Coi chừng sập bẫy lừa mua nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thông qua số điện thoại các đại lý nông sản, nhóm đối tượng bất hảo đã đặt mua tiêu, điều, cà phê với số tiền hàng trăm triệu đồng để chuyển về nhà kho đã thuê tại Bình Dương, chiếm đoạt rồi "lặn" mất tiêu…
Từ đầu năm 2018 đến nay, tại Bình Dương đã xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn khá tinh vi: Thông qua số điện thoại các đại lý nông sản tại các tỉnh Cà Mau, Tiền Giang, Đắk Nông, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Phước…, nhóm đối tượng bất hảo đã đặt mua tiêu, điều, cà phê với số tiền hàng trăm triệu đồng để chuyển về nhà kho đã thuê tại Bình Dương, chiếm đoạt rồi "lặn" mất tiêu. Tình trạng trên cũng đã từng xuất hiện ở Đồng Nai nhưng với chiêu thức khác.
Kế hoạch lừa đảo tinh vi
Trong cơn mưa chiều đầu tháng 8-2018, anh Trần Đăng Quang (34 tuổi, ngụ thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, Gia Lai) hẹn gặp tôi tại một quán cà phê ở TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Người đàn ông này vẫn chưa hết bàng hoàng và xót của. Anh Quang đã phải đi vay nợ người thân, bạn bè để đầu tư kinh doanh hạt điều. Mặt hàng nông sản này vốn đang được các công ty chế biến thực phẩm ở Bình Dương rất ưa chuộng, mua với giá cao.
Vào cuối tháng 4-2018, anh Quang cùng anh Trần Anh Vinh (31 tuổi, ngụ xã An Hòa, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) có hùn vốn hơn nửa tỷ đồng mua gần 33 tấn hạt điều và sau đó bán lại cho người phụ nữ tên Đào (tên gọi khác là Ngọc), qua sự giới thiệu của một người phụ nữ thường gọi là cô Hai (ngụ thị xã Đồng Xoài, Bình Phước). Qua điện thoại, người phụ nữ tên Đào yêu cầu chở số hạt điều đến khu vực Cổng Xanh (Bình Dương) để giao hàng.
Sau khi cân hàng, người phụ nữ tên Huyền đi cùng Đào hướng dẫn Quang và Vinh đến kho nằm trên đường Phạm Ngọc Thạch, thuộc phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một để xuống hàng. Xuống hàng xong, lấy lý do chờ chồng của Đào mang tiền đến thanh toán, đối tượng mời cả hai đi ăn cơm. Đến 20 giờ tối cùng ngày, Đào chỉ thanh toán được 180 triệu đồng vào tài khoản của anh Vinh.
Một cơ sở sản xuất hạt điều rao bán mặt hàng tại Bình Phước.
Một cơ sở sản xuất hạt điều rao bán mặt hàng tại Bình Phước.
Sau đó, Đào và Huyền tiếp tục dẫn họ đến một quán cà phê khác ở gần tòa nhà lớn gần đó và nói ngồi chờ lấy tiền. Linh tính mách bảo có chuyện chẳng lành, khoảng 21 giờ cùng ngày, anh Vinh thuê taxi đến nhà kho thì phát hiện toàn bộ số hạt điều đã được chuyển đi hết. Lúc này, tại quán cà phê, viện lý do đi vệ sinh, Đào và Huyền đã bỏ trốn để Quang ngồi một mình cho đến khi anh Vinh quay lại báo tin bị lừa. Sau cú giao dịch, cả hai đã mất hàng trăm triệu đồng.
Một nạn nhân khác là chị Đào Thị Hồng (44 tuổi, ngụ phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Bình Phước), một chủ doanh nghiệp chuyên kinh doanh nông sản. Chị Hồng chua chát: "Tôi đã từng tuổi này rồi mà vẫn bị chúng lừa. Tôi đến Công an tỉnh Bình Dương trình báo thì biết rất nhiều nạn nhân khác cũng sập bẫy như mình".
