Ra khơi mùa biển động-Bài cuối: Nổi chìm theo con sóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cơn bão cuối năm quái ác đánh tới tấp vào con thuyền nhỏ như cái vỏ đậu giữa trùng khơi bao la. Không vô bờ được, chiếc thuyền của vợ chồng anh Tài đành buông trôi cho số phận. Sóng đánh, luồng nước đã cuốn con thuyền dạt vào biển Đông Hoà (Tiền Giang). Đêm mưa gió bão bùng, chúng tôi nghe vợ chồng anh Tài “tua lại” cuốn phim của cuộc đời mình trong tiếng nấc!

Mái ấm… lật úp

Nhìn ra biển đen kịt, mịt mù, ánh mắt anh Tài xa xăm như nhìn lại quãng đời lênh đênh trên đầu sóng, ngọn gió của mình. Anh Tài kể, mình sinh ra đã nghe tiếng sóng rì rào của đại dương vỗ vào Cần Giờ, một vùng đất nghèo “rớt mùng tơi” của Sài Gòn hoa lệ.

 
Trước sóng to, gió lớn, thuyền ông Loan kè sát thuyền vợ chồng bà Tám về bến Cầu Cảng.
Trước sóng to, gió lớn, thuyền ông Loan kè sát thuyền vợ chồng bà Tám về bến Cầu Cảng.

Là một ngư dân nòi, rành từng con sóng, luồng nước, luồng cá, anh Tài nói, thời đó, biển Cần Giờ cá, tôm cùng các loại hải sản nhiều vô kể. Rồi 20 tuổi anh lấy vợ. Không có nhà riêng, anh đành phận “chó chui gầm chạn”. Trai ở nhà vợ nhưng anh Tài lại không thế. Nhờ siêng năng, lão luyện trong nghề, anh được nhiều chủ tàu cá “cưng”, “hú” đi biển hoài, hầu như không có ngày nghỉ. Rồi vợ chồng anh có con, anh càng chí thú làm ăn, làng trên xóm dưới ai ai cũng mừng cho vợ chồng, bởi có thằng cu nối dõi tông đường.

Đi theo tàu cá dài ngày, sau mỗi chuyến biển anh lại nghe “lời ong tiếng ve” về cái sự “nhàn cư vi bất thiện” của vợ. Bỏ ngoài tai những lời xầm xì của người dưng, anh Tài vẫn lầm lũi đêm ngày đi theo tàu cá, tích cóp tiền bạc sau này cho con. Nhưng sự đời như sóng dữ, đã đánh bạt ước mơ cỏn con, giản dị ấy của anh. Chuyện vợ anh “ăn nem”…là có thật, nó vỡ lở ra như “cơn sóng thần” đánh thẳng vào mặt anh quá đỗi phũ phàng. Ly dị vợ, thế là anh phải ra đường, còn thằng nhỏ ở với mẹ, vì anh không có nhà. Cuộc đời anh bỗng chốc như con thuyền lật úp giữa trùng khơi sóng dữ, không biết trôi về bến bờ nào. Nhưng cuộc mưu sinh không cho phép anh ngã gục!

 

Nơi ăn uống cũng là chỗ ngủ của hai vợ chồng.
Nơi ăn uống cũng là chỗ ngủ của hai vợ chồng.

Gượng dậy sau nỗi đau

Anh Tài theo bạn đi tàu cá. Lần hồi, anh dành dụm rồi vay mượn thêm bạn bè, bà con hàng xóm được 30 triệu đồng mua chiếc tàu đánh cá nhỏ cùng vài thớt lưới, ngư cụ để quyết chí làm lại cuộc đời. Kể đến đây, giọng anh Tài bỗng nhiên trong trẻo lạ, mắt anh long lanh nhìn ra biển như nhìn thấy một quá khứ huy hoàng trước ngã rẽ cuộc đời. Anh rạng rỡ tiếp tục câu chuyện, khoảng 10 năm, tuy biển Cần Giờ đã bắt đầu cạn kiệt nguồn hải sản nhưng do độc thân, lại là chủ chiếc tàu cá nhỏ nên anh sống tạm ổn. Mỗi tháng, anh đi biển khoảng 10-15 ngày tuỳ theo mùa, theo con nước.

“Hồi đó, cứ mỗi lần thả lưới là thế nào cũng có cá đù, cá lưỡi trâu, cá dứa, cá sốc…rồi mực, tôm, đủ cả. Cá cỡ nửa ký trở lên. Rồi vào mùa ghẹ từ tháng 6 đến tháng 8 là thỏa sức bắt. Ghẹ Cần Giờ béo, chắc gạch, ngon nổi tiếng. Những ngày cuối tuần, dân Sài Gòn xuống đây du lịch nên ghẹ “hút” khách lắm. Còn khi không ra khơi, cho tàu nằm bờ thì tui vô rừng Sác bắt ba khía về bán. Mỗi tháng cũng kiếm được khoảng 6 triệu đồng”, anh Tài nhớ lại.

