4 chàng "rái cá" cứu người xuyên đêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

4 chàng nông dân ở rốn lũ thôn Ngọc Trì, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) tuổi từ 34-36. Trong lũ lụt bão bùng, 4 chàng này đã cùng nhau từ 1-2 giờ sáng đưa hàng chục người dân thoát lũ dữ.

Chiếc ghe 4 chàng rái cá mang đi cứu hộ.
Chiếc ghe 4 chàng rái cá mang đi cứu hộ.

Nửa đêm bỏ nhà đi cứu người

Nghe tôi hỏi chuyện cứu người, ông Lê Văn Minh, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Bình Chương bảo: "Có đó, 4 ông rái cá ở thôn Ngọc Trì. Nhà bị nước lụt ngập hết mà nửa đêm rủ nhau đi dọn đồ, cứu thiên hạ!".

Trên đường về thôn Ngọc Trì, ông Minh cho biết, cả xã Bình Chương có 1.150 căn nhà bị ngập nước, trong đó có 700 căn nhà ngập từ 1,5m-2,5m trở lên. "Cả xã thiệt hại gần 17 tỉ đồng, trong đó thôn Ngọc Trì là nơi ngập sâu nhất, thiệt hại nhất xã", ông Minh nói. Theo ông Minh kể, có nhiều chuyện đau lòng trong lũ.

 

Anh Nguyễn Văn Hùng bẽn lẽn, ngại chụp ảnh.
Anh Nguyễn Văn Hùng bẽn lẽn, ngại chụp ảnh.

Đau thương nhất là trường hợp ông Nguyễn Tạo (60 tuổi) ở thôn An Điềm 1, xã Bình Chương, phải chạy thận 10 năm nay. Thế nhưng do cơn lũ oan nghiệt mà không đi chạy thận được, đã qua đời trong nước lũ tứ bề. Quan tài ông Tạo được đóng xong, nhưng thi thể thì không thể chôn cất được, đành đưa lên nóc nhà chờ lũ rút mới an táng được.

Còn về chuyện 4 chàng "rái cá" cứu người, ai ở thôn Ngọc Trì cũng dành cho lời khen và biết ơn. Bà Võ Thị Thuận (62 tuổi) kể, hôm đó nước ngập lút nhà, hai vợ chồng và đứa cháu gái phải đứng trên mái nhà kêu cứu, nhưng mưa gió quá nên không ai nghe.

Trưa 5.11, ông Nguyễn Thời (63 tuổi) từ mái nhà lặn xuống xuống chui ra mở cửa nhà, thoát ra ngoài kêu lớn thì mọi người mới phát hiện ra. 4 chàng rái cá gồm: Nguyễn Văn Vương (34 tuổi, chèo lái), Nguyễn Văn Hùng (36 tuổi), Nguyễn Ngọc Thạch (35 tuổi) và Nguyễn Bản (36 tuổi) lúc này xuất hiện, chèo ghe đến đưa cả gia đình này đi tìm nhà cao để trú ngụ. "Tụi nó không tới, 3 người nhà tui dễ tiêu rồi", bà Thuận nói.

 

Anh Đỗ Ngọc Hợi (bìa phải) và bà Thuận (thứ 3 tứ phải sang) được cứu trong lũ.
Anh Đỗ Ngọc Hợi (bìa phải) và bà Thuận (thứ 3 tứ phải sang) được cứu trong lũ.

Thật ra, hơn 1 giờ sáng ngày 5-11, 4 chàng nông dân thấy nước lên đã chèo ghe ra đi lòng vòng khắp thôn Ngọc Trì dọn đồ đạc, tài sản cho bà con chạy lũ. 3 giờ sáng hôm ấy, khi dọn và chuyển tài sản cho gia đình chị Phạm Thị Yến ở xóm 4, thôn Ngọc Trì xong thì con nước đã xối xả tràn vào, chảy rất xiết. Đến 5 giờ sáng thì thôn Ngọc Trì chìm trong nước lũ, tiếng gọi, tiếng la thét khắp nơi vì nước lên quá nhanh.

