Mưu sinh cuối miền cực nam Tổ quốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuộc sống không lo thiếu cái ăn nhưng để kiếm miếng cơm manh áo đâu phải chuyện dễ dàng. 
Người dân xã Đất Mũi lặn mò ốc móng tay ở khu vực bãi bồi ẢNH: GIA BÁCH
Người dân xã Đất Mũi lặn mò ốc móng tay ở khu vực bãi bồi ẢNH: GIA BÁCH
Bươn rừng bắt tôm cá, phơi mình giữa cái nắng bỏng rát ngoài biển xa... là chuyện thường ngày của những người dân mưu sinh nơi cuối miền cực nam Tổ quốc.
Với khoảng 100 hộ dân sinh sống, xóm Mũi, xã Đất Mũi (H.Ngọc Hiển, Cà Mau) là xóm làng duy nhất gần điểm mốc tọa độ phía nam Tổ quốc. Người dân hằng ngày ra biển thả lưới, lên rừng mò cua, bắt ốc... Tối đến, họ đi “săn đêm” để có thêm tiền trang trải cuộc sống và lo cho con cháu đến trường.
Săn đêm
Trời nhá nhem tối, chúng tôi xách đèn pin và thùng nhựa theo chân ông Nguyễn Văn Thắng (55 tuổi) đi săn đêm. Trên chiếc vỏ lãi chông chênh, ông Thắng dự đoán hôm nay cua cá, đẻn biển (rắn biển - PV) sẽ ít rời hang kiếm ăn hơn thường ngày vì trăng sáng. “Gặp con gì bắt con nấy. Bình thường tui đi đóng đáy ngoài biển khơi. Giờ chưa tới mùa mực nên ở nhà, tối đi săn kiếm thức ăn hằng ngày, bữa nào trúng dữ tui mới bán”, ông Thắng cho hay.
Sau khoảng 30 phút luồn lách qua những con rạch để tiến sâu vào rừng, ông Thắng tắt máy rồi thả vỏ lãi trôi dọc bờ. Đây là nơi có những gốc đước, gốc mấm (mắm), cây vẹt mà cua, ba khía... thường tìm đến kiếm ăn. Đặc biệt, sát mé kênh loài đẻn biển hay núp dưới đáy “phục kích” các loại cá.
Khua nhẹ mái chèo, ông Thắng tập trung cao độ để quan sát thật kỹ cả dưới nước và trên bờ. Chỉ vào đôi găng tay, ông nói đề phòng bị đẻn cắn, ông phải thủ sẵn cho chắc ăn. Mải trò chuyện, bỗng ông Thắng khựng lại vài giây, miệng khẽ nhắc: “Con đẻn to hơn nửa cổ tay đang núp chỗ kia. Chuẩn bị tui chụp nó nè!”. Dứt lời, ông vung tay mạnh xuống mặt nước rồi nhanh chóng lôi lên chiến lợi phẩm. Thao tác tiếp theo là... gõ mạnh con đẻn vào mạn vỏ lãi để khỏi bị phản đòn. “Nó đờ ra mười mấy phút rồi tỉnh lại thôi. Bắt đẻn không nhanh tay sẽ bị cắn như chơi”, ông giải thích.
Ông Thắng cho biết đẻn biển đem xào sả ớt hay luộc với sả đều ngon hết chỗ chê. Hơn nữa, loài này chỉ ăn cá biển nên thịt rất thơm. “Giá đẻn hơn 100.000 đồng/kg. Ba khía 40.000 đồng/kg, mực 60.000/kg”, ông Thắng liệt kê. May mắn hơn thì bắt được cua, chỉ cần một con cua thợ săn đã kiếm cả trăm ngàn.
“Sống ở xứ này không lo đói nhưng phải chịu khó mới được”, ông Thắng chia sẻ. Công việc không phải lúc nào cũng dễ dàng, từng giáp mặt với con rắn hổ đước nặng gần 5 kg mà chỉ có may mắn ông Thắng mới thoát nạn. Hôm đó, khi đang mải miết săn đêm, ông phát hiện con rắn ngóc đầu, đứng sát chỗ mình. Kịp định hình, ông lấy mái chèo đập mạnh xuống nước hòng cho con rắn bỏ đi. “Tui giằng co một hồi nó mới bò vào rừng. Từ đó tui không dám bén mảng tới khu rừng đó nữa. Mình mưu sinh nhưng gặp rắn độc thì... chạy cho chắc”, ông Thắng tỏ ra thận trọng.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã bắt hơn chục con đẻn biển. Khuôn mặt hồ hởi trông thấy, ông Thắng nháy mắt: “Nhiêu nhiều rồi, về thôi!”.
Phận đời nơi bãi bồi
Không có ghe tàu ra khơi xa, không đất sản xuất, nuôi trồng, nhiều người chọn nghề lặn mò ốc ở các bãi bồi ven biển kiếm sống. Đây là công việc đòi hỏi thợ lặn phải chai lì với nắng gió và nước mặn. Chưa kể những vỏ ốc, vỏ sò có thể cắt da thịt họ bất cứ lúc nào...
Đợi con nước chuẩn bị ròng (nước cạn - PV), nhóm chúng tôi bắt đầu xuất phát, đi dọc bãi bồi tìm điểm có nhiều ốc móng tay để lặn mò. Ông Võ Văn Cu (50 tuổi, ngụ xóm Mũi) tiết lộ đây là việc chỉ dành cho những người “mình đồng da sắt” chứ không phải ai cũng có thể bám trụ. “Cuộc sống mưu sinh mình phải làm hết. Nhưng nghề này cực lắm, thu nhập ba cọc ba đồng và cùng lắm chỉ đủ tiền xăng với cơm nước qua ngày thôi”, ông Cu chia sẻ.
“Chiến lợi phẩm” ốc móng tay, bắt lên bán với giá 25.000 đồng/kg
“Chiến lợi phẩm” ốc móng tay, bắt lên bán với giá 25.000 đồng/kg
Sau mấy chục phút lướt sóng, ông Cu chỉ tay về nơi có nhóm người đang ngụp lặn, bảo: “Đó là nơi dành cho những người nghèo sinh kế. Mải mê mò ốc móng tay nhưng ai cũng canh con nước, khi nước rút phải về ngay, kẻo lại mắc cạn thì tới rạng sáng mới vô bờ được”, ông nói.
Tròng sợi dây có cột chiếc thau nhựa vào cổ, ông Cu lập tức nhảy xuống nước mò ốc. Thoạt nhìn có vẻ việc này rất dễ dàng, chỉ cần vài thao tác là có thể bắt được những con ốc tươi ngon. Vừa xuống làm cùng mọi người, chúng tôi đã “ăn” vết cắt ngay ngón chân cái. Thấy chúng tôi “đứng hình”, ông Cu như biết chuyện: “Kiếm chén cơm không phải chuyện dễ đâu. Chân tay tui tả tơi vì bị vỏ ốc vỏ sò cắt, chưa kể ngâm mình hơn 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày dưới nước. Mưa lạnh cóng, nắng thì bỏng hết da mặt”.
Cách đó không xa là vợ chồng bà Nguyễn Thị Ánh, 56 tuổi, ngụ xã Đất Mũi. Hằng ngày, rạng sáng vợ chồng bà chạy vỏ lãi hơn 1 giờ mới tới bãi bồi. Họ mò ốc miết tới 2 giờ chiều, khi con nước ròng gần sát đáy bãi bồi mới lật đật trở về. “Ốc móng tay giá 25.000 đồng/kg. Một ngày vợ chồng tui bắt được khoảng 15 kg”, bà Ánh kể. Quấn chiếc khăn rằn và đội thêm nón lá trên đầu, bà Ánh nói hơi nước mặn chát với cái nắng chói chang này không phải ai cũng chịu nổi. Da mặt người phụ nữ lặn biển đã bong tróc gần hết. Cơm mang theo cũng phơi nắng cả ngày để “tiếp lửa” cho vợ chồng bám trụ suốt nhiều giờ dưới nước.
Bà Nguyễn Thị Ánh ngâm mình hơn 10 giờ mỗi ngày dưới biển để mò ốc móng tay
Bà Nguyễn Thị Ánh ngâm mình hơn 10 giờ mỗi ngày dưới biển để mò ốc móng tay
Sau hơn một giờ “làm thiệt”, chúng tôi thu hoạch chưa quá 1 kg ốc. Lúc lên vỏ lãi chuẩn bị ra về, những tấm lưng lom khom đều thẳng đứng, họ ngước nhìn như chào tạm biệt khách lạ. Bà Ánh nói với theo: “Về nhớ tắm xà bông chứ hông ngứa lắm nghen. Tụi tui quen chứ người lạ chịu sao nổi”. Sóng vẫn dập dìu, nước vẫn mặn chát và rồi những phận đời vẫn tiếp tục mưu sinh ở nơi cuối miền cực nam Tổ quốc... Chẳng mấy chốc, từng người thu dọn chiến lợi phẩm lên vỏ lãi đi về, kết thúc một ngày mưu sinh. Đây cũng là lúc bãi bồi từ từ hiện rõ sau lưng chúng tôi, ngoái nhìn bãi kéo dài ngút mắt...
Xóm không... cửa

