Những thầy giáo cầm bút vào chiến trường - Kỳ 3: Trường học giữa đạn bom

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vượt Trường Sơn, đặt chân đến Đắk Lắk, nhóm giáo viên lần lượt được đưa về Ban tuyên huấn Tỉnh ủy Đắk Lắk đóng ở H9 (huyện Krông Bông). Các thầy cô giáo bắt đầu 'tuyển sinh', lập trường dạy chữ với bao gian nguy nhưng cũng đầy hào hùng.
Tập thể giáo viên Trường sơ cấp sư phạm tại H9 (Krông Bông) năm 1973 - Ảnh TRUNG TÂN chụp lại
Tập thể giáo viên Trường sơ cấp sư phạm tại H9 (Krông Bông) năm 1973 - Ảnh TRUNG TÂN chụp lại

Có những đợt đói, mọi người phải tận dụng hạt bắp, củ mì bị máy bay rải chất độc để đưa xuống suối rửa sạch, nhưng ăn vào nôn thốc, nôn tháo hết.

Thầy NGUYỄN TRÚC
Đêm học bài, ngày ở ngoài nương rẫy
Vì hoàn cảnh chiến tranh nên trường phải thường xuyên "nay đây mai đó". Thầy trò vừa phát cây rừng dựng trường vừa làm rẫy mưu sinh. Học sinh là những cán bộ Huyện ủy, Tỉnh ủy tại các căn cứ, có người đã biết chữ, nhưng phần lớn "một chữ bẻ đôi" không biết...
Tiếp tôi tại quán cà phê gia đình ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), ông Bùi Văn Đồng (nguyên giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Krông Pắk) đã gần 70 tuổi vẫn giữ giọng sang sảng của người chiến sĩ thời chiến.
Ông Đồng kể trường bổ túc văn hóa, sư phạm đầu tiên đều dựng tại khu cách mạng H9, để đào tạo những thiếu niên cảm tình cách mạng đã "nhảy núi" (từ vùng địch chiếm vô căn cứ) làm nòng cốt sau này. Ông Đồng là một trong những học viên được cô Nguyễn Thị Phương đưa về để đào tạo.
"Hồi cuối những năm 1960, bom đạn rất ác liệt, tôi "nhảy núi" vào với các anh, các chú. Chưa đủ tuổi cầm súng và đã biết chữ, tôi được các thầy cô đưa về trường sư phạm bồi dưỡng để làm giáo viên sau này", ông Đồng nhớ lại.
Nhưng trường cứ dựng ít lâu lại bị đối phương phát hiện, bắn phá nên phải di chuyển. Thời kỳ đầu, thầy trò phải dắt díu vượt núi, băng sông giữa các vùng căn cứ để lập trường.
"Từ H9, men theo đường mòn trên dãy Trường Sơn để đi về Ea H’Leo, Krông Pa. Cứ tìm được điểm dừng chân thì điều đầu tiên là phải phát rẫy trồng bắp, trồng mì để có cái ăn, rồi mới tính chuyện làm trường, học chữ", ông Đồng kể.
Kể những ngày tháng gian nguy, thầy Hà Ngọc Đào xúc động nhớ lại bao đồng đội đã ngã xuống. Sau nhiều lần phải di chuyển, trường bổ túc văn hóa được tổ chức lại tại vùng rừng núi Cư Jú, Cheo Reo (H2, nay thuộc thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai).
Trường mở lại, thầy và trò đều phấn khởi, nhưng hàng loạt khó khăn ngay phía trước. Lúc đó, trường rất ít giáo viên, nhưng cũng đủ để đảm bảo việc dạy cả tiếng Kinh lẫn tiếng Ê Đê.
Trong nhật ký, thầy Đào ghi lại: "Tôi là hiệu trưởng, vừa làm quản lý vừa là giáo viên dạy lớp 3. Việc lo hậu cần cho trường (ăn, ở, học hành…) cho độ 50 người là nội dung được đặt ra bàn và giải quyết trước hết.
Phương án tối ưu nhất là trường phải đặt nơi an toàn, nằm thật sâu trong rừng núi. Thế nhưng có lần trường vẫn bị càn quét, 4 học viên hi sinh. Trường phải chuyển vào hang đá Cư Jú, lưng chừng núi.
Đêm đêm lửa củi sáng rực nhưng không xua nổi cái lạnh của hang đá. Nhiều học viên áo quần, tấm đắp không đủ ấm, co ro bị cái rét giày vò cắt da cắt thịt, sốt rét xanh xao".
Đêm học bài trong cái lạnh đã khổ, ban ngày tất cả học viên, giáo viên đều phải ra nương rẫy tỉa bắp, trồng mì để tích trữ đồ ăn. Thầy Nguyễn Trúc kể nếu bom đạn để yên cho thầy trò tỉa bắp, trồng sắn, đêm đêm học bài thì cuộc sống thật mỹ mãn.
"Nhưng có những mùa, khi bắp đã ra hạt, sắn sắp cho củ thì máy bay thả chất độc hóa học xuống. Bao nhiêu mồ hôi và máu để có rẫy sắn, nương ngô coi như công cốc", thầy Trúc kể.
Thầy Nguyễn Trúc chỉ các vết thương trong trận chống càn năm 1971 - Ảnh: TRUNG TÂN
Thầy Nguyễn Trúc chỉ các vết thương trong trận chống càn năm 1971 - Ảnh: TRUNG TÂN
Vừa dạy học, vừa chống càn
Đầu những năm 1970, Tiểu ban giáo dục mở lại trường sư phạm ở căn cứ H9 để đào tạo những người là cán bộ ở các đơn vị nhiều độ tuổi, trình độ chênh lệch. Tháng 1-1970, trường thành lập ở Buôn Chàm (nay là trụ sở xã Cư Đrăm, Krông Bông) với 6 giáo viên, 13 học sinh và tiến hành xây dựng trường từ hai bàn tay trắng.
Ông Bùi Văn Đồng (lúc này là học viên tại trường sư phạm) kể tháng 2-1970, thầy trò tổ chức lễ khai giảng đầm ấm dưới tán rừng le ở Buôn Chàm.
Nhật ký ông Đồng ghi: "Lúc này, 13 học sinh quần áo gọn gàng, ngồi gọn trong 4 chiếc bàn, được thầy Nguyễn Phúc Tuần (hiệu trưởng) trao những cuốn vở mới tinh. Thầy trò chúng tôi xúc động nghẹn ngào trước việc thành lập trường sư phạm đầu tiên của tỉnh Đắk Lắk", ông Đồng nhớ lại.
Trong hồi ức của mình, ông Đồng nhớ mãi trận càn của trung đoàn 45, sư đoàn 23 quân lực Việt Nam cộng hòa (đóng tại Buôn Ma Thuột) vào trường sư phạm trước Tết Tân Hợi (1971). Theo lệnh của Ban tuyên huấn, thầy trò lui vào ẩn trong núi Yang Ri trú tránh và cử một số người ở lại chặn đối phương, bảo vệ trường.
"Sau 2 ngày đổ bộ, càn quét trên núi, đối phương bất thình lình tấn công vào con suối gần trường với số lượng rất đông, nguy hiểm cho thầy cô trong trường. Chúng tôi liều mình vòng ra sau bắn AK để giải vây cho thầy cô trong trường. Mọi người thoát nạn, nhưng có ít thịt nai sấy khô chuẩn bị ăn tết thì mất sạch", ông Đồng kể.
Đến giờ, thầy Nguyễn Trúc vẫn nhớ mãi trận đánh kể trên của mình. Lúc đó, thầy Trúc là hiệu trưởng trường sư phạm, yêu cầu giáo viên và học viên lên núi tránh, còn mình và 3 anh em khác bám lại bảo vệ trường.
Thấy đối phương đổ tràn lên "Đồi điện ảnh" (nơi có một đơn vị chiếu phim lưu động đóng nên gọi như vậy - PV) ở Buôn Chàm gần trường, thầy Trúc kê sẵn một khẩu súng trung liên RBD cũ với khoảng 100 viên đạn.
Trong cuốn nhật ký đã úa màu thời gian của thầy Nguyễn Trúc vẫn ghi: "Chồi cây lồ ô rậm quá, đến khi nghe tiếng bước chân của đối phương đến gần chúng tôi vẫn chỉ thấy bóng chúng thấp thoáng. Tôi tuôn hết 100 viên đạn rồi đứng dậy hất khẩu súng hết đạn lên vai rồi hô xung phong, tức là rút lui vì hết đạn rồi. Thấy áo có dính máu, biết mình bị thương…".
Gần 50 năm sau, người thầy giáo mặc áo lính năm xưa vẫn nhớ như in từng chi tiết. Xắn tay áo lên cao, thầy Trúc chỉ những vết thương từ trận đánh và nói ông có số "đạn bom tránh mình".
"Khi đã an toàn, xem xét kỹ lưỡng tôi mới phát hiện ba vết thương bay hết phần mềm, gần chạm xương chỉ bằng một viên đạn. May mắn thay viên đạn xợt từ tay trái qua ngực rồi sang tay phải nhưng tôi chỉ bị thương nhẹ. Sau đó cấp trên có khen thưởng chúng tôi về trận đánh...
Nửa tháng sau, một chỉ huy đơn vị quân đội đến hiện trường kiểm tra, nói: Khen là khen gan cóc tía của các cậu, chứ bố trận kiểu này không chết là may! Trận địa phục kích nằm ở phía thấp, lồ lộ ra ngay hướng bắn của đối phương, nhưng anh em không ai bị sao cả", thầy Trúc cười kể.

