Kiệt quệ vì Ma rừng (*): Chuyện gì cũng tìm thầy bói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người thân đau ốm thay vì đưa đến bệnh viện, nhiều gia đình lại tìm đến thầy bói, cúng kiếng linh đình, hậu quả là tiền mất tật mang
Tại tỉnh Quảng Ngãi, dù ngành chức năng nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân nhưng tình trạng mê tín dị đoan vẫn âm ỉ lưu truyền trong nhiều bản làng vùng cao. Mỗi khi có người mắc bệnh hoặc gia súc bị dịch chết, người dân đều tìm đến thầy bói. Thậm chí có trường hợp vì nghe theo lời thầy bói phán mà tán gia bại sản hoặc giết người.
Đốt lửa ra bệnh
Từ sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi đến nhà thầy bói Hồ Văn Bờ (ngụ xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) để mục sở thị ngón nghề đốt lửa xem tay đoán bệnh. Mặc dù anh Phạm Văn Nam (một người dân địa phương dẫn chúng tôi đi) không có bệnh tật gì nhưng sau khi đốt lửa xem tay, thầy bói phán anh bị người khác "cầm đồ thuốc độc" hãm hại. "Anh đây bị bạn gái hại bỏ bùa đồ độc trong bụng vì thế gây đau ốm, bệnh viện cũng chữa không khỏi. Tôi sẽ chữa trị khỏi bệnh" - thầy Bờ phán. Sau khi đốt lửa khám bệnh, cho thuốc, thầy bói Bờ lấy 300.000 đồng.
Gia đình ông Hồ Văn Non lâm vào cảnh kiệt quệ, nợ nần do tin lời thầy bói. Ảnh: TỬ TRỰC
Gia đình ông Hồ Văn Non lâm vào cảnh kiệt quệ, nợ nần do tin lời thầy bói. Ảnh: TỬ TRỰC
Theo anh Nam, dù cách khám chữa bệnh đốt lửa xem tay phi khoa học nhưng mỗi ngày tại nhà ông Bờ có rất nhiều người tìm tới. Không chỉ vì có người thân ốm đau, nhiều người trong nhà có gia súc, gia cầm chết cũng đến xem bói coi có bị bỏ bùa ngải hay không. Để minh chứng cho câu chuyện, anh Nam dẫn chúng tôi tới nhà ông Phạm Văn Non (ngụ xã Ba Bích, huyện Ba Tơ) - một trong những nạn nhân của thầy bói Bờ.
Theo lời ông Non, cách đây 3 năm, đứa con út 12 tuổi bị bệnh trái rạ nhưng lâu ngày không khỏi nên ông được mọi người chỉ tìm tới thầy bói Hồ Văn Bờ. Ông Bờ đốt lửa và phán gia đình ông Non bị người khác hãm hại, chôn đồ độc trong vườn nên phải về nhà mổ trâu cúng mới hết. Tin lời thầy bói Bờ, dù gia cảnh khó khăn nhưng ông Non vẫn chạy vay bà con lối xóm được hơn chục triệu đồng mua con trâu về mổ, chuẩn bị mâm lễ vật nhờ thầy Bờ tới cúng.
Sau 3 ngày cúng kiếng linh đình, căn bệnh trái rạ của con trai ông Non vẫn không khỏi. Thấy bệnh của con ngày càng nặng và được bà con động viên, ông Non mới đưa cháu ra trung tâm y tế huyện điều trị. Khi được cho uống thuốc, 3 ngày sau, con ông Non đỡ bệnh về nhà. "Bây giờ mình mới biết bị thầy cúng Bờ lừa nhưng sự việc đã qua rồi nên mình đang cố gắng đi làm trả nợ. Tổng số tiền mình còn nợ bà con là khoảng 15 triệu đồng. Trong đó, 12 triệu đồng mua trâu, 3 triệu đồng trả công cho thầy Bờ đến cúng" - ông Non kể.
Không chỉ câu chuyện ông Non, tại rất nhiều bản làng vùng cao huyện Ba Tơ thời gian qua xảy ra rất nhiều vụ việc vì tin lời thầy bói phán nên nhiều gia đình bán cả trâu bò, gia súc để có tiền mướn thầy bói về cúng trừ tà và rơi vào cảnh kiệt quệ, nợ nần chồng chất. Thậm chí, có vụ án mạng xảy ra do người dân tin lời thầy bói phán người này người kia có "đồ độc".
Điển hình vụ án mạng xảy ra ở xã Ba Khâm, huyện Ba Tơ mới đây. Vì nghe theo lời thầy bói cho rằng bà Phạm Thị Hương có "đồ độc" sẽ hại chết người nên một nhóm thanh niên thay nhau đánh chết nạn nhân.
Gặp chuyện đổ tại hàng xóm
Buôn Drang, xã Ea Hđing, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số. Nói đến chuyện bói toán, nhiều cán bộ xã Ea Hđing lại nhắc câu chuyện diễn ra vào giữa năm 2012, khi gia đình ông Hoàng Văn N. nhiều đêm bị người dân trong buôn ném đá, xác gia súc, gia cầm vào nhà.
Quá hoang mang, lo lắng, gia đình ông N. phải cầu cứu chính quyền. Vào cuộc xác minh, chính quyền địa phương xác định một gia đình ở trong buôn có con thường xuyên đau ốm nên đi xem bói thì "thầy" phán do một người cùng xóm làm bùa, người này ở căn nhà xây cuối xóm là nhà ông N. Sau khi tốn nhiều tiền cho "thầy" cúng để chữa chạy nhưng bệnh của con vẫn không giảm nên gia đình này đã loan tin cùng người dân ném xác gia súc thối vào nhà ông N.
Chính quyền địa phương xã Ea Hđing đã tổ chức hòa giải, tuyên truyền vận động người dân trong buôn hiểu. Từ đó, gia đình ông N. mới được sống yên.
Dù những vụ lừa đảo của thầy bói liên tục được cảnh báo và ngành chức năng các địa phương cũng đã vạch trần, xử lý hàng chục trường hợp thầy bói hành nghề mê tín dị đoan nhưng tệ nạn này vẫn âm ỉ diễn ra.
Bà Đinh Thị Thanh Hường - Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi - thừa nhận nạn mê tín dị đoan, quan niệm "cầm đồ thuốc độc" vẫn tồn tại dai dẳng, âm ỉ trong đời sống của người dân, đặc biệt ở các xã vùng cao, vùng sâu. "Dù chính quyền địa phương nỗ lực tuyên truyền nhưng do điều kiện sống nơi non cao, hẻo lánh nên nhận thức của người dân còn hạn chế nhiều mặt. Đây là một thực tế đáng buồn, lâu nay chưa xóa được" - bà Hường nói. 
Kỳ tới: Chân dung thầy mo
Thành hộ nghèo sau "rựp-cu-múi"

