Mưu sinh trên lòng hồ Ia Nâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa mênh mông nước ở khu vực lòng hồ Ia Nâm (xã Chư Jôr, huyện Chư Pah, Gia Lai), hình ảnh người dân thong dong chèo thuyền giăng câu giữa cái nắng hanh hao cứ mãi níu bước chân chúng tôi. Nhưng thực tế cuộc sống của người dân nơi đây không êm đềm như cảnh trước mắt mà còn nhiều lắm những khó khăn.
Đánh cược với trời
Theo người dân trong xã, cứ vào khoảng tháng 2 hàng năm, nước trong lòng hồ Ia Nâm bắt đầu rút cạn, chỉ còn lại một rãnh nước nhỏ thì đây là thời điểm bà con làm đất, chuẩn bị sạ lúa. Và biển nước mênh mông trước đó sẽ nhanh chóng được thay bằng những ruộng lúa xanh tươi mơn mởn. Đến khoảng đầu tháng 6, bà con bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay do mưa nhiều nên đa phần người dân canh tác lúa tại khu vực lòng hồ chưa kịp gặt thì nước hồ đã dâng cao, nhấn chìm nhiều diện tích. Nhìn ruộng lúa đang chín vàng ngập trong nước, ông Thil (làng Wet) buồn rầu: “Nhà mình có 4 sào lúa ở khu vực lòng hồ, năm trước thu được hơn 40 bao, ăn không hết còn bán bớt đi. Năm nay mất trắng rồi!”. Không chỉ mất trắng 4 sào lúa mà ngay cả 1,2 sào cà phê sát khu vực lòng hồ cũng bị thiệt hại nặng do mưa nhiều. “Bình quân mỗi năm, gia đình mình thu khoảng 10 triệu đồng từ cà phê nhưng năm nay, mưa nhiều khiến cà phê bị ngập nước chết mất 1/2 diện tích, số còn lại không biết có khôi phục được không”.
  Người dân đánh bắt cá trên lòng hồ Ia Nâm.   Ảnh: P.D
Người dân đánh bắt cá trên lòng hồ Ia Nâm. Ảnh: P.D
Tương tự, mưa nhiều cũng khiến gia đình anh Jai (làng Wet) bị thiệt hại 5 sào lúa chuẩn bị cho thu hoạch tại khu vực lòng hồ. Giờ đây, 7 miệng ăn trong gia đình chỉ trông vào 2 sào lúa nước còn lại tại cánh đồng Rừng Giầu... Bà Nguyễn Thị Kim Hương-cán bộ Địa chính-Nông nghiệp xã Chư Jôr-cho hay: Tổng diện tích gieo trồng của người dân ở khu vực lòng hồ khoảng 15 ha. Do năm nay mưa sớm nên bà con chưa kịp thu hoạch và diện tích mất trắng khoảng 7 ha.
“Cái khó ló cái khôn”
Cứ đến mùa mưa, nước ở khu vực lòng hồ dâng cao nên bà con không thể canh tác. Nhưng bù lại, họ có thể mưu sinh đắp đổi bằng nghề đánh bắt cá. Sống bằng nghề này trên khu vực lòng hồ nhiều năm, ông Nguyễn Trung Tâm (thôn Ngô Sơn) bộc bạch: “Thời gian trước, chỉ cần đi vài giờ đã có cả chục ký cá lóc, cá trê. Giờ có khi dong thuyền kéo lưới từ sáng đến chiều cũng chỉ được 5-7 kg cá, có hôm chỉ được 2-3 kg”. Cũng theo ông Tâm, đặc sản ở lòng hồ Ia Nâm là cá chạch cui. Loài cá này thịt dai, ngọt và rất được thị trường ưa chuộng nên thương lái vào tận nhà thu mua với giá 100-120 ngàn đồng/kg. Song vài năm trở lại đây, số người đánh bắt nhiều nên loại cá này gần như cạn kiệt.
Không thể sống bằng vài ký cá mỗi ngày nên anh Hmi (làng Wet) đã bắt tay vào việc nuôi cá lồng. Anh Hmi cho biết: “Năm nay, mình nuôi thử nếu hiệu quả thì sang năm sẽ tiếp tục”. 1 sào lúa của gia đình anh Hmi nằm trong khu vực lòng hồ nhưng sát mé đường liên xã Chư Jôr-Nghĩa Hưng nên cạn hơn những khu vực khác. Theo dõi trên ti vi thấy người dân nuôi cá lồng bè cho thu nhập cao nên anh cũng mạnh dạn mua lưới B40, lưới tiêu về quây lại và mua 15 kg cá chép, cá trắm giống về thả. “Khi nào nước lòng hồ rút thì mình thu hoạch cá để sạ lúa, hy vọng đến lúc thu hoạch sẽ bán được khoảng 70 ngàn đồng/kg”-anh Hmi chia sẻ.  
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Công Nhuần-Chủ tịch UBND xã Chư Jôr-cho biết: Xã cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản nhưng do thiếu vốn và chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên bà con chưa mạnh dạn. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, tư vấn để bà con biết cách tận dụng diện tích mặt nước trong khu vực lòng hồ để phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo.  
Rời Chư Jôr, chúng tôi thầm nghĩ, liệu chính quyền xã có từng nghĩ đến việc phát triển loại hình du lịch chèo thuyền tham quan lòng hồ Ia Nâm trong chuỗi sự kiện lễ hội hoa dã quỳ-núi lửa Chư Đăng Ya? Bởi khu vực lòng hồ Ia Nâm nằm ngay trên trục đường từ TP. Pleiku đi núi lửa Chư Đăng Ya, cảnh quan nơi đây cũng không kém phần thơ mộng. Dạo quanh lòng hồ sẽ là dịp để du khách ngoạn cảnh, đồng thời tìm hiểu về cuộc sống của người dân. Đây cũng là cơ hội để cộng đồng tham gia làm du lịch, nâng cao thu nhập. 
Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.