"Nhiều tài xế đường dài dùng ma túy để... chống buồn ngủ"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nói về vụ tai nạn xe đầu kéo do Phạm Thành Hiếu gây tai nạn khiến hàng chục người thương vong tại ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nhiều tài xế đường dài cho rằng, vụ việc không có gì là bất ngờ, bởi cánh tài xế đường dài dùng ma túy để chống các cơn buồn ngủ là bình thường.
Nạp ma túy… chống buồn ngủ
PV Tiền Phong từng nhập cuộc hành trình từ Ninh Thuận theo xe chở hàng ra cửa khẩu Thanh Thủy (Hà Giang) rồi quay lại TP.HCM cùng cánh tài xế  xe container đường dài. Từ chuyến đi này, chúng tôi mới tỏ tường cuộc sống nay đây mai đó, đầy cạm bẫy của họ. Theo anh Luân (32 tuổi), một tài xế quê Bình Định: "Khi bước chân vào nghề lái xe đường dài, chúng tôi đã tin vào số phận. Đời tài xế không hề thênh thang, lộng gió như những cung đường xe băng qua. Nhịp sinh học của tài xế xe đường dài hầu hết bị thay đổi, không có khái niệm ngày đêm. Muốn tồn tại với nghề phải luyện tập cách chống chọi với cơn buồn ngủ đặng cơ thể thích nghi với những chuyến ra Bắc vào Nam kéo dài cả tuần. Giấc ngủ chưa bao giờ được trọn vẹn. Ngay cả thời điểm thay ca, được ngủ… thì cũng không chợp mắt được vì cơ thể đã bị chất kích thích như cà phê, thuốc lá, nước tăng lực, thậm chí heroin… làm chủ". Vừa nói, Luân vừa giơ cánh tay, bắp chân… chi chít dấu tiêm kim.
 
Tài xế Luân.
Còn theo tài xế tên Bảo (33 tuổi, quê Phú Yên), mỗi khi chuông điện thoại của chủ xe, chủ hàng hối thúc, tài xế đạp ga chạy ào ào, giành đường với xe chạy ngược chiều, chuyện va quẹt hay gây tai nạn… xảy ra như “cơm bữa”. Sống ngoài đường nhiều hơn ở nhà, xa vợ con, chuyện tài xế sa vào cạm bẫy ma túy, cờ bạc, mại dâm... là chuyện bình thường. Nếu không dùng chất kích thích thì chỉ có đường phải bỏ nghề. Mới đầu “dính” vào, họ cho rằng chỉ để giải sầu, bù đắp thiếu thốn tình cảm. Song nhiều người không kìm được và trượt dài, khi nhận ra thì cái chết đang cận kề. Tài xế ra Bắc vào Nam quan niệm rằng, cuộc đời cầm vô lăng gắn liền với lối sống buông thả, với họ cái chết rất đơn giản. 
Trong những ngày theo chân tài xế xe tải Bắc - Nam, chúng tôi không khỏi giật mình bởi sự nghiện ngập ma túy của cánh tài xế. Gần các quán cơm gà dưới chân đèo Cả, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi không khó để bắt gặp tài xế, phụ xe… chúi đầu nhau... “phê thuốc”. Còn khi xe về tới TPHCM, họ hay tìm đến ngã tư An Sương để “thỏa mãn” với những người bán dâm, lén lút nạp ma túy vào người để chống lại cơn buồn ngủ cho chuyến đi dài ngày kế tiếp. 
Tệ nạn bủa vây
Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn tài xế đường dài đều là lái thuê. Trước mỗi chuyến đi, nhà xe, chủ hàng giao cả trăm triệu đồng cho họ mang theo làm lộ phí. Mỗi khi chờ lên xuống hàng, cửa khẩu ùn tắc, để “giết” thời gian, tài xế thường rủ nhau ăn thua trên chiếu bạc. Thực trạng này dẫn đến việc nhiều người “nướng” sạch tiền lương, tiền hàng của chủ, không ít tài xế vay mượn bạn bè, dẫn đến thâm nợ. Đường cùng, nhiều người hút xăng, trộm phụ tùng xe để bán lấy tiền trang trải nợ nần. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những tài xế thua cuộc. Trên các chuyến đi cùng họ, chúng tôi ghi nhận rất nhiều cung bậc, cảm xúc và sự ức chế thua cờ bạc của họ ấn lên vô lăng khi xử lý tình huống giao thông. 
Hơn 12 năm cầm vô lăng “chinh Nam, phạt Bắc”, Hải, (31 tuổi, ngụ TP.HCM) tài xế từng đưa chúng tôi từ Bình Thuận chở trái cây sang Trung Quốc cho biết, bản thân Hải đã chứng kiến không biết bao nhiêu vụ TNGT ở dọc đường. Nhớ lại cảnh các “chiến hữu”, người dân chết thương tâm khiến Hải không khỏi rùng mình. Trước đó, chiếc xe tải do người bạn điều khiển đi trước, xe Hải bám theo. Vừa qua địa phận Long Khánh, tỉnh Đồng Nai thì xe tải của người bạn đối mặt xe đầu kéo chạy ngược chiều. Tai nạn xảy ra, thi thể người bạn biến dạng trên cabin. Hải cùng người dân phải cạy cửa xe mới mang được xác nạn nhân ra đắp chiếu bên đường. “Nhắc lại thì tội, chứ thật ra lúc xuất bến nó đã phê ma túy rồi”, Hải nhớ lại. 
 
