Mở khóa tư duy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 14.1, báo chí phản ánh ít nhất 30 hộ dân tại xã Thiệu Phú, H.Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, bị cán bộ thôn khóa cửa cổng do có người thân về quê ăn tết từ vùng dịch cấp độ 3, 4.

Vài ngày sau, 17.1, chính quyền địa phương tại Thái Bình xác nhận một gia đình ở thôn Cao Bạt Lụ, xã Nam Cao, H.Kiến Xương, có 2 cháu nhỏ trở về từ TP.Hải Phòng vào ngày 9.1, cũng bị khóa trái cửa để “thực hiện cách ly y tế”.

Sau khi báo chí phản ánh, dư luận bức xúc, chính quyền sở tại đã nhanh chóng chỉ đạo… mở khóa cho các hộ dân. Những người đứng đầu chính quyền địa phương, ở cấp xã và cả cấp huyện, sau đó đều giải thích rằng việc khóa trái cửa với các hộ dân đều là do “tự nguyện” dù biết đây là việc “máy móc” và “không nên làm”.

Thế nhưng, việc khóa trái cửa “nhốt” nhiều người dân trong nhà không chỉ là việc không nên làm hay đơn thuần là suy nghĩ máy móc.

Mọi người dân đều có quyền tự do đi lại và tự do cư trú. Đó là điều đã được quy định trong Hiến pháp. Khóa trái cửa nhà dân cho dù vì lý do chống dịch, là vi phạm pháp luật, vi phạm những quyền cơ bản nhất của công dân đã được hiến định.

Kể cả khi người dân “tự nguyện”, thậm chí là tự đề xuất (theo cách chẳng đặng đừng, để không phải đi cách ly tập trung như 2 trường hợp nói trên) đi nữa, thì những cán bộ chính quyền với trình độ, bằng cấp ngày càng cao, cũng phải nhận thức được đó là hành vi phạm pháp.

Nghị quyết của Chính phủ hay hướng dẫn của Bộ Y tế không có nội dung nào hướng dẫn về sự “linh động”, hay “đặc thù” trái pháp luật như cách mà các lãnh đạo này dùng để tự bào chữa.

Nỗi lo bùng dịch từ người dân về quê đón tết dường như đang ám ảnh chính quyền các địa phương khi mấy ngày gần đây người ta chia sẻ cho nhau về các quy định phòng dịch ở quê mình đối với người dân từ xa về. Mỗi nơi một kiểu, mỗi tỉnh một cách. Tỉnh đòi cách ly, tỉnh lại đòi xét nghiệm và có thể sẽ còn những huyện, xã hay thôn sẽ tiếp tục khóa cửa nhà dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khi trả lời chất vấn trước Quốc hội đã khẳng định, rất nhiều nơi hiểu sai chủ trương “mỗi xã, phường, thị trấn là một pháo đài chống dịch”. Bởi vì, theo Thủ tướng, lẽ ra phải lấy đơn vị xã, phường, thị trấn làm nơi tổ chức công việc cho chống dịch, thì nhiều nơi đã hiểu “pháo đài” này như cái lô cốt để vây lại.

Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19 đã được ban hành từ hơn 3 tháng trước, khi độ phủ vắc xin chưa như hiện nay. Đó là một bước chuyển đổi về tư duy chống dịch ở cấp cao nhất. Bởi sau 2 năm, chúng ta đã có đủ bài học để nhận ra rằng, vi rút gây đại dịch không phân biệt địa giới hành chính và những hàng rào dây kẽm gai không giúp ngăn chặn vi rút lây lan.

Thế nhưng, ở nhiều địa phương, dù những chiếc khóa sắt khóa trái cửa nhà người dân đã được mở dưới áp lực của dư luận, rất nhiều chiếc khóa trong tư duy của cán bộ, chính quyền vẫn đang cần phải được mở, để người dân cả nước có thể thực sự bước vào một cuộc sống “bình thường mới”.

Theo LÊ HIỆP (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Cần lắm mảng xanh đô thị

Cần lắm mảng xanh đô thị

Cách đây chưa lâu, một chủ thầu xây dựng ở Singapore bị tòa án nước này phạt 25.000 USD vì đã chặt hạ một cây xanh cao 20 m. Một công dân khác chặt 1 cây xoài và 2 cây chôm chôm trong vườn nhà mình cũng bị phạt tổng cộng 6.000 USD.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.
Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).