Lang bạt đời thợ dưa hấu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở Nam Trung bộ (Việt Nam) cũng có một nghề đặc biệt là chăn thứ quả đỏ ruột - vỏ xanh, đó là dưa hấu. Nghề “chăn” dưa Nam Trung bộ quanh năm phải sống kiếp lều lán, làm bạn với đất đai, cỏ dại…
Chăn dưa
Ở Nam Trung bộ, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) được mệnh danh là “đất tổ” của nghề du mục chăn dưa hấu. Bây giờ, đi từ khu vực Nam Trung bộ lên mạn Tây Nguyên, đâu đâu cũng thấy dấu chân, lều lán của thợ chăn dưa Bình Nghi. Theo trí nhớ của một số “bô lão” chăn dưa ở Bình Nghi, nghề bắt đầu bén rễ trên đất Bình Nghi từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Từ đó đến nay, thợ dưa Bình Nghi lang bạt khắp nơi để hành nghề và truyền nghề ra tứ phương.
Thợ chăn dưa gạo cội ở Bình Nghi, ông Ngô Đình Khen (63 tuổi), kể: “30 năm trước, một đơn vị nhân giống cây trồng ở Khánh Hòa đưa giống dưa hấu đến Bình Nghi để trồng thử nghiệm. Dưa hấu từ đó bắt đầu bén rễ trên đất Bình Nghi rồi lan sang các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam và khu vực Tây Nguyên.
Do đặc thù của giống nên mỗi vùng đất chỉ trồng được một vụ dưa hấu là phát sinh sâu bọ, buộc các thợ dưa phải thường xuyên di chuyển, tìm vùng đất mới để canh tác… Đất Bình Nghi cũng vậy, chỉ vài năm canh tác cũng trở nên hoang hóa, thợ dưa phải ngược ngàn săn tìm đất mới”.
Năm 2002, đội ngũ chăn dưa hấu xã Bình Nghi đã phát triển lên ngót 100 thợ. Họ bắt đầu vượt rừng đầu tiên lên lâm phần huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định). Về sau, thợ dưa dần chuyển cánh liên tục và đổ bộ lên các vùng rẻo đất còn sót ở tận xã Ia Lâu, huyện Chư Prông và xã I Hlốp, huyện Chư Sê (cùng tỉnh Gia Lai) - miền biên viễn giáp Campuchia.
Nhiều thợ dưa khác vượt đèo Cù Mông qua Phú Yên để hành nghề. Đến đâu, họ thuê đất, đăng ký tạm trú với chính quyền rồi ra giữa đồng dựng lều lán ở lại, dọn đất chăn dưa. Mỗi năm 3 vụ, vụ này nối vụ khác nên họ biền biệt bỏ không nhà cửa, ruộng vườn ở quê nhà.
Tây Nguyên là một cực. Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên lại là cực bên kia. Mùa mưa ở bên này thì bên kia lại đang mùa nắng và ngược lại. Lợi dụng đặc thù đó, thợ dưa hấu Bình Nghi liên tục di chuyển để tranh thủ vụ mùa. Những năm hạn hán khốc liệt, cao nguyên và đồng bằng sâu bọ tàn phá, thợ dưa tìm xuống dải đất cát ven biển trốn nắng và sâu bọ để trồng dưa… Cứ thế, những vùng đất mới dần trở nên cũ. Còn bạn bè, “đệ tử” của thợ chăn dưa Bình Nghi ngày một đông hơn, lên hàng ngàn người.
Cuối tháng 4 là thời điểm các thợ chăn dưa hấu Bình Nghi đi kiếm đất mới, dựng lều gieo hạt giống. Vài năm trở lại đây, đất trồng dưa hấu đang lên cơn sốt, giá thuê mỗi hécta đội lên ngót 30 - 40 triệu đồng/vụ (65 ngày). 8 năm trước, giá thuê đất trồng dưa chỉ mới 12 triệu đồng/ha/vụ. Giờ đã đội lên gấp 3 lần, nhưng các thợ dưa vẫn “đói đất”.
Thành quả sau nhiều ngày lang bạt của thợ dưa hấu. Ảnh: NGỌC OAi
Thợ dưa Trần Quang Diệu (53 tuổi, thôn 3, xã Bình Nghi), phân tích: “Để có đất đẹp trồng dưa phải đi săn đất. Săn bằng nhiều cách, nhờ vào những mối quan hệ cũ hoặc trực tiếp đi tìm. Bây giờ, nhiều chủ dưa có lúc phải nhờ đến cò đất. Cò ở đây là những người dân bản địa, họ biết vùng nào còn đất đẹp rồi đặt cọc trước, sau đó bán lại cho các thợ chăn dưa hấu để kiếm lời. Việc thông qua cò cũng rất tiện vì họ biết vùng nào còn đất mới, đất các loại. Ngoài ra, do là người bản địa nên họ giúp đỡ được chúng tôi trong nhiều vấn đề như: kéo điện, nước, kết nối với dân bản địa…”.
Theo ông Diệu, đất trồng dưa bây giờ chia ra làm 3 loại: đất xấu có giá thuê 30 triệu đồng/ha/vụ 65 ngày; đất vừa thuê 35 triệu đồng/ha/vụ, đất đẹp 40 triệu đồng/ha/vụ. Đất đai là yếu tố rất quan trọng đối với nghề chăn dưa hấu.
