Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đó là nội dung chỉ đạo của đồng chí Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại buổi làm việc giữa Thường trực Tỉnh ủy với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về tình hình thực hiện công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 và định hướng giai đoạn 2021-2025. Chủ trì buổi làm việc còn có các đồng chí: Châu Ngọc Tuấn-Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Chuyển biến mạnh mẽ
Báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định cho biết: Năm 2020, ngành GD-ĐT tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng-chống dịch Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ giáo dục-đào tạo và đạt được những kết quả khả quan. Theo đó, toàn ngành có 760 trường mầm non và phổ thông với trên 400.000 học sinh; có trên 25.000 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên. Năm học 2020-2021, tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp đạt 89%; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học ở bậc Tiểu học đạt 99,9%, bậc THCS đạt 91,5% và bậc THPT đạt 51,5%. Tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 384 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 50,53%.
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh Trần Dung
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Duy Định phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trần Dung
Ngành cũng đã triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và nhóm 5 giải pháp cơ bản của Bộ GD-ĐT và đẩy mạnh phong trào thi đua "Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”. Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy học cho các trường phổ thông có học sinh bán trú, trường mầm non và các trường học ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới. “Ngành GD-ĐT đã triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ở bậc trung học, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ. Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số”-ông Lê Duy Định cho hay.
Các cơ sở giáo dục triển khai chương trình cụ thể gắn với thực tiễn của địa phương. Ảnh Trần Dung
Các cơ sở giáo dục triển khai chương trình cụ thể gắn với thực tiễn của địa phương. Ảnh: Trần Dung
Để thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch Covid-19, Sở đã thành lập Ban Chỉ đạo để chủ động triển khai đầy đủ, kịp thời đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng-chống dịch Covid-19, Sở đã triển khai dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chương trình giảng dạy, học tập theo hướng giảm tải. Kết quả, kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp tỉnh năm học 2020-2021 có 518 thí sinh đạt giải; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm học 2020-2021 có 50/100 dự án ở 16 lĩnh vực đã được trao giải; có 29/56 học sinh của tỉnh Gia Lai đạt giải ở 9 bộ môn (tỷ lệ 51,78%) tại kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2020-2021, trong đó, đặc biệt có 1 học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương đạt giải nhất môn Ngữ văn.
Tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ GD-ĐT của tỉnh trong thời gian qua; chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong tình hình mới như: số giáo viên thiếu nhiều so với quy định; kinh phí để hợp đồng nhân viên cấp dưỡng nấu ăn cho học sinh ở các trường dân tộc nội trú gặp nhiều khó khăn; thiếu phòng học, phòng chức năng, trang-thiết bị để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới…
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh Trần Dung
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Trần Dung
Giám đốc sở Kế hoạch-Đầu tư Hồ Phước Thành cho rằng: Trong giai đoạn 2021-2025, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Sở GD-ĐT quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác định rõ hạng mục nào nên đầu tư và hạng mục nào không nên đầu tư? xác định rõ nguồn đầu tư ở đâu? Sở Kế hoạch-Đầu tư và Sở Tài chính sẽ đồng hành cùng Sở GD-ĐT để rà soát hệ thống cơ sở vật chất để có hướng đầu tư sát với tình hình thực tế.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc biên chế không giao tăng thêm hàng năm mà tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế theo lộ trình là không phù hợp với quy mô phát triển trường, lớp. Hệ quả là các trường học dồn ghép lớp, nhiều trường có số học sinh/lớp vượt quá định mức quy định. Từ đó dẫn đến việc khó khăn trong triển khai các hoạt động giáo dục, đặc biệt là chương trình giáo dục phổ thông mới. Biên chế hiện có của ngành là 18.979 người, trong đó, giáo viên là 15.962 người. Nhu cầu giáo viên trong năm học 2020-2021 theo định mức là 19.980 người. Như vậy, số giáo viên thiếu so với số giáo viên được giao là 2.433 người. Dự kiến đến năm học 2021-2022, khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 thì số giáo viên thiếu sẽ là 2.817 người. Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến nêu giải pháp: “Để giải bài toán thiếu biên chế giáo viên thì việc triển khai hợp đồng giáo viên còn thiếu theo định mức sẽ phần nào giải quyết được khó khăn, vướng mắc của ngành”.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Ngành GD-ĐT cần khẩn trương triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2020-2025); đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng GD-ĐT, tập trung phát triển nguồn nhân lực gắn với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội; nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên để phát huy trí tuệ tập thể, thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ của ngành. Đặc biệt, việc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT phải dựa vào thực tiễn của địa phương và theo lộ trình phù hợp.
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh Trần Dung
Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Trần Dung
Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu: Đối với việc đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục cần đúng nơi, đúng chỗ, tránh lãng phí. Sở GD-ĐT cần phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát quy hoạch tổng thể hệ thống trường lớp của các địa phương. Trên cơ sở đó xây dựng và đề xuất kế hoạch phát triển hệ thống trường, lớp đáp ứng yêu cầu đổi mới phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là tình hình phát triển giáo dục của từng địa phương. Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với các nguồn huy động khác từ công tác xã hội hóa giáo dục để tăng cường cơ sở vật chất, cảnh quan môi trường trong trường học.
“Trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, ngành GD-ĐT tỉnh cần phải có sự gắn kết chặt chẽ và nêu cao trách nhiệm người đứng đầu. Cùng với đó, phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để đảm bảo sự đồng đều về chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh; phát triển giáo dục nghề nghiệp và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cấp đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Đồng thời, quan tâm đổi mới, sáng tạo gắn với khoa học-công nghệ; thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua của ngành”-Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

Ươm mầm tài năng tiếng Anh trong trường học

(GLO)- Song song với các tiết học chính khóa, nhiều trường học tại huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã tích cực tổ chức ngoại khóa tiếng Anh nhằm tạo môi trường cho học sinh phát triển kỹ năng nghe-nói cũng như thúc đẩy phong trào học ngoại ngữ trong nhà trường.