Đặc nhiệm vùng biên - Kỳ 1: Đối mặt với ông trùm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyện về các chiến sĩ đặc nhiệm vùng biên nếm mật nằm gai ở nơi tuyến đầu Tổ quốc là câu chuyện dài đầy gian nguy.

 

Đại tá Trần Hùng trao đổi với hai PV Tuổi Trẻ về tình hình ma túy vùng biên giới Sơn La
Đại tá Trần Hùng trao đổi với 2 phóng viên về tình hình ma túy vùng biên giới Sơn La
“Có lần sau khi bắt đối tượng thì có người tìm đến đề nghị chung một số tiền lớn để chúng tôi thả người, 250 triệu đồng. Nhưng các anh biết đấy, người đánh án ma túy mà dính vào tiền bạc thì cuộc đời và sự nghiệp coi như xong!"-Đại tá Trần Hùng



Trong khi chúng ta đang sống yên bình ở thành phố, ngoài biên cương các chiến sĩ biên phòng vẫn âm thầm mật phục giữa rừng sâu, người đóng vai thổ phỉ, xe ôm... truy quét tận hang ổ nhiều tổ chức ma túy, buôn bán người qua biên giới.

Từ một chiến sĩ công an của Lào, Su Vi Thò đã trở thành ông trùm ma túy điều hành đường dây từ Tam giác vàng về tận biên giới Việt Nam.

Mua bán vũ khí, ma túy, tập hợp lực lượng, Su Vi Thò xây dựng cho mình một đế chế riêng gần như bất khả xâm phạm.

Sau khi bị bắt, đàn em của Su Vi Thò đào cả một đường hầm vào trại giam, bắn chết lính gác nhằm giải thoát ông trùm ma túy, kịch bản tưởng chừng chỉ có trong phim của Hollywood.

Vào hang cọp

Ngày 24-12-2015 tại TP. Đà Nẵng, một biên bản hợp tác đặc biệt giữa Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng Việt Nam (Bộ Quốc phòng) và Tổng cục Cảnh sát (Bộ An ninh - Lào) được ký kết.

Từ đây mở màn cho nhiều chuyên án mà biên phòng Việt Nam và Lào cùng nhau vây bắt những ông trùm số má ở vùng biên.

Đại tá Trần Hùng-Phó Chỉ huy trưởng nghiệp vụ biên phòng Sơn La, người được mệnh danh “hùm xám” Tây Bắc, không còn nhớ mình cùng đồng đội phá bao nhiêu chuyên án, bắt bao nhiêu vụ vận chuyển ma túy.

Có những ngày ông cùng đồng đội phá một lúc hai chuyên án lớn. Từ một sĩ quan xuất sắc ở Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, năm 2007 tình hình vùng biên phức tạp, ông Hùng được điều lên Sơn La đảm nhiệm cương vị phó chỉ huy trưởng nghiệp vụ Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh này.

Ông Hùng cho biết Sơn La khi đó là một địa bàn rất phức tạp, không những trong nội địa mà cả bên ngoài, các bản làng cận kề biên giới. Ma túy từ Tam giác vàng về bắc - trung Lào và đưa thẳng ra biên giới. Giá một bánh heroin từ Tam giác vàng về tới vùng biên 6.000 - 7.000 USD.

Từ một bánh được trộn bột pha chế thành ba bánh và vận chuyển qua biên giới giá đẩy lên đến 10.000 USD/bánh. Các đối tượng vận chuyển ma túy đều có vũ trang, đi từng nhóm 3-5 người, có đoàn lên đến 30 người, ôm súng cõng hàng vượt biên.

“Có thời điểm một người vận chuyển từ 25-30 bánh, nhất cử nhất động của công an hay biên phòng đều được chúng theo dõi. Các điểm nhạy cảm đều có người của chúng canh gác, báo cáo” - ông Hùng kể.

Nhiều chiến dịch vây bắt, mật phục được tiến hành nhưng không thành công. Có hôm công an vây một đỉnh đồi, biên phòng một điểm, các đối tượng vận chuyển ma túy luồn lách ngay chính giữa.

Mọi vết tích của cuộc di chuyển vẫn còn nhưng không tài nào bắt quả tang. Sau những lần thất bại như vậy, tin từ trinh sát báo về, ông Hùng giật mình: “Thì ra trang bị của các đối tượng vận chuyển ma túy ở đây còn hiện đại hơn cả biên phòng, công an.

Chúng có cả các thiết bị nhìn xuyên đêm, ống nhòm và kính tầm nhiệt. Dù đêm tối các đối tượng này vẫn phát hiện người từ xa. Áo giáp tinh gọn và súng nhẹ dễ dàng di chuyển trong đêm” - đại tá Hùng kể.

Theo quy định của ngành, việc đánh án ma túy là ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên phương án tối ưu nhất là phải đảm bảo an toàn cho các chiến sĩ. Nếu phát hiện các đối tượng buôn ma túy có vũ khí, lập tức phương án bị dừng hoặc phải thay đổi ngay chiến thuật.

Đại tá Hùng chia sẻ dù bắt được hàng tấn ma túy nhưng một chiến sĩ hi sinh thì chiến công coi như thất bại. Và một phương án được đưa ra: “Muốn bắt cọp thì phải vào hang!”.