Thầy Hà Ngọc Đào kể người đặt viên gạch đầu tiên cho giáo dục Đắk Lắk là thầy Nguyễn Kim Khánh (Nguyễn Đức Siêu, hi sinh năm 1967) được cử vào Nam năm 1960. Thầy Khánh vừa làm nhiệm vụ cán bộ tuyên huấn, vừa bảo vệ lực lượng, tự túc sản xuất lương thực.

Từ năm 1965, có thêm đoàn cán bộ giáo dục 9 người được cử vào để xây dựng bộ khung, thành lập trường sư phạm và bổ túc văn hóa. Đến trước năm 1975, có thêm 3 đoàn được cử vào với hàng chục cán bộ, giáo viên để xây dựng phong trào học tập ngay trong đạn lửa chiến tranh.

"Ngoài ra, tại các trường sư phạm, bổ túc văn hóa đã đào tạo thêm hàng chục giáo viên để bám lớp, bám trường ở những khu căn cứ, những vùng tạm chiếm, tranh chấp. Những ngôi trường ở các khu căn cứ phải đào hầm để học vì luôn bị càn quét, đánh bom bất thình lình, đồng thời phải di chuyển liên tục", thầy Đào cho biết.

_______________________________________
Nhiều thầy giáo đã hi sinh trên đường đi B hoặc ngay trên chiến trường. Nhưng dù người thầy ngã xuống, trường vẫn được dựng lên...
Kỳ tới: Thầy ngã xuống, trường vẫn mơ
TRUNG TÂN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt