Thiếu tướng, Anh hùng Rơ Ô Cheo: Mãi tự hào là Bộ đội Cụ Hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Cuộc đời tôi có đến 47 năm tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam, từ anh binh nhất cho đến lúc nhận hàm Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 5, rồi nghỉ hưu. Vinh dự lớn nhất của đời tôi là được đứng trong hàng ngũ của Bộ đội Cụ Hồ”-Thiếu tướng Rơ Ô Cheo bộc bạch.
Chúng tôi đến thăm nhà Thiếu tướng Rơ Ô Cheo (buôn Du, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa) vào một ngày trung tuần tháng 3. Nắng chiều vẫn như thiêu như đốt mọi thứ xung quanh. Thoáng chút ngỡ ngàng về chuyến thăm đột ngột của chúng tôi, ông cho biết, sau cơn tai biến cách đây hơn 1 năm, sức khỏe của ông giảm sút nhiều. Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về cuộc đời binh nghiệp của ông, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo hoạt bát hẳn lên. Những dòng hồi ức cứ thế tuôn trào... 
Tuổi trẻ oai hùng
Thiếu tướng Rơ Ô Cheo sinh năm 1952 ở buôn Chư Jú, xã căn cứ cách mạng Ia Rsai, thuộc huyện H2, tỉnh Đak Lak (nay là xã Ia Rsai, huyện Krông Pa). Có cha làm cán bộ xã nên từ nhỏ, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, nung nấu quyết tâm đuổi giặc giữ làng. Năm 14 tuổi, ông tham gia lực lượng du kích xã và 1 năm sau đó (1967) thì vào bộ đội huyện H2. Như bao chàng trai Jrai khác cùng thời, ông lao vào cuộc chiến để đánh giặc cứu làng, cứu nước. Thế rồi, cuộc đời binh nghiệp của ông kéo dài cho đến lúc về già.
Trực tiếp tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sau đó, ông lại bước vào những năm tháng dài lặn lội khắp các buôn làng, núi cao, suối sâu tìm diệt bọn phản động FULRO. Đánh không dưới 100 trận, ông bảo rằng mình may mắn hơn đồng đội khi chỉ bị thương một lần trong trận chống giặc càn quét năm 1971. “Tôi nhớ nhất là trận đánh đồn dân vệ (tại vị trí Bệnh viện huyện Krông Pa ngày nay-N.V) vào tháng 3-1971. Khi ấy, tôi làm trinh sát Huyện đội. Chập tối, tôi đi trinh sát nắm tình hình, sau đó về báo cáo với lãnh đạo đơn vị lên phương án tấn công. 3 giờ sáng, tôi cùng anh em từ dưới bờ sông Ba bò lên phía sau lưng đồn, cắt kẽm gai vào đánh úp lúc giặc đang ngủ say, diệt gọn 30 tên và tịch thu toàn bộ vũ khí, thiết bị quân sự của chúng. Riêng một mình tôi tiêu diệt 10 tên”-Thiếu tướng Rơ Ô Cheo tự hào kể lại.
Thiếu tướng Rơ Ô Cheo. Ảnh: P.T
Thiếu tướng Rơ Ô Cheo. Ảnh: P.T
Tháng 3-1975, đơn vị của ông-Đại đội cơ động 303 thuộc Tỉnh đội Đak Lak-phối hợp cùng Huyện đội H2 tiến hành phục kích, chặn đánh đoàn quân địch rút chạy từ Pleiku về Phú Yên tại địa phận Phú Túc khiến chúng hoảng loạn. Trận ấy, ngay tại gò đất thuộc Ban Chỉ huy Quân sự huyện Krông Pa bây giờ, ông dùng B40 bắn trúng tháp pháo xe tăng địch. Chiếc xe tăng bốc cháy, gần 10 tên lính ngụy ngồi trên xe chết rơi xuống đất. Bọn địch lái xe chạy được một đoạn vòng lên phi trường Krông Pa rồi bỏ chạy.
Hòa bình lập lại, song quê hương Tây Nguyên của ông lại đối mặt với sự chống phá của bọn phản động FULRO. Trong suốt những năm 1976-1979, ông cùng với cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 303 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đak Lak) bền bỉ đấu tranh chống FULRO khắp vùng Ayun Pa, Buôn Hồ, Ea Súp. Đơn vị vừa tổ chức tìm diệt FULRO, vừa vận động quần chúng nhân dân tố giác bọn phản động; đấu tranh bóc gỡ các khung ngầm tổ chức của chúng. Với vai trò Đại đội trưởng Đại đội cơ động 303, ông đã chỉ huy anh em chiến sĩ tổ chức đánh hàng chục trận, tìm diệt hàng chục tên phản động FULRO. Cái tên Rơ Ô Cheo ngày đó đã trở thành nỗi khiếp sợ của bè lũ phản động FULRO suốt cả một vùng Nam Gia Lai, Bắc Đak Lak. 