Cụ thể, trưa 2-2, chị nhận được cuộc điện thoại từ số 0901.111.288, người đầu dây giới thiệu tên Thảo đặt mua 20 tấn hạt tiêu, yêu cầu giao hàng về ấp 5, xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên và sẽ quay lại thanh toán tiền sau.
Tin lời, chị Hồng và tài xế ngồi đợi Thảo. Đến 12 giờ 30 phút, chị nhận được điện thoại của Thảo hẹn đến trước cổng khu du lịch Đại Nam để nhận tiền thanh toán. Chị cử tài xế ở lại kho thì thấy một chiếc xe bán tải đến kho mang 11 bao hạt tiêu trị giá 55 triệu đồng chở đi. Chị liên lạc với Thảo thì người phụ nữ này nói mang tiêu đi bán cho khách, hẹn đến tối sẽ trả tiền đầy đủ.
Đến hẹn, chờ mãi không thấy Thảo đến, chị gọi điện thoại nhưng không liên lạc được. Chị Hồng cho rằng, đối tượng đã lập kế hoạch từ trước để giăng bẫy những chủ bán hàng nông sản. Như vậy, Thảo đã thuê sẵn địa điểm, hẹn thời điểm giao hàng, hứa hẹn giao tiền rồi thực hiện màn lừa đảo khá tinh vi.
Xác lập chuyên án
Đại tá Trần Văn Chính, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương mô tả khái quát: Thủ đoạn chính của các đối tượng là sau khi nhận hàng đưa vào nhà kho, chúng tìm cách trì hoãn việc thanh toán với nhiều lý do, như tìm cách mời nạn nhân đi ăn cơm hay uống cà phê để chờ, hoặc thanh toán cho nạn nhân một phần nhỏ giá trị hàng hóa làm tin để cầm chân nạn nhân.
Đại tá Trần Văn Chính
Đại tá Trần Văn Chính
Trong lúc này, một nhóm đối tượng khác sẽ dùng phương tiện vận chuyển đến nhà kho để bốc dỡ hàng đi nơi khác tiêu thụ; trong khi đối tượng tiếp xúc với nạn nhân sau đó sẽ tìm cách tẩu thoát êm. Khi nạn nhân nghi ngờ quay lại kiểm tra nơi xuống hàng mới biết nơi gọi là kho ấy đều do các đối tượng không rõ danh tính, lai lịch thuê, thanh toán tiền trước. Đến lúc này nạn nhân chỉ còn biết đến cơ quan Công an để trình báo.
Năm 2017 cũng có một số nạn nhân khác bị "mắc bẫy" cùng thủ đoạn tương tự. Cuối tháng 12-2017, anh Đinh Tiến Danh (45 tuổi, ngụ huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), chủ một đại lý bán nông sản tại tỉnh Bình Phước, nhận được điện thoại với đầu số 0901.111.288 của một người cũng tự xưng là Thảo và đặt mua 20 tấn cà phê với giá 37.500 đồng/kg, tổng trị giá 746 triệu đồng. Đối tượng yêu cầu anh Danh giao hàng tại địa chỉ ấp 4, xã Vĩnh Tân, thị xã Tân Uyên, sẽ thanh toán tiền mặt tại đây.
Đến 12 giờ trưa, anh Danh cùng tài xế dùng xe bán tải chở số cà phê này đến giao cho Thảo. Tại đây, đối tượng mời họ đi ăn cơm trưa và kêu tài xế của Thảo về nhà lấy tiền thanh toán. Tuy nhiên, tài xế quay lại chỉ mang số tiền 240 triệu đồng, Thảo hẹn 16 giờ chiều cùng ngày sẽ chuyển trả toàn bộ số tiền còn lại. Anh Danh quay lại nhà kho thì phát hiện số cà phê vừa giao đã được chuyển đi mất. Thảo tắt máy, mất tăm.
Công an tỉnh Bình Dương hiện đang xác lập chuyên án, phối hợp cùng Công an các địa phương có liên quan tập trung đấu tranh. Công an tỉnh Bình Dương cũng đã đưa ra các khuyến cáo về thủ đoạn, hành vi lừa đảo của nhóm đối tượng để người dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác. Đối với người kinh doanh, khi giao kết hợp đồng mua bán nông sản qua điện thoại, nên tìm hiểu rõ lai lịch của đối tác trước khi giao dịch.
