Làm sạch ngành y

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Khoản tiền bất chính 4.000 tỉ đồng Việt Á thu về và 800 tỉ đồng dùng để hối lộ, bôi trơn là quá lớn, nhưng đáng sợ hơn chính là tội ác họ đã gây ra cho đồng bào mình. Tội ác ấy phải được trừng trị đích đáng, bất kể là ai, không có vùng cấm, để vinh danh những nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch.

Thường thì khi trong cộng đồng xã hội, trong một ngành nghề, đến cả gia đình  nào đó có những kẻ xấu xa, thậm chí phạm tội, "giận cá chém thớt", người ta lại gán cho xã hội, ngành nghề, gia đình đó hoàn toàn xấu xa, phạm tội đáng phải lên án. Nhưng tôi nghĩ, con người luôn mang trong đó những mặt đối lập tốt - xấu, hay - dở… Vì thế, quá trình sống không thể không gạn đục khơi trong, tự rèn luyện để tốt hơn.

Tôi ám ảnh từ lâu vở kịch "Đêm trắng" có nhân vật chính lấy nguyên mẫu từ đại tá Trần Dụ Châu bị tử hình vì tội tham ô trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thao thức trọn đêm trước khi hạ bút ký quyết định tử hình một sĩ quan quân đội cao cấp mà mình từng bổ nhiệm. Trần Dụ Châu bị tước sự sống, một kết cục nhục nhã dành cho kẻ vô liêm sỉ, tên thoái hóa biến chất. Nhưng không thể lấy trường hợp y để bôi xấu hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ" cao đẹp và cuộc kháng chiến thánh thần của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.

Minh triết sống của người Việt "thương người như thể thương thân" càng tỏa sáng và thể hiện cực kỳ sinh động trong đại dịch. Nhưng trong cảm nhận của tôi công lao lớn nhất chắc chắn phải thuộc về lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, mà tiêu biểu nhất, không ai khác là đội ngũ thầy thuốc, là ngành y.

Mùa thu năm 2021, tôi đã không cầm được nước mắt khi xem bức ảnh của cô em họ đưa lên Facebook. Trong bộ đồ cách ly màu xanh da trời chưa kịp cởi ra, khuôn mặt em tôi đầm đìa mồ hôi còn hằn in dấu khẩu trang. Lúc ấy, Quảng Bình quê tôi dịch đang bùng phát mạnh, trung tâm y tế dự phòng huyện nơi em đang làm việc phải thần tốc truy vết người bị nhiễm bệnh. Ngày đêm đuổi theo công việc, không mấy khi được về nhà, con cái phải nhờ bà ngoại chăm nom. Tuy nhiên, Quảng Bình chưa phải là tâm dịch, điểm nóng, vùng đỏ của đất nước lúc đó. Phải kể đến Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng và sau này là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội… Cái sự vất vả, hi sinh của những người thầy thuốc ở vùng tâm dịch nóng bỏng kể làm sao, nói làm sao cho hết đây.

Đại dịch Covid-19 vô cùng nguy hiểm và nhiều tang thương thực sự đã làm đảo lộn cuộc sống nhân loại. Đối mặt với kẻ thù vô thanh và gần như vô hình đó là các thầy thuốc. Họ có nhiệm vụ làm chậm lại bước tiến âm thầm nhưng siêu nhanh theo cấp số nhân của loại virus quái đản này. Họ phải cứu đồng bào mình ra khỏi bàn tay gớm ghiếc của thần chết. Thêm một bệnh nhân được khỏi bệnh là thêm một nụ cười nở trên môi người thầy thuốc. Ngược lại, có một người thành làn khói bay vào hư vô là thêm một giọt nước mắt của các lương y. Ánh mắt người thầy thuốc sáng bừng lên khi nâng trên tay tiếng khóc oe oe vừa chào đời trong những bệnh viện điều trị Covid-19. Nhưng cũng nỗi đau buồn trong đại dịch khía vào tâm can họ nhức nhối.

Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 "đi sau về trước" của Việt Nam khiến thế giới ngỡ ngàng có được như vậy chăng nếu không có đội ngũ thầy thuốc tận tâm ở khắp ba miền, từ miền xuôi lên vùng cao, từ đô thị đến nông thôn… Còn nhiều, nhiều lắm câu chuyện tốt lành muốn kể, nên kể về những người thầy thuốc trong cơn "siêu bão" màu đen mang tên Covid-19 này.

Càng yêu thương, tự hào về ngành y chúng ta càng căm phẫn, xót xa khi vụ việc kit test do công ty Việt Á và đồng lõa gây ra vừa qua. Một cú sốc kinh hoàng với nhân dân. Trong khi toàn Đảng, toàn dân dồn sức chống dịch thì lại có một nhóm người táng tận lương tâm, đánh mất liêm sỉ, kiếm tiền. Họ không chỉ muốn kiếm tiền mà muốn thu lại rất nhiều tiền bằng hành vi giả dối, lừa đảo, hối lộ…

Khoản tiền bất chính 4.000 tỉ đồng Việt Á thu về và 800 tỉ đồng dùng để hối lộ, bôi trơn là quá lớn, nhưng đáng sợ hơn chính là tội ác họ đã gây ra cho đồng bào mình. Họ định làm giàu, cực giàu trên nỗi tang thương dân tộc; đúng là "sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi". Tội ác ấy phải được trừng trị đích đáng, bất kể là ai, không có vùng cấm. Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã xác định quyết tâm như thế. Kẻ gây tội phải đền tội, lẽ đời xưa nay là thế.    

Dù những việc làm sai trái của cái gọi là "Công ty…Việt Á" và những người liên quan đang "chiếm sóng",  thì phần lớn các thầy thuốc, nhân viên y tế xứng đáng được yêu thương và tôn vinh trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 nói riêng và chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh cho nhân dân nói chung. Ở đâu, lúc nào ta cũng gặp các thầy thuốc làm đúng lời Bác Hồ dặn "Lương y như từ mẫu".

"Việt Á" và những kẻ đồng lõa đã nhúng chàm chắc chắn không thể đại diện cho ngành y của đất nước hiện nay; nó chính là sự hắc ám đang bị lôi ra ánh sáng, bị trừng phạt trong một ngày gần đây, để đội ngũ thầy thuốc Việt Nam được trọn vẹn tin cậy và trân trọng.

https://danviet.vn/lam-sach-nganh-y-20220115102809219.htm
 

Đại tá, nhà văn Nguyễn Hữu Quý
(Dẫn nguồn Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tự giác… thoát nghèo

Tự giác… thoát nghèo

Từ cuối năm 2023 đến nay, Mường Lát, huyện nghèo nhất tỉnh Thanh Hóa và là một trong những huyện nghèo nhất nước, đã có hơn 100 hộ gia đình ở các xã biên giới Mường Chanh, Quang Chiểu xung phong thoát nghèo.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

“Tôi yêu Tổ quốc tôi”

(GLO)- Những ngày tháng 4 lịch sử này, khi cả nước đang hướng đến chào mừng kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức nhằm nhân lên tình cảm thiêng liêng dành cho Tổ quốc.