"Quà" Việt Á và khoản nợ y bác sĩ chống dịch: Trên cả vô cảm, đó là sự phản bội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khi nói đến con số hàng nghìn tỷ đồng thu lợi từ kit xét nghiệm trong vụ Việt Á và những "món quà" hàng chục tỷ, không biết những nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch, mà quá nửa trong số họ đến nay còn chưa được nhận một đồng phụ cấp nào, sẽ nghĩ gì?

1, Khi trao đổi về "vụ Việt Á", một luật sư bạn tôi nói: Tôi rất muốn biết làm thế nào thành quả nghiên cứu của một đề tài khoa học cấp Nhà nước, thuộc sở hữu Nhà nước 100% lại được trao rất nhanh chóng cho một doanh nghiệp tư nhân khai thác thương mại?

Luật sư phân tích: Theo Luật Khoa học và Công nghệ, để xin được chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu thuộc sở hữu Nhà nước, đơn vị chủ trì nghiên cứu (trường hợp này là Học viện Quân Y) và chủ sở hữu (Bộ Khoa học - Công nghệ) phải thực hiện không ít thủ tục, với thời gian có thể kéo dài cả tháng. Nếu đó là một đơn vị không phải chủ trì nghiên cứu, như công ty Việt Á, thì các bước xin phép, xét duyệt… càng phải thực hiện cẩn trọng hơn. Vì vậy, câu chuyện Việt Á nhanh chóng nhận được quyền sử dụng kết quả nghiên cứu để khai thác thương mại quả thật là một kỳ tích.

Dân ta có câu: Một mất mười ngờ. Khi vụ việc vỡ lở, hàng trăm câu hỏi, hàng nghìn mối ngờ vực bung ra là điều dễ hiểu. Nhất là, đằng sau công ty Việt Á vẫn còn bao bí ẩn: Những người chủ thực sự của công ty, nắm giữ 80% cổ phần, là ai? Năng lực thật sự của công ty này tới đâu, với nhà xưởng nhỏ bé và thiết bị đơn sơ? Liệu có chăng việc công ty không sản xuất mà nhập các bộ xét nghiệm về bán cho nhanh?

Ngờ vực là tất yếu, khi không chỉ có một địa phương có quan chức nhận tiền đến hàng chục tỷ từ Việt Á. Không thể không ngờ vực có sự tiếp tay, khi một công ty tư nhân khởi nghiệp từ số vốn 80 tỷ đồng có thể "triển khai" cả một chiến dịch bán hàng kê khống giá trên gần như toàn bộ đất nước, thu lợi hàng nghìn tỷ đồng.

2, Có một chuyện cả tôi và anh luật sư (dám chắc nhiều người khác nữa) rất quan tâm: Với việc trao cho Việt Á quyền khai thác, thậm chí tên bộ xét nghiệm cũng được quen miệng gọi luôn là "kit test Việt Á", để rồi doanh nghiệp này kiếm tới 4.000 tỷ đồng, thì Nhà nước được nhận lại gì?

Xin đừng nói rằng Nhà nước nhận được nguồn cung cấp bộ xét nghiệm để đáp ứng nhu cầu chống dịch, và thế là đủ. Vào thời điểm tháng 3-4/2020, số ca nhiễm của Việt Nam còn ít, các chiến dịch xét nghiệm diện rộng chưa tiến hành. Chúng ta hoàn toàn có đủ thời gian và tiền bạc (với số tiền 4.000 tỷ đồng) để lựa chọn các nguồn cung cấp khác nhau. Thực tế, Việt Nam đã sử dụng nhiều bộ xét nghiệm từ nhiều nhà sản xuất, nhiều nguồn cung cấp mới đủ cho các đợt xét nghiệm với hàng triệu người trên diện rộng.


 

Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Ảnh: Vietacorp
Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á. Ảnh: Vietacorp



Cũng xin đừng nói Nhà nước không cần tiền. Tháng 9/2021, Bộ trưởng Tài chính cho biết ngân sách dự phòng để bổ sung kinh phí chống dịch, mua vaccine đã cạn kiệt. Trong nhiều thời điểm, Nhà nước phải kêu gọi người dân đóng góp cho Quỹ Vaccine, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm và tài trợ mua vaccine. Rồi hàng triệu người dân cần được giúp đỡ, hàng nghìn doanh nghiệp hỗ trợ. Nhà nước rất cần tiền. Vậy từ việc trao quyền khai thác kết quả nghiên cứu này, Nhà nước được bao tiền? Thật đáng tiếc vì đến tận giờ phút này, con số vẫn chưa được công khai.

Chẳng những thế, nguồn tiền bỏ ra để mua sản phẩm kit xét nghiệm Việt Á với giá kê khống, không đâu khác chính là ngân sách Nhà nước. Thậm chí chính Học viện Quân Y cũng bỏ ra hàng tỷ đồng để mua sản phẩm do chính mình làm chủ trì nghiên cứu.  



Nếu không rõ ngân sách thu được bao nhiêu từ kit test Việt Á, thì e rằng thiệt hại của Nhà nước là thiệt hại kép.

3, Một kết quả khảo sát công bố ngày 18/12 cho biết: Hơn 62% nhân viên y tế tham gia chống dịch được khảo sát chưa nhận được bất kỳ một khoản phụ cấp nào.

Có đến 80,9% nhân viên y tế nói họ chỉ có thể chi trả một phần, hoặc không thể chi trả nổi chi phí sinh hoạt. 40% nhận thấy họ bị suy giảm sức khỏe thể chất. 70% cảm thấy lo lắng hoặc bị trầm cảm.

Áp lực công việc nặng nề và chế độ đãi ngộ không tương xứng khiến số nhân viên y tế nghỉ việc tăng mạnh. Tới 60% nhân viên y tế, tuy có kế hoạch tiếp tục duy trì công việc, nhưng cho biết họ không chắc chắn. Tình trạng nghỉ việc nghiêm trọng tới mức ngành y tế phải ban hành văn bản "đe" rút giấy phép hành nghề với nhân viên y tế tự ý rời bỏ nhiệm vụ.

Đãi ngộ không phải là vấn đề lớn nhất với lực lượng y tế chống dịch. Họ còn hy sinh cả tính mạng, chấp nhận rời xa gia đình con cái. Có những người lập bàn thờ từ xa khi cha mẹ qua đời. Đãi ngộ bằng tiền chỉ là cách thức đơn giản nhất để ghi nhận công lao quá lớn của họ.

Ngay cả sự đãi ngộ đơn sơ nhất ấy còn chưa được làm cho tử tế. Vì thế, hẳn phải vô cảm, vô ơn với những ân nhân của xã hội lắm người ta mới đem hàng nghìn tỷ đồng, lẽ ra có thể chi cho đãi ngộ nhân viên y tế, để phung phí vào việc mua với giá cao vô lý một sản phẩm vốn thuộc về sở hữu Nhà nước.

Còn với những kẻ khoác áo ngành y mà dấm dúi nhận những chục tỷ "hoa hồng" trong khi đồng đội đang hy sinh ngoài mặt trận, thì không có từ ngữ nào xứng đáng hơn để mô tả họ, ngoại trừ: Phản bội.

https://danviet.vn/tren-ca-vo-cam-do-la-su-phan-boi-20220104060204064.htm
 

Theo Quảng Hà (Dân Việt)

 

Có thể bạn quan tâm

Nỗi lòng người làm công ăn lương

Nỗi lòng người làm công ăn lương

Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng thêm 6 tháng; một số luật liên quan đến bất động sản cũng đang được trình xin có hiệu lực sớm..., những thông tin này khiến người làm công ăn lương, đối tượng đóng góp khoảng 70% tổng số thu thuế thu nhập cá nhân cảm thấy "ganh tị".
Tìm thầy cho bóng đá Việt

Tìm thầy cho bóng đá Việt

Hôm qua 3-5, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã chính thức công bố HLV người Hàn Quốc Kim Sang-sik sẽ dẫn dắt đội tuyển quốc gia và U23 nam trong thời hạn gần 2 năm với các mục tiêu cụ thể tại AFF Cup 2024 và SEA Games 2025.
Giải nhiệt cho đô thị

Giải nhiệt cho đô thị

Hầu hết các đô thị ở phía nam hiện đang rất bức bối với các ngày nắng nóng cực đoan, khi mà nhiều nơi nhiệt độ không khí ngoài đường phố có lúc ghi nhận lên đến 44 - 45 độ C.
Nghịch lý về điện

Nghịch lý về điện

Giữa mùa nắng nóng, đang phập phồng lo cúp điện vì quá tải, thiếu nguồn thì nghe đề xuất của Bộ Công Thương về việc mua điện mặt trời áp mái với giá 0 đồng.
Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Xây dựng thị trường lao động chất lượng

Ngày Quốc tế Lao động 1-5 là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử đấu tranh, xây dựng và trưởng thành của giai cấp công nhân; khẳng định vị trí, vai trò cùng những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân và người lao động (NLĐ) cho sự phát triển của kinh tế - xã hội.
Nhân lên niềm vui chiến thắng

Nhân lên niềm vui chiến thắng

(GLO)- Sau 49 năm giải phóng, Gia Lai đã vươn lên trở thành trung tâm của khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực của Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tinh thần Chiến thắng 30-4 đã được kế thừa, phát huy và nhân lên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Nâng chất lao động ngành du lịch

Nâng chất lao động ngành du lịch

Người lao động làm trong ngành du lịch đến từ Philippines, Thái Lan, Indonesia, Singapore có mặt ở các khách sạn 4-5 sao tại Việt Nam đang khá nhiều. Điều này cho thấy, lao động ngành du lịch đang bị cạnh tranh việc làm ngay trên sân nhà.