Ấn tượng từ một phiên tòa giả định

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật, phòng-chống bạo lực học đường, Hội đồng Phổ biến Giáo dục pháp luật huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai vừa phối hợp với Trường THPT Lê Hoàn tổ chức phiên tòa giả định với chủ đề “xây dựng tình bạn đẹp nói không với bạo lực học đường”.
Nói về lý do tổ chức phiên tòa, ông Huỳnh Hữu Thừa-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là gây tâm lý hoang mang cho học sinh và phụ huỵnh. Vì vậy, để hạn chế bạo lực học đường, nhà trường đã chọn nội dung “Xây dựng tình bạn đẹp nói không với bạo lực học đường” để xây dựng phiên tòa giả định. “Để phiên tòa thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, nhà trường đã chỉ đạo các bộ phân liên quan làm việc với các ngành chức năng để xây dựng nội dung, viết kịch bản sự việc, còn Hội đồng Phổ biến Giáo dục pháp luật huyện chuẩn bị về nhân lực và nội dung phiên tòa. Sau hơn 1 tháng tích cực triển khai, cuối cùng phiên tòa giả định đã được tổ chức trong sự hào hứng đón xem của các thầy-cô và các em học sinh"-Hiệu trưởng Huỳnh Hữu Thừa cho biết.
Phiên tòa được tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về quy định của pháp luật. Ảnh: Hồng Thương
Phiên tòa được tổ chức nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho học sinh về quy định của pháp luật. Ảnh: Hồng Thương
Phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên một vụ án có thật, phù hợp với lứa tuổi học sinh. Cụ thể là Nam và Hạ (đều là học sinh lớp 12) xảy ra xô xát với nhau vì liên quan đến bạn gái. Nam sau đó đã gọi điện cho anh trai là Hùng và đồng bọn là Khánh mang theo hung khí kéo đến trường “dằn mặt” Hạ. Khi đến trường, Hùng dùng dao đâm 1 nhát vào bụng Hạ còn Nam cũng đâm 1 nhát vào ngực Hạ. Sau đó, cả 3 cùng bỏ chạy nhưng bị giáo viên và học sinh trong trường vây bắt giao cho công an xử lý. Hạ sau đó được các thầy cô đưa đi cấp cứu với tỷ lệ thương tích 60%. Hành vi dùng dao đâm gây thương tích 60% sức khỏe cho Hạ của Nam và đồng bọn là có tính chất côn đồ, gây nguy hiểm cho xã hội, phạm vào tội “Cố ý gây thương tích” thuộc Điểm c, khoản 3, Điều 134 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 5-10 năm tù.
Phiên tòa giả định diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự với sự tham gia đầy đủ các thành phần: Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, thư ký, Kiểm sát viên, luật sư, Cảnh sát hỗ trợ tư pháp, người phạm tội và người có liên quan. Đặc biệt, diễn biến trong phần luận tội đã xoáy sâu vào phân tích hành vi phạm tội, các yếu tố cấu thành tội phạm, mức hình phạt, chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước, hậu quả để lại nhằm giúp học sinh hiểu được quy định của pháp luật về hành vi “Cố ý gây thương tích” cũng như nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và cách phòng tránh bạo lực học đường.
Em Phạm Thị Hiền Hậu-lớp 10C4 chia sẻ rằng, em chưa từng chứng kiến một vụ bạo lực học đường nào từ thực tiễn song qua mạng xã hội em thấy có rất nhiều vụ bạo lực học đường đã để lại hậu quả không chỉ cho người bị hại mà còn cả những đối tượng phạm tội. Điều này khiến em có phần hoang mang. “Qua phiên tòa, em nghĩ bản thân em và các bạn nên xây dựng mối quan hệ bạn bè thân thiện, đừng vì một vài sự việc không hay mà dẫn đến xích mích rồi xảy ra bạo lực”-Hậu chia sẻ. Trong khi đó, em Phạm Thị Diễm Quỳnh-lớp 10C2 bày tỏ: "Không chỉ theo dõi phiên tòa, chúng em còn trả lời các câu hỏi liên quan đến phiên tòa và các vấn đề về bạo lực học đường. Vì vậy, phiên tòa đã giúp em hiểu hơn về mức độ nghiêm trọng của bạo lực học đường để tìm cách phòng tránh cũng như vận động các bạn “nói không” tệ nạn này".
Hơn 1.000 học sinh của Trường tham gia theo dõi phiên tòa. Ảnh: Hồng Thương
Hơn 1.000 học sinh của Trường tham gia theo dõi phiên tòa. Ảnh: Hồng Thương
Có mặt dõi theo phiên tòa, bà Trần thị Vui (tổ dân phố 8, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Việc tổ chức phiên tòa giả định về bạo lực học đường đã chứng tỏ sự quan tâm, vào cuộc của ngành chức năng huyện trong việc phòng tránh bạo lực học đường cho học sinh trên địa bàn. Điều này cũng khiến phụ huynh chúng tôi yên tâm hơn khi con em mình từng bước được nâng cao hiểu biết về pháp luật để tự bảo vệ mình”. Tham gia tổ chức phiên tòa với nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên tòa, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm-đại diện Viện Kiểm sát huyện Đức Cơ cho hay: Hiện nay, bạo lực học đường đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Do đó phiên tòa giả định được xây dựng sát với thực tiễn và phù hợp với sự quan tâm của phụ huynh, học sinh. Từ phiên tòa giả định đã giúp người xem nhận thức được ranh giới đúng-sai, tính nghiêm minh và thượng tôn pháp luật. Đặc biệt qua phiên tòa giả định nhằm định hướng, nâng cao hiểu biết pháp luật, cũng như giáo dục đạo đức, lối sống cho lứa tuổi học sinh, góp phần phòng-chống bạo lực học đường trên địa bàn.
Trao đổi với P.V, bà Phạm Thị Lựu-Trưởng Phòng Tư pháp-Phó Chủ tịch Hội đồng Phổ biến Giáo dục pháp luật huyện Đức Cơ cho biết: Phiên tòa giả định là một hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục mới được Hội đồng Phổ biến Giáo dục pháp luật huyện chú trọng thực hiện nhằm đem lại hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho lứa tuổi học sinh, đặc biệt là chế định trong Bộ luật Hình sự. Thông qua sân chơi bổ ích này sẽ giúp cho các em hiểu được trình tự diễn ra một phiên tòa, nắm được các văn bản, điều luật để có hành vi ứng xử văn minh phù hợp với quy tắc của pháp luật.
“Ngoài nội dung bạo lực học đường, chúng tôi cũng đã xây dựng được phiên tòa giả định về vi phạm trật tự an toàn giao thông. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng thêm phiên tòa giả định về tệ nạn tảo hôn để góp phần giúp học sinh hiểu được hệ lụy của vấn nạn tảo hôn nhằm từng bước vận động các em và gia đình nói không với vấn nạn này”-bà Lựu thông tin.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Shark Thủy vừa bị bắt là ai?

Ông Nguyễn Ngọc Thủy (tức shark Thủy) là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn giáo dục Egroup - một doanh nghiệp trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe đến thực phẩm.