Khát vọng tỏa sáng tài năng:Quái kiệt Nguyễn Thế Vinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không chỉ là quái kiệt đàn guitar, nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh còn là một gương nhà giáo hết lòng với trẻ mồ côi và khuyết tật

Từ 2 năm nay, nghệ sĩ khuyết tật Nguyễn Thế Vinh trở nên quen thuộc khán giả trên các sân khấu ca nhạc với hình ảnh vừa đánh đàn guitar vừa thổi kèn harmonica. Nhưng phía sau ánh đèn sân khấu là hình ảnh thầy giáo Vinh rong ruổi khắp nơi biểu diễn để kiếm tiền nuôi dưỡng, dạy học cho trẻ bất hạnh tại cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương (số 572, tổ 18, khu phố 2, phường Mỹ Phước, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương).

Nghị lực phi thường

Cuộc đời Nguyễn Thế Vinh là một mảnh ghép nhiều mất mát. Ông sinh năm 1970, tại một làng quê nghèo ở huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Năm ông lên 4 tuổi thì cha mất do chiến tranh. Ba năm sau, mẹ ông qua đời vì bệnh tật, phải sống nhờ sự cưu mang của ông bà ngoại. Năm lên 9 tuổi, trong một lần đi chăn bò, ông không may bị té từ lưng bò xuống gãy tay trái, phải cắt bỏ. "Nhìn bạn bè lành lặn đến trường, tôi cảm nhận nỗi mất mát, đau đớn vì thể xác không lành lặn của một đứa trẻ. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua đi, tôi cố gắng sống, cố gắng học hành, vượt qua mặc cảm bản thân" - ông nhớ lại.

Câu hỏi nhiều người đặt ra là làm thế nào mà ông chơi được đàn và cơ duyên nào trở thành nghệ sĩ?

Ông kể 3 năm sau khi mất cánh tay thì người cậu ruột ở tù về. Những đêm trăng sáng, người cậu thường ôm đàn guitar hát cho trẻ em nghe. "Tôi mê đàn từ đó. Đầu tiên, tôi lấy dây thun cột que nhang vào chỗ bị cụt rồi gảy đàn nhưng không được. Tôi kẹp thử phím vào chân phải rồi bấm tay trái, gảy bằng chân trái cũng không xong. Mất 3 năm sau, lúc học lớp 9, tôi mới nghĩ ra cách bấm một ngón tay và gảy bằng những ngón còn lại. Lúc đầu bấm từng giai điệu đơn lẻ rồi sang hợp âm... Sau nhiều năm khổ luyện, tôi mới chơi đàn như người bình thường" - ông thổ lộ. Còn việc sử dụng harmonica kết hợp với đàn guitar, ông bảo tập tành từ lúc vào học đại học ở TP HCM. Đến Năm 1992, khi đang học đại học năm thứ 3, ông mới chơi thuần thục.


 

 Quái kiệt Nguyễn Thế Vinh thường xuyên đi nước ngoài biểu diễn để có tiền lo cho cơ sở Hướng Dương
Quái kiệt Nguyễn Thế Vinh thường xuyên đi nước ngoài biểu diễn để có tiền lo cho cơ sở Hướng Dương
 trong một lần biểu diễn ở chương trình
trong một lần biểu diễn ở chương trình "Người bí ẩn" (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Nói về cơ duyên trở thành nghệ sĩ, ông bật mí: "Cuối năm 2014, sau một buổi nhậu với bạn bè ở quê vào Sài Gòn, lúc về đi ngang qua một quán nhạc sống, vì có chút rượu trong người nên tôi "dũng cảm" vào xin đàn thử bản "Diễm xưa". Tôi không ngờ được nhiều người vỗ tay, dành cho nhiều tình cảm. Thế là hôm sau tôi quay lại xin biểu diễn. Cũng nhờ chủ quán có quen nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nên giới thiệu rồi sau đó nhạc sĩ dẫn tôi đến gặp ca sĩ Ánh Tuyết… Mình không nghĩ có ngày được lên sân khấu. Cơ duyên chắc cũng nhờ cái lần uống rượu, liều mạng xin đàn thử".

