Vì sao 60 thí sinh có điểm xét từ 29,5 trở lên trượt nguyện vọng 1 đại học?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bộ GD-ĐT vừa công bố thống kê cho thấy, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, số thí sinh có tổng điểm thi tốt nghiệp THPT 3 môn ở mọi tổ hợp từ 27 điểm trở lên chiếm 4,7%/tổng số hơn 1 triệu thí sinh dự thi.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: QUANG PHÚC
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: QUANG PHÚC


Bộ GD-ĐT phân tích dữ liệu thí sinh có điểm xét từ 29,5 trở lên trượt nguyện vọng cho thấy: các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét khá phức tạp (kết hợp cả điểm học bạ), cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác.

Cụ thể, trong 61 em có điểm thi từ 29,5 trở lên không trúng tuyển nguyện vọng nào thì có 60 em chỉ đặt duy nhất 1 nguyện vọng, chỉ có 1 em đặt 2 nguyện vọng. Trong đó, 59 em có nguyện vọng 1 vào các trường công an, quân đội và đều chỉ có 1 nguyện vọng, bao gồm 57 em tốt nghiệp từ năm 2019 trở về trước (có lẽ thuộc đối tượng đã đi nghĩa vụ nay được cử đi thi).

Đáng chú ý là các trường công an, quân đội có chỉ tiêu tuyển thấp, lại nhiều thí sinh giỏi đăng ký xét tuyển nên nhiều thí sinh điểm cao vẫn bị trượt. Đơn cử, Học viện Chính trị Công an nhân dân có 800 thí sinh đăng ký, trong khi chỉ tiêu chỉ có 50.

Còn lại, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) cũng gây chú ý dư luận khi có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5, nhưng đây đều là Sư phạm chất lượng cao (Ngữ văn: 30,5 và Lịch sử: 29,75); tỉnh Thanh Hóa có chế độ ưu đãi đặc biệt đối với tuyển sinh sư phạm chất lượng cao, chỉ tiêu mỗi ngành chỉ 15 em.

Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có 2 ngành điểm chuẩn ≥ 29,5 là Hàn Quốc học (30 điểm khối C00 với 10/40 chỉ tiêu các khối thi) và Đông Phương học (29,8 khối C00 với 15/40 chỉ tiêu các khối thi); 2 ngành này cũng tuyển các khối khác nhưng điểm chuẩn không quá cao (25,6 - 27,9 điểm).

Trường ĐH Ngoại thương có ngành Ngôn ngữ Trung Quốc điểm chuẩn 39,35/40 (môn tiếng Trung nhân hệ số 2), chỉ tiêu còn 30 cho điểm thi tốt nghiệp THPT trên tổng số 90 chỉ tiêu (60 chỉ tiêu xét theo phương thức khác).

Bộ GD-ĐT nhận định, năm 2021 là năm thứ hai công tác tuyển sinh đại học chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Cho tới thời điểm này, hoạt động xét tuyển đã được các cơ sở giáo dục đại học nỗ lực triển khai vừa hoàn thành kế hoạch, vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thí sinh. Nhiều trường đại học dù đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án thi khác từ năm 2020 nhưng vì quyền lợi của thí sinh, vì sự an toàn của cả xã hội đã phải hoãn lại; nhiều trường tuyển sinh năng khiếu phải tổ chức theo hình thức online.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, khi phân tích phổ điểm ở một số môn, ví dụ bài thi tiếng Anh điểm tăng khá so với 2020, nên cũng góp phần làm cho điểm chuẩn tăng cao. “Cần chú ý số thí sinh đạt tổng điểm từ 27 trở lên (tất cả tổ hợp) chiếm 4,7% là hết sức bình thường, với con số này không thể nói là điểm thi tốt nghiệp THPT quá cao”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng, có thể điểm thi tốt nghiệp THPT không thể đánh giá được năng lực chuyên biệt của thí sinh đối với yêu cầu từng ngành, từng trường khác nhau nhưng cũng có độ phân hóa tương đối tốt. Việc các trường tốp trên có điểm cao và có sự phân hóa rõ nét giữa các trường, các ngành.

 

Theo PHAN THẢO (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.