Gia Lai: Đa dạng loại hình dạy học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau lễ khai giảng, ngày 6-9, học sinh THCS và THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai (trừ TP. Pleiku và huyện Krông Pa) đã nô nức đến trường. Tại những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hoạt động dạy và học cũng được tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng đơn vị. Đặc biệt, công tác đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19 luôn được các cơ sở giáo dục đặt lên hàng đầu.
“Vùng xanh” phấn khởi đến trường
Sáng 6-9, em Hà Kpăh H’Huyền-học sinh lớp 12B1, Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông) thức dậy từ khá sớm. Khoác lên mình bộ đồng phục tinh tươm, Huyền hào hứng đạp xe tới lớp. “Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến chúng em không thể đến trường học tập trong thời gian dài. Vì vậy, khi biết tin nhà trường vẫn tổ chức dạy và học bình thường trong năm học mới, em cứ đếm đợi từng ngày. Với học sinh cuối cấp, được học trực tiếp trên lớp sẽ giúp chúng em chuẩn bị hành trang tốt hơn cho kỳ thi tốt nghiệp quan trọng”-Huyền chia sẻ.
Không chỉ học sinh, tập thể giáo viên Trường THPT Pleime cũng phấn khởi không kém trong ngày đầu tiên trở lại bục giảng. “Từ 5 giờ 30 phút sáng, tôi đã rời nhà để vào trường. Buổi sáng gặp gỡ, sinh hoạt với học sinh lớp chủ nhiệm, còn buổi chiều tôi lên lớp 3 tiết. Dù chẳng phải lần đầu đi dạy nhưng cảm xúc vẫn rất đong đầy”-cô Nguyễn Thị Thương bày tỏ.
Học sinh Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông) đều phấn khởi vì được trở lại trường học tập. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường THPT Pleime (huyện Chư Prông) phấn khởi vì được trở lại trường học tập. Ảnh: Mộc Trà
Theo thầy Nguyễn Thế Hùng-Hiệu trưởng Trường THPT Pleime, năm học 2021-2022, toàn trường có 675 học sinh với 15 lớp. Tuy nhiên, có 15 em hiện đang bị kẹt lại ở TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, chưa thể quay lại trường học tập. Ngược lại, nhà trường cũng vừa tiếp nhận và bố trí cho 10 học sinh ở Hà Nội, Nghệ An, Quảng Bình... vào học tạm thời trong thời gian phòng-chống dịch. “Trong ngày đầu tiên, học sinh đi học tương đối đầy đủ. Toàn trường tuân thủ nghiêm các quy định về phòng-chống dịch. Hiện nay, nhà trường có 5 giáo viên biệt phái (đến từ Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và Trường THPT Pleiku) vẫn chưa thể có mặt giảng dạy trực tiếp vì đang giãn cách xã hội. Tuy nhiên, các thầy cô đã chủ động dạy học qua ứng dụng Zoom, còn học sinh sẽ ngồi trên lớp theo dõi qua màn hình ti vi”-thầy Hùng thông tin.
Tại Trường THCS xã Ia Ka (huyện Chư Păh), từ sáng sớm, 405 học sinh đã có mặt đầy đủ, trong đó có trên 90% học sinh dân tộc thiểu số. Trước khi vào trường, các em được nhân viên y tế đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn, nhắc nhở đeo khẩu trang đầy đủ và không tập trung đông người để phòng-chống dịch Covid-19. Em Nguyễn Thị Phương Anh (lớp 8A) hồ hởi: “Gặp lại bạn bè và thầy cô, em rất vui. Ở nhà, em đã được bố mẹ hướng dẫn cách phòng-chống dịch Covid-19 nên không còn nhiều bỡ ngỡ. Em sẽ cố gắng học thật tốt”. 
Giáo viên Trường THCS xã Ia Ka (huyện Chư Păh) đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp học. Ảnh: Ngọc Thu
Giáo viên Trường THCS xã Ia Ka (huyện Chư Păh) đo thân nhiệt học sinh trước khi vào lớp. Ảnh: Ngọc Thu
Hòa chung không khí vui tươi ấy, tại Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Đak Pơ Pho, huyện Kông Chro), năm học mới cũng chính thức bắt đầu với 114 học sinh bậc THCS. Thầy Nguyễn Quốc Nam cho hay: “Hôm nay là ngày đầu tiên các em quay trở lại trường sau kỳ nghỉ hè. Vì vậy, bên cạnh việc dạy kiến thức mới, tôi lồng ghép ôn tập lại một số kiến thức cũ. Đối với học sinh lớp 6, dựa trên nền tảng đã được tập huấn, tôi cố gắng giúp các em làm quen và thích nghi dần với chương trình, sách giáo khoa mới”.
Với đặc điểm chuyên biệt, Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai đã tổ chức đón 441 học sinh vào chiều 5-9. Bên cạnh hướng dẫn các em khai báo y tế, rửa tay sát khuẩn, bộ phận y tế nhà trường thường xuyên đo thân nhiệt, kiểm tra sức khỏe của từng học sinh. Bộ phận quản lý nội trú cũng đã bố trí chỗ ở, chỗ ăn uống của học sinh đảm bảo khoảng cách, không tập trung đông người.
