Chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1: Bộc lộ khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 1 năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới) ở tỉnh Gia Lai đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, quá trình dạy và học sách giáo khoa (SGK) lớp 1 cũng bộc lộ một số khó khăn, bất cập.
Làm chủ hoạt động dạy và học
Năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Cù Chính Lan (phường Hội Thương, TP. Pleiku) có 4 lớp 1 với 147 học sinh. Triển khai chương trình GDPT mới, nhà trường đã lựa chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho học sinh lớp 1; đồng thời, trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, sách tham khảo phục vụ cho công tác dạy học. 
Cô Vũ Thị Ngọc Linh-giáo viên Trường Tiểu học Cù Chính Lan-chia sẻ: “Cấu trúc SGK có tính mở, thuận tiện để giáo viên chủ động bổ sung nội dung và tổ chức hoạt động dạy học đặc thù thích hợp, sát với thực tế địa phương. Hơn nữa, mỗi bài học đều có sách điện tử nên chúng tôi có thể dễ dàng truy cập. Kênh hình minh họa cũng rất phong phú giúp học sinh nhận biết nhanh, hiểu rõ nghĩa. Lớp tôi chủ nhiệm có 36 học sinh, 100% đều hoàn thành chương trình năm học”.
1- Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đã cho thấy hiệu quả bước đầu sau 1 năm triển khai thực hiện đối với lớp 1. Ảnh: Hồng Thi.
Chương trình GDPT 2018 đã cho thấy hiệu quả bước đầu sau 1 năm triển khai thực hiện đối với lớp 1. Ảnh: Hồng Thi
Cô Phan Thị Hợp-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cù Chính Lan-đánh giá: “Sau 1 năm triển khai, hầu hết giáo viên dạy lớp 1 đều bước đầu tiếp cận và dần thích nghi với Chương trình GDPT mới. Chất lượng dạy và học ở lớp 1 đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Học sinh cơ bản đọc, viết, tính toán tốt; tự chủ, tự tin trong giao tiếp và tích cực tham gia các hoạt động giáo dục cùng thầy cô. Kết thúc năm học, 96% học sinh đã hoàn thành chương trình, trong đó có 69,4% hoàn thành xuất sắc. Những em chưa hoàn thành sẽ tự ôn luyện trong hè và được giáo viên phụ đạo thêm kiến thức. Trước khi bước vào năm học mới, các em sẽ được kiểm tra lại lần 2. Căn cứ kết quả này mới quyết định học sinh có được lên lớp hay không”.
Tương tự, năm học 2020-2021, Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) đã triển khai thực hiện chương trình, SGK mới đối với 142 học sinh lớp 1. Nhà trường lựa chọn bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để giảng dạy. Trường cũng đã tu sửa cơ sở vật chất, trang bị thêm 3 ti vi phục vụ cho việc dạy học tại trường chính và các điểm làng; tự mua 50 bộ SGK lớp 1 cho học sinh mượn học tập. Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Cường thông tin: Theo kế hoạch, chúng tôi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết, mỗi tiết 35 phút, tương ứng với 29 tiết/7 buổi/tuần. Ngoài chương trình chính khóa, nhà trường còn tổ chức dạy thêm một số buổi hoạt động trải nghiệm tập thể với nhiều chủ đề khác nhau nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng thực hành cho học sinh như: an toàn giao thông, phòng-chống bạo lực học đường, phòng tránh đuối nước, “Giữ vở sạch, viết chữ đẹp”, trang trí lớp học thân thiện, hướng dẫn học sinh rửa tay, đeo khẩu trang phòng-chống dịch bệnh… Thời gian đầu triển khai chương trình, SGK mới, cả giáo viên và học sinh đều bỡ ngỡ nhưng sau đó đã nhanh chóng bắt nhịp, chủ động trong dạy và học. Cuối năm học, chất lượng lớp 1 có sự nâng lên so với những năm trước; hơn 90% học sinh hoàn thành chương trình. Không chỉ đọc thông, viết thạo, nhiều em còn khá tự tin, mạnh dạn làm chủ hoạt động học của chính mình.
Kết thúc năm học, nhiều học sinh không chỉ đọc thông, viết thạo mà còn khá tự tin làm chủ hoạt động học của chính mình. Ảnh: Hồng Thi
Kết thúc năm học, nhiều học sinh không chỉ đọc thông, viết thạo mà còn khá tự tin làm chủ hoạt động học của chính mình. Ảnh: Hồng Thi
Năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 284 trường có bậc tiểu học với 972 điểm trường. Thực hiện chương trình GDPT mới, 144 trường lựa chọn bộ sách Cánh Diều để giảng dạy cho 17.582 học sinh lớp 1; 140 trường còn lại chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống với 20.054 học sinh. Ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) đánh giá: “Tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đã được bồi dưỡng, nắm chắc tinh thần của chương trình GDPT mới; vận dụng triệt để và đổi mới từ khâu xây dựng kế hoạch dạy học của nhà trường, sử dụng phương pháp dạy học đến kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Học sinh tiến bộ nhanh, nắm chắc kiến thức và kỹ năng nghe-nói-đọc-viết tiếng Việt, biết vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề trong học tập lẫn đời sống”.
Còn khó khăn, bất cập
Mặc dù đã gặt hái được những “quả ngọt” đầu mùa, thế nhưng trên thực tế, việc triển khai chương trình GDPT mới ở tỉnh vẫn còn không ít khó khăn, bất cập. 
Trước tiên phải kể đến những vướng mắc mà các trường gặp phải liên quan đến chương trình và SGK lớp 1 mới. “Trong SGK Tiếng Việt, hầu hết nội dung bài đọc đều khá dài, thậm chí nhiều bài có đến 4 âm vần khó khiến giáo viên lẫn học sinh chật vật trong quá trình tổ chức dạy và học. Dù giáo viên đã giảm bớt số chữ trong bài nhưng học sinh vẫn gặp khó khi tự luyện đọc. Ngoài ra, sách lại không có bài dạy các vần: eng, oăc, oach, uơ và uya… Riêng với môn Toán, những bài đầu năm học kênh chữ chiếm khá lớn, trong khi nhiều học sinh vẫn chưa thể đọc thông, viết thạo. Giáo viên phải dành thời gian hướng dẫn, phân tích thật kỹ thì các em mới hiểu và làm được bài tập. Tôi nghĩ, vấn đề này cần được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền nghiên cứu, bổ sung cho phù hợp”-cô giáo Vũ Thị Ngọc Linh đề xuất.
Bên cạnh đó, hệ thống trường lớp trên địa bàn tỉnh còn nhiều điểm lẻ nằm ở vùng sâu, vùng xa. Không ít trường điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo cho việc thực hiện chương trình GDPT mới. Đơn cử như Trường Tiểu học Cù Chính Lan, dù nằm ở trung tâm TP. Pleiku nhưng nhà trường vẫn thiếu phòng học để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày do không có quỹ đất để mở rộng. Theo cô Phan Thị Hợp, năm học vừa qua, toàn trường chỉ có 2 lớp bán trú đảm bảo học 2 buổi/ngày; 2 lớp còn lại chỉ học được tối đa 6 buổi/tuần. Nếu theo lộ trình đổi mới đến năm học 2024-2025, trường sẽ thiếu 5 phòng học phục vụ cho việc dạy và học ở cả 5 khối lớp. Đây hiện là bài toán nan giải không chỉ của nhà trường mà còn là của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương.
5- Với tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm gần 96%, Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) cũng gặp những khó khăn nhất định khi triển khai chương trình GDPT mới. Ảnh: Hồng Thi
Với tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 96%, Trường Tiểu học Ia Phí (xã Ia Phí, huyện Chư Păh) cũng gặp những khó khăn nhất định khi triển khai chương trình GDPT mới. Ảnh: Hồng Thi
Với tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số chiếm gần 96%, Trường Tiểu học Ia Phí cũng gặp những khó khăn nhất định khi triển khai chương trình GDPT mới. “Một số em còn chậm nên tiếp thu phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực khá hạn chế. Trong khi trước đó, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, học sinh phải nghỉ học một thời gian dài; nhiều học sinh mẫu giáo 5 tuổi lên tiểu học thiếu nền tảng kiến thức cơ bản và tâm thế chưa sẵn sàng. Ngoài ra, gia đình học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo chiếm khá cao nên công tác xã hội hóa giáo dục của trường hầu như không thể thực hiện”-Hiệu trưởng Nguyễn Trọng Cường phân trần. 
Điểm mới của chương trình GDPT mới là giao quyền tự chủ cho nhà trường, giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục và dạy học. Tuy vậy, nhiều trường vẫn thiếu sự chủ động, còn lúng túng, chưa mạnh dạn thực hiện và còn trông chờ, ỷ lại vào sự hướng dẫn của cấp trên. “Trong năm, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra việc tổ chức dạy học đối với lớp 1 và việc sử dụng SGK, tài liệu tham khảo; dự giờ, thăm lớp ở một số trường học. Qua đó, kịp thời hướng dẫn, tư vấn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trong việc sử dụng SGK, xây dựng kế hoạch, đổi mới phương pháp và điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với học sinh cũng như tình hình thực tế của địa phương. Sắp tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, từ đó đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả chương trình trong những năm tiếp theo”-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học Nguyễn Văn Đông cho biết.
HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.
Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.