"Lớp học đảo ngược": Phương pháp giáo dục hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm tạo hứng thú và khả năng tự học cho học sinh, cô giáo Bùi Lê Trang Nhung (Trường THPT Phan Bội Châu, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đã áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược”. Sáng kiến này vừa được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận về phạm vi ảnh hưởng và giá trị áp dụng trên địa bàn.
Giờ dạy Ngữ văn của cô giáo Bùi Lê Trang Nhung luôn tạo hứng thú đối với học sinh, nhất là các em khối 12 đang ôn thi tốt nghiệp. Thay vì thuyết giảng trên lớp như trước đây, cô Nhung chủ động soạn giảng trên powerpoint, kết hợp với các ứng dụng hỗ trợ dạy trực tuyến sẵn có để xây dựng những video clip bài học hoàn chỉnh. Trước khi lên lớp, cô đăng tải clip này trên Youtube hoặc các nhóm lớp để học sinh nghiên cứu bài và trả lời các câu hỏi.
Toàn bộ thời gian trên lớp được dành cho các hoạt động thảo luận và làm bài tập. Cô Nhung chỉ đóng vai trò là người điều tiết, hỗ trợ học sinh tháo gỡ những vấn đề còn khó hiểu trong bài mới. Theo cô, cách tiếp cận này giúp tối đa hóa thời gian dành cho mỗi học sinh, thay vì dành thời gian cho tất cả học sinh một lần, giúp từng em tiếp cận kiến thức kỹ và sâu hơn.
“Qua thực tế giảng dạy, tôi nhận thấy phương pháp, năng lực tự học của nhiều học sinh còn hạn chế và thụ động. Một bộ phận không nhỏ học sinh lớp 12 không thích học môn Ngữ văn, năng lực cảm thụ văn chương còn yếu, thậm chí học lệch để phục vụ cho việc thi cử. Bên cạnh đó, sự định hướng cảm thụ của giáo viên khiến học trò ỷ lại, lâu dần dẫn đến tình trạng tiếp thu một chiều mà không có thói quen phản biện. Vì thế, khi biết đến mô hình “Lớp học đảo ngược” qua một tạp chí, tôi đã linh động áp dụng vào giảng dạy một cách phù hợp với học sinh của trường mình trong năm học 2019-2020 ở một số bài học cụ thể”-cô Nhung chia sẻ.
Cô Bùi Lê Trang Nhung trong một giờ dạy áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược”. Ảnh: Mộc Trà
Cô Bùi Lê Trang Nhung trong một giờ dạy áp dụng mô hình “Lớp học đảo ngược”. Ảnh: Mộc Trà
Nhờ nắm được nội dung bài học qua clip giáo viên đăng tải trên mạng xã hội và nội bộ nhóm lớp nên hầu hết học sinh đã có nền tảng kiến thức tốt, tiếp thu bài nhanh hơn. Không khí lớp học vì thế cũng trở nên sôi nổi và thú vị.
Em Nguyễn Thị An Hòa (lớp 12C12) phấn khởi cho hay: “Với phương pháp học này, chúng em có thể chủ động tham gia vào quá trình xây dựng kiến thức và rèn luyện cho mình những kỹ năng cần thiết như: nghiên cứu, thuyết trình, biện luận, làm việc nhóm, ứng dụng công nghệ thông tin… Cả cô và trò đều tiết kiệm được thời gian cho việc tìm hiểu lý thuyết để tập trung đào sâu, mở rộng kiến thức. Điều này rất hiệu quả cho chúng em trong quá trình củng cố kiến thức, rèn luyện kỹ năng viết bài cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới”.
Đồng quan điểm, em Nguyễn Thị Thảo Ly (lớp 12C2) bày tỏ: “Mô hình “Lớp học đảo ngược” của cô Nhung đã kích thích sự sáng tạo cũng như khả năng suy luận và phân tích vấn đề trong chúng em mỗi khi học môn Ngữ văn. Đặc biệt, ở thời điểm phải nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19, phương pháp này còn giúp em tích cực làm chủ kiến thức của mình dễ dàng hơn. Khi trở lại trường, chỉ cần cô hệ thống lại và giải đáp một số vướng mắc là chúng em đã có thể hiểu bài sâu hơn”.
4- Mô hình “lớp học đảo ngược” giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, thuyết trình, biện luận, làm việc nhóm… Ảnh: Mộc Trà.
Mô hình “Lớp học đảo ngược” giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, thuyết trình, biện luận, làm việc nhóm… Ảnh: Mộc Trà
Theo cô Nhung, hiện nay, ở nước ta có khá ít cơ sở giáo dục cũng như giáo viên sử dụng mô hình “Lớp học đảo ngược” để giảng dạy. Trong khi đây là một phương pháp khá hữu ích, phù hợp với yêu cầu dạy học hiện nay và hướng đến phát triển năng lực của học sinh.
“Thách thức duy nhất mà mô hình dạy học này đặt ra là học sinh phải có máy tính, mạng internet để tự học trực tuyến; còn giáo viên thì cần nhiều thời gian và công sức hơn cho việc soạn bài giảng, đồng thời đòi hỏi phải thành thạo về công nghệ thông tin. Tuy nhiên, qua 2 năm học áp dụng, tỷ lệ học sinh các lớp tôi giảng dạy đạt điểm khá, giỏi ở môn Ngữ văn luôn vượt chỉ tiêu nhà trường giao. Nếu có sự đầu tư kỹ càng, tôi nghĩ rằng, mô hình này không chỉ dừng lại ở một bộ môn bất kỳ mà còn có thể mở rộng áp dụng cho nhiều môn và nhiều cấp học khác nhau”-cô Nhung tin tưởng.
Ngày 26-5 vừa qua, cùng với 47 sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học khác, sáng kiến sử dụng phương pháp dạy học theo mô hình “Lớp học đảo ngược” của cô Nhung đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận về phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng trên địa bàn tỉnh. 
Trao đổi với P.V, cô Đào Thủy Hậu-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Bội Châu-đánh giá: Cô Bùi Lê Trang Nhung không ngừng nỗ lực vươn lên trong giảng dạy, tạo được bước đột phá về chuyên môn. Điều đặc biệt ở cô Nhung mà đồng nghiệp đều ghi nhận chính là sự sáng tạo không ngừng trong mọi lĩnh vực công tác, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy để tạo hứng thú cho học sinh. “Lớp học đảo ngược” là một trong những mô hình mang lại hiệu quả rõ rệt.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.