Gia Lai nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) luôn được các cấp, ngành ở Gia Lai quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới về nội dung và hình thức, giúp các đối tượng dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ nhớ. Qua đó, công tác này góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Hiệu quả tích cực

Thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1-2-2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông, những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các cơ quan, ban ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực phối hợp, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hấp dẫn thu hút đông đảo người dân tham gia. Nhờ đó, đại đa số người dân đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức, thấy rõ được những hiểm họa, hậu quả của tai nạn giao thông, góp phần kiểm soát có hiệu quả tình trạng vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh.

 Lực lượng Công an diễu hành phát động đợt cao điểm tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Văn Ngọc
Lực lượng Công an diễu hành phát động đợt cao điểm tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Văn Ngọc


Thực tiễn chứng minh các hình thức tuyên truyền trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả tích cực, có sức lan tỏa lớn. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các ấn phẩm tuyên truyền được xuất bản định kỳ: Thông tin nội bộ, Thông tin Tuyên giáo Gia Lai, Trang tin điện tử Tuyên giáo Gia Lai; hàng năm phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh biên tập, xuất bản chuyên san an toàn giao thông, sổ tay hỏi đáp về an toàn giao thông, sổ tay văn hóa giao thông...; định kỳ hàng tuần duy trì việc tổng hợp thông tin báo chí viết về tình hình đảm bảo TTATGT trên địa bàn tỉnh, kịp thời kiến nghị, đề xuất các ngành, địa phương có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết và thông tin phản hồi những vấn đề báo chí phản ánh về tình hình TTATGT; duy trì việc biên tập, đăng tải các thông tin, quy định mới về công tác đảm bảo TTATGT trên Trang tin điện tử Tuyên giáo Gia Lai, Fanpage “Tuyên giáo Gia Lai”. Đồng thời định hướng, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên đăng tải, chia sẻ thông tin trên các website, trang thông tin điện tử, trang, tài khoản mạng xã hội để mọi người được tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ, chia sẻ và chấp hành đúng pháp luật về TTATGT. Ngoài ra, Ban cũng định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật của người dân khi tham gia giao thông.

Ban An toàn giao thông tỉnh và các cơ quan thành viên đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị, pa nô, áp phích, khẩu hiệu. Lực lượng Cảnh sát Giao thông, Thanh tra Giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là trong các đợt cao điểm lễ, Tết gắn với xử lý nghiêm các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ; tiếp tục triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động đẩy mạnh các nội dung trong phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm TTATGT”. Tỉnh Đoàn tổ chức diễu hành tuyên truyền về TTATGT đường bộ trong đoàn viên, thanh niên; treo băng rôn, áp phích; phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi về Luật Giao thông đường bộ tại các địa phương; duy trì đội hình thanh niên tình nguyện tham gia bảo đảm TTATGT. Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai nhiều hình thức tuyên truyền TTATGT trong công nhân, viên chức, người lao động...

Các địa phương đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ như: phát tờ rơi, áp phích, tuyên truyền lưu động. Đặc biệt, một số địa phương đã thông báo các cá nhân vi phạm về TTATGT bị cơ quan chức năng xử lý để giáo dục chung. Nhờ đó, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân ngày càng được nâng lên, các hành vi vi phạm giảm.

Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông về TTATGT có lúc, có nơi chưa được duy trì thường xuyên, liên tục; chưa thật sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền, chưa chuyển tải được nhiều thông tin, văn bản pháp luật quy định về TTATGT đến với mọi người dân, nhất là người dân ở các vùng sâu, vùng xa… dẫn đến tình hình TTATGT trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp: số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao, vẫn còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản, có xu hướng gia tăng tai nạn giao thông trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2022 tăng cả 3 chỉ số so với cùng kỳ năm 2021.

Công an huyện Đak Pơ phối hợp với Honda Head Duy Tuấn Phát tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại Trường THCS và THPT Y Đôn. Ảnh: Hạ Vy
Công an huyện Đak Pơ phối hợp với Honda Head Duy Tuấn Phát tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ tại Trường THCS và THPT Y Đôn. Ảnh: Hạ Vy



Thực tế đó đã đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT, đặc biệt là yêu cầu đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền để người dân dễ hiểu, dễ nhớ, qua đó từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và văn hóa của người tham gia giao thông. Vì vậy, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến, các ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền; phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài; kịp thời có những phương án, kế hoạch phù hợp với từng thời điểm, tập trung theo chuyên đề, đối tượng cụ thể. Qua đó, tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động với quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đảm bảo TTATGT tại địa phương, cơ quan, đơn vị; chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp, nhất là ở cấp cơ sở gắn với đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT theo hướng dễ hiểu, dễ nhớ, sát với người dân. Hình thức, loại hình tuyên truyền cần cụ thể, sâu sắc về nội dung, sinh động, hấp dẫn trong cách thể hiện, đặc biệt chú trọng hình thức tuyên truyền thông qua truyền thông, internet và mạng xã hội nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông cho mọi đối tượng.

Ba là, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, đảm bảo tính thường xuyên, liên tục, chủ động, gắn với tuyên truyền thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Bốn là, các cơ quan báo chí, truyền thông chú trọng tăng cường thời lượng, tần suất tuyên truyền trên các chuyên trang, chuyên mục về an toàn giao thông. Đồng thời, tránh tình trạng chỉ đưa thông tin một chiều mà cần có sự kết hợp hài hòa giữa tin, bài, phóng sự phản ánh gương “người tốt, việc tốt”, những kiến nghị, giải pháp… với phản ánh những tiêu cực trong thực thi công vụ của lực lượng chức năng, những hành vi sai phạm, phản văn hóa của người tham gia giao thông.

Năm là, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT, qua đó rút ra những kết quả đạt được, những mặt còn tồn tại, hạn chế để đề ra biện pháp khắc phục, rút kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền cho thời gian tiếp theo. Qua sơ kết, tổng kết phát hiện những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT.

Để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT đạt hiệu quả cần phải huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội, không ngừng giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông nhằm kiềm chế, giảm thiểu tai nạn giao thông một cách bền vững.

 

HUỲNH THẾ MẠNH
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

 

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.