Thư người lính gửi con từ trên chốt: "...Hết dịch ba về với hai mẹ con sau nhé!"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau bữa cơm chiều vội vã ở trên chốt kiểm soát, phòng chống dịch Covid 19 gần mốc 66 tuyến biên giới Việt Nam - Lào (do Đồn Biên phòng Si Pa Phìn quản lý), mấy cán bộ, chiến sĩ lại tản ra. Người vào ca gác mới, người tranh thủ gọi điện thăm gia đình, người thì trầm tư như muốn gửi tâm tình vào bầu trời đêm. Bên chiếc bàn nhỏ trong lán dã chiến, Thiếu úy Lầu A Nam miệt mài trên trang viết và chốc chốc Nam lại dừng bút như để ngăn dòng cảm xúc nhớ mong…
Thiếu úy Lầu A Nam trong phiên gác trên đường tiểu ngạch tuyến biên giới Việt Nam – Lào.
Thiếu úy Lầu A Nam trong phiên gác trên đường tiểu ngạch tuyến biên giới Việt Nam – Lào.
Chờ khi Nam dừng bút hồi lâu, tôi mới tiến lại hỏi: “Nam vừa viết thư à? Có muốn chị đem về thành phố gửi giúp không?”, thì Nam nói khẽ: “Em viết thư cho con gái nhưng thư này chờ khi cháu lớn em mới đưa!”. Nghĩ rằng Nam ngại phiền, tôi động viên: “Cũng là đường chị về nhà, em cứ để chị gửi cho. Ở nhà em, chắc mọi người cũng mong thư lắm!”. Lặng yên một lúc, Nam mới mở lòng, giọng ngắt quãng: “Bác sĩ dự kiến ngày 10-4 này, vợ em sinh. Cháu là con gái… Em viết thư để sau này cháu hiểu, vì sao em không ở nhà chờ đón cháu như bao người cha khác…”.
Sợ chạm niềm riêng, sợ làm Nam xúc động, tôi quay qua chuyện về cuộc sống ngày thường của Nam và anh em ở trên chốt, về thông tin của người thân ở quê nhà. Nghe từng lời Nam tâm sự, tôi mới biết sóng điện thoại ở trên chốt yếu nên mỗi lần gọi điện thăm gia đình, anh em đều phải đi ra một triền núi giơ điện thoại hứng sóng, nếu thấy có vạch sóng thì mới gọi song cũng chỉ câu được câu chăng. “Chính bởi không liên lạc được nên em mới viết thư cho con trong cuốn nhật ký này…”, vừa nói Nam vừa khẽ miết bàn tay trên trang nhật ký, rõ tiêu đề “Mốc 66, ngày 07 tháng 4 năm 2020”.
Hỏi Nam về gia đình riêng của em, tôi được biết, Lầu A Nam là người con đồng bào dân tộc H’Mông, nhà ở xã Pú Nhi, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Học xong Cao đẳng chuyên ngành Kế toán, Lầu A Nam tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự và những năm tháng của “binh nhất”,” binh nhì” đã tiếp thêm cho Nam nhiệt huyết gắn bó lâu dài với quân đội. Khi hết thời gian nghĩa vụ, Nam làm đơn tình nguyện ở lại quân đội và thi đỗ Trường trung cấp Biên phòng. Sau khi ra trường, Lầu A Nam được phân về các đơn vị công tác: Đồn Biên phòng Nậm Kè (Mường Nhé); Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên), rồi sau đó, được phân về Đội Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Si Pa Phìn.
Ngoài nhiệm vụ thường xuyên là thực hiện các chuyên án về ma túy, kiểm soát ma túy ở địa phương, bước vào trận chiến mới - trận chiến chống dịch Covid-19, Nam được đơn vị phân công cắm chốt kiểm soát phòng, chống dịch ở gần Mốc 66 với thời hạn giao, khi nào xong dịch mới về! Và cũng như bao đồng đội khác, những người có bố ốm mẹ đau mà không thể về bởi nhiệm vụ người lính chưa hoàn thành, nhiều ngày qua, Nam đã nhờ cuốn nhật ký gói hộ lòng mình những niềm riêng. Như lời Nam tâm sự: “Lần đầu được làm cha, em mong mỏi từng ngày. Em cũng thương vợ vì không thể ở gần để cùng vợ chào đón cô gái bé bỏng của chúng em. Nhưng em tin, vợ và con em sẽ hiểu, nhiệm vụ của người lính biên phòng trên tuyến đầu chống dịch hôm nay”.
Chuyện cứ thế nối chuyện, tới khi đồng hồ điểm 22 giờ thì Nam vội đứng lên nhận nhiệm vụ vào ca gác. Trước lúc Nam đi, tôi đánh bạo hỏi một điều riêng: “Trong thư viết cho con gái, Nam đã nói những gì?”. Nam mới bẽn lẽn nói: “Em muốn viết nhiều mà không biết diễn đạt thế nào. Em cho chị đọc thì chị đừng cười em nhé”. Nói rồi, Nam lật lại cuốn nhật ký đề “…ngày 07 tháng 4 năm 2020”, cho tôi chụp. Ở góc bàn có một cốc nhỏ cắm mấy cành hoa sim…
Và hôm nay, ngày 10-4-2020, ngày mà trên biên giới Việt - Lào có một Thiếu úy đang hồi hộp ngóng trông cô con gái bé bỏng chào đời, tôi mới ngồi đây để xem lại tấm hình chụp hôm trước. Hôm ấy, ở chốt kiểm soát Mốc 66, ngày 07 tháng 4 năm 2020, một người lính biên phòng đã viết:
Gửi con gái của ba!
Hôm nay là tròn một tháng mà ba làm nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Chỉ còn vài ngày nữa là con gái yêu quý của ba chào đời, ba mong mỏi từng ngày để được nhìn mặt con gái yêu của ba. Con gái ba thông cảm cho ba, cho ba gửi lời xin lỗi tới hai mẹ con. Con gái ba chuẩn bị chào đời mà ba không về được, không thể cùng gia đình nhỏ chào đón con được.
Con gái yêu quý của ba. Ba là người lính biên phòng, mang trên vai nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Trong mùa dịch này, ba còn phải làm nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 nữa, ba không về được để cùng gia đình nhỏ chào đón con gái yêu. Ở nơi biên cương của Tổ quốc, ba ước trong những ngày tới, ngày mà con gái của ba sẽ chào đời để cùng gia đình nhỏ xây dựng hạnh phúc, niềm vui. Mong con gái yêu chào đời luôn mạnh khỏe, mau ăn chóng lớn, mong cho hai mẹ con luôn khỏe mỗi ngày.
Con gái yêu à.! Ba luôn yêu thương và nhớ về hai mẹ con. Hết dịch nài ba về với hai mẹ con sau nhé!
Ba yêu con!


Thiếu úy Lầu A Nam và lá thư từ trên chốt gửi con gái yêu sắp chào đời.
Thiếu úy Lầu A Nam và lá thư từ trên chốt gửi con gái yêu sắp chào đời.
BÀI, ẢNH: LÊ LAN - HOÀNG GIANG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.