Vào thế giới bán trứng, mang thai hộ: Cơ quan quản lý lên tiếng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thì mức phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; có thể bị phạt tù đến 5 năm
Liên quan đến loạt bài "Vào thế giới bán trứng, mang thai hộ (MTH)" đăng trên Báo Người Lao Động từ ngày 1-1, Sở Y tế TP HCM đã lên tiếng.
Vi phạm pháp luật, sai chuẩn mực đạo đức
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, cho biết ngay sau khi báo phản ánh, Thanh tra Sở Y tế TP đã tiến hành thanh tra đột xuất Phòng khám (PK) Sản phụ khoa Madame (đường Điện Biên Phủ, quận 10). PK được cấp phép hoạt động tháng 4-2018 với nội dung hoạt động PK chuyên khoa sản, người đứng tên là một nữ bác sĩ về hưu. Tại thời điểm kiểm tra, các bác sĩ đang làm việc tại PK này có chứng chỉ hành nghề. Tuy bảng hiệu ở phía trước đã bị che nhưng tại khu khám có câu "Tư vấn hiếm muộn - vô sinh". Đây là một trong những quảng cáo sai, PK đã vi phạm vì trong danh mục kỹ thuật PK đăng ký không có thực hiện danh mục này. Tư vấn hiếm muộn - vô sinh không được thực hiện tại đây mà phải thực hiện tại các bệnh viện (BV) đủ chức năng.
 
Phòng khám Sản phụ khoa Madame thực hiện tư vấn vô sinh hiếm muộn - vô sinh dù không có chức năng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Sau loạt bài của Báo Người Lao Động, Thanh tra Sở Y tế TP đã phối hợp chính quyền địa phương cùng cơ quan công an TP vào cuộc truy tìm đường dây mua bán trứng, MTH. Sắp tới, tùy mức độ vi phạm mà xử phạt hành chính (căn cứ Nghị định 176/2013/NĐ-CP, số tiền phạt 60-80 triệu đồng, kèm hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động 6-12 tháng, tước giấy phép hoạt động từ 3 tháng đến 1 năm) hoặc xử lý hình sự (điều 187 Bộ Luật Hình sự)" - bà Mai thông tin.
Nhận xét về việc buôn bán tinh trùng, trứng, quan hệ trực tiếp, bà Mai khẳng định đây là hoạt động bất hợp pháp, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội và dễ lây lan các căn bệnh xã hội, không an toàn cho đối tượng muốn được có con, đồng thời hồ sơ pháp lý của đứa trẻ sau khi ra đời sẽ rắc rối.
"Để ngăn chặn tình trạng này, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng. Riêng Sở Y tế TP, từ nay đến cuối năm sẽ chỉ đạo các đơn trực thuộc tăng cường thanh - kiểm tra. Ngoài ra, Sở Y tế TP HCM cũng đang triển khai kiểm tra các PK có yếu tố nước ngoài. Đợt kiểm tra này sẽ do đích thân một lãnh đạo chuyên trách Sở Y tế kiểm tra đột xuất đối với các PK, thẩm định các điều kiện hoạt động của PK, ra quyết định đình chỉ hoạt động ngay tại chỗ nếu phát hiện cơ sở không đáp ứng đủ điều kiện chuyên môn hoạt động. Trong trường hợp cần thiết, sẽ lập hội đồng khoa học của Sở Y tế ra ý kiến và mọi quyết định cũng sẽ tiến hành ngay" - bà Mai cho biết.
Nhiều rủi ro về sức khỏe
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết pháp luật quy định rất rõ những trường hợp được phép MTH là các cặp vợ chồng chưa có con chung, người vợ không thể mang thai, sinh nở do các bệnh lý. Người được MTH phải là người cùng hệ và trong phạm vi 3 đời chứ không phải mẹ MTH con, con MTH mẹ. Việc thụ tinh trong ống nghiệm, cho và nhận noãn, cho và nhận tinh trùng, cho và nhận phôi, MTH vì mục đích nhân đạo được thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện. Với những trường hợp hiếm muộn bởi các nguyên nhân khác như người vợ không có trứng hoặc tinh trùng của chồng có vấn đề thì đi xin trứng hoặc tinh trùng..., đều không nằm trong các nhóm đối tượng được phép MTH.
Ông Quang cũng cho biết hiện Bộ Y tế chỉ cấp phép cho 4 cơ sở y tế được phép thực hiện kỹ thuật MTH: BV Phụ sản trung ương (Hà Nội); BV Đa khoa Trung ương Huế; BV Từ Dũ (TP HCM) và BV Mỹ Đức (TP HCM). Các BV tiếp nhận hồ sơ MTH sẽ có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
"Việc buôn bán trứng và tinh trùng là hành vi vi phạm pháp luật. Hơn nữa, hành vi này ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người hiến và những hậu quả nghiêm trọng về hôn nhân cận huyết" - ông Quang cảnh báo.
Một bác sĩ trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cho biết về nguyên tắc, trứng, phôi và tinh trùng hiến tặng sẽ được sử dụng trong điều trị vô sinh hoặc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn trứng rất hiếm hoi do việc chọc hút để lấy trứng là một quy trình can thiệp sâu, phải tiêm thuốc kích thích buồng trứng, gây mê, tốn thời gian đi lại... Có khoảng 5% số trường hợp cần đến trứng của người phụ nữ khác để điều trị vô sinh nên xuất hiện tình trạng mua bán trứng. Với những người bán trứng, việc làm này có thể sẽ gặp những rủi ro về sức khỏe bởi họ phải được điều trị nội tiết nhằm kích thích buồng trứng sản xuất trứng trưởng thành. Hơn nữa, việc bán trứng và lấy trứng phải thông qua một cuộc tiểu phẫu nên việc nhiễm trùng cũng có thể xảy ra. Nguy cơ vô sinh có thể đến do nhiễm trùng từ việc lấy trứng. 
Nhiều quy định về mang thai hộ

Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP HCM), pháp luật nghiêm cấm hành vi MTH vì mục đích thương mại. Các quy định về MTH được cụ thể hóa tại Nghị định 10/2015/NĐ-CP và Thông tư 57/2015/TT-BYT. Điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định rất rõ về điều kiện MTH vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, điều kiện để được nhờ người MTH điểm b khoản 2 điều 95 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 là: "Vợ chồng đang không có con chung". Như vậy, những cặp vợ chồng đã có con chung nhưng đứa con bị tàn tật do trong quá trình sinh nở phải can thiệp phương pháp hỗ trợ sản khoa chứ không phải tật nguyền do bệnh lý di truyền thì không được phép nhờ MTH.

Hiện nay, việc MTH vẫn còn là một vấn đề nhạy cảm. Pháp luật cần quy định chặt chẽ hơn về vấn đề này để bảo đảm được quyền lợi của những người mong muốn có con, cũng như tránh những biến tướng, đi ngược lại truyền thống đạo lý.

P.Dũng
Ngọc Dung-Nguyễn Thạnh (Người Lao Động)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.