Gia Lai: Cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe đầu tư vật chất để tăng tính cạnh tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như phương tiện để tăng tính cạnh tranh, hướng đến chất lượng, hiệu quả.

Quan tâm đầu tư phương tiện

Toàn tỉnh hiện có 11 cơ sở đào tạo lái xe (trong đó có 6 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và mô tô, 5 cơ sở đào tạo lái xe mô tô hạng A1) và 12 trung tâm sát hạch lái xe (1 loại I, 2 loại II và 9 loại III).

Theo ông Lê Ngọc Hữu-Phó Trưởng phòng Quản lý Phương tiện và người lái (Sở Giao thông-Vận tải), từ năm 2018 đến nay, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe đã đầu tư trên 46 tỷ đồng mua sắm phương tiện, hoàn thiện hạ tầng sân bãi... để đáp ứng nhu cầu học lái xe ngày một tăng. Đơn cử như: Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai), Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai), Công ty TNHH một thành viên Khánh Bảo (huyện Chư Sê) và Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe An Phú Thiện (huyện Phú Thiện).

1111Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) vừa đầu tư 9 phương tiện Toyota Vios 2020 phục vụ sát hạch lái xe hạng B-Ảnh Lê Hòa
Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) vừa đầu tư 9 phương tiện Toyota Vios 2020 phục vụ sát hạch lái xe hạng B. Ảnh: Lê Hòa


Ông Phạm Xuân Bảo-Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) cho biết: “Để nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, Trung tâm đã đầu tư gần 6,4 tỷ đồng mua sắm 9 xe ô tô phục vụ công tác sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng B. Hiện Trung tâm có 122 phương tiện dạy thực hành lái gồm: 89 phương tiện hạng B, 29 phương tiện hạng C, 2 phương tiện hạng D và 2 phương tiện hạng E. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã đào tạo 800 lượt học viên. Mỗi tháng, Trung tâm tổ chức 2 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe ô tô và 2 kỳ sát hạch mô tô”.

Tương tự, ông Đoàn Đức Hùng-Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Sát hạch lái xe (thuộc Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai) thông tin: “Năm 2021, Trung tâm đã đầu tư 6,6 tỷ đồng mua sắm 13 xe ô tô phục vụ công tác đào tạo lái xe. Việc đầu tư nâng cao chất lượng phương tiện là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay nhằm thu hút học viên, rút ngắn thời gian thu hồi vốn, tăng lợi nhuận”.

Trong khi đó, nhóm các cơ sở đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1 cũng đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ công tác đào tạo, sát hạch nhằm thu hút học viên. “Công ty chúng tôi đã đầu tư hơn 500 triệu đồng lắp đặt hệ thống thiết bị cảm ứng, mua sắm xe mô tô cùng một số trang-thiết bị phục vụ công tác đào tạo, sát hạch để đủ nâng cấp lên trung tâm sát hạch loại III”-bà Nguyễn Thị Hà-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khánh Bảo-cho hay.

Học viên được hưởng lợi

Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cũng như phương tiện của các cơ sở đã giúp học viên thuận lợi hơn trong việc học và tham gia sát hạch lấy giấy phép lái xe. “Sau khi nâng cấp lên trung tâm sát hạch loại III, học viên tham gia sát hạch lái xe hạng A1 tại các huyện: Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông… không phải di chuyển lên TP. Pleiku hay các huyện lân cận để dự sát hạch. Việc học, sát hạch thuận tiện hơn nên lượng người đăng ký học cũng tăng lên”-bà Nguyễn Thị Hà thông tin.

Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) vừa đầu tư 9 xe mới phục vụ sát hạch. Ảnh: Lê Hòa
Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe (Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai) vừa đầu tư 9 xe mới phục vụ sát hạch. Ảnh: Lê Hòa


Ông Siu Phit-Trưởng thôn Tao Klah (xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) bày tỏ: “Ngày trước, muốn đăng ký sát hạch giấy phép lái xe phải xuống thị xã Ayun Pa hoặc lên TP. Pleiku nên dân làng thường e ngại. Nay trung tâm vẽ mô hình phác họa tại sân nhà sinh hoạt cộng đồng các thôn, làng để mọi người tranh thủ luyện tập. Đến kỳ sát hạch thì về thị trấn Chư Sê thi trong ngày là xong, rất tiện cho bà con, tiết kiệm chi phí đi lại”.

Thực tế, so với tiêu chuẩn, tiêu chí niên hạn sử dụng thì tất cả các phương tiện hiện có trong công tác đào tạo, sát hạch đều đáp ứng đủ yêu cầu. Nhưng qua nhiều năm sử dụng sẽ không tránh khỏi xe cũ kỹ, chất lượng xe giảm sút. Việc đầu tư xe mới giúp học viên cảm thấy quá trình học tập, thực hành hiệu quả hơn. “Sở Giao thông-Vận tải luôn khuyến khích các đơn vị đầu tư hệ thống cơ sở vật chất để ngày một nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch. Đồng thời, Sở cũng định hướng để các đơn vị cân nhắc phương án đầu tư sao cho hiệu quả, đảm bảo lợi nhuận”-ông Lê Ngọc Hữu bày tỏ.

Theo ông Hữu, chủ trương xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe đã tạo cơ chế để các đơn vị phát huy tính chủ động và tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, hướng tới hiệu quả và chất lượng. Học viên có nhiều sự lựa chọn đơn vị đào tạo phù hợp để đăng ký theo học. Chính vì vậy, ngoài việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì “cuộc đua” về cơ sở vật chất, chính sách đào tạo, học phí... cũng là “vũ khí” quan trọng góp phần tăng sức cạnh tranh của đơn vị đào tạo.

 

LÊ HÒA
 

Có thể bạn quan tâm

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.
Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.