Thú rừng "đại náo" giữa chợ Lào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Gần đây, liên tiếp công an các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Lâm Đồng… bắt được các vụ buôn bán động vật hoang dã quý hiếm chấn động dư luận. Mấy chục cái tay gấu đen kịt cả 1 góc sân, kèm theo là báo lửa, hổ đông lạnh được công an huyện Gia Viễn (tỉnh Ninh Bình) bắt giữ. Mấy chục xác con voọc quý bị phát hiện trên xe khách Hà Nội - Cao Bằng. Và cả hổ. Tất cả những thú rừng bị sát hại tội nghiệp kia, thường thì đều đến từ 1 “nguồn” quen thuộc và tưởng như nhiều vô tận là những cánh rừng Lào...

Khi bị công an Gia Viễn bắt giữ, các đối tượng đã khai nhận, làm nghề lái xe khách Lào - Việt Nam, nhân thể mua thú rừng quý hiếm ở dọc đường mang về Việt Nam bán kiếm lời và bị bắt giữ. Vậy, các “chợ thú rừng” ở Lào hoạt động ra sao? Tháng 2-2018, PV Lao Động đã đi hàng nghìn cây số bên đất bạn Lào để xâm nhập các “hang ổ” lớn nhằm lý giải vấn đề này.

 
Một con hoẵng 15kg được mang ra gạ chúng tôi mua tại chợ Phôn Sa Vẳn, ngày 6-2-2018.
Một con hoẵng 15kg được mang ra gạ chúng tôi mua tại chợ Phôn Sa Vẳn, ngày 6-2-2018.

Tay gấu được bày bán công khai

Chúng tôi chọn cửa khẩu Loóng Sập (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) để nhập cảnh vào Lào. Ôtô biển kiểm soát Việt Nam được cấp phép đi trên đất bạn 3 tháng. Tình cờ, khi điều tra về con đường để nườm nượp thú quý hiếm, “hàng cấm” động vật rừng từ Lào về Việt Nam, chúng tôi có quen biết Quý. Là người dân tộc Thái ở Mộc Châu, Quý theo nghề lái xe khách rồi xe tải đông lạnh tuyến Lào Việt từ hồi còn mười tám đôi mươi. Hơn 15 năm qua, anh ta đã đi khắp nhiều tỉnh thành từ Hủa Phăn, U Đom Say, đến Luang Pra Băng, Phông Sa Lỳ, Luâng Nậm Thà, Xiêng Khoảng của Lào.

Những câu chuyện Quý và gia đình hồn nhiên tiết lộ, có thể khiến bất cứ ai cũng phải nghi ngờ. Nhưng, qua kiểm chứng, chúng tôi đã có tài liệu xác tín: không có cớ gì để Quý bịa ra các điều đó. Quý vẫn giữ trong máy điện thoại của mình các bức ảnh tay gấu vừa bị cắt lồm xồm lông lá, thậm chí, trong tủ lạnh giữa nhà mình nhiều thi thể thú rừng quý hiếm. Bố Quý thì nhiều năm làm ăn ở Lào và giàu lên nhờ… thú rừng. Họ từng mua xương hổ về nấu cao, từng nhiều lần phủ hàng đông lạnh thông thường lên cả những con gấu chó, gấu ngựa. Thịt gấu xẻ ra uống rượu túy lúy. Bốn tay, chân gấu ngâm rượu. Xương gấu nấu cao. Cầy, cáo, hươu, nai thì làm sạch, bán cho bà con, cho nhà hàng.

Đi tỉnh nào họ cũng có “chân rết”, có “hàng” là họ gọi. Thường thì họ không dám bán công khai nữa, vì khoảng hơn 1 năm nay, cơ quan chức năng ở Lào có bắt giữ, có tiêu hủy xác động vật rừng sau khi tịch thu xử lý được. Nhiều người Việt mang lợn rừng, hươu, nai, hoẵng, nhím, cầy hương, tay gấu ra đến cửa khẩu cũng bị tịch thu. Thời kỳ ven đường treo biển bán thú rừng, các sạp ở chợ bày tràn lan như bán cá, bán thịt gà, thịt lợn đã phải “sang 1 trang mới”.

