Cảnh giác với trò lừa đảo, trộm cắp ngày cận Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày này, người người, nhà nhà đang tất bật để có một cái Tết sum vầy, đầm ấm. Nhưng đây cũng là thời điểm kẻ xấu liên tục giở thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trộm cắp, đẩy nhiều gia đình vào vòng khốn đốn.
Kẻ xấu liên tục giở thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trộm cắp, đẩy nhiều gia đình vào vòng khốn đốn
Kẻ xấu liên tục giở thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trộm cắp, đẩy nhiều gia đình vào vòng khốn đốn (ảnh minh họa)
Hôm rồi, tôi có việc ra ngoài tỉnh. Đang đi thì điện thoại “reng reng”, một người tự xưng là bạn của người quen tôi nhờ mang đến cho tôi 10 lít mật ong rừng đã đặt trước. “Anh Cường có nhờ em tìm cho anh ít mật ong rừng Kbang. Bây giờ, em đã tìm được 10 lít, anh lấy hết luôn đi để dành gia đình, người thân, anh em, bạn bè dùng luôn thể. Càng ngày mật ong rừng chính hiệu càng hiếm anh ạ, vì nó quý lắm. Hiện em đang ở Pleiku. Anh ở cơ quan hay ở nhà để em mang đến. Em bận lắm, chuyển hàng cho anh rồi còn đi giao cho người khác. Bây giờ là Tết mà. Giá 500 ngàn đồng/lít nhưng anh mua hết thì em chỉ lấy giá 450 ngàn đồng/lít thôi”-giọng nói trong điện thoại sốt sắng.  
Nghe qua, tôi khá bất ngờ, rồi lục vấn lại mình. Mình nhờ Cường hồi nào? Đây là Cường nào? Cường làm tuyên truyền, Cường làm xây dựng, Cường làm Quản lý thị trường, Cường ở gần nhà? Trong khi đầu dây bên kia người bán chỉ nói: “Anh Cường thân với anh lắm. Em không biết ảnh làm ở đâu”. Tôi tiếp tục nghi ngờ: Sao hôm nay mình không có nhà, “người ta” lại đến giao hàng? Vẫn chưa hết bán tín bán nghi: Sao mình nhờ đặt hàng nhiều đến vậy, 10 lít mật ong rừng chính hiệu chắc phải kha khá tiền, ít gì cũng 5-7 triệu đồng...
Tôi có phần lưỡng lự, lúng túng nhưng rồi vẫn “cử” vợ lên gặp “người cung ứng” xem sao. Không biết do vợ “sáng suốt” hay tiếc tiền mà không mua số mật này. Cũng có thể vợ tôi đã “mài sắt cảnh giác” vì trước đây từng bị cú lừa đau điếng. Lần ấy, 2 lít mật ong được tiếp thị tại bến xe liên tỉnh vợ tôi mua về sau một thời gian bốc mùi chua loét, nổi váng lớp dày, đóng cặn lợn cợn trông như nước cơm lâu ngày! Và trong cuộc “giao dịch” lần này, may là vợ tôi đã không mua.
Nói may vì nếu không, vợ tôi trăm phần trăm bị mắc lừa như trường hợp bạn của L.-một người đang làm cho một công ty tư nhân ở TP. Pleiku. Và đây là cảnh báo của L. về chuyện này trên mạng xã hội Zalo với dòng tít: “Một thủ đoạn đã cũ nhưng người thân tác giả bài viết là nạn nhân”.
Trong bài, L. kể, thủ đoạn của bọn lừa đảo là lấy cắp số điện thoại của khổ chủ rồi nghiên cứu lựa đúng thời điểm nhử “con mồi” vào bẫy. Không biết kẻ xấu lấy số điện thoại ở đâu ra, nhưng suy cho cùng, việc này cũng không quá khó. (Thì đây, một nhân viên trẻ tuổi làm ở một ngân hàng tư nhân trên địa bàn tỉnh từng cho tôi biết, đại loại “Cháu biết lãnh đạo của chú. Trưởng, Phó Trưởng phòng cơ quan chú cháu cũng biết. Chú giúp cháu tiếp cận nhé. Cả chú nữa, nếu có tiền nhàn rỗi thì mở tài khoản tiền gửi tại chi nhánh giúp cháu hoàn thành chỉ tiêu này để cháu còn có lương ăn. Cháu cám ơn chú nhiều lắm…”). Đấy, có trăm cách người khác lấy được thông tin cá nhân, số điện thoại của bạn, không cứ gì chỉ nhà mạng, mà bạn chẳng biết vì sao!  
