Bếp ăn từ thiện của lão nông miền Tây

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Với mong muốn góp phần chia sẻ khó khăn cùng những người nghèo khó, ông Trần Văn Tài (63 tuổi, ngụ phường An Thạnh, TX.Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã bỏ ra hơn 1 tỉ đồng để mua đất và xây dựng bếp ăn từ thiện.

Ông Tài cho biết do xuất thân từ nông dân nên ông hiểu được cảnh phải đi làm thuê kiếm từng đồng, từng cắc của những người lao động nghèo; từ đó ông luôn trăn trở tìm cách để chia sẻ khó khăn với bà con. Năm 2013, ông quyết định sử dụng nền nhà của gia đình xây ngôi nhà tiền chế làm bếp ăn từ thiện mang tên Quê Hương.

 

Ông Tài luôn quan tâm phục vụ bà con đến ăn cơm tại bếp ăn từ thiện.
Ông Tài luôn quan tâm phục vụ bà con đến ăn cơm tại bếp ăn từ thiện.

Lúc mới thành lập, ông phải đi vận động, chia sẻ ý nghĩa công việc thiện nguyện này để thu hút tình nguyện viên. Đến năm 2016, nhận thấy bếp ăn chật chội, không đáp ứng nhu cầu phục bà con, ông Tài đã chi hơn 800 triệu đồng mua 4 nền nhà liền kề để mở rộng bếp ăn và đầu tư thêm cơ sở vật chất trị giá hàng trăm triệu đồng để bếp ăn khang trang hơn. Năm 2017, bếp ăn mới được hoàn thiện đưa vào hoạt động, thu hút 7 thành viên tham gia ban điều hành và 10 tổ nấu cơm, mỗi tổ 5 -10 người và tất cả đều làm việc tự nguyện, không nhận thù lao.

Đa phần người tham gia tổ nấu ăn là những người làm ruộng rẫy, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Điển hình như bà Nguyễn Thị Điệp (63 tuổi, ngụ ấp Anh Phước, xã An Bình A, TX.Hồng Ngự), tham gia bếp ăn từ thiện hơn 4 năm nay. Bà Điệp cho biết: “Tuổi cao sức yếu không làm việc nặng được nên tôi đến đây phụ giúp nấu ăn, rửa chén và dọn dẹp. Mặc dù kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nhưng tôi muốn giúp đỡ bằng cách ra công nấu những phần ăn để góp phần làm vơi bớt những lo toan trên bước đường mưu sinh của những phận đời còn nhiều khó khăn”.

Theo ông Tài, các phần cơm tại đây được phục vụ hoàn toàn miễn phí vào buổi trưa, từ 10 - 12 giờ, gồm 3 món chính là món mặn, món xào và món canh. Trung bình mỗi ngày có trên 250 người đến ăn, cả tổ phải hoạt động hết “công suất” mới đảm bảo đủ phần ăn. Nguồn thực phẩm do bà con tiểu thương ở chợ quyên góp hoặc vừa bán vừa cho. Một số bà con còn tự vận động tiền, gạo đem đến đóng góp, một số người phát tâm hỗ trợ tiền hằng tháng. Chi phí cho 1 phần ăn khoảng 8.500 đồng. Hằng tháng, các thành viên trong ban điều hành đều họp đánh giá để bếp ăn ngày càng phát triển và phục vụ bà con tốt hơn.

Em Trần Nhựt Duy (16 tuổi, ngụ xã Thường Thới Hậu B, H.Hồng Ngự) cho biết do trường học xa nhà nên mỗi khi có lịch học 2 buổi thì em ở lại trường và đến bếp ăn từ thiện ăn cơm. “Thức ăn ở đây rất ngon, ăn một dĩa là đủ no. Em thấy bếp ăn từ thiện rất có ý nghĩa, giúp đỡ được nhiều người nghèo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như em”, Duy nói.

Ông Võ Công Khanh (55 tuổi, ngụ ấp Anh Phước, xã An Bình A) làm nghề phụ hồ bộc bạch: “Tôi làm phụ hồ suốt chục năm trời cũng không lo đủ chi phí sinh hoạt hằng tháng cho gia đình. Vì vậy, từ khi bếp ăn từ thiện mở ra, được ăn những dĩa cơm nghĩa tình tại đây thật sự tôi thấy rất ấm lòng. Rất nhiều anh em chung nghề với tôi cũng đến đây ăn, vừa được no bụng vừa bớt được chi phí ăn uống để gửi tiền về lo cho gia đình”.

Duy Tân/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn.