"Nữ tướng" của làng Kon Sơ Lăng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tròn 20 năm tham gia công tác tại địa phương, bà Hneih-Bí thư Chi bộ làng Kon Sơ Lăng (xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) luôn là tấm gương sáng về sự tận tụy, trách nhiệm cùng những đóng góp không mệt mỏi cho cộng đồng. Phần thưởng lớn nhất mà bà Hneih nhận được chính là sự tin yêu của dân làng.

Sau những cơn mưa nặng hạt, sắc trời Hà Tây trong veo, vàng rỡ nắng. Vừa từ rẫy về, gương mặt còn đỏ bừng, bà Hneih tiếp chúng tôi trong căn nhà mái bằng khang trang, rộng rãi. Bà Hneih kể: Bà sinh ra ở làng Kon Măh, làng cũ dưới chân núi cách làng tái định cư hiện nay chừng 18 km. Đến năm 19 tuổi, bà theo chồng về sống ở làng Kon Sơ Lăng cho đến nay. Năm 1999, bà Hneih được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Hà Tây. Đây là quãng thời gian 8/9 làng trong xã (trừ làng Kon Sơ Lăng) vừa tái định cư. “Cuộc sống nơi ở mới nhà nối tiếp nhà, hướng về nhau trông ra đường bê tông kẻ ô bàn cờ, lúc mới dọn về, ai cũng bỡ ngỡ. Bà con nhớ làng cũ nên muốn quay về, nhiều người cứ lên rẫy là ở luôn nhà cũ. Làng mới chỉ có trẻ con. Chúng tôi vận động mãi, chị em mới ở lại làng mới. Có bàn tay chăm sóc của phụ nữ nên gian bếp mỗi nhà ấm lên, làng mới khởi sắc”-bà Hneih hồi nhớ.

 Bà Hneih với công việc nhà nông thường nhật. Ảnh: Đình Phê
Bà Hneih với công việc nhà nông thường nhật. Ảnh: Đình Phê


Những năm 2004-2019, bà Hneih được bầu làm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hà Tây, kiêm Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khóa V, VI. Với mong muốn đời sống người dân trong xã ổn định và phát triển, bà Hneih cùng với cả hệ thống chính trị xã vận động dân làng dựng nhà rông truyền thống, phát triển đội cồng chiêng. Nghệ nhân dạy cồng chiêng Y Xô (làng Kon Măh) cho biết: “Mỗi làng ở xã Hà Tây có nhiều đội cồng chiêng thanh-thiếu niên cả nam và nữ là nhờ phần công sức của bà Hneih. Bà luôn tuyên truyền, nhắc nhở dân làng giữ gìn và phát huy giá trị của cồng chiêng. Với người biết đánh chiêng, đi cà kheo giỏi ở các làng, bà lên tiếng nhờ họ dạy lại cho lớp trẻ, đồng thời đứng tổ chức hội thi cồng chiêng giữa các đội để bà con giao lưu học hỏi”.

Đưa chúng tôi đi tham quan làng, ông Thưuh cho biết: “Trong tâm thức cộng đồng người Bahnar ở xã Hà Tây luôn có âm vang cồng chiêng, điệu xoang mềm mại, bước chân cà kheo nhún nhẩy, những bram được hóa trang tùy thích, những pơtual (chú hề) nhảy múa ngộ nghĩnh cùng ngôi nhà rông được làm nên từ công sức cả cộng đồng làng. Sáng kiến chuẩn bị tranh để lợp mái nhà rông của làng được phân công cho phụ nữ mỗi gia đình là của bà Hneih. Bà động viên mọi người cùng nhau thực hiện”.

Từ năm 2019, bà Hneih nghỉ hưu theo chế độ. Được sự tín nhiệm của đảng viên, bà được bầu giữ chức Bí thư Chi bộ làng Kon Sơ Lăng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Chi bộ đã kết nạp mới 2 đảng viên mới. “Các đảng viên trẻ đều tích cực tham gia công tác xã hội, là nguồn cán bộ tại chỗ lâu dài”-bà Hneih cho biết.

Chạm ngưỡng tuổi 60 nhưng bà Hneih vẫn còn khỏe, nhanh nhẹn. Bà là lao động chính của gia đình với 2 ha cà phê, 1 ha bời lời, 1,5 ha cao su, 8 sào ruộng lúa nước, 1 ha sầu riêng và 200 m2 ao cá. Hợp tác làm nông với bà Hneih là người trong làng, số lượng ít nhiều theo thời vụ, với tiền công 150 ngàn đồng/người/ngày. Trong khoảng thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, bà tuyên truyền dân làng nghiêm túc thực hiện 5K, hạn chế đi lại khi không cần thiết, chủ động tiêm vắc xin phòng dịch. Trong làng, đến kỳ làm đất, xuống giống, nhiều hộ thiếu vốn mua cây giống, bà Hneih cho mượn 2-5 triệu đồng đầu tư sản xuất, khi thu hoạch mới hoàn trả.

Ông Thưuh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hà Tây-nhận xét: Suốt 20 năm công tác, cả thời gian nghỉ chế độ bây giờ, bà Hneih luôn nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương, sẵn lòng giúp đỡ người dân có hoàn cảnh khó khăn và sống mẫu mực với con cháu.

 

 ĐÌNH PHÊ