 

Biên phòng Sơn La bắt 270.000 USD của hai đối tượng buôn ma túy Phàng A Tủa, Phàng A Phó tại bản Nà Hiềng (xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu) - Ảnh: BP cung cấp
Biên phòng Sơn La bắt 270.000 USD của hai đối tượng buôn ma túy Phàng A Tủa, Phàng A Phó tại bản Nà Hiềng (xã Xuân Nha, huyện Mộc Châu) - Ảnh: BP cung cấp


“Ông trùm” sa lưới

Trong hàng chục chuyên án lớn xuyên quốc gia thì việc bắt Su Vi Thò (trú tại Huổi Mươn, huyện Hủa Phăn, Lào) là cuộc đấu cân não gay cấn. Thò quá dày dạn kinh nghiệm đối phó nhà chức trách vì từng là công an Lào, biến chất bỏ việc đi buôn vũ khí và ma túy.

Theo tài liệu từ Lào, Thò cấu kết với các lực lượng ở nước ngoài nhằm thành lập nhà nước tự trị của người Mông.

Để tập hợp lực lượng và sức mạnh cho mình, Thò chỉ đạo tay chân mua vũ khí, lôi kéo người Mông tại huyện Sốp Cộp và vùng sông Mã cùng tham gia đường dây này.

Chưa hết, để nâng cao sức chiến đấu, Thò còn thuê cả những võ sư giỏi từ Thái Lan sang dạy cho lực lượng phỉ ngầm tại Mường Son. Để củng cố tài chính, Thò vận động người dân trồng thuốc phiện và tăng cường buôn bán ma túy.

Sau khi nắm tình hình và thu thập tài liệu về Su Vi Thò, các chiến sĩ trinh sát biên phòng người Mông dày dạn kinh nghiệm nhất ở biên phòng Sơn La chính thức nhập cuộc. Cùng với các đặc tình, họ thâm nhập sâu đường dây của Thò để tạo niềm tin, nắm tình hình.

Đại tá Hùng buộc phải thừa nhận: “Đó là những tháng ngày anh em trinh sát nội - ngoại tuyến đều vất vả. Đối tượng rất tinh quái và đủ thủ đoạn cũng như sự liều lĩnh, nên nhiều lúc anh em ở trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

Nếu các chiến sĩ, đặc tình không nhanh trí, dũng cảm có thể bị thủ tiêu ngay tức khắc. Việc thâm nhập, theo dõi phải mất hàng năm trời”.

Chuyên án 041AV được thành lập, đại tá Trần Hùng là chỉ huy trưởng toàn bộ vụ việc ngay trên đất Lào. Anh phải hóa thân thành một xe ôm ở các chợ vùng ven để cùng anh em nắm tình hình để ra tay.

Để không động ổ, các trinh sát bằng mọi cách nhử Su Vi Thò ra khỏi địa bàn của hắn. 19h ngày 12-3-2016, sau khi các anh mật phục tại một nhà nghỉ ở xã Sầm Nưa (Hủa Phăn), Su Vi Thò và ba đối tượng khác chính thức sa lưới.

“Cái khó nhất của chuyên án là ngôn ngữ. Công an bạn không phải ai cũng biết tiếng Việt và bên ta không phải chiến sĩ đặc nhiệm nào cũng biết tiếng Lào. Vì vậy việc ra lệnh tấn công rất khó.

Su Vi Thò lại giỏi võ, nên việc quật ngã và bắt gọn hắn không phải đơn giản. Dù vậy hắn cũng phải sa lưới cùng 20 bánh heroin, 2 khẩu súng quân dụng, 19 quả lựu đạn và 3 kg hạt thuốc phiện”-Đại tá Hùng kể.

Những tưởng khi bắt xong Su Vi Thò mọi việc sẽ êm xuôi, nhưng một sơ suất nhỏ trong lần ra tay này là ban chuyên án không bắt vợ của Thò nên ngay khi chồng bị vây bắt, cô ả này đã chỉ đạo đàn em tẩu tán toàn bộ số vũ khí mà tổ chức của Su Vi Thò có được...

Theo Tuoitre

Cuộc giải cứu bất thành

Sau khi giam Su Vi Thò gần bảy tháng, ngày 31-12-2016, đại tá Hùng nhận được tin khẩn. Một cuộc giải cứu Thò vừa diễn ra tại Hủa Phăn (Lào), một công an Lào bị bắn chết ngay tại cổng trại giam.

Trước đó, để tổ chức cứu Thò, vợ con của Thò đã vào trại giam này thăm và toàn bộ doanh trại đã được quay phim, chụp ảnh. Sau đó, một phương án táo bạo được đàn em Thò vạch ra là đào một đường hầm vào buồng giam của Thò để giải cứu.

Khi đường hầm đào đến nơi sát phòng giam Thò, để đánh lạc hướng các bảo vệ doanh trại, đàn em của Thò nổ súng tấn công từ bên ngoài. Tuy nhiên, trước đó Su Vi Thò được chuyển đi nơi khác và cuộc giải cứu bất thành.

Có thể bạn quan tâm

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.
Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Tri ân - Mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn

Với người dân tộc M’nông, Lễ mừng thọ là nghi lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc. Đây là nghi lễ của gia đình nhưng được cộng đồng buôn làng quan tâm, thể hiện tinh thần cố kết, giúp đỡ lẫn nhau bền chặt giữa các thành viên.
Trở lại chốn 'địa đàng'

Trở lại chốn 'địa đàng'

Trekking khám phá, trải nghiệm lá phổi xanh Cát Tiên và chèo thuyền ngắm đàn cá sấu Xiêm thong dong bơi lội là cảm giác thú vị nhất mà du khách có thể thực hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai, Bình Phước, Lâm Đồng).