Sống lắt lay bên hồ thủy điện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù dự án thủy điện đã được khởi công xây dựng cách đây 10 năm, nhưng hiện người dân vẫn chưa nhận được hết các khoản đền bù, hỗ trợ. Do đó, họ phải sống trong cảnh lay lắt, đói khổ…
Những ngôi nhà tái định cư kiên cố nhưng chỉ lác đác vài bóng người. Ảnh: Đức Huy
Cuộc sống lay lắt
Những ngày đầu tháng 5/2019, mặc dù thời tiết thuận lợi để gieo trồng các loại cây ngắn ngày và dài ngày nhưng nhiều hộ dân xã Đắk Nên (huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum) thuộc diện tái định cư của thủy điện Đăkđrinh chỉ biết tụ tập ngồi chơi với nhau do không có đất sản xuất.
Nhìn về phía ruộng đất trống trơn nằm giữa trời, anh Đinh Văn Tối (ở làng Xô Luông, xã Đắk Nên) cũng chỉ biết ngồi vật vờ ở nhà để mặc ngày tháng trôi qua. Anh Tối cho hay, sau khi đất của gia đình bị thu hồi để làm thủy điện thì nhà anh được cấp một căn nhà tái định cư, 1ha đất rẫy và 2 sào lúa nước. Tuy nhiên, đất rẫy thì cằn cỗi, sỏi đá nên nhà anh chỉ biết trồng keo. Còn 2 sào lúa nước thì bị người dân làng lân cận lấy bởi họ cho biết, bên thủy điện lấy đất của họ cấp cho các hộ gia đình tái định cư nhưng vẫn chưa bồi thường xong.
Không chỉ gia đình anh mà còn nhiều trường hợp khác cũng trong hoàn cảnh tương tự. Do không chịu được cảnh cùng quẩn, không có đất sản xuất nên một số hộ gia đình đã kéo nhau đi làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống. Số còn lại không đi làm thì lại tụ tập nhau nói chuyện, nhậu nhẹt “giết” thời gian…
Chị Y Đối (ở làng Vương, xã Đắk Nên) cho hay, những năm qua người dân khu vực không có đất sản xuất, cũng không có việc làm nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Chính vì không có việc làm nên rảnh rỗi tụ tập rủ nhau nhậu nhẹt, rượu bia.
Nhẩm tính trong đầu, chị Y Đối cho hay, chỉ khoảng vài năm trở lại đây cả làng có tới 12 người chết, trong đó có 8 người tự tử, một người bị đánh chết và 3 người chết do đau bệnh. Do thấy nhiều người chết liên tiếp lại không rõ nguyên nhân nên người dân nơi đây luôn sống trong tâm trạng bất an. Những gia đình có người chết cũng không dám ở lại mà bỏ đi nơi khác sinh sống.
Nét mặt buồn rầu, cùng ánh mắt thoáng chút sợ hãi, chị Y Đối nhớ lại, vào một ngày giữa tháng 9/2015, chị chứng kiến cảnh một đôi vợ chồng rủ bạn bè về nhà nhậu. Khi thấy người vợ đã ngà ngà nên người chồng ngăn cản không cho vợ mình uống nữa vì còn phải chăm con nhỏ. Tuy nhiên, do có hơi men trong người nên người vợ không nghe và bị chồng đánh. Bực tức nên người vợ đã dùng thanh củi đập vào đầu chồng khiến nạn nhân tử vong. Sau đó hung thủ đã bị TAND tỉnh Kon Tum tuyên phạt 24 tháng tù về tội “Giết người trong trạng thái tinh thần kích động mạnh”. Bi kịch từ đó đến nay vẫn khiến chị Y Đối ám ảnh bởi chỉ vì chút rượu mà gia đình tan hoang, con nhỏ phải thiếu tình cảm của cha lẫn mẹ.
Mòn mỏi chờ đợi
Cuộc sống của người dân khó khăn vì không có việc làm.
Nhận thấy điều kiện nơi ở mới không khả thi nên nhiều người dân liều mình quay về làng cũ mặc cho địa phương ra sức khuyến cáo và ngăn cản vì rất nguy hiểm. Hiện nay mặc dù ở khu tái định cư các căn nhà được xây kiên cố nhưng chỉ lác đác vài bóng người bám trụ lại. Những căn nhà khác không có người ở thì bỏ hoang hoặc trở thành nơi chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Một số người dân nơi đây cho hay, vào năm 2013, khu tái định cư làng Xô Luông có 57 hộ dân chuyển tới sinh sống, nhưng dần dần các hộ bỏ đi, hiện nay chỉ còn lại vỏn vẹn 9 hộ bám trụ lại. “Không có đất sản xuất, không có việc làm, nước sinh hoạt cũng thiếu. Ngay chính miếng ăn chúng tôi còn lo không nổi nên người dân rủ nhau bỏ đi hết… Khổ lắm cô chú ạ, nhưng chúng tôi chẳng biết làm sao”, một người dân nói.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sanh, Phó bí thư Đảng ủy xã Đắk Nên cho hay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri bà con ý kiến rất nhiều về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Sau khi tiếp nhận ý kiến của bà con, UBND xã đã báo cáo và đề nghị cấp trên xem xét, hỗ trợ giải quyết cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa dứt điểm.
Ông Đặng Thanh Nam, Chủ tịch UBND huyện Kon Plong (tỉnh Kon Tum) cũng cho rằng, UBND huyện cùng với tỉnh đã làm việc với công ty về vấn đề này. Qua các lần làm việc, phía công ty cũng hứa hẹn nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong.

Được biết, dự án thủy điện Đăkđrinh do Công ty CP Thủy điện Đăkđrinh làm chủ đầu tư. Dự án khởi công tháng 9/2009, công suất 125MW với vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng. Đến tháng 3/2013, tỉnh Kon Tum đã tiến hành di dời 192 hộ dân với 843 khẩu để phục vụ thủy điện. Tuy nhiên, đến nay đã 6 năm các hộ dân di dời nhưng thủy điện này vẫn chưa hoàn thành bồi thường, hỗ trợ cho người dân để ổn định cuộc sống.

Đức Huy (GiadinhNet)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.