Cho đến nay, tên tuổi của nghệ sĩ Nguyễn Thế Vinh đã không còn xa lạ trong các hoạt động ca nhạc. Ông thích diễn tấu những nhạc phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như "Cát bụi", "Diễm xưa", "Biển nhớ"... Những bản nhạc tài hoa của Trịnh Công sơn trở thành những dòng chảy mượt mà qua 5 ngón tay của quái kiệt này. Nghe ông biểu diễn, ai cũng hiểu trong tiếng đàn ấy, ngoài năng khiếu, ngoài sự kiên trì còn là một chiều sâu trong tâm hồn của người nghệ sĩ.

"Ông giáo làng trên tầng gác mái"

Đó là tên cuốn tự truyện xuất bản năm 2017 và cũng là cuộc đời thứ hai của Nguyễn Thế Vinh, một gương nhà giáo hết lòng với trẻ mồ côi và khuyết tật. Những việc làm của ông như bù đắp một phần mất mát của một đứa trẻ mồ côi, một cậu bé chăn bò mất đi cánh tay.

Ông cho biết năm 2006, ông lên Bình Dương, xin làm giáo viên dạy kèm các môn toán, lý, hóa. Ba năm dạy học ở đây, ông gặp nhiều học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn nhưng chí thú học hành. Thế là ông đi vận động bạn bè chung tay mở trường nhằm giúp đỡ họ. "Rất may mắn là năm 2009, tôi vận động 836 triệu đồng để xây trường. Kết quả là cơ sở bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương ra đời từ tháng 9-2010 đến nay. "Chỉ sau 5 năm hoạt động, cơ sở đã nuôi dưỡng và đào tạo được 101 trẻ mồ côi và khuyết tật. Trong đó, đến nay có 70 em vào đại học và trong số này có 23 em sang Nhật, 1 em sang Mỹ" - ông khoe.

Hiện tại, cơ sở đang nuôi dưỡng và dạy học cho 47 học viên, chia đều cho các cấp I, II, III. Ngoài trực tiếp đứng lớp, ông còn vận động thêm 6 giáo viên khác tham gia. Để duy trì cơ sở, ông phải "chạy sô" nhiều hơn, thực hiện những chuyến biểu diễn ở nước ngoài, kết hợp xin tài trợ.

Nhiều người bảo nhắc đến quái kiệt Nguyễn Thế Vinh là nhắc đến mái nhà Hướng Dương mà ông dành trọn tâm huyết để thay đổi cuộc đời cho trẻ bất hạnh. Những ngày này, ông vẫn đứng trên bục giảng, tận tụy với từng con chữ trong dáng hình bé nhỏ của mình. Thẳm sâu trong ánh nhìn của người nghệ sĩ, người thầy đáng kính này là một trái tim bao la cùng với những khát vọng về cánh cửa tương lai rộng mở cho trẻ mồ côi, khuyết tật. "Đời tôi mồ côi, vất vả rồi, chỉ mong các em có cuộc sống tốt đẹp hơn mình" - ông Vinh bày tỏ.

Nói về những dự tính cho mái ấm Hướng Dương, ông bảo: "Tôi ước có thể dạy học trò của mình chơi nhạc nữa. Tôi ôm ấp giấc mơ này bao năm rồi mà vẫn chưa thực hiện được. Có lẽ sang năm, tôi sẽ tìm được người song hành cùng mình".

Ca sĩ Ánh Tuyết nhận xét: "Ở Nguyễn Thế Vinh có một điều rất hay là Vinh không bao giờ chứng tỏ bất cứ điều gì. Cứ an nhiên, nhẹ nhàng, rất giản dị, ôn hòa, sống tình cảm. Đó là một nghệ sĩ được yêu mến bởi tài năng, bởi tính cách và bởi tấm lòng yêu thương con người".


Thùy Trang (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).