Trở lại với chuyện kể trên mạng xã hội Zalo ở trên, L. viết: “Bằng thủ đoạn tìm hiểu số điện thoại cá nhân ai đó rồi gọi điện giả làm rất thân mật: “A lô, chị L. hả, mật ong hôm bữa chị đặt có rồi nè. Được mấy lít thôi, chị lấy hết chia cho mấy chị em dùng luôn nha”. “Ờ, ờ, nhiêu một lít hả em?”. “Có 700 ngàn thôi, chị cho địa chỉ em đem qua nhà luôn cho tiện...”.
Hay kiểu như: “Hôm trước anh/chị có dặn đặt mua mật ong rừng, nay em có hàng rồi, anh/chị đang ở chỗ nào, số nhà bao nhiêu, em đến giao hàng ngay”. Sau đó, khi biết được nhu cầu, địa chỉ, chúng tìm đến và giao hàng. Bọn chúng thường đi có đôi, vẻ bặm trợn, dữ dằn, mặc cả lôi thôi. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và khi thấy vắng người, chúng ép khổ chủ mua hàng cho bằng được, hoặc tráo hàng dỏm. Hậu quả là không ít người bị ép mua hàng “tào lao”, mật ong chỉ vài ngày sau là bốc mùi, hư hỏng, không sao dùng được.
Cũng với bài viết trên, L. còn cảnh báo: “Mới đây, cũng trên địa bàn Pleiku xuất hiện một số kẻ lạ mặt bịt khẩu trang đi xe máy mang tờ rơi quảng cáo bán các loại hàng hóa, đồ dùng, cho vay tiền... gắn chặt vào cổng nhà nhiều gia đình, hay đem rải trước cổng nhà, ngã ba, ngã tư. Nếu chẳng may có người mắc lừa “dây” vào chuyện vay tiền thì kể như hết đường thoát nạn”. “Có trả chúng cũng không nhận, nhưng cứ một thời gian thì tới đòi, lãi suất cắt cổ, mấy trăm phần trăm. Nợ chồng nợ, lãi mẹ đẻ lãi con. Bán nhà bỏ đi chưa chắc đã “xong” với đám này”- L. kể một người tên anh Ba ở gần nhà thuật lại. Còn với tờ rơi gắn chặt vào cổng nhà, sau mấy ngày, chúng đến kiểm tra nếu thấy không bị gỡ bỏ, biết gia đình đi vắng lâu ngày, chúng sẽ tìm cách đột nhập khua khoắng, trộm cắp vàng bạc, tài sản”.
Nhân chuyện trộm cướp, xin kể thêm, mới rồi, một người quen của tôi trong nháy mắt vào nhà thì chiếc SH Nhật ngoài sân đã không cánh mà bay, dẫu được khóa từ chống trộm hiện đại. Khổ chủ kể rằng, đây là loại xe “xịn” trị giá hơn 150 triệu đồng nên thời gian qua, đã có khoảng 20 chiếc SH loại này trên địa bàn Pleiku bị kẻ trộm cuỗm mất. Ngành chức năng hiện đang tập trung điều tra nhưng chưa tìm ra dấu vết.  
Thuật lại chuyện này, không thừa khi càng cận Tết, người người, nhà nhà càng cần nêu cao ý thức cảnh giác trước thủ đoạn trộm cắp, lừa đảo của kẻ xấu. Ngành chức năng cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện đối tượng để kịp thời ngăn chặn, đem lại cuộc sống bình yên và một cái Tết an toàn, vui vẻ cho người dân.
 Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hơn 100 người dân làng Ốp

Phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho hơn 100 người dân làng Ốp

(GLO)- Sáng 14-4, UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Pleiku, Hội Liên hiệp phụ nữ phường Hoa Lư phối hợp với Công an thành phố tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và tình hình trật tự an toàn xã hội cho hơn 100 người dân làng Ốp (phường Hoa Lư).