Gia Lai: Tham gia ý kiến tài liệu giáo dục địa phương các lớp 7, 8 và 9

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 13-12, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị tham gia ý kiến lần cuối để hoàn thiện tài liệu giáo dục địa phương các lớp 7, 8 và 9. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành; Ban biên soạn và Hội đồng thẩm định tài liệu GDĐP bậc THCS.

 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Mộc Trà


Hội nghị đã nghe báo cáo tóm tắt về quá trình biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương (GDĐP) các lớp 7, 8 và 9. Theo đó, các tài liệu được biên soạn trên cơ sở khung chương trình GDĐP đã được UBND tỉnh phê duyệt; bao gồm những vấn đề cơ bản về 3 nhóm lĩnh vực: Văn hóa, lịch sử truyền thống; Địa lý, kinh tế, hướng nghiệp; Xã hội và môi trường. Tài liệu GDĐP lớp 7 có 75 trang với 13 chủ đề/bài học; lớp 8 có 99 trang với 15 chủ đề/bài học và lớp 9 có 87 trang với 14 chủ đề/bài học.

Hội đồng thẩm định đã tổ chức thẩm định 3 lần đối với tài liệu GDĐP các lớp 7, 8 và 9; đồng thời tổ chức dạy thực nghiệm theo quy định. Tài liệu GDĐP sẽ bồi dưỡng cho học sinh tình yêu, niềm tự hào về quê hương, đất nước; có ý thức giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Thông qua những bài học sinh động, gần gũi với cuộc sống diễn ra xung quanh, các em còn có thể gắn kết và vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Tại hội nghị, hầu hết đại biểu đánh giá, tài liệu GDĐP các lớp 7, 8 và 9 được biên soạn khá kỹ lưỡng, hình thức trình bày đẹp và tương đối đồng bộ; dung lượng kiến thức vừa đủ, có trọng tâm và khoa học, phù hợp với lứa tuổi học sinh; hình ảnh minh họa đa dạng, phong phú. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, tài liệu cần thống nhất cách viết hoa, các tên gọi, địa danh, tiếng dân tộc; nên bổ sung từ ngữ giúp rõ nghĩa hơn nội dung trong một số bài học, thay thế những từ chưa phù hợp; kiểm chứng lại một số thông tin để đảm bảo tính chính xác; một vài nội dung, hình ảnh cần sắp xếp logic hơn; bổ sung những món ăn, địa danh, nét văn hóa mang đặc trưng riêng có của Gia Lai; cần cập nhật niên giám thống kê và thống nhất ảnh bìa tài liệu theo từng khối lớp; trích dẫn nguồn các tư liệu, hình ảnh sử dụng trong tài liệu...

Ông Ksor Yin-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh tham gia góp ý cho tài liệu GDĐP các khối lớp. Ảnh: Mộc Trà
Ông Ksor Yin-Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh tham gia góp ý cho tài liệu GDĐP các khối lớp. Ảnh: Mộc Trà


Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch ghi nhận sự nỗ lực, tinh thần trách nhiệm cao của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ban biên soạn, Hội đồng thẩm định và các nhà khoa học trong việc biên soạn tài liệu GDĐP các lớp 7, 8 và 9. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, nội dung các tài liệu GDĐP cần có sự hài hòa, không chỉ đề cập đến văn hóa-lịch sử mà cần thông tin về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh; chú trọng vấn đề hướng nghiệp, nhất là đối với học sinh lớp 9. Đồng thời, đề nghị Ban biên soạn bám sát vào khung chương trình chi tiết đã được phê duyệt; tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu tại hội nghị và có sự trao đổi để sớm hoàn thiện, thông qua các tài liệu trước khi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt.
 

MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.
Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.