Nước lên càng nhanh thì 4 chàng "rái cá" càng hối hả. Anh Vương thì cật lực chèo, lèo lái con thuyền nhôm tránh những con nước chảy xiết. 3 chàng còn lại thì nghe điện thoại kêu cứu, quan sát xung quanh và tìm kiếm trên dòng nước để cố cứu được người, gia súc, tài sản của bà con bị trôi.

"Đáng nhớ nhất là vào cứu gia đình anh Nguyễn Văn Thiên (41 tuổi). Đường đưa ghe vào nước chảy rất mạnh. Tiếp cận tới được, đưa người ra cũng không có lối, phải ra vào mấy bận mới tìm được hướng đi. Mất hơn 1 giờ mới xong gia đình này", anh Hùng kể.

Anh Thiên cho biết, nhà có 5 người, nhưng lo nhất là mẹ anh (bà Nguyễn Thị Hồng), vốn bị đau khớp nên đi lại khó khăn. Khi nước tràn vào đầy nhà, bà và cháu nằm trên gác, lại không muốn đi. Lúc này, anh Thiên còn đứa con nhỏ 3 tháng tuổi. Cuối cùng, 4 rái cá phải đạp cửa vào bồng bà cụ thoát ra ngoài, đưa lên ghe chuyển đi. Lúc này mưa rất nặng hạt. "Mất 2 chuyến mới chuyển xong người nhà tui đi", anh Thiên nói.

 

Người dân thôn Ngọc Trì nhận quà Báo Thanh Niên hỗ trợ.
Người dân thôn Ngọc Trì nhận quà Báo Thanh Niên hỗ trợ.

11 giờ trưa hôm đó, 4 chàng còn phát hiện gia đình anh Lộ Ngọc Trang (33 tuổi) có 4 người, đang ướt cóng đứng trên mái nhà thất thần. Xung quanh nhà anh Trang hoàn toàn không có cây cao hay gò đồi nào để ẩn náu; nước lại chảy rất xiết nên khó tiếp cận. Có điều, nếu không cứu kịp thời, xem như cả gia đình trôi theo con nước. Thế nhưng, sự xuất hiện của 4 chàng nông dân đã cứu được cả nhà này.

Sáng hôm đó, 4 chàng "rái cá" đưa 31 người chới với trong lũ về nơi an toàn, trong đó có nhiều em bé sơ sinh, người già và phụ nữ. Đầu giờ chiều cùng ngày, khi trở về nhà, 4 chàng nghe tin ca-nô và ghe máy của bộ đội, công an đi cứu dân, nhưng do cây cối, dây điện quá nhiều không tiếp cận được các hộ kẹt trong lũ. Thế là con thuyền nhôm lại chở 4 chàng tiếp tục làm nhiệm vụ. Con thuyền nhôm trở thành phương tiện trung chuyển lợi hại, khi đưa tổng cộng 41 người dân trong lũ về tới các ca-nô, ghe máy để chuyển lên vùng an toàn tránh lũ.

 

Đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh các trường học ở huyện Bình Sơn.
Đoàn viên thanh niên dọn vệ sinh các trường học ở huyện Bình Sơn.

"Viết về bà con đi…"

Ở Bình Chương, 4 chàng "rái cá" là biểu tượng tiêu biểu giúp dân vô tư không cần báo đáp. Hôm tìm các chàng này, tôi chỉ gặp được 2/4 người là anh Hùng và Thạch. Trong đó, anh Hùng khi hỏi chuyện thì nói vui vẻ, nhưng xin chụp tấm hình chung thì… quay mặt tránh. "Em lên hình xấu lắm! Thôi mà nhà báo, tui giúp bà con tí chút thôi!", Hùng quay sang… năn nỉ tôi.

