Bằng cử nhân của cụ bà Huỳnh Thị Thu là thông điệp gửi cho giới trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cụ bà Huỳnh Thị Thu ở Đồng Tháp vừa nhận bằng cử nhân thứ 3 ở tuổi 70. Bà là người có tuổi đời cao nhất nhận bằng cử nhân cho đến thời điểm này.

 

Cụ bà Huỳnh Thị Thu học ở Trường Đại học Đồng Tháp Ảnh: Lao Động
Cụ bà Huỳnh Thị Thu học ở Trường Đại học Đồng Tháp. Ảnh: Lao Động


Tại buổi lễ phát bằng cử nhân Ngôn ngữ Trung Quốc niên khóa 2018-2022 của khoa Ngoại ngữ - Trường Đại học Đồng Tháp có sự kiện đặc biệt: Sinh viên nhận bằng cử nhân là cụ bà Huỳnh Thị Thu, sinh năm 1952, ngụ tại xã Tịnh Thới, thành phố Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Cụ Huỳnh Thị Thu đã là cử nhân Anh Ngữ, giáo viên về hưu. Nay tiếp tục học và tốt nghiệp cử nhân Ngôn ngữ Trung Quốc ở tuổi "thất thập cổ lai hy".

Tất cả chúng ta, nhất là các bạn trẻ, tất nhiên sẽ có sự tác động và suy nghĩ trước tấm gương hiếu học của cụ bà Huỳnh Thị Thu. Ở tuổi của cụ, ít ai có đủ sự kiên nhẫn, vận động bộ não để học và tốt nghiệp cử nhân một ngành nào bất kể, nói chi đến ngành cần huy động sức nhớ ghê gớm, đó là ngoại ngữ.

Chưa kể phải có bằng cử nhân. Bất cứ ai, nếu kiên trì học một ngoại ngữ, thì trong 3 -4 năm, sẽ sử dụng được, ít nhất là giao tiếp lưu loát.

Biết vậy nhưng không nhiều người làm được, vì mãi dành thời gian cho lắm thứ vô bổ. Học tiếng Anh một giờ thấy rất khó khăn, nhưng lướt Facebook có thể suốt buổi, tán dóc với bạn bè suốt ngày.

Những bạn trẻ gia đình có điều kiện, nhưng ham chơi, đua xe, tụ tập, phá phách, hãy nhìn vào tấm gương của cụ Thu để tự soi mình.

Nhiều bạn khác than thân trách phận, nêu hết khó khăn này đến cản trở khác mà bỏ học, hãy nhìn vào tinh thần, nghị lực của cụ để noi theo.

Chúng ta nói rằng người Việt Nam có tinh thần hiếu học, điều này chỉ được chứng minh bằng thực tế, không thể là "nói lấy được". Rất may là trên thực tế, đã có nhiều tấm gương hiếu học, khơi dậy tinh thần hiếu học cho cộng đồng.

Năm 2020, cụ Trịnh Đức Chinh đã U80, trở thành học viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM. Sau hơn hai năm học thạc sĩ, học viên lão niên này đã vinh dự đạt danh hiệu thủ khoa của ngành học.

Ông Ngô Tôn Đức, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội, là sinh viên của trường Đại học Luật Hà Nội lúc ông 76 tuổi. Theo ông, “đi học là để bắt đầu một trang mới, bắt đầu một cuộc đời có ích”.

Ông Nguyễn Văn Tấn, sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, trở thành sinh viên đại học, trúng tuyển vào chương trình cử nhân trực tuyến ngành Luật của Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh năm 2021, lúc ông đã 72 tuổi.

Xã hội trân trọng những người già làm được điều hữu ích. Có người đi học, lấy bằng cử nhân, thạc sĩ, cho dù chỉ thu nhận thêm kiến thức cho họ, nhưng cũng truyền cảm hứng và nêu gương cho nhiều người khác về học tập.

Tấm bằng cử nhân của cụ bà Huỳnh Thị Thu gửi thông điệp đến cho chúng ta chỉ duy nhất hai chữ: "học tập".



https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bang-cu-nhan-cua-cu-ba-huynh-thi-thu-la-thong-diep-gui-cho-gioi-tre-1088389.ldo

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm

Ba trụ cột và 3 hành động

Ba trụ cột và 3 hành động

Một khảo sát về môi trường công vụ, điều kiện làm việc và kỳ vọng của cán bộ, công chức, viên chức TPHCM vừa được Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố thực hiện trên 12.869 phiếu đối với công chức, 76.601 phiếu đối với viên chức.
Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Kiểm soát trí tuệ nhân tạo

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong những năm gần đây đã chứng kiến nhiều tiến bộ đáng kinh ngạc, từ việc tối ưu hóa quy trình công nghiệp đến việc tạo ra các hệ thống tương tác thông minh có khả năng học hỏi và phát triển theo thời gian.
Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.