Nỗi niềm liệt sĩ trở về sau 26 năm báo tử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Di ảnh và bàn thờ chồng mà 26 năm qua, mẹ con bà Hợp luôn lo hương khói. Ảnh: TRẦN TUẤN
Di ảnh và bàn thờ chồng mà 26 năm qua, mẹ con bà Hợp luôn lo hương khói. Ảnh: TRẦN TUẤN

Việc “liệt sỹ” Trịnh Thanh Bình trở về bằng xương, bằng thịt sau 26 năm báo tử tại thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã khiến nhiều người không khỏi ngỡ ngàng. Đằng sau điều kỳ diệu đó là cả một câu chuyện dài đầy xúc động từ phía hậu phương nỗ lực tìm... mộ liệt sĩ!

26 năm giỗ chồng
Ngày 1.10, hơn 2 tuần sau ngày trực tiếp sang Campuchia đưa cha mình là ông Trịnh Thanh Bình (62 tuổi) trở về quê hương, với gia đình, làng xóm ở tổ 6, thị trấn Hương Khê, anh Trịnh Thanh Hoàng (32 tuổi) vẫn nặng trĩu tâm trạng. “Vừa rồi em đưa cha đi ra bệnh viện ở Nghệ An khám. Kết quả, ông bị tổn thương não, tiểu đường, gan, sỏi mật nhưng vì chưa làm được giấy tờ tùy thân, chưa có bảo hiểm mà nhà lại quá khó khăn nên không có điều kiện nhập viện cho cha mà chỉ lấy thuốc về cho uống thôi. Đưa được cha về mà cha vẫn còn đau yếu, kinh tế gia đình lại khó khăn không chăm sóc tốt được cho cha, em thấy buồn, day dứt lắm” – anh Hoàng chia sẻ.
Cũng theo anh Hoàng, hiện cha anh vẫn chưa nhớ lại được kí ức, kỉ niệm ngày xưa với gia đình. Tiếng mẹ đẻ ông đã quên do mất trí nhớ, chỉ nói tiếng Campuchia sau 30 năm sinh sống ở xứ lạ. Người thân đang cố tập lại cho cha nói tiếng Việt.
Bà Nguyễn Thị Hợp (68 tuổi) – vợ ông Bình xúc động kể, ông Bình nhập ngũ năm 1976, đến năm 1980 thì về phép làm đám cưới với bà. Cưới xong, ông lại trở vào đơn vị. Từ năm 1982 – 1988, sau 3 lần về phép của chồng, bà Hợp mang thai rồi sinh được 3 người con gồm 2 gái, 1 trai vào các năm 1982, 1985, 1988. Những lần cực nhọc mang thai đó, bà đều sinh nở một mình mà không có chồng bên cạnh. Đặc biệt, với cô con gái út thì chưa một lần được nhìn mặt cha cho đến 30 năm sau, tức ngày 12.9 vừa qua thì cha là “liệt sỹ” bất ngờ trở về.
“Cuối năm 1988, gia đình tôi nhận được thông báo của đơn vị chồng về việc ông ấy bị mất tích. Đến năm 1992, thì nhận được giấy báo tử, rồi người ta tổ chức làm lễ truy điệu, lập bàn thờ. Thế là 26 năm qua, mẹ con tôi đã làm 26 cái giỗ cho ông ấy…” – bà Hợp ứa nước mắt xúc động, kể.
Vén lau nước mắt, bà Hợp kể tiếp: “Hôm ông ấy về, tôi lên ga đón vừa khóc vừa ôm chồng rồi đấm liên tục vào ông ấy. Tôi đấm vì vừa mừng, vừa hận là tại sao ông còn sống mà 30 năm qua không tìm về nhà, không có tin tức gì về cho gia đình. Nhưng sau đó mới biết ông đã bị… mất trí".
Bà Hợp còn kể, sau thời gian có giấy báo tử chồng, có rất nhiều người đàn ông tìm đến bà để muốn nên duyên, cùng bà đi hết phần đời còn lại nhưng bà đã từ chối mà chỉ nghĩ đến việc lăn lộn làm lụng để giữ tròn bổn phận thờ chồng, nuôi con khôn lớn.  