Qua giây phút “rực rỡ” trong quá khứ, anh Tài bỗng chùng giọng: “Những năm gần đây, tụi hút cát lậu phá nát hệ sinh thái biển Cần Giờ. Thử hỏi, hàng đàn xà lan thả hàng trăm cái vòi cỡ lớn xuống đáy biển hút cát, hết vùng này đến vùng khác thì cá tôm nào dám “bén mảng” về đây”. Anh Tài cũng kể các sự cố tràn dầu nhiều năm trước, nạn ô nhiễm nguồn nước ngay trong sông Sài Gòn đổ ra biển Cần Giờ thì “mạng” con cá, con tôm bây giờ mong manh lắm. “Bây giờ, thu nhập một chuyến biển hai ngày của vợ chồng tui trừ tiền dầu ra thì còn dư khoảng 500 ngàn đồng là cùng. Chừng đó tiền, nhưng bây giờ tàu tui đi phải đi xa chứ không đi ven bờ như trước đây, để “né” mấy cái xà lan hút cát mới mong có cá. Cố lắm cũng chỉ đủ ăn, đắp đổi qua ngày”, anh Tài buồn giọng kể.

Mà đâu chỉ có vậy, biển cho thì biển cũng lấy đi, biển hào phóng nhưng biển cũng rất khắc nghiệt, dữ dằn. Với ngư dân, chiếc tàu và mấy tay lưới là cả một gia sản gắn liền với cuộc sống, nồi cơm manh áo của họ. Chuyện sóng đánh vỡ tàu hay mất trắng lưới cá, rồi tàu chết máy, lưới bị cuốn vào chân vịt… là chuyện khó có thể tránh khỏi, như là phải sống chung với bão vậy.

Trong chuyến ra khơi cùng chúng tôi sau cơn bão số 16 vừa qua, thuyền vợ chồng anh Tài bị trôi dạt vào vùng biển Đông Hòa, anh mất trắng thớt lưới dài hơn 40m. “Làm nghề cá, khi trúng thì trúng rất đậm, khi mất thì mất trắng, mất cả tàu là coi như mất cả cơ nghiệp, nó cũng như “trò đỏ đen” với biển vậy”, anh Tài kết luận như chấp nhận một canh bạc nữa của cuộc đời.

Mơ có miếng đất cắm dùi 

 

May mắn hơn vợ chồng bà Tám, sau 2 ngày đêm ra khơi, anh Loan bán được 700 ngàn đồng tiền tôm, cá.
May mắn hơn vợ chồng bà Tám, sau 2 ngày đêm ra khơi, anh Loan bán được 700 ngàn đồng tiền tôm, cá.

Anh Tài tiếp tục câu chuyện trong ánh mắt xa xăm. Mỗi chuyến đi biển, nằm trên tàu sau khi thả lưới chờ cá, anh lại đau đáu nhìn vào bờ vì nhớ con. Thiếu một người cha bên cạnh dạy dỗ, kèm cặp, an ủi… không biết cuộc đời con trai mình sau này sẽ ra sao? Tàu cặp bờ, sau khi xuống cá, vá lưới, dọn dẹp xong là anh “phóc” đến nhà vợ cũ để chơi với con. Anh Tài bảo, đó là phút giây hạnh phúc nhất đời anh.

“Cũng nhờ con trai mà tui gặp và quen với “bà xã” hiện giờ. Hồi đó, bả phụ bán cà phê ở thị trấn Cần Thạnh, gần chỗ bến cá mà thuyền về neo đậu sau mỗi chuyến ra khơi”, anh Tài nói. “Tui thấy ảnh mỗi lần dẫn con đi chơi, ăn uống, âu yếm, quấn quýt nhau lắm. Mà lạ là không thấy vợ của anh đi theo, cả chục lần y như một. Tui ngờ rằng hai vợ chồng này đã đôi ngả đôi đường, nghĩ lại về thân phận mình nên tui cám cảnh, “đồng bệnh tương lân, đồng khí tương cầu”, dần dần tui mến rồi thương ảnh”, chị Tám góp vào câu chuyện của chồng mình.

