Nhiều sĩ tử tự tin đạt điểm khá ở môn Toán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với cả nước, gần 14 ngàn thí sinh của tỉnh Gia Lai đã hoàn thành ngày thi tốt nghiệp THPT đầu tiên với môn Toán vào chiều 7-7. Với kết quả làm bài khả quan, nhiều sĩ tử tự tin có thể đạt điểm khá trở lên ở môn thi này.

Theo thí sinh, đề thi Toán năm nay bám sát chương trình cơ bản của bậc THPT (chủ yếu lớp 12) và đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Đức Thụy
Theo đa số thí sinh, đề thi Toán năm nay bám sát chương trình cơ bản của bậc THPT (chủ yếu lớp 12) và đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: Đức Thụy

Môn Toán có thời gian làm bài là 90 phút, dưới hình thức trắc nghiệm khách quan. Theo nhận định của một số giáo viên giảng dạy môn học này ở các trường THPT, đề thi năm nay vẫn được xây dựng theo ma trận với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Trong đó, tỷ lệ câu hỏi vận dụng cao không nhiều. Thí sinh làm tốt các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu và vận dụng đã có thể đạt mức điểm từ trung bình đến khá.
 

Thí sinh điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã An Khê) kết thúc môn thi thứ 2 trong tâm thế thoải mái. Ảnh: Ngọc Minh
Thí sinh điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã An Khê) kết thúc môn thi thứ 2 trong tâm thế thoải mái. Ảnh: Ngọc Minh



Thí sinh Phan Hoàng Nguyên-điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã An Khê) phân tích: “50 câu đề Toán phân loại từ dễ tới khó, trong đó, có khoảng 35 câu dễ, còn lại 15 câu nâng cao. Các câu hỏi hình học tập trung kiến thức ở lớp 10 và 11, còn đại số thì chủ yếu ở chương trình lớp 12. Vì ôn tập khá kỹ nên em làm bài tương đối tốt”.
 

Thí sinh Nguyễn Thị Quý Thương-điểm thi Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku (bìa trái) trao đổi với các bạn về bài thi Toán. Ảnh: Hồng Thi
Thí sinh Nguyễn Thị Quý Thương-điểm thi Trường THPT Lê Lợi, TP. Pleiku (bìa trái) trao đổi với các bạn về bài thi môn Toán. Ảnh: Hồng Thi

Là một trong những thí sinh rời khỏi phòng thi đầu tiên, em Nguyễn Thị Quý Thương-điểm thi Trường THPT Lê Lợi (TP. Pleiku) phấn khởi chia sẻ: “Cấu trúc đề thi môn Toán năm nay bám sát chương trình cơ bản của bậc THPT (chủ yếu lớp 12) và đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với 40 câu chắc chắn về đáp án, em tự tin mình sẽ được 8 điểm ở môn Toán. Em rất vui vì đã trải qua 2 môn thi đầu tiên tương đối thành công”.
 

Các sĩ tử hoàn thành bài thi môn Toán vào chiều ngày 7-7. Ảnh: Nguyễn Diệp
Các sĩ tử tại điểm thi Trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) hoàn thành bài thi môn Toán vào chiều 7-7. Ảnh: Nguyễn Diệp


8 cũng là số điểm mà thí sinh Nguyễn Thị Minh Châu-điểm thi Trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) tự chấm cho mình sau khi kết thúc giờ thi. Không chỉ Châu, những người bạn của em cũng dự đoán bản thân có thể đạt được điểm Toán từ khá trở lên.

Môn Toán được đánh giá dễ thở với các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt. Ảnh: Văn Ngọc
Môn Toán được đánh giá là "dễ thở" với các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt. Ảnh: Văn Ngọc


Bên cạnh đó, không ít sĩ tử cũng cho rằng, đề thi Toán vẫn có sự phân hóa cao. Tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã Ayun Pa) có 204 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 70% thí sinh là người dân tộc thiểu số. Qua ghi nhận của P.V, hầu hết các em đều làm được từ 50-70% ở môn thi thứ 2.

Các phụ huynh tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (huyện Ayun Pa) chờ đón con trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: Văn Ngọc
Các phụ huynh tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (thị xã  Ayun Pa) chờ đón con trong thời tiết nắng nóng. Ảnh: Văn Ngọc


“Em thấy đề thi có sự phân loại cao cho các bạn học giỏi có thể chứng tỏ khả năng của mình. Riêng em, dù các thầy cô cũng thường xuyên ôn tập những dạng bài tương tự như đề thi nhưng có những câu khó em vẫn không làm được. Đề thi năm nay em làm trong khoảng hơn 60 phút và đoán mình có thể giải được hơn 50% các bài tập. Em có niềm đam mê với xe ô tô nên cố gắng thi thật tốt các môn khối A để có thể trở thành sinh viên ngành cơ khí ô tô của một trường đại học nào đó”-thí sinh Siu Thiên bày tỏ.
 