Chủ hàng cần quản lý hàng hóa của mình khi giao dịch chưa hoàn tất, tránh gặp bất lợi. Công an tỉnh Bình Dương cũng lưu ý các chủ kho bãi cần biết rõ thông tin lai lịch của người thuê, tránh để họ lợi dụng địa điểm để thực hiện hành vi lừa đảo. Người cho thuê cũng chịu thiệt hại khi không thể thu được tiền cho thuê. Các chủ kho bãi khi cho thuê nếu thấy các dấu hiệu bất thường cần chủ động báo cơ quan Công an địa phương để kịp thời chủ động đấu tranh, phòng ngừa tội phạm.
Các ngân hàng nếu phát hiện tài khoản có dấu hiệu nhận tiền, chuyển tiền bất minh như nêu trên thì cần thông báo, phối hợp với cơ quan Công an xác minh làm rõ, nhằm kịp thời ngăn chặn, không để đối tượng tiếp tục gây án, làm thiệt hại cho người dân.
Hiện nay, tình trạng mua bán nông sản như tiêu, điều, cà phê… diễn ra rầm rộ tại các tỉnh thành trong cả nước. Chỉ cần gõ vào trang mạng tìm mua bán hàng nông sản thì xuất hiện hàng loạt tên các cơ sở, doanh nghiệp, kèm theo số điện thoại, địa chỉ kinh doanh.
Trong vai một khách hàng cần mua 2 tấn hạt tiêu tiêu thụ tại TP Hồ Chí Minh và Bình Dương, tôi gọi vào số điện thoại 097286xxx được một chủ cơ sở kinh doanh tên Thanh ở huyện Bù Đốp, Bình Phước giới thiệu mặt hàng hạt tiêu, đồng thời hỏi rõ về số lượng, địa điểm giao hàng, cũng như phương thức thanh toán.
Anh Thanh cũng cho biết rằng, nếu số lượng vượt quá khả năng cung cấp của mình thì chủ cơ sở này sẽ liên kết với các cửa hàng kinh doanh khác đảm bảo chuẩn về chất lượng, đủ về số lượng theo yêu cầu của khách hàng. Chỉ cần tôi nói địa điểm giao hàng thì Thanh sẽ cho tài xế chở số hàng trên xuống TP Hồ Chí Minh giao hàng theo thỏa thuận.
Đáng lẽ, trong vụ việc trên, người chủ tên Thanh cần biết rõ về lai lịch của khách hàng, địa điểm giao dịch trước khi bán hạt tiêu như Công an tỉnh Bình Dương từng khuyến cáo. Thậm chí, anh Thanh có thể yêu cầu khách hàng đến cơ sở của mình để gặp mặt, đồng thời yêu cầu mang theo giấy tờ tùy thân để hai bên thực hiện ký kết các hợp đồng mua bán theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các công đoạn cần thiết ấy đều dễ dàng bị bỏ qua.
Lừa bán sang tay
Cách đây không lâu, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Long Khánh (Đồng Nai) đã làm rõ hành vi lừa đảo mua bán nông sản hàng trăm triệu đồng của Bùi Thị Tuyết (30 tuổi, ngụ xã Đắc Nhan, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Tuyết đã lừa đảo chiếm đoạt của những người mua bán nông sản ở Bình Phước hàng chục tấn hạt điều.
Người dân gom điều để thương lái xuống gom hàng.
Người dân gom điều để thương lái xuống gom hàng.
Cơ quan công an cho biết, Tuyết đã đến gặp bà Hoàng Thị Xảo, một người chuyên mua bán hàng nông sản ở ấp 1, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng (Bình Phước). Tuyết tự giới thiệu tên là Tâm, chuyên mua bán nông sản. Tuyết bảo sẽ mua hạt điều của bà Xảo với giá 12.500 đồng/kg, không giới hạn số lượng nhưng với điều kiện bà Xảo phải giao hàng cho Tuyết ở tận thị xã Long Khánh. Bà Xảo rất phấn khởi, vì giá cả hạt điều trên thị trường Bình Phước ở thời điểm ấy thấp hơn so với đề nghị của Tuyết.
Bà Xảo hứa sẽ cố gắng thu mua hạt điều của các nhà nông ở địa phương để bán cho mối làm ăn lớn này. Tuy nhiên, có một điều bà Xảo không hề hay biết, sau khi thỏa thuận với bà, Tuyết lại điện thoại cho anh Nguyễn Văn Thìn, một người mua bán hàng nông sản ở xã Xuân Tân (thị xã Long Khánh) bảo rằng, có số lượng hạt điều lớn cần bán với giá rẻ.