Họ rút vào bí mật hơn. Vài “ổ nhóm” ở các tỉnh, huyện của Lào hình thành. Họ có số điện thoại của thợ săn, có hàng là gom lại, bán tiếp cho thương lái người Việt. Thường thì các chủ vựa thú rừng kiêm luôn chủ cửa hàng tạp hóa hoặc người bán thịt thà chuyên nghiệp ở các chợ. Quý nhận lời cho chúng tôi bí mật đi theo mình sang Lào, với cam kết không làm gì ảnh hưởng đến việc làm ăn đang vào cầu của anh ta.

 

Những hình ảnh mua bán thú rừng rùng rợn tại Lào, được camera giấu kín của chúng tôi nghi nhận ngày 6-2-2018.
Những hình ảnh mua bán thú rừng rùng rợn tại Lào, được camera giấu kín của chúng tôi nghi nhận ngày 6-2-2018.

Số lần Quý nhập cảnh vào Lào không tài nào đếm xuể. Người các nơi mà chúng tôi tiếp xúc còn kể vanh vách tên vợ, tên con, tên bố mẹ anh ta. Một năm thay hộ chiếu 1 lần vì hết chỗ đóng dấu. Bù lại, mọi ngõ ngách của các tỉnh Bắc Lào, anh ta thuộc nằm lòng hết, nói sõi tiếng Lào và tiếng Thái, lại thêm tiếp xúc nhiều, Quý giao dịch buôn thú rừng bằng tiếng Lào thì người Lào cũng phải hỏi “mày đẻ ở Lào, lấy vợ Lào đúng không?”.

Tại chợ Sầm Nưa, tỉnh Hủa Phăn, giáp ranh tỉnh Sơn La của ta. Chỉ 1 cú điện thoại, các cửa hàng bán thịt, cá xuất hiện một loạt các bà chủ buôn thú rừng. Họ lôi ra đầu nai, đùi hoẵng, don, dúi hàng đàn; sóc vàng, sóc nâu, cầy, cáo có đủ. Con thì đông lạnh cả lông, cả đất rừng và lá mục. Con thì đã vặt sạch, thui vàng, nó nằm nhe răng, trợn mắt như oán thán. Lông hoẵng vàng ươm và mượt dày như thể dội nước vào không thấm ướt.

“Đảm bảo vừa bắn ở rừng ra. Thịt còn nóng”. Đạn chì còn cày xới từng vệt lỗ chi chít (do thợ săn bắn súng tự chế, đạn ria bắn hàng trăm viên 1 lần). Để thử hàng, trong 1 gara ôtô cũ kĩ, ngay tại sân nhà bà chủ bán thú rừng, Quý tổ chức nướng thịt hoẵng, thịt cầy, uống bia Lào tưng bừng để “thử chất lượng hàng”.

Rừng Lào đang bị đe dọa!

Sau quá trình quay phim lén, chúng tôi thử rút máy điện thoại ra chụp công khai để xem phản ứng của người bán. Họ đều cáu giận, có người tung ra 1 tấm voan cáu bẩn để phủ lên đám thịt động vật quý hiếm của rừng. Có người đóng sập ngăn bàn, thả thú rừng vào các hộc bàn ở khu chợ nông sản động vật nhếch nhác: “Không bán hàng nữa”.

Họ cho biết, bên cạnh nhiều khu dám bán thú rừng công khai, việc họ sợ hãi là có thật. Vì cơ quan chức năng hay đi kiểm tra, ai vi phạm sẽ bị thu tang vật và xử lý khá nghiêm khắc. Đây là điều họ rất bất ngờ. Vì bao nhiêu năm nay vẫn thế: Họ bày bán thịt thú rừng cùng với thịt gà, thịt lợn nuôi được. Họ đóng cọc treo cổ hoang thú ven quốc lộ để bán.