Tài xế Hải.
Tại trại cai nghiện ở Đồng Nai, Hòa (24 tuổi, quê Long An) tâm sự với chúng tôi với tâm trạng trĩu nặng. Xuất thân trong gia đình nghèo, cha mất sớm, mẹ đi thêm bước nữa. Học chưa hết cấp 2, Hòa rời ghế nhà trường lên TP.HCM làm đủ thứ nghề để kiếm tiền gửi về quê cho ông bà nội nuôi bầy em nheo nhóc. Trong một lần khuân vác hàng thuê, chủ xe gợi ý theo phụ và dạy nghề. Hai năm vi vu trên những cung đường Nam - Bắc, Hòa va chạm, đối mặt với quá nhiều cạm bẫy, tệ nạn… Và anh dính ma túy, dẫn đến nghiện ngập.     
“Em đi cai vài ba lần rồi nhưng không bỏ được. Nhiều lúc buồn ngủ, người mệt mỏi, tay chân bủn rủn, buộc thế phải dùng lại ma túy mới có tinh thần phấn chấn để đạp ga. Cũng vì nghiện ngập mà phải thường xuyên đi xin việc, vì bị chủ xe phát hiện rồi đuổi cổ”, Hòa cho biết thêm.
Tài xế đường dài dường như ai cũng có vết sẹo trên người. Đó là minh chứng sau mỗi lần tai nạn, nhưng họ vẫn mỉm cười. Bởi khi chọn nghề, họ xác định tai nạn đến với bản thân là điều hiển nhiên. Đối với những tài xế mới vào nghề, để chống cơn buồn ngủ, nhiều người tìm đến chất kích thích…và nghiện ma túy lúc nào không hay.
 
PV Tiền Phong tại một trạm xe container dừng chân.

Không chỉ các tuyến quốc lộ, đường liên tỉnh, nhiều tuyến đường trung tâm TP.HCM cũng đang bị các loại xe container, xe tải nặng hoành hành ngày đêm, kể cả giờ cấm gây không ít vụ tai nạn nghiêm trọng, người dân các khu vực này phải gọi tên tuyến đường tử thần.

Trong đó, khu vực các quận 2,7,9, vành đai cảng Cát Lái, Khu công nghiệp Tân Thuận… là những điểm nóng về tai nạn giao thông liên quan đến hung thần container. Những tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Xiển (quận 9); Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định (quận 2); Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Văn Linh (quận 7)… mỗi ngày có hàng ngàn lượt xe container chạy rầm rầm, nhiều cuộn sắt nặng hàng chục tấn nằm vắt vẻo trên rơ moóc…

Dân việt/Theo Đình Du (Tiền Phong)

Có thể bạn quan tâm

Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.