Hai năm trước, gia đình anh Hồ Văn S. (45 tuổi; trú ở bản Kỳ Nơi, xã A Vao, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) rất khá giả do có nhiều "tài sản biết đi" bò, dê, gà. Tuy nhiên, sau khi cha mẹ anh S. lần lượt khuất núi, những "tài sản biết đi" trên đều chóng ra đi vì mang ra phục vụ trong các đêm chia buồn, tiễn đưa người quá cố.

Từ hộ khá, sau 2 lần "rựp-cu-múi" (tiếng Pa Kô có nghĩa là đám ma mới), gia đình anh S. bỗng chốc thành hộ nghèo. "Trong đám tang của bố tôi năm ngoái, có khoảng 200 người đến dự và ở lại 2 hôm. Để phục vụ việc ăn uống cho mọi người, gia đình tôi phải mổ 2 con bò (mỗi con trị giá 20 triệu đồng), vài tạ gạo và gần 70 con gà. Đó là chưa kể số heo, dê theo phong tục dâng lên Giàng trong mỗi lễ cúng. Bởi vậy, sau đám tang, gia đình tôi chẳng còn tài sản gì có giá trị" - anh S. lý giải vì sao mình trở thành hộ nghèo.

Hải Phong
Tử Trực-Cao Nguyên (NLĐ)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.