Ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Du lịch thông minh là xu hướng tất yếu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Với Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng, việc ứng dụng công nghệ vừa là đòi hỏi, vừa là động lực để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. 
Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ vào đời sống diễn ra ở nhiều lĩnh vực, mang lại hiệu quả cao. Theo đó, số lượng người dùng các thiết bị công nghệ, mạng không dây ngày càng nhiều, nhất là giới trẻ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển và quảng bá du lịch là hoàn toàn phù hợp với xu thế, có khả năng tiếp cận nhiều người trong thời gian ngắn.
Thông thường, khi đi du lịch, du khách thường quan tâm tìm hiểu về văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của địa phương hay những món ăn đặc sản, quà lưu niệm... Đáp ứng nhu cầu này, hiện nay, nhiều công cụ tìm kiếm và một số ứng dụng đã được lập ra để khách truy cập đặt vé máy bay, đặt phòng khách sạn, chỉ đường đến các điểm đến nổi tiếng của địa phương. Tuy nhiên, để phục vụ tốt nhất cho du khách đến Gia Lai nói chung, Pleiku nói riêng, việc tạo một ứng dụng dành riêng cho du lịch địa phương sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Ứng dụng (App) có thể mang tên Du lịch Pleiku hoặc Du lịch Gia Lai. Trong đó bao gồm các mục: ẩm thực, khách sạn, quà lưu niệm, phong cảnh, các di tích được xếp hạng, di sản văn hóa phi vật thể được tích hợp với bản đồ chỉ dẫn đường đến các địa điểm tương ứng.
Thắng cảnh Biển Hồ là điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Anh Minh
Thắng cảnh Biển Hồ là điểm tham quan được nhiều du khách lựa chọn (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Anh Minh
Nội dung mục ẩm thực gồm có tên món ăn, tên quán, địa điểm, hình ảnh. Mục khách sạn gồm tên, địa điểm, hình ảnh, giá phòng, giới thiệu sơ lược của từng khách sạn/nhà nghỉ/nhà trọ/homestay, tích hợp với việc đặt phòng. Tại mục này, có thể giới thiệu một số công ty du lịch, lữ hành của địa phương. Mục quà lưu niệm gồm tên cửa hàng, địa chỉ, mặt hàng đặc trưng của mỗi cửa hàng, hình ảnh. Mục phong cảnh bao gồm tên địa điểm, địa chỉ, hình ảnh, giới thiệu khái quát. Mục các di tích đã xếp hạng gồm tên di tích, địa chỉ, hình ảnh, cấp xếp hạng, sơ lược vài nét chính về di tích. Mục di sản văn hóa phi vật thể gồm tên di sản, dân tộc, địa điểm, hình ảnh...
Ở mỗi mục trên có thêm cửa sổ mở: “Địa điểm mới” đối với khách sạn, quà lưu niệm, phong cảnh, di tích đã được xếp hạng; “Món ăn mới” đối với ẩm thực; “Loại hình mới” đối với di sản văn hóa phi vật thể để người truy cập có thể đóng góp thêm nội dung như điểm du lịch, món ăn, di sản văn hóa mà họ biết nhưng chưa được thể hiện trong ứng dụng. Cuối mỗi nội dung chi tiết hoặc mỗi mục có phần bình luận, đánh giá nhằm thu thập thông tin, đánh giá sự hài lòng của du khách.
Ứng dụng Du lịch Pleiku/Du lịch Gia Lai nên được giao cho một đơn vị, tổ chức quản lý nhà nước về du lịch của TP. Pleiku, của tỉnh để kiểm soát, xác minh và cập nhật thông tin có liên quan. Việc cập nhật cần nhanh chóng, chính xác, kịp thời nhằm tạo nên một cẩm nang du lịch hữu ích nhất cho mỗi du khách khi có nhu cầu đến Pleiku, Gia Lai.
Ứng dụng du lịch này sau khi tạo lập sẽ được tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức để người dân trong và ngoài tỉnh biết, cùng sử dụng, giới thiệu. Đây sẽ là một ứng dụng tổng hợp các vấn đề cần thiết về du lịch ở một địa phương (được hoàn thiện thêm trong quá trình sử dụng) thay vì phải nhiều lần nhập dữ liệu trên các thanh công cụ tìm kiếm hay phải truy cập vào nhiều ứng dụng khác nhau để tìm hiểu về các điểm du lịch ở Pleiku, Gia Lai. Việc xây dựng ứng dụng này nhằm tiết kiệm thời gian, công sức cho du khách, tạo nguồn cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ hơn về lĩnh vực du lịch của một địa phương cụ thể. Đó cũng là giải pháp nhằm thu hút khách du lịch tìm đến Pleiku, đồng thời là một phương tiện quản lý, phát triển du lịch của cơ quan chức năng địa phương.
NGỌC DUẨN