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) thực hiện khai báo y tế trong ngày đầu tiên đến trường. Ảnh: Ngọc Minh
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú Đông Gia Lai (thị xã An Khê) thực hiện khai báo y tế trong ngày đầu tiên đến trường. Ảnh: Ngọc Minh
Tương tự, tại Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa), không khí đến trường cũng khá rộn ràng. Hiệu trưởng Đặng Hoàng Hùng cho hay: Nhà trường không tổ chức chào cờ tập trung. Thay vào đó, giáo viên chủ nhiệm cho các em sinh hoạt tại lớp, thực hiện khai báo y tế, tuyên truyền về các biện pháp phòng-chống dịch; đồng thời, giới thiệu lại ban cán sự lớp và ổn định tình hình lớp học. Ban Giám hiệu còn yêu cầu mỗi lớp thành lập tổ tự vệ Covid, theo dõi chặt chẽ sĩ số lớp học. Nếu phát hiện các trường hợp học sinh từ vùng dịch đi học lại hay những em vắng học bất thường, có biểu hiện ho, sốt phải báo ngay cho giáo viên để kịp thời xử lý.
Còn tại huyện Ia Pa, trao đổi với P.V, ông Trần Danh Luận-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện-thông tin: Ngày 6-9, khoảng 4.500 học sinh của 14 trường thuộc bậc học THPT và THCS đã đi học lại. Với những trường hợp đang mắc kẹt lại tại vùng dịch, Phòng chỉ đạo các trường theo dõi sát sao, nếu các em đã hoàn thành thời gian cách ly, có giấy xét nghiệm âm tính thì tạo điều kiện cho các em quay trở lại trường và bổ sung kiến thức giúp các em theo kịp bạn bè.
Học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa) rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Ảnh: Vũ Chi
Học sinh Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa) rửa tay sát khuẩn trước khi vào trường. Ảnh: Vũ Chi
Tăng cường dạy học trực tuyến 
Vì diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa thể đón học sinh tới trường. Tuy nhiên, không vì thế mà hoạt động dạy và học bị đình trệ. Tại TP. Pleiku, nhiều trường đã tổ chức dạy học qua mạng internet hoặc giao bài tập cho học sinh. Với sự chuẩn bị chu đáo từ trước đó, Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Trà Đa) đã bắt đầu tuần học đầu tiên bằng hình thức trực tuyến. Theo Hiệu trưởng Võ Văn Thiết, qua khảo sát, toàn trường có khoảng 70% học sinh bậc tiểu học và trên 90% học sinh bậc THCS đảm bảo phương tiện để học qua ứng dụng Zoom Meeting. Vì vậy, nhà trường đã lên thời khóa biểu với thời gian học 3 giờ/ngày đối với lớp 4 đến lớp 9. Riêng các lớp 1, 2 và 3, trên cơ sở lấy ý kiến của phụ huynh, nhà trường tổ chức cho các em học vào buổi tối (5 buổi/tuần) để phụ huynh cùng kèm cặp trong khung thời gian tùy theo các lớp sắp xếp. Đối với những học sinh không có điều kiện, nhà trường sẽ in sao tài liệu và gửi cho từng em.
Chị Võ Thị Thùy Linh (thôn 2, xã Trà Đa) cho biết: “Vì dịch bệnh nên cả 2 con tôi đều phải học trực tuyến. Bé lớn học lớp 7 vào buổi chiều, còn bé lớp 1 học vào buổi tối. Dẫu biết rằng học qua mạng là giải pháp hữu hiệu nhất vào thời điểm hiện tại nhưng tôi khá băn khoăn đối với lớp 1. Thật sự, con còn quá nhỏ và rất khó tiếp thu theo cách học này. Hơn nữa, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện và thời gian để đồng hành cùng con trong các buổi học”.
 Chị Võ Thị Thùy Linh (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đồng hành cùng con gái học lớp 1 trong quá trình học trực tuyến. Ảnh: Mộc Trà
Chị Võ Thị Thùy Linh (thôn 2, xã Trà Đa, TP. Pleiku) đồng hành cùng con gái học lớp 1 trong quá trình học trực tuyến. Ảnh: Mộc Trà
Liên quan đến việc tổ chức dạy và học trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, ông Nguyễn Đình Thức-Trưởng phòng GD-ĐT TP. Pleiku-thông tin: Thực hiện hướng dẫn của Sở GD-ĐT, chúng tôi chỉ đạo các trường tùy theo điều kiện thực tế triển khai dạy học trực tuyến hoặc bằng các hình thức khác cho học sinh kể từ ngày 6-9; xây dựng nguồn tài nguyên dạy học cho giáo viên, hỗ trợ học sinh học và ôn tập trong thời gian chưa thể đến trường và giúp phụ huynh hướng dẫn con học tại nhà; khuyến khích giáo viên lớp 1, 2 thiết kế hoạt động giáo dục bằng các video ngắn. Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát, ngày 13-9, toàn bộ học sinh tiểu học và THCS của thành phố sẽ được trở lại trường.
Học sinh tiểu học tại TP. Pleiku làm quen với hệ thống học tập trực tuyến. Ảnh: Đỗ Hằng
Học sinh tiểu học tại TP. Pleiku làm quen với hệ thống học tập trực tuyến. Ảnh: Đỗ Hằng

