Niềm vui ở điểm trường vùng sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ ngày điểm trường làng Vẻh (thuộc Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) được hỗ trợ xây mới, các em nhỏ phấn khởi hơn trong hành trình đến lớp.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Nguyễn Xuân Ân-Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến-cho biết: “Trước đây, điểm trường làng Vẻh có 2 lớp, trong đó có 1 lớp đơn và 1 lớp ghép 2. Do thiếu phòng học nên học sinh phải học tại nhà rông. Năm 2020, cơn bão số 10 đã làm tốc phần mái nhà rông, học sinh phải chuyển học tạm dưới gầm sàn của hộ dân trong làng. Đầu năm 2021, Hội Chữ thập đỏ TP. Hồ Chí Minh đã tài trợ 250 triệu đồng để xây phòng học mới khang trang. Có phòng học mới, thầy và trò đều yên tâm bám trường, bám lớp”.
Em Đinh Thị Đar (lớp 4) phấn khởi nói: “Phòng học mới rộng rãi, sạch sẽ. Em sẽ chăm chỉ tới lớp và học tập thật tốt”. Còn em Đinh Mêh (cùng lớp) thì cho hay: “Trước đây, em học tại nhà rông chật chội, thiếu ánh sáng, mùa nắng thì nóng hầm hập, mùa mưa thì nước dột trên đầu. Nay có phòng học mới, thoáng mát, chúng em rất vui”.
Cắt băng khánh thành phòng học tại điểm trường làng Vẻh. Ảnh: Hồng Ngọc
Cắt băng khánh thành phòng học tại điểm trường làng Vẻh. Ảnh: Hồng Ngọc
Có 2 con đang theo học tại điểm trường làng Vẻh, chị Đinh Thị Brơi không giấu được niềm vui: “Làng ở cách xa trường học chính hơn 5 km, giao thông đi lại khó khăn. Vì thế mới phải duy trì điểm trường tại làng để trẻ em đến lớp được thuận lợi. Nhưng lâu nay cơ sở vật chất lớp học không đảm bảo. Bây giờ, có lớp học khang trang tại làng, chúng tôi rất vui và yên tâm cho con em đến lớp”.
Đã nhiều năm bám lớp, bám làng, thầy Ngô Huy Tấn chia sẻ: Điểm trường có 32 học sinh tiểu học. Cách đây vài năm, để đến được điểm trường này, các thầy-cô giáo phải mất cả tiếng đồng hồ, nhất là những ngày mưa, đường trơn trượt đi lại rất khó khăn.
“Khó khăn là vậy, nhưng với sự yêu nghề, mến học sinh, chúng tôi vẫn hàng ngày kiên trì bám trụ để duy trì lớp học, mang con chữ đến cho các em. Giờ đường đi thuận lợi hơn, lại vừa được xây phòng học kiên cố, chúng tôi không còn phải lo lắng đến chuyện mưa nắng nữa mà chuyên tâm vào việc dạy”-thầy Tấn nói.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Trưởng thôn Đinh Sơn cho biết: Làng có 123 hộ là đồng bào Bahnar. Người dân ở đây đa số làm rẫy, một số hộ không có đất sản xuất nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí của dân làng vì thế cũng thấp.
Trước đây, các cháu học sinh phải đi bộ 5 km mới đến trường học. Cha mẹ chúng thì mải lo kiếm sống nên nhiều gia đình đã để con cái bỏ học giữa chừng. Giờ có phòng học khang trang tại làng, chúng tôi sẽ cùng với nhà trường vận động các gia đình tích cực đưa trẻ đến trường. 
HỒNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS: Cơ hội khẳng định năng lực chuyên môn

(GLO)- Sau 2 tuần tranh tài sôi nổi, hội thi giáo viên dạy giỏi cấp THCS toàn tỉnh Gia Lai năm học 2023-2024 đã bế mạc vào sáng 23-4. Không chỉ tạo cơ hội cho giáo viên khẳng định năng lực chuyên môn, hội thi còn là dịp đánh giá chất lượng đội ngũ, khích lệ phong trào thi đua dạy tốt-học tốt.
Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

Võ Đặng Ngọc Lâm: Tài không đợi tuổi

(GLO)- Yêu thích tin học cộng với năng lực tiếng Anh tốt đã giúp em Võ Đặng Ngọc Lâm-học sinh lớp 5/3, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (phường Ia Kring, TP. Pleiku) đạt được thành tích cao tại nhiều sân chơi tri thức.