“Nhớ nhất là trận đánh tiêu diệt toán FULRO ở núi Chư Ké (thuộc địa bàn huyện Cư Mgar, tỉnh Đak Lak) tháng 7-1979. Lúc bấy giờ, đường dây FULRO từ Campuchia và Lào dẫn qua tụ họp tại núi Chư Ké lên đến 40 tên. Đây là vùng núi cao, rừng rậm hiểm trở. Ban đêm, tôi cho trinh sát lẻn vào nắm tình hình, sau đó ém quân chờ tới tờ mờ sáng, khi bọn chúng đang ngủ trên võng thì nổ súng. Trận này ta tiêu diệt được 8 tên, số còn lại lợi dụng rừng núi hiểm trở, rậm rạp nên chạy thoát”-Thiếu tướng Rơ Ô Cheo nhớ lại.
Cuộc đời binh nghiệp
Nhiệm vụ chống FULRO cơ bản hoàn thành, tháng 5-1980, ông mới bắt đầu đi học văn hóa tại Trường Văn hóa Quân khu 5 (tỉnh Bình Định) và tiếp đó là lớp tiểu đoàn trưởng tại Trường Quân sự Quân khu 5 (Đà Nẵng). Tháng 8-1981, ông vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Đến năm 1983, với cấp bậc Đại úy, ông về công tác ở Tiểu đoàn 6 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum), giữ chức vụ Tiểu đoàn trưởng. Hơn 3 năm sau, ông mừng vui khi được trở về nhận nhiệm vụ trên chính quê hương mình. Từ chức vụ Phó Chỉ huy trưởng-Tham mưu trưởng Huyện đội Krông Pa đến khi trở thành Chỉ huy trưởng (tháng 5-1989), ông luôn nỗ lực hết mình lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ tập trung xây dựng đơn vị và hoàn thành trọng trách được giao; thường xuyên bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo lời xúi giục của bọn phản động, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân. 
Tháng 5-1989, khi đang làm Huyện đội trưởng Krông Pa, nhận được tin báo về việc toán FULRO tên hiệu CCF do tên toán trưởng HRa cùng tên toán phó và một đám lính người KHo đang nhóm họp tại địa bàn xã Ia Rmok, ông liền dẫn theo cán bộ, chiến sĩ Huyện đội tìm diệt. “Lúc đó, anh em vừa từ trong làng ra, mới hạ súng chuẩn bị nấu cơm sáng thì tên HRa cùng tên toán phó đi vào, theo sau là hơn chục tên FULRO khác. Đến cách chừng 5 m, phát hiện thấy báng súng của anh em bộ đội nhô ra khỏi bao, tên HRa quát lớn “Súng à?” rồi bắn 2 phát chỉ thiên. Theo phản xạ, tôi lăn vào gốc cây bên cạnh rồi chĩa súng AK bắn một loạt khiến cả thằng toán trưởng và toán phó chết tại chỗ. Mấy thằng đi sau lợi dụng núi rừng bỏ chạy. Trận này mình cũng hy sinh mất 1 chiến sĩ”-Thiếu tướng Rơ Ô Cheo nhớ lại.
Sau gần 11 năm gắn bó với mảnh đất quê hương Krông Pa, tháng 7-1997, ông Rơ Ô Cheo được điều về giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Tháng 4-2006, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đến tháng 2-2007, ông được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Quân khu 5, cấp bậc Thiếu tướng, trực tại Sở chỉ huy tiền phương Quân khu 5 khu vực Tây Nguyên đóng ở Gia Lai. Trên các cương vị công tác này, ông không ngừng rèn luyện bản thân cả về đức, tài, dũng để xứng đáng là một người chỉ huy của quân đội nhân dân Việt Nam cho đến ngày về hưu (8-2013).
Điền viên tuổi già
Bà Kpă HVih-vợ Thiếu tướng Rơ Ô Cheo-tâm sự: “Cả đời ông ấy chỉ một lòng theo Đảng, noi gương Bác Hồ và cống hiến cho quân đội. Hơn 40 năm làm vợ ông ấy, có với nhau 6 mặt con, hầu như mọi việc gia đình đều do một tay tôi lo liệu. Vất vả bao nhiêu tôi cũng cố gắng vượt qua, hết mực ủng hộ và động viên chồng an tâm công tác. Giờ ông về hưu rồi, vợ chồng mới có thời gian ở gần nhau nhiều hơn”.
Về ở với dân làng Jrai ở buôn Du, cuộc sống của ông cũng bình dị như bao người khác, sáng chiều hòa mình với thú vui hoa kiểng; phụ vợ chăm sóc đàn gà hay vui đùa bên con cháu. Thế nhưng, mỗi khi nhớ lại khoảng thời gian đã qua, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo lại chứa chan niềm xúc động: “Tôi mãi tự hào là người con của quân đội, là người lính Cụ Hồ. Đứa con trai duy nhất của tôi cũng đi theo nghiệp cha. Cháu đang công tác ở một đơn vị bộ đội đóng quân trên biên giới Đức Cơ”.
Trò chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Rơ Ô Cheo bảo, khi về hưu, lãnh đạo tỉnh ngỏ ý động viên ông tham gia Hội Cựu chiến binh tỉnh nhưng ông từ chối. “Giờ còn ít sức khỏe thì chăm sóc mấy cây cảnh và đám cỏ nơi góc sân để nuôi 2 con bò. Khi đi sinh hoạt Đảng thì góp ý với anh em trong chi bộ buôn Du, thế cũng là mãn nguyện rồi”-ông cười hiền chia sẻ.
 PHƯƠNG THI
-----------------------
Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên tài trợ cuộc thi này.

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.