Tại huyện Krông Pa, vì tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp nên học sinh mầm non, tiểu học và THCS tạm thời nghỉ học; việc dạy và học trực tuyến chỉ dành cho khối THPT. Thầy Trần Văn Thế-Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An-cho biết: Sáng 6-9, nhà trường bắt đầu tổ chức dạy trực tuyến ở tất cả các môn học (trừ Thể dục và Giáo dục quốc phòng) với thời lượng 3-5 tiết/buổi; mỗi tiết kéo dài 40 phút và có 10 phút nghỉ giải lao. Có 1.079 học sinh tham gia buổi học online đầu tiên. Trong tuần này, giáo viên chủ yếu ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh. 

“Vì là năm học cuối cấp nên em khá lo lắng khi phải học trực tuyến, dù biết đây là giải pháp an toàn trong mùa dịch. Học online em chỉ có thể tiếp thu kiến thức ở mức tương đối, chưa kể đường truyền vẫn thi thoảng bị nghẽn, phải vào lại liên tục”-em Lương Hoàng Ngọc Trâm (lớp 12A1, Trường THPT Chu Văn An) bộc bạch.

Giáo viên Trường THCS Cao Bá Quát (huyện Chư Sê) dạy học trực tuyến trên phần mềm K12 Online. Ảnh: Ngọc Thu
Giáo viên Trường THCS Cao Bá Quát (huyện Chư Sê) dạy học trực tuyến trên phần mềm K12 Online. Ảnh: Ngọc Thu
Năm học 2021-2022, huyện Kbang có 7.131 học sinh bậc tiểu học và 4.625 học sinh bậc THCS. Theo ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng GD-ĐT huyện, trong tuần đầu tiên, các trường vẫn chưa tổ chức học tập trung. Đơn vị có điều kiện thì tổ chức học trực tuyến kết hợp giao bài tập về nhà. Riêng bậc tiểu học, các trường chủ động thực hiện phương án phù hợp với điều kiện của mình, giúp học sinh tiếp cận kiến thức mới.
“Trước mắt, nhà trường vận động giáo viên tiểu học xây dựng kế hoạch, soạn thảo nội dung bài học, đưa tới từng học sinh. Riêng học sinh lớp 1 thì in những mẫu chữ, nét viết cơ bản đưa tới nhà để các em làm quen. Đối với bậc THCS, giáo viên môn nào chịu trách nhiệm soạn nội dung bài giảng môn đó, rồi tập hợp về trường. Nhà trường sẽ gửi tài liệu nhờ trưởng thôn mang tới nhà từng học sinh”-thầy Đoàn Thái Phong-Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tơ Tung (xã Tơ Tung, huyện Kbang) nói.
Tương tự, để đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh và giáo viên, Trường THCS Cao Bá Quát (thị trấn Chư Sê) cũng chỉ triển khai dạy học trực tuyến trên K12 Online. “Nhiều phụ huynh ủng hộ và đăng ký cho con em mình. Đến nay, trên 60% học sinh của trường đang theo học phần mềm K12 Online trên máy tính”-Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hà cho hay.
NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

Gia Lai có 17 học sinh đạt Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS

(GLO)- Tham gia tranh tài cùng hơn 2.000 thí sinh trên cả nước, 17/24 học sinh của tỉnh Gia Lai đã mang về Chứng chỉ Tin học quốc tế MOS sau vòng loại quốc gia Cuộc thi Vô địch Tin học văn phòng Thế giới-Viettel 2024 (MOS World Championship-Viettel 2024) diễn ra vào sáng 17-3.