Cảnh báo nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khu vực phía Tây tỉnh Gia Lai đang bước vào mùa mưa nên đứng trước nguy cơ sạt lở đất và ngập úng cục bộ. Theo đó, các địa phương đã chủ động triển khai phương án ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. 
Những năm trước, tuyến đường từ thị trấn Ia Ly vào xã Ia Kreng (huyện Chư Păh) thường bị sạt lở vào mùa mưa, gây ách tắc cục bộ. Điển hình như năm 2020, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở một đoạn taluy dài khoảng 20 m. Từ năm 2020 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Ly đã trồng thông 3 lá tuyến đường này để hạn chế sạt lở đất vào mùa mưa.
Trước những diễn biến ngày càng bất thường của thời tiết, bước vào mùa mưa lũ năm nay, UBND huyện Chư Păh xác định một số khu vực trọng điểm về ngập úng và gió mạnh tại các cánh đồng Ia Nâm (xã Chư Đang Ya), Ia Ôn (xã Hòa Phú). Khu vực có nguy cơ ảnh hưởng bởi lốc xoáy gồm các xã: Nghĩa Hòa, Chư Đang Ya, Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Ia Khươl và Hà Tây. Đặc biệt, khu vực ven sông suối, tuyến đường từ thị trấn Ia Ly vào xã Ia Kreng và thủy điện Ia Ly đứng trước nguy cơ sạt lở đất mỗi khi xuất hiện mưa lớn kéo dài.
Xử lý điểm sạt lở trên đèo Tô Na (địa phận xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) do mưa lớn gây ra. Ảnh: Lê Hòa
Xử lý điểm sạt lở trên đèo Tô Na (địa phận xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) do mưa lớn gây ra. Ảnh: Lê Hòa
Ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh-cho biết: Huyện tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trên tuyến đường từ thị trấn Ia Ly vào xã Ia Kreng khi có mưa lớn. Ủy ban nhân dân xã Ia Kreng phối hợp với Công ty Thủy điện Ia Ly chủ động nhân lực và phương tiện máy móc theo phương châm “4 tại chỗ” sẵn sàng khắc phục kịp thời khi có sạt lở xảy ra, đảm bảo lưu thông thuận lợi. 
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan vừa tổ chức đoàn kiểm tra tại các huyện: Kông Chro, Krông Pa, Đak Đoa, Ia Grai, Kbang, Đức Cơ và Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh, Thủy điện An Khê-Ka Nak, Công ty cổ phần Thủy điện Hoàng Anh Tô Na. Nội dung kiểm tra chủ yếu về nhiệm vụ của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN cấp huyện, kế hoạch PCTT và TKCN năm 2022 và giai đoạn 2021-2025; phương án ứng phó các cấp độ rủi ro của thiên tai; phòng-chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Còn tại huyện Chư Prông, mỗi khi mùa mưa đến thì nguy cơ ngập lụt, gió mạnh tại 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr là rất lớn. Vì vậy, công tác chủ động ứng phó với thiên tai được huyện triển khai từ đầu mùa mưa năm nay. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Văn Luyến cho hay: Từ đầu năm đến nay, mưa giông kèm gió mạnh đã làm 47 căn nhà tại 2 xã Ia Lâu và Ia Piơr bị hư hỏng, tốc mái. Ngay sau khi xảy ra thiên tai, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. “Vừa qua, UBND huyện đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN)  các cấp, đồng thời ban hành kế hoạch phòng-chống thiên tai giai đoạn 2021-2025 theo từng cấp độ”-ông Luyến nói.
Người dân sinh sống dọc suối Hội Phú( TP.Pleiku) bị ngập cục bộ trong mùa mưa 2021
Người dân sinh sống dọc suối Hội Phú (TP. Pleiku) bị ngập cục bộ trong mùa mưa 2021. Ảnh: Nguyễn Diệp
Theo ông Nguyễn Văn Huấn-Trưởng phòng Dự báo (Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên): Từ nay đến cuối năm, thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, trong tháng 6, lượng mưa sẽ lớn hơn trung bình nhiều năm và có thể xuất hiện 2-3 đợt mưa lớn trên diện rộng. Từ tháng 10 đến tháng 11 khả năng xuất hiện mưa lớn tạo nên các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: lũ lụt, sạt lở đất. 
Từ ngày 14-3 đến nay, thiên tai đã làm 1 người chết, 81 căn nhà bị hư hỏng, 3,5 ha cao su và 400 trụ hồ tiêu bị ngã đổ… Ước tính thiệt hại hơn 48 tỷ đồng. Ông Nguyễn Thanh Bình-Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh-cho biết: Thời gian qua, công tác phòng-chống thiên tai được các cấp, ngành rất quan tâm và chỉ đạo thường xuyên. Đặc biệt, UBND tỉnh thường xuyên có các văn bản chỉ đạo các ngành và chính quyền địa phương chủ động nhiều biện pháp ứng phó với hiện tượng thời tiết như: giông lốc, mưa lớn kéo dài dẫn đến nguy cơ sạt lở đất, ngập úng cục. Từ nay đến cuối năm, các cơ quan chuyên môn phối hợp cùng chính quyền địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có biện pháp ứng phó với thiên tai. 
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm