Gia Lai: 4 tập thể và cá nhân được khen thưởng về xây dựng xã hội học tập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 18-6, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 8 năm thực hiện Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 9-1-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020” (Đề án 89). Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch và đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hồng Thi


Trong 8 năm qua, ngành GD-ĐT đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và tổ chức xã hội liên quan tích cực triển khai thực hiện Đề án 89. Những mục tiêu đề ra trong Đề án về cơ bản đã hoàn thành; các nhiệm vụ được thực hiện đúng tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có chuyển biến tích cực.

Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 97,85% (số người biết chữ trong độ tuổi 15-35 chiếm 99,3%); 90,8% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ; 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2, THCS mức độ 1. Cùng với đó, 94,22% cán bộ, công chức từ Trung ương đến huyện được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 94,75% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định. Cả nước có 66,97% công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế có trình độ THPT và tương đương; tỷ lệ công nhân lao động đã qua đào tạo đạt 82,4%. Số học sinh, sinh viên được học kỹ năng sống thông qua các môn học tại các cơ sở giáo dục đạt 64,6%...

Ngoài ra, việc triển khai các mô hình học tập được thực hiện linh hoạt, từng bước vững chắc, nhận được sự đồng thuận của Nhân dân. Các cơ sở giáo dục đã đẩy mạnh dạy học từ xa, trực tuyến và trên truyền hình. Hàng năm, số lượt người tham gia các lớp cập nhật kiến thức, kỹ năng tại các Trung tâm học tập cộng đồng đều tăng. Việc học tập cho người lớn đã được chú trọng, trình độ dân trí được nâng lên.

Tại hội nghị, các bộ, ngành và địa phương đã tập trung thảo luận, phân tích những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 89. Nhiều giải pháp cụ thể cũng được đưa ra nhằm tạo chuyển biến cơ bản trong xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

  Thừa ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao bằng khen cho 4 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Hồng Thi
Thừa ủy nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch trao bằng khen cho 4 tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc. Ảnh: Hồng Thi


Dịp này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã tặng bằng khen cho 71 tập thể và 92 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng xã hội học tập” giai đoạn 2012-2020. Trong đó, tỉnh Gia Lai có 2 tập thể và 2 cá nhân được tuyên dương, gồm: Phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT); Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Gia Lai; các ông: Lữ Đình Dưỡng-Phó Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên và Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD-ĐT), Nguyễn Tấn Cường-Chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Đức Cơ.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: Phát triển xã hội học tập là phát triển nguồn lực đặc biệt của quốc gia. Vì vậy, thời gian tới, ngành GD-ĐT cùng các bộ, ngành, địa phương cần xác định rõ vai trò của các thành tố và những bên liên quan trong công cuộc phát triển xã hội học tập. Thông qua hệ thống truyền thông, hoạt động xã hội để khuyến khích, gia tăng nhu cầu học tập ở mỗi cá nhân. Các cơ sở giáo dục phải đóng vai trò then chốt, các doanh nghiệp cần tiếp tục vào cuộc trong xây dựng xã hội học tập.

Bộ GD-ĐT cũng sẽ rà soát, đánh giá hiệu quả các mô hình học tập của Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm học tập cộng đồng; ưu tiên và tập trung làm tốt công tác xóa mù chữ, phát triển hệ thống đào tạo từ xa, tăng cường hiệu quả hệ thống khuyến học, hoạt động truyền thông và định hướng khuyến học, gia tăng nguồn dữ liệu tài nguyên số phục vụ cho việc học tập thường xuyên... Đồng thời, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để xây dựng xã hội học tập.

 

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.
Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.