 

Quý rủ chúng tôi đi “chợ rừng” ở khu vực nối giữa tỉnh Xiêng Khoảng và khu du lịch nổi tiếng Vang Viêng, gần cố đô Luang Pra Bang. Sau gần một nghìn cây số, ống kính bí mật của chúng tôi đã ghi lại được cả một thế giới tàn sát hoang thú đáng sợ. Đây là con hoẵng vừa khiêng về Mộc Châu làm thịt, đây là cái tay gấu họ bán công khai ở chợ rừng.

“Bọn em đi mua con tắc kè hoa về bán kiếm lời nữa. Không biết họ mua làm gì, chỉ biết là rất đắt, có hàng là người ta kéo đến mua ngay”. Xương hổ, gấu nguyên con, bây giờ Quý và “đồng nghiệp” cũng ngại mang qua cửa khẩu về Việt Nam. Vì nếu bị bắt, không chỉ mất món hàng đắt đỏ, hơn thế lại còn bị phạt nặng, nhất là trong dịp Tết, “công an, biên phòng” làm “gắt”! Đành thịt sẵn, lột da bỏ đầu thú quý hiếm đi, đem mỗi thịt xương về thôi, cán bộ sẽ tưởng thịt và xương trâu bò.

Chúng tôi lạc vào khu chợ động vật rừng khét tiếng ở Phôn Sa Vẳn (Xiêng Khoảng), rồi Hủa Phăn, Vang Viêng, tất cả đều rất công khai và cực kỳ nhẫn tâm với động vật quý hiếm - linh hồn của rừng núi. Các loài chim thú hoang dã bị giết với tốc độ khủng khiếp. Gà rừng, gà lôi, chim trĩ bị giết cả loạt. Nhiều con màu sắc sặc sỡ, chân đỏ, lông vàng hoặc lông trắng voan tuyệt đẹp.

Tất cả đều nằm thuồi luồi ở phản thịt. Họ đánh cả xe tải chở nhím rừng, cứ vài con chung 1 lồng đem ra chợ bán. Hoẵng nặng hai ba chục cân, don lông dài và cứng, nặng khoảng 4 kg, dúi thì béo múp, xếp hàng dài chờ… lên bàn tiệc.

Chim én, các loài sáo và chim đầy màu sắc khác cùng bị giết. Lũ chim sắp đến ngày tận thế được buộc vào sào tre, cắm vào các quả bom cao hàng mét đứng như hàng rào ven đường liên tỉnh. Chim én thì: Có khi vài trăm con bị vặt lông, xâu thành từng vòng như vòng nguyệt quế; có khi ướp lạnh cả 1 chậu thau nằm lạnh cóng giữa chợ Xiêng Khoảng. Đây là khu bán chuột rừng vàng ruộm, đây là đàn sóc lông nâu, lông ánh vàng, cả bầy nằm la liệt trên phản của tiểu thương. Bây giờ đang mùa đông, mùa mà thợ săn vào rừng nhiều nhất, bởi họ tin rằng, bây giờ là lúc thú rừng béo nhất. Sau những đêm trời không có trăng, thợ săn lên núi xiết cò nhiều, các khu chợ huyện chợ tỉnh đều xôn xao ở góc hàng thú rừng.

Nhiều người Việt buôn thú rừng quý hiếm về Việt Nam. Họ buôn bán không hẳn công khai, nhưng chỉ cần có người nào đó quen mặt hay được giới thiệu đến mua hàng thì chợ thịt thú rừng trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Người ta phi xe máy vè vè, liên tục về nhà lấy nai núi, cầy hương, gà rừng, gà lôi sặc sỡ rồi nhiều loài hoang thú khác ra chào hàng.

Hoẵng hai chục cân, cầy dăm cân. Ăn thử 1 lần, có người ê răng vì cắn phải... viên đạn chì. Nếu cược tiền, đặt hàng thì con gì cũng có, bao nhiêu cũng có. “Đi sâu” vào vài giao dịch, chúng tôi như ngã ngửa trước 1 thị trường bán buôn, sử dụng sản phẩm từ thú rừng gần như công khai ở nước bạn.

Diệp Tuyết-Tâm Ninh/laodong

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.