Khi đã thu gom được hơn 13 tấn hạt điều, bà Xảo điện thoại báo cho Tuyết và được Tuyết kêu chở đến khu vực ngã ba Tân Phong (thuộc thị xã Long Khánh) để giao hàng. Tuyết liền gọi điện cho anh Thìn ra xem hàng để bán sang tay. Anh Thìn đồng ý mua số hàng của bà Xảo với giá thỏa thuận với Tuyết trước đó. Sau đó, anh Thìn cùng với Tuyết và bà Xảo chở hàng về đổ ở nhà kho của anh. Tiếp đó, để trừ trọng lượng xe chở hàng được tính chung với hạt điều, anh Thìn bảo người con trai cùng Tuyết và bà Xảo đem xe chở hàng đến cây xăng Lan Phượng (ở gần đó) cân trọng lượng xe. Cân xong, Tuyết bảo bà Xảo ngồi đợi mình lấy tiền thanh toán.
Thực ra, Tuyết đến gặp anh Thìn yêu cầu thanh toán 147 triệu đồng cho hơn 13 tấn hạt điều, rồi bỏ trốn. Bà Xảo ngồi đợi cả buổi không thấy Tuyết quay lại đưa tiền nên tìm anh Thìn hỏi chuyện và mới biết mình bị Tuyết lừa.
Công an thị xã Long Khánh nhận thấy hành vi, thủ đoạn của đối tượng này có vẻ rất giống một vụ việc tương tự xảy ra vào cuối tháng 3-2007. Từ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, Công an thị xã Long Khánh đã phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Phước bắt giữ được Tuyết. Qua đấu tranh, Tuyết khai nhận, cũng với thủ đoạn tương tự, Tuyết đã đến gặp anh Nguyễn Văn Phương và chị Phan Thị Bình (cùng ngụ ở huyện Bù Đăng, Bình Phước) để hỏi mua hơn 30 tấn hạt điều, lừa lấy số hàng đem bán cho bà Trần Thị Mai ở phường Xuân Bình (thị xã Long Khánh), nhằm chiếm đoạt gần 300 triệu đồng.
Tuy nhiên, trong lúc giao hàng, bà Mai nhận thấy có điểm bất ổn nên hẹn hôm sau sẽ giao tiền cho Tuyết. Anh Phương, chị Bình cũng cảm thấy nghi ngờ nên đổ đi tìm Tuyết và số hàng đã giao.
Rất may, khi đến thị xã Long Khánh, họ thấy bà Mai đang phơi số hạt điều này ở gần nhà. Họ nhận ra vì hạt điều ở Bình Phước có kích thước nhỏ hơn hạt điều ở Đồng Nai. Là chỗ quen biết từ trước nên anh Phương, chị Bình gạn hỏi bà Mai phát hiện ra vụ việc, đến cơ quan Công an trình báo. Bị lộ tẩy, Tuyết đã bỏ trốn.
C.B. (An ninh thế giới online)

Có thể bạn quan tâm

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).
Những cuộc đời ven kênh

Những cuộc đời ven kênh

Từ bao đời nay, trên các nhánh sông Sài Gòn từng có những xóm làng ven kênh, họ sống đời cha nối tiếp đời con. Đó là những xóm kênh hay dân bờ kè gắn liền với cuộc đời và số phận thăng trầm cùng các dòng sông, bờ kênh của thành phố...
Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

Thiêng liêng nghĩa tình đồng đội

(GLO)- Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trái tim những người từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia vẫn luôn hướng về vùng đất Đức Cơ-nơi tiễn các anh đi làm nhiệm vụ quốc tế cao cả và cũng là nơi đón các anh trở về với đất mẹ. Và, ở miền biên viễn này còn có bao đồng đội đang yên giấc vĩnh hằng.

Người của biển khơi

Người của biển khơi

Cứ mỗi lèo biển đánh được nhiều cá, anh lập tức nhớ ngay tọa độ, ngày tháng đánh bắt, đêm có trăng hay không trăng, dòng hải lưu thế nào... để mùa sau, năm sau quay trở lại đánh bắt
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.