Những người thầm lặng giúp đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gần 20 năm hoạt động, một phòng khám từ thiện do các bác sĩ, lương y về hưu ở quận Gò Vấp, TP HCM đã khám chữa bệnh miễn phí cho hàng triệu lượt bệnh nhân nghèo
Muốn đến phòng khám từ thiện phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM vừa dễ lại vừa khó. Tìm theo địa chỉ rất khó vì ở đây, các số nhà ghi lộn xộn, nhiều địa chỉ trùng nhau. Nhưng dễ là cứ đến con hẻm đối diện khách sạn 175, đường Nguyễn Kiệm sẽ gặp nhiều người dân chỉ đường cặn kẽ.
Nơi chỉ có yêu thương và nụ cười
"Ngày nào cũng có nhiều người tìm đến phòng khám. Riết thành quen, thấy ai đứng ngó nghiêng là tôi nghĩ ngay họ tìm nơi khám bệnh. Tôi già rồi, không có gì để ủng hộ phòng khám nên chỉ có thể hướng dẫn người bệnh đến đúng nơi nhanh chóng" - một người dân cho biết.
 
Người dân chờ đến lượt khám bệnh. Ảnh: Trịnh Thiệp
Gần 9 giờ, phòng khám từ thiện phường 3 đã có khá đông bệnh nhân chờ đến thứ tự khám bệnh. Bác sĩ (BS) chuyên khoa II Nguyễn Xuân Đồng, trưởng phòng khám từ thiện, ước tính mỗi sáng, phòng khám tiếp nhận từ 20-30 bệnh nhân đến khám cả đông và tây y. Nguồn thuốc không đa dạng như bệnh viện (BV) nhưng hầu như thuốc nào cũng có và chưa bao giờ gián đoạn. Mỗi tuần có từ 5-7 người đến tặng thuốc cho phòng khám. Số thuốc được kiểm tra hạn sử dụng, nhập vào sổ và công khai khi giao ban hằng tuần.
Phòng khám từ thiện phường 3 thành lập từ năm 1995 nhằm khám chữa bệnh (KCB) cho dân nghèo. Đến năm 2009, do vướng dự án đường vành đai nên vị trí phòng khám cũ bị giải tỏa, nhiều năm liền phải ngưng hoạt động.
Giữa năm 2013, Đảng ủy và UBND phường 3 đã giao căn nhà số 94/639D Nguyễn Kiệm cho Hội Cựu chiến binh sửa chữa, nâng cấp để làm phòng khám từ thiện. Sở Y tế TP HCM cấp giấy phép hoạt động khám chữa bệnh với tên gọi mới là Phòng khám Nội khoa tổng hợp.
"Có địa điểm nhưng lấy đâu ra tiền để sửa chữa, nâng cấp phòng khám. Anh em phòng khám và Hội Cựu chiến binh vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 150 triệu đồng để sửa chữa và xây dựng phòng khám mới" - BS Đồng chia sẻ.
Đây là công việc thiện nguyện, không có lương, trợ cấp nên các BS phải có tấm lòng thì mới gắn bó lâu dài. Thế nhưng, không ít BS, lương y, điều dưỡng đã gắn bó với phòng khám gần 20 năm. Ngoài ra, phòng khám cũng thường xuyên vận động các BS, điều dưỡng mới về hưu từ BV Quân y 175 về hoạt động thiện nguyện tại đây.
Mô hình thiện nguyện hữu ích hiếm có
Khi BS Đồng đang kể chuyện phòng khám, về những chuyến đi kết hợp với các BV tổ chức khám từ thiện ở huyện Cần Giờ (TP HCM), tỉnh Tây Ninh… thì bà N.T.T (62 tuổi) đội nón lá, cầm một bịch thuốc vội vã đi vào.
Bà T. có quán nước nhỏ ngay con hẻm gần phòng khám. Mỗi khi trái gió trở trời, bà thường đến phòng khám chữa bệnh nên xem nơi đây như nhà của mình. Chính thái độ ân cần, dặn dò chu đáo của các BS, điều dưỡng, lương y khiến những người có hoàn cảnh khó khăn như bà cảm thấy ấm lòng, tin yêu vào cuộc sống. "Thế nên, khi có tiền hoặc ai cho thuốc, tôi liền đem thuốc đến tặng phòng khám" - bà T. chia sẻ.
Bà T. vừa đi thì bà T.T.K.H (70 tuổi, quê TP Hà Nội) đến phòng khám tay bắt mặt mừng với các BS. Hôm nay, bà đến khám và chào tạm biệt để 2 hôm nữa về Bắc. Hai năm liền ở chăm sóc cháu nội, đến lúc bà phải về quê chăm sóc mảnh vườn sau nhà và hương khói cho tổ tiên.
"Mỗi khi nhức đầu, chóng mặt, nhờ có các BS mà tôi khỏe mạnh hơn. Lớn tuổi rồi, không giúp đỡ gì được cho con cháu, xã hội nhưng được nhà nước quan tâm đến sức khỏe mọi người, không gì vui sướng bằng. Phòng khám đầy ắp nghĩa tình, các BS không phân biệt giàu nghèo hoặc người ở địa phương khác đến... Ai có nhu cầu KCB đều được các BS ân cần thăm hỏi và tư vấn rất kỹ. Mô hình này nên được nhân rộng nhiều nơi" - bà H. nói.
 