Vợ ông Bình xúc động rơi nước mắt khi kể lại việc chồng bất ngờ trở về sau 26 năm làm giỗ. Ảnh: Trần Tuấn
Vợ ông Bình xúc động rơi nước mắt khi kể lại việc chồng bất ngờ trở về sau 26 năm làm giỗ. Ảnh: Trần Tuấn
Nỗ lực tìm mộ, tìm được... người
Theo bà Hợp, sau này khi các con đã khôn lớn, bà càng đau đáu đi tìm phần mộ của chồng. Nhiều lần gia đình đã đi đến các nghĩa trang ở Quảng Bình, Tây Ninh, Đồng Nai... kể cả đã nhờ nhà ngoại cảm để tìm nhưng vẫn không có kết quả. Sau đó, gia đình chuyển hướng sang đi tìm thông qua các đồng đội của chồng. Hoàn cảnh khó khăn, nhiều khi không có tiền nhưng mẹ con bà Bình vẫn vay mượn, có khi còn cầm cố cả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay tiền đi tìm mộ chồng khi có thông tin gieo thêm được chút hy vọng.
Năm 2017, gia đình có nhờ một người đồng đội của ông Bình ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) quen biết nhiều ở Campuchia tìm giúp. Người này sau đó đã liên lạc với một người đồng đội tên Sơn sống ở Campuchia cùng tìm. Cũng chính những người đồng đội này đã báo đến một thông tin “sốc”, ngoài cả mong đợi.
"Tháng 8 vừa qua, gia đình em nhận được thông tin cha còn sống ở Campuchia, nhưng đã mất trí nhớ. Thế là em chụp ảnh mấy mẹ con rồi nhờ người gửi sang cho cha để gợi lại trí nhớ cho cha. Sau đó, em lo làm thủ tục, làm hộ chiếu và vay mượn tiền để sang đưa cha về. Hôm đưa cha về, ai cũng bất ngờ, vui sướng chảy nước mắt" – anh Hoàng, con trai ông Bình kể.
Cũng theo anh Hoàng, gia đình ở Campuchia kể rằng, họ thấy cha anh trong tình trạng bị thương do trúng bom. Sau đó họ cấp cứu cho rồi cưu mang cho đến nay. Ở bên đó, cha anh cùng gia đình họ sống bằng nghề làm rẫy và nuôi bò tại một địa bàn heo hút ở tỉnh Battambang.
Bà Nguyễn Thị Như Nguyệt - Trưởng Phòng LĐTBXH huyện Hương Khê cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin về trường hợp ông Trịnh Thanh Bình là liệt sĩ sống sót trở về, lãnh đạo huyện đã cử cán bộ Phòng LĐTBXH cùng với cán bộ Ban chỉ huy quân sự huyện và chính quyền thị trấn đến chúc mừng gia đình và xác minh sự việc.
Qua xác minh giấy tờ quân ngũ mà ông Bình còn giữ được và khẳng định từ người thân thì đúng ông Bình đã trở về. Khi trở về, ông Bình không có giấy tờ tùy thân nên theo bà Nguyệt, Phòng LĐTBXH huyện đã hướng dẫn gia đình làm giấy tờ tùy thân cho ông Bình, đồng thời làm các thủ tục gửi ngành chức năng để xem xét làm chế độ nếu giám định chứng minh được ông Bình bị thương do tham gia chiến đấu. 

Theo Phòng LĐTBXH huyện Hương Khê, hồ sơ lưu trữ cho thấy, giấy báo tử ngày 21.7.1992 của Tỉnh đội Hà Tĩnh ghi ông Bình hy sinh ngày 16.7.1988 tại chiến trường Campuchia trong trường hợp chiến đấu rồi mất thông tin khi giữ cấp bậc trung úy, đơn vị Đoàn 7704MT479 Quân khu 7.

Trần Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.