Tình nguyện viên vỗ tay chúc mừng sĩ tử tại điểm thi số 31 Trường THPT Võ Thị Sáu (thị trấn Đak Đoa) hoàn thành bài thi môn Toán. Ảnh: Nguyễn Tú
Tình nguyện viên chúc mừng sĩ tử tại điểm thi số 31 Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn Đak Đoa) khi đã hoàn thành bài thi môn Toán. Ảnh: Nguyễn Tú

Tương tự, thí sinh Đinh Ngong-học viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Đak Đoa cũng khá buồn khi rời khỏi điểm thi Trường THCS Võ Thị Sáu (thị trấn Đak Đoa) vì bài thi Toán không như ý. “Em làm bài không tốt lắm, chắc chỉ đạt khoảng 4 điểm. Tuy nhiên, em vẫn hy vọng mình có thể đạt điểm trung bình”-Đinh Ngong nói.

Là một trong những thí sinh lớn tuổi dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ), ông Rơ Lan Bye cho biết: “Tôi sinh năm 1977, trú tại xã Ia Pnôn. Dù tuổi cao nhưng tôi vẫn cố gắng học tập để bổ sung kiến thức cho bản thân. Kỳ thi này, tôi đăng ký thi 4  môn gồm: Ngữ văn, Toán, Lịch sử và Địa lý. Kết thúc ngày thi đầu tiên, tôi làm bài cũng tạm ổn. Còn 2 môn nữa, ngày mai, tôi sẽ cố gắng thi thật tốt để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay”.

 Ông Rơ Lan Bye trong buổi thi môn Toán tại Trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Diệp
Ông Rơ Lan Bye là một trong những thí sinh lớn tuổi dự thi tốt nghiệp THPT tại điểm thi Trường THCS Quang Trung (thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Diệp


Sau 1 ngày thi đồng hành cùng con, nhiều phụ huynh cũng thở phào nhẹ nhõm khi con mình thông báo hoàn thành tương đối tốt các bài thi. Ông Phạm Đình Chiến (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) cho hay: “Chúng tôi ở ngoài điểm thi cũng lo lắng và hồi hộp lắm. Ngoài lo dịch bệnh thì còn sợ con không thi tốt. Nghe cháu bảo làm bài được, tôi rất phấn khởi. Mong cháu hoàn thành kỳ thi với kết quả cao để thỏa nguyện vọng vào Học viện Quân y”.

“Hôm nay, tôi đưa đứa con út đi thi. Tôi luôn động viên con cố gắng học để đậu một trường cao đẳng hoặc đại học nào đó. Nguyện vọng của gia đình là muốn con theo học ngành sư phạm để sau này có thể về làm giáo viên ở địa phương gần cha mẹ”-ông Siu Chức (buôn Tham, xã Ia Trok, huyện Ia Pa) kỳ vọng.

Qua ghi nhận của nhóm P.V, trong buổi thi chiều 7-7, công tác phòng-chống dịch Covid-19, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và tư vấn-tiếp sức mùa thi… vẫn được đảm bảo, triển khai hiệu quả tại 39 điểm thi. Số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo chương trình “Tư vấn-Tiếp sức mùa thi” năm 2021, trong ngày 7-7, các đội hình thanh niên tình nguyện đã hỗ trợ hơn 5.100 thí sinh. Trong đó, hỗ trợ hơn 2.300 chiếc khẩu trang y tế; hơn 2.150 chai nước suối; 286 dụng cụ học tập; 734 suất cơm; 140 lượt xe ôm; 112 chỗ ở miễn phí cho thí sinh và người nhà.

Các điểm giữ xe miễn phí phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trước các điểm thi. Ảnh: Hồng Thi
Các điểm giữ xe miễn phí phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trước các điểm thi. Ảnh: Hồng Thi
Điểm đo thân nhiệt và sát khuẩn tại Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Diệp
Đo thân nhiệt và sát khuẩn tại điểm thi Trường THPT Lê Hoàn (huyện Đức Cơ). Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh, toàn tỉnh có 13.705/13.778 thí sinh dự thi môn Toán, vắng 73 em (trong đó có 29 thí sinh vắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19); không có thí sinh và cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi.



Ngày mai (8-7), các sĩ tử bước vào ngày thi cuối cùng với 2 bài thi Tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) vào buổi sáng; môn Ngoại ngữ vào buổi chiều. Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc.
 

Lực lượng đoàn viên thanh niên động viên tinh thần các sĩ tử sau khi hoàn thành ngày thi đầu tiên. Ảnh: Đức Thụy
Lực lượng đoàn viên, thanh niên động viên tinh thần các sĩ tử sau khi hoàn thành ngày thi đầu tiên. Ảnh: Đức Thụy


NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.