Dọc dòng kênh Mũi là nơi người dân đến cất nhà sinh sống từ hàng chục năm nay. Có người quê Bạc Liêu, Tiền Giang... nhưng cũng có người ở tuốt ngoài Quảng Ngãi vào đây bám rừng, bám biển mưu sinh. Đặc biệt, những ngôi nhà ở xóm Mũi đều không có... cửa. Ở đây, tiền bạc vật chất có thể thiếu, nhưng ai cũng sống tình cảm, không tham lam trộm cắp bao giờ! Ông Nguyễn Văn Thắng kể từ hàng chục năm khai phá, lập nghiệp ở vùng này, nhà của bà con đều không làm cửa. Bởi có ai... giàu có đâu, với lại bà con sống tình cảm, đoàn kết, không khi nào bị mất trộm thứ gì.

Cậu bé siêng năng

Danh Khánh Nhựt (12 tuổi) là cậu bé mà người dân xóm Mũi ai cũng biết đến. Chập tối, Nhựt tròng đèn pin lên trán, xách thêm bao lưới đi dọc bờ kênh Mũi săn đêm (ảnh). Nhựt kể gia đình mình dưới Kiên Giang, mới đến trú ngụ ở xóm Mũi chỉ hơn một năm nay. Cha Nhựt khai thác ốc móng tay ngoài biển, mẹ ở nhà nội trợ. Hiện Nhựt đã nghỉ học và hằng ngày phụ mẹ kiếm cái ăn. Áo quần Nhựt lấm lem, thậm chí chai nước mang theo uống cũng dính đầy sình bùn. Ngày nào cũng thế, cậu bé như con đom đóm len lỏi nơi mé sông, rong ruổi khắp xóm để tìm cái ăn....

Gia Bách-Trác Rin (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.