Cùng thân phận, họ bén duyên cùng “gá” nghĩa với nhau, về chung sống dưới chiếc thuyền nhỏ. Chị là dân rừng, dân núi, anh là dân sông, dân biển, rất khó sống chung với nhau, nhất là mỗi lần chị theo “chồng” đi biển. Thời gian đầu, chị Tám bị say sóng, ói lên ói xuống, mặt xanh như tàu lá, nằm sải lai trên tàu mà chẳng giúp được gì cho “chồng”. Giờ đã quen, chị lại là một tay ngư phủ đắc lực cho anh trong từng chuyến biển. Coi vậy mà cả hai anh chị cũng đã chung sống dưới chiếc tàu đã gần 4 năm rồi.

Chị cũng đã quen với cuộc sống bấp bênh, trôi nổi trên sóng nước. Đã quen với mỗi mùa mưa bão, giông tố. “Bình yên thì tụi tui ngủ trên thuyền, còn vào mùa bão thì tụi tui lại ở “ké” nhà mấy bạn chài cùng đi biển. Đến giờ, dù cả hai đều mong có chung một đứa con mà không dám. Bởi, nhà cửa thì chưa có, sống bấp bênh như vầy thì con cái sẽ sống, học hành ra sao? Hơn nữa, tui cũng đã “già” rồi, nghe nói có con khó lắm, mà có cũng khó nuôi nên không dám”, chị Tám thở dài.

 

“Bình yên thì tụi tui ngủ trên thuyền, còn vào mùa bão thì tụi tui lại ở “ké” nhà mấy bạn chài cùng đi biển. Đến giờ, dù cả hai đều mong có chung một đứa con mà không dám. Bởi, nhà cửa thì chưa có, sống bấp bênh như vầy thì con cái sẽ sống, học hành ra sao? Hơn nữa, tui cũng đã “già” rồi, nghe nói có con khó lắm, mà có cũng khó nuôi nên không dám”, chị Tám thở dài.

Gió đã bớt lồng lộn ngoài kia, mưa đã ngớt hạt, hừng đông ló dạng phía chân trời mà câu chuyện của chúng tôi với vợ chồng anh Tài vẫn chưa dứt. Anh cho biết, thuyền mình sẽ được một thuyền lớn của ông Nguyễn Minh Loan “kè” về đến biển Cần Giờ. “Thấy mình hoàn cảnh, ông Loan còn cho tui một thớt lưới để tui sớm ra biển trong mùa gió chướng này để kiếm tiền tiêu Tết”, anh Tài mừng rỡ khoe.

Khi thuyền cập bến Cầu Cảng, huyện Cần Giờ, trước khi bước lên bờ, nhìn vào khóe mắt vợ chồng anh Tài, chúng tôi cảm được cái ước mong đau đáu cả đời của họ là kiếm được đủ tiền để mua một “miếng đất cắm dùi”, xây một túp nhà nhỏ để có một tổ ấm cho đúng nghĩa, để buôn bán mưu sinh khi cái tuổi “xế chiều” đã xồng xộc tới. Chúng tôi nghĩ, không lẽ họ cứ mãi lênh đênh, chìm nổi theo con sóng mãi sao?

Đình Du/tienphong

Có thể bạn quan tâm

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng - kỳ 3: Có thực mới vực được đạo

Mổ xẻ nguyên nhân người giữ rừng bỏ việc, các ngành chức năng đều nhận thấy cốt lõi bởi trách nhiệm cao nhưng đồng lương bèo bọt. Có trường hợp xin từ chức, xuống chức mặc dù chưa tới tuổi nghỉ hưu. Trong khi, nguồn tuyển không có dù chủ rừng đã hạ tiêu chuẩn, chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.
Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Khốc liệt cuộc chiến giữ rừng

Cuộc chiến bảo vệ rừng xanh đang nóng lên từng ngày, đặc biệt là Đắk Lắk - “lá phổi xanh” của cả nước. Lâm tặc ngày càng manh động, sẵn sàng chống trả người giữ rừng bằng vũ khí nóng. Máu người giữ rừng đã đổ, thậm chí có người đã mất mạng, trong khi chế độ, chính sách cho họ chưa tương xứng…
Nơi biên giới có vườn địa đàng

Nơi biên giới có vườn địa đàng

Giữa bạt ngàn mây trắng ấy, ngôi làng thiên đường hiện ra nhỏ bé mà bừng sáng và chỉ cần một cái với tay là đã có thể chạm tới được trời cao. Ngôi làng ấy vẫn nguyên thủy bản thể như thế bất chấp làn sóng hiện đại đã phủ xuống khắp nơi.
Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hành trình trả rừng về nguyên bản

Hơn 500 cây sao đen được trồng trên khu rừng cộng đồng rộng 4ha ở thôn Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) là bước đệm đầu tiên của hành trình “cõng” cây gỗ lớn về rừng, trả lại mảng xanh cho núi rừng Hòa Bắc cũng như tạo sinh kế bền vững cho bà con Cơ Tu ở đây.