Một nhân vật xuyên suốt hành trình cứu người của 4 "rái cá" là thôn trưởng Ngọc Trì tên Đỗ Ngọc Hợi (42 tuổi). Chính một tay anh Hợi đã chỉ huy và có mặt trên ghe của 4 chàng nông dân nói trên, trực tiếp cứu người. Vậy mà khi nói đến chuyện cứu bà con trong hoạn nạn, anh Hợi chỉ kể về anh em. "Nhà báo viết bài động viên anh em đi. Tui làm là trách nhiệm, anh em mới là đáng khen, giúp bà con vô tư", anh Hợi phân trần.

 

Hoạn nạn mới biết lòng nhau

Ông Lê Văn Minh, Phó bí thư Đảng ủy xã Bình Chương, cho biết trận lũ lụt vừa qua, ngoài các trường hợp kể trên, còn có nhiều anh em dũng cảm cứu người. Đó là lúc 5 giờ 30 sáng ngày 5.11, lực lượng trực ở xã Bình Chương nhận cuộc gọi khẩn cấp từ sản phụ Phạm Thị Vinh (25 tuổi) ở thôn An Điểm 1: "Cán bộ ơi, tui đau đẻ, vỡ ối rồi. Giờ nước lớn quá không ra được. Các anh cứu với!". Ngay lúc ấy, chính quyền xã Bình Chương cử anh Phạm Sữu và Lê Tấn Việt dùng ghe máy cứu hộ đi gấp đến nhà chị Vinh. Lúc này, căn nhà chìm sâu mấy mét nước, phải tung cửa vào khiêng sản phụ ra ghe rồi đưa thẳng về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi để sinh, hai mẹ con sinh nở an toàn.

Hay như anh Phạm Đức, mang dây cứu hộ dũng cảm bơi ra dòng nước lũ đang chảy xiết để đưa anh Phạm Quốc (30 tuổi) bị lũ cuốn trôi, phải bám vào cây trụ điện ở xóm 7, thôn An Điềm, xã Bình Chương kêu cứu. "Xã chúng tôi đã đề nghị huyện Bình Sơn khen thưởng cho anh Nguyễn Văn Vương và anh Phạm Đức. Anh Đỗ Ngọc Hợi cũng xứng đáng, nhưng người dân khen trước đã", ông Minh nói.

Cũng theo anh Hợi, sở dĩ dân ở đây gọi 4 anh chàng nông dân cứu người là "rái cá" là vì, nếu hết đi làm thợ hay làm nông, 4 anh em kia lúc nào cũng ở trên ghe, bơi lội hoài trên sông Trà Bồng để đánh cá. Cách đây 2 năm, hai người dân xã Bình Minh, huyện Bình Sơn đi bắt rắn, bị nước lụt cuốn, ghe lật úp, phải bám vào bụi cây kêu cứu. "Khi đó, anh em không có mái chèo, lật đật đi nên lượm đại cành cây bơi đi cứu. Chậm vài chục phút, hai người kia cũng bị rớt xuống nước lụt như chơi", anh Hợi cho biết.

Phạm Anh/thanhnien

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

“Liệt sĩ” trở về đau đáu với bia mộ mang tên mình

(GLO)- Giấy báo tử ông Lệ do Chính ủy Trương Lạch ký. Tháng 3-1981, ông Lệ ra quân với tình trạng sức khỏe suy giảm 61%, là thương binh 2/4. Cả gia đình ngỡ ngàng không tin nổi khi thấy ông trở về. Còn ông thì không khỏi lạnh người khi nhìn thấy chân dung mình sau làn khói hương vấn vít...
Chạm đến ước mơ bằng tình thương

Chạm đến ước mơ bằng tình thương

“Tạo hóa không sinh ra ai để sống những tháng ngày vô nghĩa. Dù chào đời không nhìn thấy ánh sáng, nhưng tôi tin rằng, bằng tình yêu thương, niềm tin và hy vọng, một ngày tôi sẽ chạm đến ước mơ của riêng mình”. Đó là chia sẻ của Nghiêm Vũ Thu Loan, Chủ nhiệm Mạng lưới sinh viên khiếm thị Việt Nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).