Theo các thợ dưa ở Bình Nghi, bây giờ “miếng bánh” mỡ màu nhất ở Tây Nguyên đang được giới chăn dưa hấu Nam Trung bộ săn lùng đó là ở Ia Lâu và I H’lốp. “Nhất là đất ở xã Ia Lâu cực kỳ tốt. Các thợ dưa canh tác gần 10 năm mà vẫn chưa hết. Đất ở đây còn rộng thênh thang, bây giờ cả ngàn thợ dưa đổ lên đó hành nghề… Vụ vừa rồi tôi lên thuê đất ở Ia Lâu với giá cũng 40 triệu đồng/ha đất đẹp. Chủ đất là người dân tộc Jrai có khu đất rộng lắm, mỗi năm cứ cho thợ dưa thuê thôi cũng kiếm trên trăm triệu đồng…” thợ dưa Khen tâm sự.
Đỏ - đen với nghề
Nhờ nghề chăn dưa hấu mà vài năm trở lại đây, dân làng ở Bình Nghi giàu lên chóng vánh. Nhiều người chỉ trồng dưa vài năm đã gầy dựng được nhà lầu, xe hơi. Nghề phát triển, kéo theo nhiều loại hình tiếp thị khác cũng phất lên theo. Các hãng phân bón, thuốc trừ sâu, ống nhựa, hàng quán… cũng bắt đầu móc nối với các thợ chăn dưa để tư vấn, hỗ trợ và bán hàng. Nhiều doanh nghiệp còn phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương tổ chức tập huấn, hội thảo để cải tiến phương thức trồng dưa hấu cho thợ chăn dưa.
Theo ông Khen, lớp trẻ ở xã Bình Nghi bây giờ trồng dưa táo bạo hơn nên thường xuyên trúng quả. Nhiều người chỉ mới 30 - 45 tuổi, nhờ trồng dưa đã xây những cái nhà to đùng, mọc san sát. Ở cách nhà ông Khen vài trăm mét, có anh Lương Văn Ái (42 tuổi), 5 năm trở lại đây phất lên vùn vụt nhờ nghề chăn dưa hấu.
Ông Nguyễn Bá Hiền (60 tuổi, ở thôn 3, xã Bình Nghi) thừa nhận, nhờ nghề chăn dưa hấu nên gia đình ông đã gầy dựng được nhà cao cửa rộng và khách sạn nhiều tầng. Ông Hiền khẳng định: “90% người dân ở xã giàu lên nhờ trồng dưa hấu. Rất nhiều thợ dưa có nhà lầu, xe hơi. Thực ra, nghề dưa này may rủi thôi, chỉ cần gieo hạt khoảng 65 ngày là “ăn” rồi. Nếu thua vụ này  thì vớt lại vụ khác, còn trúng thì nhanh có tiền nên các thợ dưa rất ghiền nghề”.
Ngoài ra, thợ dưa Bình Nghi cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại tỉnh Bình Định. Mỗi chủ dưa hấu cần từ 10 - 15 lao động đi theo để giúp việc, được trả lương từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, bao ăn uống.
Vài năm trở lại đây, nghề trồng dưa hấu bùng phát mạnh nên quy hoạch cũng bị phá vỡ, khiến cung lớn hơn cầu. Nghề cũng đứng trước nhiều rủi ro về giá cả, thị trường. “Ở vùng đất Bình Nghi này cũng có nhiều thợ chăn dưa hấu đổ nợ hàng trăm triệu đồng do không nắm bắt được thị trường, giá cả, phải bỏ xứ đi trốn nợ. Tuy nhiên, bây giờ do người dân khắp nơi đổ xô trồng dưa nhiều nên quá tải rồi”, ông Khen chiêm nghiệm.
Ngoài ra, khoảng 5 - 6 năm trở lại đây trên các cánh đồng xuất hiện nạn bảo kê. Chúng bắt nguồn từ vùng giáp biên giới Campuchia rồi dần mở rộng địa bàn, liên kết với “đám xã hội” ở Hải Phòng tìm đến các điểm trồng dưa để “làm luật”, ép giá các chủ dưa.
“Cứ đến vụ thu hoạch là đám xăm trổ, đầu trọc tìm đến các ruộng dưa đe dọa thương lái, chèn ép chủ dưa phải bán dưa rẻ hơn nửa giá thị trường cho chúng…”, ông Hiền phản ánh.
Ngọc Oai (SGGP)

Có thể bạn quan tâm

'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn. 
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tôi đi chiến dịch Điện Biên

Tôi đi chiến dịch Điện Biên

(GLO)- "Tôi có cảm tưởng như cả đất nước, tất cả các dân tộc đang hành quân đi giành lấy độc lập tự do. Làm sao mà có thể đè bẹp ý chí của cả một dân tộc yêu nước. Tôi vô cùng tự hào là người chiến sĩ Ê Đê thuộc Tây Nguyên miền Nam duy nhất cũng có mặt trong đoàn quân ấy".

Giải cứu thú rừng

Giải cứu thú rừng

Những đôi chân mải miết trên từng ngóc ngách, đôi tay rớm máu gỡ lấy những chiếc bẫy thú. Trọng trách của họ là bảo vệ, giải cứu thú rừng mắc bẫy trong những cánh rừng già trên dãy Trường Sơn ở Quảng Nam.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?