BS Nguyễn Xuân Đồng-Trưởng Phòng khám từ thiện phường 3, quận Gò Vấp, TP HCM - đang khám, tư vấn cho bệnh nhân. Ảnh: Trịnh Thiệp
Trong 15 BS, lương y, điều dưỡng đang làm việc ở phòng khám, lương y Đỗ Văn Thành là người thâm niên nhất với gần 20 năm. Sau khi nghỉ hưu, các lương y, BS ở đây có thể an hưởng tuổi già, đi du lịch, tận hưởng niềm vui bên con cháu nhưng họ lại chọn cuộc sống bận rộn, tiếp tục cống hiến cho đời. Lương y Đỗ Văn Thành thổ lộ: "Với tâm niệm còn sức khỏe để giúp ích cho đời, cho người, đó cũng là niềm vui, hạnh phúc, là điều may mắn nhất của tôi cũng như các đồng nghiệp".
Điều dưỡng Lại Thị Bé (SN 1959, ngụ quận Gò Vấp) làm việc tại phòng khám gần 4 năm. Nhớ lại khoảng thời gian đầu, bà Bé cười hồn hậu kể vừa nghỉ hưu là bà tham gia công việc thiện nguyện ngay. Lúc đầu, chồng bà trách hờn nhưng khi hiểu được công việc có ý nghĩa cao cả, ổng và các thành viên trong gia đình đều ủng hộ nhiệt tình. Bà Bé tâm niệm có thể giúp người khác không toan tính, để người bệnh bớt khổ, vượt qua khó khăn, góp nhặt những thiện lành thì cuộc đời sẽ có ý nghĩa hơn.
Đại tá Dương Văn Thanh, Phó Chủ nhiệm Chính trị BV Quân y 175, cho rằng phòng khám từ thiện phường 3 là một mô hình hoạt động hết sức ý nghĩa. Người dân được cấp thuốc, được các BS quan tâm, tư vấn. Qua đó người dân thêm tin yêu, ổn định sức khỏe để làm việc, sinh sống... Đây là mô hình thiện nguyện rất hiệu quả, đúng mục đích, không phải chỗ nào cũng làm được.
Cùng quan điểm, ông Phạm Đức Thụ - Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh quận Gò Vấp - cho biết khi phòng khám từ thiện phường 3 thành lập đã giải quyết được việc KCB cho người hưu trí, cựu chiến binh, người dân nghèo. Mặt khác, phòng khám cũng thường xuyên kết hợp với các BV tổ chức các chương trình khám bệnh miễn phí cho người cao tuổi, người dân nghèo. 
Ngày càng đông "khách"

BS Nguyễn Xuân Đồng thông tin phòng khám mở cửa các buổi sáng từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần. Mỗi ngày có 1 BS, 2 điều dưỡng và 1 lương y trực. Trong 3 quý năm 2018, phòng khám đã khám chữa bệnh cho trên 3.400 lượt người, quá trình khám chữa bệnh bảo đảm an toàn nên người dân rất tin tưởng.

Kỳ tới: Điểm tựa của những phận đời đơn côi
Trịnh Thiệp (Người lao động)

Có thể bạn quan tâm

Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...