diễn biến phức tạp từ cuối tháng 7.2020 đến nay, có hàng chục nhóm y bác sĩ từ TP.HCM, Hải Phòng, Bình Định... đến chi viện, tiếp sức cho các cơ sở y tế Đà Nẵng, Quảng Nam chăm sóc, điều trị bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân Covid-19. Chính sự chi viện, tiếp sức rất kịp thời này đã góp phần quan trọng giúp cho vùng tâm dịch từng bước vượt qua áp lực căng thẳng trong cơn đại dịch Covid-19.
Xuyên đêm lập phòng xét nghiệm Covid-19
Thời điểm này, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng mỗi ngày xét nghiệm Covid-19 với số lượng mẫu rất lớn. Khi đến Đà Nẵng, nhiệm vụ chính của nhóm công tác Viện Pasteur TP.HCM là “chia lửa” xét nghiệm Covid-19 với CDC Đà Nẵng. “Nhiệm vụ của nhóm là hỗ trợ và thiết lập nhanh phòng xét nghiệm chẩn đoán khẳng định Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR cho Bệnh viện (BV) 199 và các cơ sở y tế khác”, TS-BS Hoàng Quốc Cường nói.
Sau khi xác định nhiệm vụ chính, việc đầu tiên là nhóm phải thiết kế lại phòng xét nghiệm và chỉnh sửa phòng ốc phù hợp để đảm bảo an toàn sinh học cho phòng xét nghiệm và đúng theo quy định của Bộ Y tế. Song song đó, Viện Pasteur TP.HCM vận động các nhà hảo tâm để chi viện cấp tốc các trang thiết bị máy móc vận chuyển từ TP.HCM ra Đà Nẵng.
Sau khi phòng ốc đã hoàn thành, nhóm lập tức đào tạo nhân viên của BV 199 về an toàn sinh phẩm, phương pháp lấy mẫu, phương pháp xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime PCR. Tiếp đó, tiến đến cho nhân viên xét nghiệm BV thực tập, lên kế hoạch xét nghiệm tổng thể và vận hành các quy trình cần thiết phục vụ công tác xét nghiệm.
“Sau 4 ngày làm việc liên tục và vất vả xuyên đêm, nhóm công tác và BV 199 đã đưa vào hoạt động hệ thống xét nghiệm khẳng định Covid-19 được các lãnh đạo Bộ Y tế và chuyên gia đánh giá cao. Hiện tại hệ thống đang vận hành với công suất tối đa để đáp ứng nhu cầu xét nghiệm của Đà Nẵng”, TS-BS Cường chia sẻ thêm.
Dù đang ở tâm dịch Đà Nẵng, hằng ngày, nhóm của TS-BS Hoàng Quốc Cường và đồng đội vẫn giao ban trực tuyến với bộ phận thường trực ở Viện Pasteur TP.HCM. Theo anh Cường, công việc ở Viện cũng đang rất nhiều nhưng nhóm động viên nhau cố gắng hết sức để giúp Đà Nẵng hết dịch rồi mới được về.
“Như người một nhà”
Đại tá, bác sĩ CK2 Nguyễn Văn Đăng, Phó giám đốc BV 199 (Bộ Công an) - thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Bộ Công an, cho PV Thanh Niên biết, ngay từ khi dịch Covid-19 xảy ra tại Đà Nẵng vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua, theo chỉ đạo của Bộ Y tế, Viện Pasteur TP.HCM đã cử một viện phó và các chuyên gia kỹ thuật của Viện đến BV 199 để giúp triển khai xét nghiệm khẳng định Covid-19 bằng kỹ thuật Realtime PCR.
Theo đại tá Nguyễn Văn Đăng, nhóm cán bộ của Viện Pasteur TP.HCM cùng BV tiến hành sửa chữa, hoàn thiện để phòng xét nghiệm tại BV 199 đạt chuẩn an toàn sinh học. Sau đó đưa máy móc từ TP.HCM ra Đà Nẵng bằng cả đường bộ, đường hàng không để lắp đặt. Nhóm cán bộ Viện đã làm ngày, làm đêm rất vất vả, ăn ngủ luôn tại BV. Nhóm cán bộ Viện Pasteur còn thực hiện đào tạo, cầm tay chỉ việc cho 31 nhân viên khoa xét nghiệm lấy mẫu và các cán bộ thực hiện xét nghiệm. Từ ngày 5.8, Bộ Y tế đã đến kiểm tra phòng chống dịch tại BV 199 và đánh giá cao phòng xét nghiệm Covid-19 này. Hiện Bộ Y tế cũng đã chấp thuận cho phòng xét nghiệm đặt tại BV 199 được xét nghiệm khẳng định Covid-19 tại miền Trung.
“Các anh em nhóm công tác như là người một nhà của BV 199. Tại BV chưa bao giờ có phòng xét nghiệm được lắp đặt và chủ động đưa vào hoạt động nhanh như vậy để thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân từ BV Đà Nẵng chuyển qua. Xét nghiệm cho cả cán bộ, nhân viên BV, công an tham gia phòng chống dịch. Phòng xét nghiệm đặt tại BV 199 đã tham gia vào chuỗi xét nghiệm để chẩn đoán nhanh Covid-19, đáp ứng nhu cầu rất lớn của Đà Nẵng, khu vực miền Trung và ngành công an”, đại tá Nguyễn Văn Đăng chia sẻ.
“Cố lên vợ nhé, ở nhà các con có anh lo !”
Trên Facebook cá nhân của chồng dược sĩ Thùy Linh - thành viên nhóm công tác của Viện Pasteur TP.HCM, có dòng động viên: “Cố lên vợ nhé, ở nhà các con có anh lo!”.
Dược sĩ Thùy Linh bộc bạch, chị cảm thấy rất vui vì có hậu phương vững chắc, và tự hào khi được cùng đồng đội chiến đấu, chia sẻ với bà con Đà Nẵng vượt qua giai đoạn khó khăn. “Chúng tôi không nghĩ mình xây thành lấp bể gì, chỉ biết nơi nào Tổ quốc cần thì chúng tôi sẵn sàng có mặt. Đầu dịch Covid-19 đến giờ, chúng tôi đi khảo sát và hỗ trợ nâng cao năng lực ở Cao Bằng, Lào Cai, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ..., rồi đi dọc chiều dài đất nước đến Đồng Nai, Lâm Đồng, tận mũi Cà Mau... Những gì đọng lại trong chúng tôi không phải là gian khó mà là những quả mít anh em địa phương mời ăn, với những bữa ăn vội cùng nhau... Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được”, dược sĩ Thùy Linh tâm sự. 
Theo Duy Tính (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.