90 năm: Thay đổi diệu kỳ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tròn 90 năm trước, ngày 24-5-1932, Toàn quyền Đông Dương ban hành Nghị định tách đại lý hành chính Pleiku và đại lý Cheo Reo (nay là khu vực thị xã Ayun Pa) ra khỏi Kon Tum thành lập tỉnh Pleiku, đánh dấu sự ra đời của tỉnh Gia Lai ngày nay. Sau nhiều lần sáp nhập, chia tách, đến nay, Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ 2 trong cả nước, gồm 1 thành phố, 2 thị xã, 14 huyện, dân số trên 1,5 triệu người với 44 dân tộc anh em cùng sinh sống.

 

Thành phố Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Đức Thụy
Thành phố Pleiku ngày càng khang trang, hiện đại. Ảnh: Đức Thụy

Lịch sử khảo cổ chứng minh vùng đất này loài người sinh tồn từ 80 vạn năm trước. Ngoài 2 dân tộc bản địa có mặt nhiều ngàn năm là Bahnar và Jrai, người Chăm cũng từng cư ngụ, song có lẽ vì sự khắc nghiệt của thiên nhiên nên thoái lui, chỉ lưu dấu qua đền đài, miếu mạo. Vùng Đông Gia Lai ngày nay, thời Anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ dấy binh, mới bắt đầu sự hiện diện của người Kinh. Phải đến giữa thế kỷ XIX, khi những Thừa sai người Pháp lén lút tìm đường lên cao nguyên truyền đạo, sau đó Pháp đặt ách thống trị, dòng người từ miền xuôi mới tìm đến Gia Lai.

Ngày Gia Lai ra đời, vùng đất này hãy còn hết sức hoang hóa, nguyên sơ, ít người bên ngoài biết đến. Nền tảng kinh tế-xã hội, hạ tầng giao thông, kỹ thuật... chưa có gì. Tiếp 43 năm sau đó, qua 2 thời kỳ cai trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đời sống kinh tế-xã hội nơi đây không có sự đổi thay đáng kể: Đói nghèo, lạc hậu, mù chữ là những câu từ nổi bật khi nói về tình cảnh chung của người dân giai đoạn này.

Trong lịch sử 90 năm của tỉnh Gia Lai, sự đổi thay toàn diện phải bắt đầu từ sau ngày 30-4-1975. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, sau ngày nước nhà thống nhất, Gia Lai phải nhiều năm căng mình giải quyết vấn nạn FULRO trong nội địa và bọn diệt chủng Pol Pot ở biên giới, song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, chăm lo đời sống người dân. Vì thế, thời gian để Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc tỉnh toàn tâm toàn ý sản xuất, phát triển kinh tế bị ảnh hưởng đáng kể so với nhiều địa phương khác.

Giữa bối cảnh khó khăn phức tạp ấy, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng bộ tỉnh, Gia Lai đã phát huy những tiềm năng, lợi thế “địa lợi, nhân hòa” để cư dân khắp nơi đến xứ sở này an cư, lạc nghiệp. Đồng bào hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước đều có mặt ở Gia Lai. 44/54 dân tộc anh em gia đình Việt quy tụ về đây nói lên điều đó. Cùng với người bản địa, cư dân từ khắp nơi đến đây góp công sức nhanh chóng biến một vùng đất hoang hóa thuở nào thành Gia Lai trù phú như hiện nay, bao gồm: 97.300 ha cà phê, 95.000 ha cao su, 78.000 ha mì, 65.000 ha lúa, 45.000 ha bắp, 34.000 ha rau các loại, 30.000 ha mía, gần 20.000 ha cây ăn quả, 14.000 ha hồ tiêu… Đàn gia súc đang vươn lên nhất nhì cả nước. Thế mạnh về thủy điện, điện gió, điện mặt trời đang được phát huy. Ngành chế biến lâm sản đang chuyển dần từ nguyên liệu gỗ tự nhiên, gỗ nhập khẩu sang gỗ rừng trồng. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước như: Trường Hải, Thành Thành Công, Trung Nam, De Heus (Hà Lan)… đã có mặt ở Gia Lai.

Cùng với sự khởi sắc kinh tế, các chỉ số xã hội đã thay đổi nhanh chóng. Nếu sau năm 1975, đời sống đại bộ phận người dân đều thiếu đói hàng năm, nhất là thời điểm giáp hạt, 95% dân số mù chữ thì đến nay, tình trạng đói trong đồng bào dân tộc thiểu số cơ bản đã giải quyết. Cuối năm 2021, toàn tỉnh chỉ còn chưa đến 4% hộ nghèo, con em trong độ tuổi đều được đến trường, biết đọc, biết viết, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, THCS. Điện, đường, trường, trạm có mặt hầu khắp buôn làng. Nhiều địa phương trong tỉnh hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Người dân vùng sâu, vùng xa từ lạc hậu, tăm tối đã tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, thế giới văn minh. Đồng bào các dân tộc Gia Lai có nhiều cơ hội học tập, rèn luyện, trưởng thành trên mọi lĩnh vực. So sánh cuộc sống ngày nay với 50, 30 năm trước, có thể khẳng định rằng Gia Lai đổi thay một cách diệu kỳ!

Nhìn lại chặng đường 90 năm qua, chúng ta càng tự hào, vững tin trên con đường lựa chọn phía trước. Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng, công tác điều hành năng động, nhạy bén của chính quyền các cấp, sự đồng tâm ủng hộ của người dân sẽ đưa tỉnh nhà phát triển nhanh chóng, bền vững, hoàn thành mục tiêu mà Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh .

 

HOÀNG DŨNG
 

Có thể bạn quan tâm

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Sao mãi để trẻ bị bạo hành?

Lại một vụ trẻ mầm non bị bạo hành, lại từ một lớp mầm non tư thục nhỏ lẻ; lại các cơ quan, ban ngành vào cuộc yêu cầu đình chỉ, xử lý nghiêm… Thế nhưng cái gốc để không tái diễn tình trạng này thì nói bao nhiêu năm vẫn vậy.
Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Làm sạch, đẹp không gian du lịch

Tình trạng ô nhiễm rác thải do thiếu ý thức sẽ tái diễn, không gian du lịch bị vấy bẩn bởi rác trên đường và "rác trong ý thức", làm ảnh hưởng ngành du lịch Việt Nam, đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam
Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.